“Có lần, tôi chạnh lòng khi nghe một người nhận xét phiến diện về công đoàn mà không biết rằng rất lớn mình được thụ hưởng từ nỗ lực của tổ chức đại diện. Thêm vào đó, còn một bộ phận cán bộ công đoàn có năng lực nhưng chưa tự tin để sánh vai với các công đoàn thế giới, chủ động học hỏi, kinh nghiệm thu hút, tập hợp công nhân lao động, ứng dụng sáng tạo và mang lại nhiều lợi ích hơn cho người lao động. Tôi nhận thức rằng, công tác đối ngoại sẽ góp phần thúc đẩy điều đó”. Bà Thái Quỳnh Mai Dung Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Đối ngoại Tổng LĐLĐ Việt Nam |
“Bước chân vào công đoàn là kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời của tôi. Thế giới quan của bạn rộng mở khi các “đầu mối” của tổ chức Công đoàn trải khắp các ngành nghề, tỉnh, thành phố, cơ quan, doanh nghiệp. Đối tượng đại diện rất đa dạng, ở mọi lứa tuổi, trình độ với nhiều nền tảng văn hóa khác nhau. Điểm chung là, họ bước vào quan hệ lao động và cần được chăm lo, bảo vệ. Làm rồi yêu, rồi say mê và muốn cống hiến trí tuệ của mình hơn nữa để công đoàn ngày càng lớn mạnh, đời sống người lao động ngày càng tốt hơn, đó là mong muốn của tôi khi bước chân vào tổ chức này” – bà Thái Quỳnh Mai Dung chia sẻ. Ngay từ khi tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế đối ngoại, bà đã làm việc cho các tổ chức quốc tế uy tín như Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Ngân hàng Thế giới (World Bank). Bà đặc biệt yêu thích công việc liên quan đến xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội. |
làm công đoàn vì muốn thêm... trải nghiệm |
Đặc biệt, gần 15 năm làm việc tại Văn phòng Quốc hội đã giúp bà tích lũy nhiều kinh nghiệm, hữu ích cho việc bước vào một lĩnh vực mới, đó là công đoàn. Bà nói: “Khi Tổng LĐLĐ Việt Nam thi tuyển chức danh Trưởng ban Đối ngoại, để chuẩn bị cho cuộc thi đó, tôi đọc và tìm hiểu rất nhiều về công đoàn. Khi tìm hiểu liền thích thú và bị choáng ngợp vì tính chất và phạm vi rộng của hoạt động công đoàn. Trong lĩnh vực đối ngoại, nhiều quốc gia đa công đoàn có 2 – 3, thậm chí là vài chục tổ chức . Với Công đoàn Việt Nam, lần đầu tiên tôi được nghe về công đoàn ngành, công đoàn Tổng công ty, tập đoàn, công đoàn tỉnh, thành phố đến cấp công đoàn cơ sở. Thực sự là "hoa mắt" khi nghe các bạn say sưa, nhiệt huyết mô tả về công đoàn, tôi thấy áp lực. Nhưng bắt tay vào công việc, tôi thấy đây là trường học của sự sáng tạo, đổi mới không ngừng” – bà Dung chia sẻ. |
Bà Thái Quỳnh Mai Dung làm việc với ông George Mavrikos, Tổng Thư ký Liên hiệp Công đoàn Thế giới (WFTU) trong khuôn khổ Hội nghị Thường niên ILC do ILO tổ chức vào tháng 6/2019 tại Trụ sở Liên Hiệp Quốc, Geneva, Thụy Sĩ. |
Trên cương vị của mình, bà Thái Quỳnh Mai Dung đã tạo những dấu ấn được Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam ghi nhận. Một trong những dấu ấn đó là giúp cán bộ công đoàn tự tin bước ra thế giới. “Trong quá trình tiếp xúc, tôi thấy nhiều cán bộ công đoàn có vốn ngoại ngữ rất tốt, thậm chí tốt hơn cán bộ công đoàn nhiều nước trong khu vực. Tôi đề xuất ý tưởng và xin ý kiến Thường trực cho lập danh sách cán bộ công đoàn có khả năng sử dụng ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung để tạo dữ liệu, khi có khóa đào tạo, chương trình, hội nghị, hội thảo phù hợp do đối tác quốc tế và khu vực tổ chức sẽ đăng ký tham dự để tăng cường giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm” – bà Dung kể. Sau khi tham gia khóa đào tạo, cán bộ công đoàn thêm tự tin, mang những kiến thức từ khóa học “đào tạo lại” cho cán bộ công đoàn ở đơn vị mình và người lao động. Đó là niềm vui khó tả đối với bà. |
Bà Thái Quỳnh Mai Dung làm việc với Đoàn Đại biểu Tổng Công hội Trung Quốc do ông Giang Quảng Bình, Phó Chủ tịch Tổng Công hội Trung Quốc làm Trưởng Đoàn. |
hoạt động đối ngoại nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn |
Một câu chuyện khác, đó là thời điểm trước khi Nghị viện châu Âu “nhấn nút” phê chuẩn Việt Nam gia nhập Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (Liên minh châu Âu). “Nhiều nghị sĩ châu Âu không ủng hộ Việt Nam gia nhập Hiệp định và họ yêu cầu cuộc điều trần trước Nghị viện, trong đó có vấn đề về tổ chức đại diện tập thể người lao động, mà trực tiếp là Công đoàn Việt Nam” – bà Thái Quỳnh Mai Dung nhớ lại thời điểm khó khăn. Liên minh châu Âu yêu cầu Ban Pháp chế của Tổng Công đoàn Quốc tế (mà thành viên là công đoàn của các nước có nền kinh tế phát triển) làm báo cáo độc lập về tình hình công đoàn, lao động Việt Nam và khả năng đáp ứng yêu cầu của họ trước và sau khi ký kết. Khi ấy, bà đã tìm mọi cách để kết nối và sắp xếp cuộc tiếp xúc, gặp gỡ trực tiếp giữa Ban Pháp chế Tổng Công đoàn Quốc tế với Tổng LĐLĐ Việt Nam, để trao đổi cởi mở, minh bạch thông tin và hiểu biết đầy đủ nhất về khả năng đáp ứng yêu cầu của Nghị viện châu Âu khi Việt Nam gia nhập Hiệp định từ góc độ công đoàn. |
Bà Thái Quỳnh Mai Dung trao đổi với phóng viên. |
Kết quả là, một bản báo cáo độc lập, minh bạch và đầy đủ thông tin về Công đoàn Việt Nam đã được trình bày trước Nghị viện châu Âu. Hiệp định được thông qua, và được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế Việt Nam, mang lại nhiều việc làm hơn cho người lao động. |
quốc tế biết đến thành tựu của đại hội xii công đoàn việt nam |
Năm 2020, từ hiệu quả của hoạt động đối ngoại, Tổng LĐLĐ Việt Nam thay vì là thành viên tham dự đã được mời chủ trì phiên họp về lao động di cư, một chủ đề mới trong khuôn khổ Diễn đàn nhân dân ASEAN. Là người thiết kế toàn bộ nội dung, chủ đề, quy chế của phiên họp này, để nhận được sự ủng hộ của nhiều tổ chức về chương trình nghị sự, bà Dung cho rằng, việc lựa chọn chủ đề và kinh nghiệm thực tiễn của Công đoàn Việt Nam trong việc hợp tác, đoàn kết với các tổ chức Công đoàn ở khu vực và trên thế giới nhằm chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động di cư có ý nghĩa thực tiễn, thời sự, tạo cảm hứng để các thành viên khác ủng hộ. Phiên họp đã thành công đưa một số kiến nghị cụ thể vào Báo cáo gửi Ban Thư ký ASEAN. Thông qua hoạt động đối ngoại, thế giới biết nhiều hơn và nhìn nhận rất tích cực về thành tựu của Đại hội XII Công đoàn Việt Nam với mục tiêu đổi mới mạnh mẽ thông qua 9 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá, nhằm chăm lo thiết thực hơn nữa cho đoàn viên, người lao động, xây dựng quan hệ lao động ổn định, hài hòa, tiến bộ. Bà Thái Quỳnh Mai Dung và con đoàn viên, người lao động tại Cao Bằng (ảnh chụp trước thời điểm 27/4/2021). |
Công nhân lao động các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội được hỗ trợ bởi đối tác quốc tế thông qua hoạt động đối ngoại. |
Những năm gần đây, hoạt động đối ngoại đã mang lại nhiều quyền lợi hơn cho cán bộ công đoàn và người lao động thông qua những chương trình, tập huấn, dự án của đối tác quốc tế dành cho Công đoàn Việt Nam, nhất là cho đối tượng là chủ tịch công đoàn cơ sở, người lao động tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, về thương lượng thỏa ước lao động tập thể, bình đẳng giới, an toàn, vệ sinh lao động… Hay những “gian hàng 0 đồng” và các gói hỗ trợ dành cho công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 tại Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang… với sự hỗ trợ của Đại sứ quán các nước đã kéo gần lại tinh thần đoàn kết quốc tế cùng chăm lo cho người lao động. “Hoạt động đối ngoại công đoàn không trực tiếp đi vào đời sống người lao động và công đoàn cơ sở như vấn đề tiền lương, thỏa ước lao động tập thể, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động… nhưng đã để lại dấu ấn đậm nét bởi lẽ nếu làm tốt sẽ góp phần tác động đến chính sách vĩ mô đối với công đoàn và người lao động. Hoạt động đối ngoại còn làm thay đổi cái nhìn của thế giới, xã hội về vai trò của Công đoàn Việt Nam theo chiều hướng ngày càng tích cực hơn” – bà Thái Quỳnh Mai Dung chia sẻ. Bà Thái Quỳnh Mai Dung với những người công nhân có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Cần Thơ. |
Chương trình hành động nếu trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV Phát biểu về chương trình hành động, bà Thái Quỳnh Mai Dung - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, bà vui mừng được ứng cử tại Vĩnh Phúc, là vùng đất giàu truyền thống văn hoá, cách mạng và luôn có tư duy đổi mới, sáng tạo, nhiều sáng kiến đi đầu trong cả nước. Hiện nay, tỉnh đã có mức phát triển kinh tế khá cao theo hướng công nghiệp. Được tín nhiệm giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bà thấy rõ trách nhiệm rất lớn của mình trước Đảng, Nhà nước, trước nhân dân. Bà sẽ tích cực hoạt động trong Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, trong các cơ quan của Quốc hội, thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội trong nghị trường và các hoạt động khác. Giữ mối liên hệ, tiếp xúc, lắng nghe nguyện vọng, tâm tư và kiến nghị cụ thể của cử tri qua nhiều kênh khác nhau. Tham dự đầy đủ các cuộc tiếp xúc cử tri ở nơi ứng cử theo chương trình tiếp xúc cử tri của Quốc hội cũng như cố gắng tiếp xúc cử tri ở nơi cư trú, nơi làm việc, tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn… Là cán bộ công đoàn, bà sẽ tập trung nghiên cứu, tham gia ý kiến với Quốc hội để đề xuất các cơ chế chính sách nhằm nâng cao hiệu quả đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên và người lao động, vì việc làm bền vững, đời sống ngày càng cao. Là cán bộ công tác trong lĩnh vực đối ngoại, bà sẽ cố gắng đóng góp hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ tăng cường và nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại của tỉnh Vĩnh Phúc trong tình hình mới thông qua các hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước, đối ngoại nhân dân trên các lĩnh vực cho phép. “Tôi sẽ tận tâm, tận lực góp sức mình làm cầu nối giữa trung ương và địa phương; góp phần thực hiện hiệu quả hơn nữa các chính sách nhằm khai thác, phát huy mọi tiềm năng, lợi thế cho phát triển của Vĩnh Phúc, trọng tâm là phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp có giá trị gia tăng cao; cải thiện tốt môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh, thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển kinh tế - xã hội để tạo công ăn việc làm cho người lao động; tăng nguồn thu nhập của nhân dân” – bà Thái Quỳnh Mai Dung cho biết. Bà Thái Quỳnh Mai Dung - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Trưởng ban Đối ngoại Tổng LĐLĐ Việt Nam ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV tại đơn vị bầu cử số 2 tỉnh Vĩnh Phúc (gồm các huyện sông Lô, Lập Thạch, Tam Dương, Tam Đảo, Bình Xuyên).
Duy Minh Đồ họa: Duy Minh |