Theo chương trình đào tạo, tháng 7/2023, Trường Trung cấp Nghề Bỉm Sơn cử học sinh khoá 15 đi thực tập trải nghiệm tại thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên. Đơn vị tiếp nhận học sinh thực tập là Công ty TNHH Hợp tác lao động Toàn Cầu (có địa chỉ tại TP Bắc Ninh) theo bản hợp đồng được ký kết với Nhà trường. Thời gian thực tập dự kiến kéo dài 3 tháng.
Tuy nhiên, thay vì bố trí nơi thực tập cho các cháu, phía Công ty Toàn Cầu lại thông qua các công ty cung ứng lao động, đưa các cháu học sinh đi làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử dựa theo nhu cầu của các doanh nghiệp này.
Hậu quả là, có cháu học sinh đi thực tập đến 3 tuần, được người của các công ty cung ứng lao động đưa đi phỏng vấn tới 3 lần vẫn không nơi nào nhận. Trong khi, có những cháu được chia thành từng tốp, đưa vào làm công nhân tại các công ty sản xuất linh kiện điện tử trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên dưới dạng công nhân thời vụ. Không hề có một chương trình thực tập sản xuất nào dành cho học sinh như kế hoạch và cam kết của nhà trường trước đó. Các cháu có được bố trí công việc hay không, làm việc ở đâu, trong bao lâu phụ thuộc hoàn toàn vào đơn vị cung ứng và nhu cầu của doanh nghiệp đối tác.
Chỉ một ngày sau khi đặt chân tới “thành phố công nghiệp” - Sông Công, cháu Nguyễn Thị Thùy Dung (sinh ngày 5/3/2007), lớp May K15A, Trường Trung cấp Nghề Bỉm Sơn nhanh chóng được đưa đi làm tại một doanh nghiệp chuyên lắp ráp điện tử - Công ty KHvatec (KCN Điềm Thụy, Thái Nguyên).
Dung nói công việc ban đầu là kiểm tra chất lượng sản phẩm nhưng sau đó phải tham gia sản xuất. “Hồi đầu, mấy anh chị bảo cháu ngồi trước màn hình máy tính soi, kiểm tra sản phẩm. Lúc người Hàn Quốc đi kiểm tra thì ngồi soi, sau khi họ đi thì bọn cháu được yêu cầu chạy sản lượng, tham gia sản xuất. Mỗi tiếng cháu làm được 14 khay, trong khi sản lượng đặt ra là 36 khay”, Dung kể.
“Có hôm làm không theo kịp, phải ở đó chạy sản lượng xong mới thôi. Cuối giờ không đủ sản lượng thì phải dồn sang hôm sau. Lúc đó, nhẹ thì bị nói móc, nặng thì bị quát, chửi. Có những đứa làm nhiều quá sức, mệt, đến khi tăng ca vừa làm vừa ngủ gật…”, Dung kể tiếp.
Ngày 11/8/2023, Nguyễn Thị Thùy Dung, học sinh lớp May K15A, Trường Trung cấp Nghề Bỉm Sơn được gia đình đưa về Thanh Hóa. Trên đường qua Hà Nội, họ đã tới Tạp chí Lao động và Công đoàn phản ánh sự việc - Ảnh: Minh Khôi |
Hằng ngày, Dung và các bạn được đưa đi làm bằng xe bus, cách ký túc xá khoảng chục cây số. Cháu thường có mặt tại công ty trước 8 giờ sáng và ra khỏi nhà xưởng sau 7 giờ tối.
Trong thời gian này, Dung một lần phải xin nghỉ phép vì bị ốm. Cháu nói, làm triển miên tăng ca khiến cơ thể mệt mỏi, đau đầu: “Cháu không chịu được, không dậy được, người cháu lả đi, hôm sau cháu ốm luôn. Dù có xin phép chị Hạnh (Giám đốc Công ty Toàn Cầu - PV) nhưng vẫn bị “ăn” biên bản, và phạt 500 nghìn đồng”.
Cô bé 16 tuổi nói rằng trước khi đi cũng chỉ biết là được đi thực tập trải nghiệm nên rất hào hứng. Dung cứ nghĩ thực tập là sẽ được hướng dẫn, làm quen với môi trường công nghiệp, và công việc nhẹ nhàng phù hợp lứa tuổi. Nhưng thực tế, Dung làm công việc của một công nhân thực thụ, thậm chí phải tăng ca.
Phụ huynh vượt hàng trăm cây số để đón các cháu về, chấm dứt sớm kỳ thực tập - Ảnh: NVCC |
“Một hôm có người vào trong xưởng hỏi có ai xin làm ca ngày không. Cháu giơ tay, họ hỏi lý do. Cháu bảo sức khoẻ cháu không tốt, không làm ca đêm được. Đến lúc chiều anh quản lý gọi mấy đứa cháu lên, bảo: Ở đây không có chuyện ca ngày, ốm thì nghỉ, không làm nữa. Xong bọn em bị chửi. Có đứa suýt khóc. Họ bảo: Ở đây không có nhà thầu nào có thể can thiệp được vào đây, biết chưa. Ở đây chỉ có làm cho công ty thôi”, Dung kể lại.
Chị Vũ Thị Hồng, dì ruột của Dung cho biết, hôm 10/8, cháu Dung gọi điện nhờ lên bảo lãnh cho về vì thường xuyên làm việc quá 8 tiếng, sức yếu không theo được.
Khi hỏi chuyện, Dung kể rằng mẹ đang làm công nhân trong Bình Dương, lúc đầu cháu không muốn gia đình lo lắng nên quyết định giấu mọi chuyện. Nhưng sau đó không thể chịu được nữa nên cháu quyết định kể lại sự việc.
Công ty KHvatec (KCN Điềm Thụy, Thái Nguyên), nơi Dung và các bạn từng làm việc - Ảnh: Văn Quân |
Bảng tự chấm công của Dung được ghi chi tiết trong điện thoại cho thấy, từ 14/7 đến 5/8/2023 cháu đi làm tại Công ty KHvatec 19 ngày, công việc chủ yếu bắt đầu lúc 8h và kết thúc lúc 19 giờ 10 phút hoặc đôi khi 19 giờ 30 phút. Khoảng thời gian này, cháu phải nghỉ làm một buổi do bị ốm.
Với mong muốn làm rõ thông tin trên, để biết chính xác Dung có thường xuyên phải làm quá 8 tiếng/ngày như cháu nói, chiều 16/8, PV Tạp chí Lao động và Công đoàn tới Công ty KHvatec (KCN Điềm Thuỵ, Sông Công, Thái Nguyên) liên hệ tìm hiểu. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp từ chối làm việc.
Lần theo bảng tự chấm công của Dung, PV tiếp tục tìm đến Công ty TNHH SR Tech (KCN Sông Công) - nơi cháu Dung từng làm việc một ngày (ngày 7/8/2023, từ 8 giờ đến 19 giờ - theo thông tin Dung tự ghi chú).
Bà Nguyễn Thị Hải Anh – Trưởng phòng Nhân sự của Công ty sau khi kiểm tra thông tin cá nhân và trích xuất dấu vân tay của Dung, cho biết ngày hôm đó Dung bắt đầu vào xưởng SUB lúc 7 giờ 41 phút và ra khỏi xưởng lúc 19h. Đại diện Công ty xác nhận ngày 7/8/2023, cháu Dung “đứng trên chuyền, làm như các công nhân khác” trong thời gian 9 tiếng.
Công ty TNHH SR Tech (KCN Sông Công) - Ảnh: Minh Khôi |
Bà Hải Anh thừa nhận trường hợp này không đúng quy định thời giờ làm việc của người chưa thành niên: “Đúng luật nó chỉ làm 8 tiếng. Nhưng công ty kia (cung ứng – PV) không nói để chúng tôi sắp xếp riêng cho đối tượng thực tập… Chính chúng tôi cũng không biết bạn ấy là học sinh thực tập”.
Một điểm đáng chú ý, thông tin từ đại diện Công ty SR Tech, Dung vào làm việc không qua Công ty TNHH Hợp tác lao động Toàn Cầu (đơn vị ký hợp đồng với nhà trường), mà qua một công ty cung ứng có tên “nhà Hải Nam”.
“Các nhà đấy phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về người của mình”, bà Hải Anh nói, đồng thời cho biết tiền công của các lao động như Dung được trả cho công ty cung ứng, còn thực tế công ty cung ứng trả người lao động thế nào, bà Hải Anh không nắm được.
Có thể thấy, mặc dù hình thức là đưa học sinh đi thực tập nhưng trong thực tế các cháu không hề thực tập theo đúng nghĩa mà trở thành những công nhân lao động bình thường. Các cháu được bố trí vào dây chuyền sản xuất, phải hoàn thành công việc, làm tăng ca… dưới sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động.
Theo luật sư Vũ Ngọc Hà – Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn tỉnh Đồng Nai: “Về nguyên tắc, học sinh thực tập thì doanh nghiệp không phải trả tiền lương. Tuy nhiên, phía công ty sử dụng lao động có trả tiền lương cho công ty cung ứng lao động dựa trên số giờ làm việc của học sinh do họ đưa vào. Cho nên phải khẳng định về bản chất không phải là quan hệ thực tập mà là quan hệ lao động”.
Luật sư Vũ Ngọc Hà đánh giá hợp đồng tiếp nhận học sinh thực tập giữa nhà trường và Công ty TNHH Hợp tác lao động Toàn Cầu không ổn, bởi thực tế những gì đã diễn ra, phía công ty không có điều kiện máy móc, nhà xưởng cho học sinh thực tập nghề. Mặt khác, việc đưa các cháu học sinh dưới 18 tuổi vào làm việc tại dây chuyền sản xuất của các công ty khác, thì việc giao kết hợp đồng phải có ý kiến của người giám hộ cho các cháu và đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về lao động.
Công ty TNHH Hợp tác lao động Toàn Cầu (mã số thuế 2301173088) có địa chỉ tại số 48 Kim Lân, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Công ty do bà Hoàng Thị Hồng Hạnh là người đại diện. |
Ở đây, Công ty đã vi phạm nguyên tắc sử dụng lao động chưa thành niên, căn cứ Điều 144 Bộ luật Lao động 2019: “Khi sử dụng lao động chưa thành niên, người sử dụng lao động phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ; lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, công việc đang làm, kết quả những lần kiểm tra sức khỏe định kỳ và xuất trình khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu”.
Luật sư Vũ Ngọc Hà cho biết, căn cứ Khoản 2 Điều 146 Bộ luật Lao động 2019 quy định về thời giờ làm việc của người chưa thành niên, đơn vị sử dụng lao động đã có hành vi vi phạm khi để các cháu học sinh dưới 18 tuổi phải làm việc trên 8 giờ/ngày và trên 40 giờ/tuần.
“Rõ ràng trường hợp này có việc lợi dụng quan hệ thực tập trở thành quan hệ lao động. Giữa nhà trường và công ty ký với nhau là hợp đồng tiếp nhận sinh viên thực tập nhưng thực tế đó lại là quan hệ sử dụng lao động. Các bên đã lập lờ với nhau trong khái niệm, lợi dụng sức lao động của các cháu để mà phục vụ cho nhu cầu của phía doanh nghiệp”, luật sư Vũ Ngọc Hà nhận định.
Theo luật sư Lại Thu Trang – Giám đốc Công ty Luật TNHH Gia Việt Global, không chỉ nhà trường, Công ty Toàn Cầu mà các công ty đã sử dụng những em học sinh thực tập này, nếu để các em làm đêm, hoặc quá thời giờ quy định đối với lao động chưa thành niên cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của mình.
Mời quý độc giả đón đọc Kỳ 2: Ám ảnh làm ca đêm triền miên
Bài viết: MINH KHÔI Video: MINH KHÔI - VĂN QUÂN - TUYẾT HẰNG Đồ họa: AN NHIÊN |