“Hạnh phúc của cán bộ công đoàn là được công nhân tin tưởng khi họ khó khăn nhất”

Trải qua nhiều ngày đêm không ngủ để hỗ trợ khẩn cấp cho công nhân khi dịch bệnh bùng phát, các cán bộ công đoàn của tỉnh Tây Ninh, trong đó có chị Nguyễn Thị Kim Liên - Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế tỉnh cảm thấy hạnh phúc khi được doanh nghiệp, người lao động tin tưởng.

“Hạnh phúc của cán bộ công đoàn là được công nhân tin tưởng khi họ khó khăn nhất”

“Hạnh phúc của cán bộ công đoàn là được công nhân tin tưởng khi họ khó khăn nhất”

Kìm những giọt nước mắt, chị Nguyễn Thị Kim Liên – Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh kể về hơn 3 tháng cùng công nhân, lao động và doanh nghiệp chiến đấu với dịch bệnh. Chị nghẹn ngào nói:

“Cuối tháng 6/2021, tỉnh Tây Ninh phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên trong khu công nghiệp. Tính đến thời điểm dịch bệnh được kiểm soát, có tất cả 13 người là đoàn viên công đoàn tử vong. Trong số đó có nhiều mẹ đơn thân, nuôi con nhỏ ra đi và để lại những đứa con rất thương tâm”.

Trong những đứa trẻ ngơ ngác vì bất ngờ mất mẹ, mất cha mà chị Liên kể đến có bé D. Mẹ bé từ tỉnh Long An đến Tây Ninh làm việc. Từ khi còn nhỏ, cháu sống với mẹ, không biết ba là ai. Đồng lương công nhân của mẹ tằn tiện mới đủ sinh hoạt, thuê nhà, gửi trẻ. Khi cháu ốm đau, mẹ phải vay mượn, thế chấp đồ đạc để có tiền khám bệnh.

Trước hoàn cảnh éo le này, công ty đã hỗ trợ 40 triệu đồng để phần nào giúp cháu vượt qua khó khăn. Công đoàn Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh đã căn cứ vào chủ trương của Tổng LĐLĐ Việt Nam, hỗ trợ gia đình theo mức: Trường hợp tử vong 5 triệu đồng/người, là F0 với mức 3 triệu đồng/người. Thêm vào đó, Công đoàn còn hỗ trợ nhu yếu phẩm, sữa, vận động một quỹ học bổng hỗ trợ cho cháu D. nói riêng và con đoàn viên tử vong do Covid-19 nói chung số tiền 3 triệu đồng/suất.


Công đoàn Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh thăm hỏi, hỗ trợ gia đình nữ công nhân tử vong do Covid-19

“Hạnh phúc của cán bộ công đoàn là được công nhân tin tưởng khi họ khó khăn nhất”

Ánh mắt của những đứa trẻ cứ khiến cán bộ công đoàn, trong đó có chị Liên day dứt mãi. Chị kể, các cán bộ công đoàn của tỉnh Tây Ninh nói chung, Công đoàn Khu kinh tế nói riêng, nhiều đêm không ngủ, kể từ ngày đầu tiên phát hiện ca mắc Covid-19 trong khu công nghiệp.

“Ngày đầu tiên nhận được thông tin có ca F1 trong một doanh nghiệp thuộc Khu công nghiệp Thành Thành Công, tôi đã cùng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của huyện Trảng Bàng trực tiếp vào nhà máy nắm bắt tình hình. Lực lượng y tế tiến hành khoanh vùng, xét nghiệm và bóc tách F0. Công ty này có 1.800 công nhân thì riêng xưởng xuất hiện ca F1 đã có hơn 1.000 người. Trong đêm đó, công đoàn đã phối hợp với doanh nghiệp bố trí người lao động ở lại, đảm bảo an toàn, không để dịch bệnh lây lan” – chị Nguyễn Thị Kim Liên cho biết.

Ngày hôm sau, khi nhận kết quả xét nghiệm PCR phát hiện 5 ca dương tính, công nhân lo lắng, công ty lúng túng. Hơn 1.000 công nhân được cơ quan chức năng quyết định cách ly tập trung 21 ngày.

Để ổn định tâm lý người lao động, công đoàn đã phối hợp với Tổ tuyên truyền của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 địa phương vận động công nhân an tâm ở lại cách ly. LĐLĐ tỉnh Tây Ninh, Công đoàn Khu kinh tế Tây Ninh, công đoàn cơ sở công ty nhanh chóng hỗ trợ nhu yếu phẩm cho người lao động.

“Hạnh phúc của cán bộ công đoàn là được công nhân tin tưởng khi họ khó khăn nhất”

Con công nhân, lao động đi cách ly được nhận hỗ trợ của Công đoàn

Nhưng sau đó, số ca mắc dồn dập tăng, ở nhiều khu công nghiệp.

“Doanh nghiệp tập trung công nhân để thực hiện “3 tại chỗ”, trong quá trình xét nghiệm phát hiện F0. Ban đầu chỉ là 3 - 4 ca, sau đó tăng nhanh với nhiều công nhân mắc. Sau Khu công nghiệp Thành Thành Công, liên tiếp Khu công nghiệp Phước Đông, Khu công nghiệp Linh Trung 3, Khu công nghiệp Trảng Bàng… xuất hiện ca mắc. Nơi tình hình dịch bệnh phức tạp nhất là huyện Dương Minh Châu tập trung số lượng lớn công nhân. Có doanh nghiệp sử dụng hơn 400 lao động nhưng có tới hơn 100 ca mắc. Công đoàn Khu kinh tế tỉnh có 6 cán bộ, phải chia nhau phụ trách từng khu công nghiệp và trực 24/24h”- chị Liên nhớ lại.

Để phản ứng kịp thời với tốc độ lây lan của dịch bệnh, các công đoàn cơ sở đã lập mạng zalo nội bộ nhằm thông tin chính xác về tình hình dịch bệnh, biện pháp phòng tránh để trấn an công nhân. Công đoàn Khu kinh tế tỉnh định hướng cho công đoàn cơ sở hướng dẫn công nhân thực hiện các biện pháp cần thiết khi đi cách ly, điều trị. Đối với doanh nghiệp có ca mắc, phải thực hiện phong tỏa thì công đoàn chuẩn bị nhu yếu phẩm, khẩu trang, nước sát khuẩn để công nhân yên tâm cách ly.

Trong thời gian đó, công đoàn cơ sở và công nhân, doanh nghiệp liên tục hỏi Công đoàn Khu kinh tế. Công nhân hỏi vì sao họ có kết quả xét nghiệm PCR âm tính vẫn phải ở lại công ty 21 ngày. Doanh nghiệp cần công đoàn hỗ trợ, động viên người lao động chia sẻ, sẵn sàng tham gia thực hiện “3 tại chỗ”. Nhiều công nhân phải nghỉ việc do doanh nghiệp ngừng sản xuất trong thời gian dài nên rất khó khăn. Công đoàn Khu kinh tế đã huy động nguồn lực, tổ chức nhiều đợt chăm lo, tặng quà cho công nhân ở từng khu nhà trọ, từng con hẻm.

gõ cửa mọi cơ quan để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động

Công đoàn tham gia chính sách để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Với doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, công đoàn thương lượng với người sử dụng lao động tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội, trả lương tối thiểu vùng cho người lao động trong thời gian phải ngừng việc.

Với doanh nghiệp phải ngừng hoạt động trong thời gian dài, không thể duy trì đóng bảo hiểm và trả lương cho người lao động, Công đoàn đề xuất làm thủ tục tạm hoãn hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận riêng để người lao động đủ điều kiện hưởng hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.

“Chúng tôi gõ cửa mọi cơ quan chức năng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động. Khi số ca mắc Covid-19 ở đỉnh điểm, chủ tịch công đoàn cơ sở dù nhiễm Covid-19 vẫn tâm huyết, cập nhật kịp thời tình hình công nhân và doanh nghiệp. Qua nhóm zalo nội bộ, cán bộ công đoàn cơ sở luôn nắm rõ nơi người lao động điều trị, cách ly và tình hình sức khỏe, gia cảnh để thông báo với công đoàn cấp trên” – chị Liên chia sẻ.

Mỗi trường hợp được công đoàn giúp đỡ đều có một hoàn cảnh khó khăn riêng. Có công nhân là F0 bệnh trở nặng, khó thở nhưng hệ thống y tế quá tải nên chị phải liên hệ với cơ sở y tế, Công đoàn ngành Y tế tỉnh Tây Ninh nhờ hỗ trợ. Với trường hợp không qua khỏi, Công đoàn Khu kinh tế kết nối, tìm hiểu chính sách “mai táng 0 đồng” do UBND tỉnh quy định để phổ biến cho công đoàn cơ sở, đoàn viên. Công đoàn còn hỗ trợ gia đình đưa tro cốt người thân về quê mai táng.

Doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ”, một bộ phận công nhân ở tỉnh Long An không thể sang Tây Ninh làm việc do yêu cầu về phòng, chống dịch. Công đoàn Khu kinh tế báo cáo LĐLĐ tỉnh Tây Ninh kiến nghị UBND tỉnh làm việc với UBND tỉnh Long An để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động.

Chị Nguyễn Thị Kim Liên - Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh

“Hạnh phúc của cán bộ công đoàn là được công nhân tin tưởng khi họ khó khăn nhất”

“Thời gian đó không phân biệt ngày đêm, thứ Bảy, Chủ nhật. Chúng tôi gõ cửa tất cả các cơ quan chức năng để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp và người lao động. Trong lúc khẩn cấp đó, cán bộ công đoàn đều phải chủ động tìm kiếm các đầu mối để nhanh chóng nhất giải quyết khó khăn" - chị Liên chia sẻ.

Hiện nay, tỉnh Tây Ninh đã trở lại trạng thái bình thường mới nhưng việc kiểm soát dịch bệnh còn phức tạp. Do đó, trong giai đoạn này, Công đoàn Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh đã đề nghị các công đoàn cơ sở phối hợp với doanh nghiệp tạo điều kiện cho công nhân phải nghỉ việc trong thời gian dài quay trở lại làm việc, có việc làm ổn định. Với đối tượng chưa được hưởng hỗ trợ từ các chính sách của Đảng, Nhà nước sẽ được công đoàn cơ sở hỗ trợ hồ sơ, thủ tục để tháo gỡ.

Công đoàn Khu kinh tế tỉnh cũng phát động phong trào thi đua “90 ngày vượt chỉ tiêu về đích, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” trong các công đoàn cơ sở. Mục tiêu của phong trào là công đoàn cùng doanh nghiệp chủ động giữ vững "vùng xanh", hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh, đảm bảo thích ứng linh hoạt với tình hình mới.

“Điều đáng mừng là hiện nay người lao động về quê đã dần trở lại Tây Ninh làm việc. Tỷ lệ người lao động trở lại doanh nghiệp đạt trên 70%. Chúng tôi tiếp tục vận động người lao động quay trở lại. Nhìn lại ngày tháng khó khăn vừa qua, tôi cũng như nhiều cán bộ công đoàn hạnh phúc khi được doanh nghiệp và người lao động tin tưởng" - chị Liên cho biết

“Hạnh phúc của cán bộ công đoàn là được công nhân tin tưởng khi họ khó khăn nhất”

Công đoàn hỗ trợ công nhân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội

Bài viết: Duy Minh