Hết hợp đồng nhưng không thể hồi hương, 22 thuyền viên Việt Nam "mắc kẹt" tại Venezuela
Việc làm - tuyển dụng - 04/01/2022 21:08 SỸ CÔNG
PXin ý kiến đưa thuyền viên tàu Southern Growth lên bờ điều trị Covid-19 Thuyền viên và giây phút phó mặc cho số phận |
22 thuyền viên đã quá hạn hợp đồng
Anh Khôi (Cuộc sống an toàn thay đổi tên để không ảnh hưởng đến người lao động) một trong 22 thuyền viên làm việc trên tàu Tanker Future đang "mắc kẹt" tại Venezuela (một quốc gia nằm ở Nam Mỹ) kêu cứu với phóng viên: "Tàu đã neo ở Venezuela gần 6 tháng nay. Thật sự sức chịu đựng của anh em thuyền viên đã đến giới hạn, chúng tôi rất nhớ gia đình, người thân và luôn mong mỏi sớm được đoàn tụ cùng gia đình".
Theo quy định của Công ước Lao động Hàng hải 2006, thời gian làm việc trên tàu của thuyền viên không được quá 12 tháng. Qua tìm hiểu, hợp đồng làm việc của thuyền viên được ký từ ngày 12/10/2020 với thời hạn 10 tháng (cộng trừ 2 tháng), anh Khôi cùng 22 thuyền viên nhập tàu ngày 16/10/2020, đến nay thời gian làm việc của các thuyền viên đã gần 15 tháng.
Ngoài liên lạc với PV Cuộc sống an toàn, thuyền viên cũng có "tâm thư" trên mạng xã hội |
Kể từ ngày hết hạn hợp đồng, các thuyền viên đã nhiều lần gửi đơn xin nghỉ phép đến công ty chủ quản (Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Dầu khí Ovtrans) cũng như công ty quản lý thuyền viên (Công ty CP TMDV Hàng hải Hưng Phát).
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, họ chỉ nhận được duy nhất nội dung thư trả lời: Công ty sẽ bố trí thay ở cảng thuận tiện do ở Venezuela không thể thay thuyền viên.
Được biết, thuyền viên trên tàu Tanker Future đã làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela, Đại sứ quán cho biết việc thay thế thuyền viên ở Venezuela là hoàn toàn thực hiện được. Vì vậy, các thuyền viên cho rằng vấn đề kinh phí chính là trở ngại lớn khiến cho công ty chủ quản chưa làm thủ tục thay thế thuyền viên.
Mong sớm được hồi hương
Điều đáng nói, do thời gian công tác trên tàu quá dài, hiện một số thuyền viên đang có biểu hiện tâm lý bất thường. Theo anh Khôi, do áp lực từ công việc cũng như việc gia đình chưa thể được giải quyết, hằng đêm họ ngủ không quá 2 tiếng đồng hồ.
Mong mỏi của toàn thể thuyền viên là được hồi hương trước Tết Nguyên đán. Anh Khôi đưa ra ví dụ về một đồng nghiệp bị liệt dây thần kinh số 7, hiện vẫn để lại di chứng trên khuôn mặt.
Không quên nhắc về bản thân mình, anh Khôi nói: "Bản thân tôi, mẹ già 85 tuổi bị tai nạn cấp cứu cũng không thể có mặt, các con nhỏ bị ốm đau đi viện cũng chỉ có một mình bà xã ở nhà lo toan. Chưa kể tôi có thể mắc Covid-19 bất cứ lúc nào. Tôi mong những người có tâm, có trách nhiệm sớm giải quyết cho chúng tôi, để chúng tôi được trở về đoàn tụ cùng gia đình".
Thuyền viên làm việc trên tàu Tanker Future mong ngóng được trở về đoàn tụ với gia đình. Ảnh: Thuyền viên cung cấp |
Nói về vấn đề sinh hoạt trên tàu, thuyền viên cho biết tàu thường xuyên hết nước ngọt sinh hoạt và họ đang phải gặp muôn vàn khó khăn.
"Hằng ngày tàu phải để chế độ sinh hoạt cực kỳ tiết kiệm, nước được mở tối đa 30 phút, dùng sinh hoạt cả ngày chỉ bằng 2 xô. Các vật dụng cá nhân thiết yếu hỏng hết và thiếu thốn. Các đồ bảo hộ như găng tay cũng đã hết từ lâu, chúng tôi phải chia sẻ với nhau thuốc đánh răng, dao cạo râu, dầu tắm, dầu gội...", anh Khôi thông tin.
Cũng theo anh Khôi, ở Venezuela việc mua thực phẩm Việt Nam còn khó khăn và đắt đỏ, các bữa ăn của thuyền viên hiện không đủ chất dinh dưỡng để đảm bảo thể lực cũng như tinh thần làm việc, hằng ngày các thuyền viên phải cố gắng cải thiện bữa ăn của mình bằng cách câu cá.
Phía đơn vị quản lý nói gì?
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Dầu khí Ovtrans (công ty chủ quản) cho biết, do dịch bệnh Covid-19 việc thay thế thuyền viên trong giai đoạn này đang rất khó khăn.
"Tôi đã nắm được thông tin phản ánh của các thuyền viên, tôi sẽ chuyển cho phòng Thuyền viên của công ty để tiếp nhận xử lý, các thuyền viên đã hết hạn hợp đồng thì chúng tôi phải cho thuyền viên hồi hương thôi", ông Quốc Anh nói.
Giải thích về những khó khăn trong sinh hoạt được thuyền viên phản ánh, ông Quốc Anh nhấn mạnh: "Phía công ty lúc nào cũng nỗ lực hết sức, tạo mọi điều kiện cho thuyền viên. Do thuyền viên cũng đi tàu quá lâu nên nhiều khi những phản hồi, phản ánh có phần bức xúc và chưa đúng".
Hình ảnh thực tế trên tàu Tanker Future. Ảnh: Thuyền viên cung cấp |
Ông Phạm Minh Chiến, Trưởng phòng Thuyền viên - Công ty CP TMDV Hàng hải Hưng Phát (đơn vị quản lý thuyền viên) cho biết, công ty đã "viết tâm thư" gửi thuyền viên nhằm mục đích chia sẻ với các thuyền viên vì họ đã phải làm việc quá lâu trên tàu.
"Việc đi làm quá hợp đồng lao động trong thời gian dịch Covid-19 hoành hành cũng xảy ra thường xuyên đối với tất cả các công ty chứ không riêng gì công ty chúng tôi", ông Chiến nhận định.
Theo ông Chiến: "Đúng ra, chúng tôi đã có kế hoạch thay thế thuyền viên rồi nhưng do biến chủng mới Omicron vì vậy thuyền viên không thể bay transit (bay transit được hiểu là chuyến bay quá cảnh có một hoặc nhiều điểm dừng giữa hành trình bay từ điểm đi đến điểm đến - PV). Trước đó, thuyền viên được bay transit qua Hàn Quốc nhưng hiện nay Hàn Quốc đang từ chối và không cấp visa".
Trước thông tin việc thay thế thuyền viên ở Venezuela vẫn thực hiện được và hiện tàu đã neo ở Venezuela 6 tháng, ông Chiến thông tin: "Di chuyển giữa Việt Nam - Venezuela phải bay qua nhiều chặng nên chi phí để thay thế thuyền viên cực kỳ lớn. Không ai muốn tàu nằm chơi cả nhưng do tình hình dịch bệnh nên tàu phải nằm 5-6 tháng nay không có doanh thu.. Tuy nhiên, công ty sẽ có động thái để đưa thuyền viên hồi hương sớm nhất".
Các trường hợp chủ tàu phải bố trí cho thuyền viên hồi hương Theo Khoản 1 Điều 66 Luật Hàng hải Việt Nam năm 2015 thì chủ tàu có trách nhiệm bố trí cho thuyền viên hồi hương và thanh toán chi phí trong trường hợp sau đây: - Hợp đồng lao động của thuyền viên hết hạn; - Thuyền viên bị ốm đau, tai nạn lao động hàng hải cần phải hồi hương; - Tàu bị chìm đắm; - Bán tàu hoặc thay đổi đăng ký tàu; - Tàu hoạt động tại khu vực chiến tranh mà thuyền viên không đồng ý tiếp tục làm việc trên tàu; - Các trường hợp khác do hai bên thỏa thuận. Trường hợp thuyền viên đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái quy định của pháp luật hoặc bị xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải thì chủ tàu vẫn phải có trách nhiệm bố trí cho thuyền viên về đúng nơi quy định trong hợp đồng lao động của thuyền viên nhưng thuyền viên phải hoàn trả chi phí cho chủ tàu. |
Công nhân thấp thỏm, mong chờ... thưởng Tết Với nhiều công nhân nếu không có thưởng Tết coi như không có Tết và họ cũng đang ngóng tiền thưởng từng ngày. |
Người lao động ngành Du lịch không mơ thưởng Tết, chỉ muốn có việc làm Ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 khiến ngành Du lịch tại Đà Nẵng rơi vào khó khăn, hàng nghìn người lao động phải chật ... |
Cách ứng xử với người lao động quyết định sự phục hồi của doanh nghiệp Dịch bệnh lần thứ 4 đã khiến doanh nghiệp và người lao động ngành Dệt May, Da giày lao đao. Tuy nhiên, theo phân tích ... |
Tin cùng chuyên mục
Việc làm - tuyển dụng - 03/09/2024 08:55
Công ty TNHH Smart-Shirts Garments Manufacturing Bảo Minh đang tuyển 100 công nhân may, 30 công nhân hoàn thiện, 30 công nhân QC (kiểm tra chất lượng), và 50 công nhân cắt.
Việc làm - tuyển dụng - 30/08/2024 07:00
Thông báo về việc triệu tập thí sinh đủ điều kiện, tiêu chuẩn dự thi Vòng 2, kỳ thi tuyển viên chức đợt 1 năm 2024 của Tạp chí Lao động và Công đoàn.
Nhịp cầu lao động - 29/08/2024 20:40
Tạp chí Lao động và Công đoàn thông báo kết quả bài thi vòng 1 kỳ tuyển dụng viên chức đợt 1 năm 2024
Nhịp cầu lao động - 28/08/2024 15:48
VPBank đang tuyển dụng số lượng lớn nhân viên thu hồi nợ hiện trường và chuyên viên quản lý nợ tại hiện trường với mức lương hấp dẫn lên đến 15 triệu đồng/tháng cùng nhiều chế độ phúc lợi đa dạng. Đây là cơ hội tuyệt vời dành cho các ứng viên tốt nghiệp Trung học phổ thông, có kỹ năng giao tiếp tốt và đam mê công việc trong lĩnh vực ngân hàng.
Việc làm - tuyển dụng - 21/08/2024 18:10
Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam (thôn Nam Sơn, xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành) tuyển dụng nhân sự Điều dưỡng dụng cụ.
Việc làm - tuyển dụng - 17/08/2024 12:28
Công ty TNHH hệ thống dây Sumi-Hanel, một liên doanh giữa Công ty cổ phần Hanel và tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản), đang tuyển dụng 2.000 lao động phổ thông cho các vị trí sản xuất, lắp ráp và kiểm tra sản phẩm. Với quy mô gần 9.000 lao động và là công ty hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất hệ thống dây dẫn điện cho ô tô, Sumi-Hanel cam kết đem đến môi trường làm việc an toàn và các chế độ phúc lợi hấp dẫn.