Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) được khẳng định rõ nét thông qua việc ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết và thể hiện trong Hiến pháp, Luật ATVSLĐ. Công tác nghiên cứu khoa học về ATVSLĐ là một trong những tiền đề, yếu tố giữ vai trò quan trọng nhằm xác lập cơ sở lý luận cho việc hình thành các chủ trương, chính sách đó. Nhân Tháng hành động về ATVSLĐ 2022, phóng viên (PV) Tạp chí ATVSLĐ đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Anh Thơ, Quyền Viện Trưởng Viện Khoa học ATVSLĐ về hoạt động khoa học ATVSLĐ của tổ chức Công đoàn trong thời gian tới. PV: Đề nghị đồng chí cho biết, các hoạt động khoa học ATVSLĐ của Viện gắn với chủ đề của Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022? Đồng chí Nguyễn Anh Thơ: Từ năm 2017, việc tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ với chủ đề được xác định rõ theo từng năm đã trở thành đợt cao điểm tuyên truyền về ATVSLĐ, lan tỏa rộng rãi trong cả nước, thu hút sự hưởng ứng tích cực của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp, người lao động (NLĐ) bằng nhiều hoạt động thiết thực. Các chủ đề Tháng hành động ATVSLĐ đều có mục tiêu, gợi ý các nội dung hoạt động ATVSLĐ trọng tâm mỗi năm, trong những năm gần đây, trọng tâm là nhận diện, đánh giá, kiểm soát nguy cơ, rủi ro mất ATVSLĐ, năm 2021 vừa qua có bổ sung thêm vai trò của an toàn vệ sinh viên, còn năm nay với chủ đề: “Tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc, thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”. Các hoạt động khoa học ATVSLĐ của Viện cũng đang tập trung vào các đề tài, nhiệm vụ về nhận diện, đánh giá các nguy cơ, rủi ro trong các ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN), hay những vấn đề gánh nặng nghề nghiệp, căng thẳng thần kinh tâm lý, sức khỏe tâm thần, xây dưng hệ thống quản lý ATVSLĐ theo các tiêu chuẩn tiến bộ trong các ngành như: cơ khí, khai thác mỏ, dệt may, da giày, chế biến thủy sản... |
PV: Để hỗ trợ kiểm soát nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ, bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe NLĐ, tư vấn và cung cấp dịch vụ ATVSLĐ... Viện có kế hoạch gì trong các hoạt động khoa học ATVSLĐ thời gian tới? Đồng chí Nguyễn Anh Thơ: Thực hiện Nghị Quyết số 128/NQ-CP, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các nhiệm vụ mà Tổng LĐLĐ Việt Nam giao, Viện đang tiến hành hỗ trợ các ngành kinh tế vừa kiểm soát dịch Covid-19, các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ, môi trường, vừa sản xuất an toàn và triển khai hiệu quả chương trình phục hồi kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023. Kế hoạch thời gian tới là nghiên cứu các giải pháp bảo đảm ATVSLĐ cho các dự án trọng điểm quốc gia; chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học ATVSLĐ, bảo vệ môi trường cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khu vực trung du miền núi phía Bắc và khu vực miền Trung - Tây Nguyên, theo các Nghị quyết mới của Bộ Chính trị. |
Đồng thời xây dựng các nền tảng công nghệ, đổi mới sáng tạo, số hóa các hoạt động ATVSLĐ, chăm sóc sức khỏe, tư vấn và cung cấp dịch vụ; nghiên cứu tập trung vào các giải pháp quản lý, xây dựng “Mô hình an toàn”; tư vấn áp dụng các tiêu chuẩn hệ thống quản lý tiên tiến, các mô hình quản trị an toàn mới, như: đánh giá rủi ro định lượng, phát triển dịch vụ kiểm toán an toàn; thay đổi quản trị Quỹ Bảo hiểm TNLĐ, BNN theo hướng đầu tư cho công tác nghiên cứu ứng dụng các giải pháp ATVSLĐ, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NLĐ, phục hồi chức năng lao động; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam phù hợp với tình hình mới và đẩy nhanh tốc độ hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế; nghiên cứu bổ sung các BNN mới vào danh mục BNN, nghiên cứu tổng quan và chuyên sâu về tâm sinh lý lao động, sức khỏe tâm thần, đặc biệt là yếu tố tâm lý xã hội và sức khỏe tâm thần của NLĐ tại nơi làm việc, nhất là trong thời kỳ đại dịch Covid-19 và hướng dẫn NLĐ cách tự chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19. |
PV: Hiện, công tác khoa học ATVSLĐ khu vực chính thức đang có sự quan tâm đầu tư nghiên cứu, còn khu vực phi chính thức chưa có những đề tài, nhiệm vụ nghiên cứu quy mô, bài bản và còn nhiều hạn chế. Vấn đề này được nhìn nhận như thế nào, thưa đồng chí? Đồng chí Nguyễn Anh Thơ: Đúng là trong khu vực có quan hệ lao động, các hoạt động nghiên cứu, đầu tư, cải thiện điều kiện lao động, môi trường làm việc, nâng cao năng suất lao động trong các doanh nghiệp ngày càng được coi trọng. Nhiều doanh nghiệp đã không ngừng đầu tư, đổi mới, ứng dụng công nghệ khoa học tiên tiến, hiện đại trong việc kiểm soát, loại trừ các nguy cơ, rủi ro mất ATVSLĐ nhờ đó đã giảm được TNLĐ, BNN, nâng cao thu nhập, đời sống và quyền lợi, sức khỏe, tính mạng của NLĐ được đảm bảo. Những năm qua, sự phát triển mạnh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ với trình độ công nghệ còn lạc hậu; việc đưa vào sử dụng các máy, công nghệ, vật liệu mới, còn tiềm ẩn những nguy cơ về ATVSLĐ không thể lường trước; sự phát triển các làng nghề, khu vực kinh tế hộ gia đình còn thiếu sự kiểm soát về ATVSLĐ; lực lượng lao động tăng nhanh cùng với sự chuyển dịch một lượng lớn lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp với trình độ tay nghề thấp, thiếu tác phong công nghiệp đang là vấn đề lớn cần nghiên cứu hỗ trợ khu vực này để có những giải pháp bảo đảm ATVSLĐ, bảo vệ môi trường hiệu quả cho hơn 26.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và gần 120.000 tổ hợp tác, với hơn 7 triệu thành viên, hơn 1,5 triệu lao động, cùng với hơn 4,6 triệu hộ kinh doanh cá thể, với gần 8 triệu người, hơn 5.000 làng nghề, với khoảng 10 triệu lao động. Lớp huấn luyện an toàn hóa chất tại Công ty TNHH Aureole BCD Hải Dương. Ảnh: H. Hưng. PV: Công tác ATVSLĐ sẽ hỗ trợ cụ thể gì cho NLĐ, người sử dụng lao động và cán bộ công đoàn trong bối cảnh hiện nay, thưa đồng chí? Đồng chí Nguyễn Anh Thơ: Khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007 và tham gia các Hiệp định Thương mại thế hệ mới hiện nay, như Hiệp định tiến bộ, toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CTTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu (EVFTA)... và đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hậu đại dịch Covid-19, cường độ lao động của NLĐ ngày càng cao do mức độ cạnh tranh ngày càng quyết liệt. Tất cả điều đó có nguy cơ gia tăng TNLĐ, BNN, nếu công tác ATVSLĐ, chăm sóc sức khỏe NLĐ không làm tốt. Số liệu thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, số lượng các vụ tai nạn nghiêm trọng giai đoạn 2011-2019 không ngừng tăng lên. Viện Khoa học ATVSLĐ, với vị trí là viện quốc gia đầu ngành, thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam cần có nhiều nghiên cứu, hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho NLĐ, cán bộ công đoàn các cấp nâng cao nghiệp vụ, kiến thức, kỹ năng về ATVSLĐ, từ đó giúp trực tiếp cho NLĐ tại doanh nghiệp bảo đảm ATVSLĐ tốt hơn; có năng lực đàm phán, thương lượng, tham gia với người sử dụng lao động, doanh nghiệp tổ chức hiệu quả hơn công tác phòng ngừa TNLĐ, BNN, chăm sóc sức khỏe NLĐ. Từ đó, hình ảnh của cán bộ công đoàn, tổ chức Công đoàn được ghi dấu ấn, lan tỏa và có sức hút với NLĐ và xã hội. Quan trắc môi trường lao động tại Nhà máy Clinker Văn Hóa (Quảng Bình). Ảnh: Thành Trung. PV: Đề nghị đồng chí cho biết những thách thức và cơ hội để phát triển bền vững hoạt động khoa học ATVSLĐ trong hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0? Đồng chí Nguyễn Anh Thơ: Trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đặc biệt với những chủ trương, chính sách cải cách rất mạnh mẽ các tổ chức sự nghiệp công lập nói chung và tổ chức khoa học công nghệ nói riêng, để hoạt động khoa học ATVSLĐ hiệu quả và phát triển bền vững, phải biết sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực, thực hiện tốt chính sách đa dạng hóa nguồn lực, các cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp và thúc đẩy các dịch vụ khoa học ATVSLĐ, chăm sóc sức khỏe NLĐ, bảo vệ môi trường phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, NLĐ và yêu cầu phát triển nhanh, bền vững, các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Thực tế ở các nước phát triển cho thấy, việc xây dựng được hệ thống ATVSLĐ phù hợp, chú trọng các giải pháp khoa học công nghệ, giúp giảm thiểu nguy cơ mất ATVSLĐ, nâng cao hiệu quả quản lý ATVSLĐ không những đảm bảo được các quyền lợi, sức khỏe và tính mạng cho NLĐ mà còn nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, vị thế và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển thị trường cho sản phẩm, hàng hóa và hình ảnh đất nước. PV: Xin cảm ơn đồng chí! |