Vụ nợ lương tại Công ty MVI: Công nhân làm đơn kiện ra tòa |
Vụ việc hơn 200 công nhân lao động thuộc Công ty Mosfly Việt Nam Industries (Công ty MVI) bị nợ lương, Bảo hiểm xã hội đang được dư luận quan tâm. Hiện Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương đã nhận và chuyển đơn khởi kiện của người lao động đến Tòa án Nhân dân thị xã Tân Uyên để giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. |
Như Cuộc sống an toàn đã đưa tin trước đó, hàng trăm công nhân lao động thuộc Công ty MVI đang bị nợ lương từ tháng 4/2021 đến nay vẫn chưa được giải quyết. Nhiều công nhân lao động tại công ty này đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống vì không có tiền trang trải. Nhiều người phải vay nóng, lãi nặng, đi xin nhu yếu phẩm, xin sữa cho con,... |
Công ty MVI có trụ sở văn phòng tại địa chỉ số 121, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP.HCM. Nhà máy sản xuất của công ty đặt tại Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Công ty này chủ yếu sản xuất hóa mỹ phẩm, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn,… |
Nhiều người lao động tại công ty đang gặp khó khăn vì bị nợ lương. Ảnh A.Q |
Theo tìm hiểu của phóng viên, tháng 6/2021, đại diện các bên liên quan đã có buổi làm việc để giải quyết đơn khiếu nại của tập thể người lao động Công ty MVI. Trong buổi làm việc, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương yêu cầu công ty lên phương án trả đầy đủ tiền lương và các chế độ cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đến thời điểm này hàng trăm công nhân bị nợ lương từ tháng 4/2021 vẫn chưa nhận được tiền lương hay động thái nào từ phía lãnh đạo Công ty MVI. |
Ông Ngô Hoàng Anh, Trưởng Bộ phận Bán hàng, Công ty MVI cho biết, đến nay vẫn chưa có động tĩnh nào về việc giải quyết dứt điểm vấn đề này. Hiện, tài khoản Công ty MVI vẫn còn đứng tên của Tổng Giám đốc cũ, cho nên việc thanh toán, chi trả các khoản đều không thực hiện được. Để rộng đường dư luận, phóng viên Cuộc sống an toàn đã trao đổi vấn đề này với Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai. Ông Hà cho biết, việc tranh chấp giữa các bên chủ đầu tư là vấn đề nội bộ của công ty, còn vấn đề doanh nghiệp đã ký hợp đồng lao động với người lao động thì các bên phải có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng. Người lao động vẫn làm việc mà bị nợ lương thì người sử dụng lao động cần phải thực hiện nghĩa vụ trả lương cho người lao động. Trong trường hợp chủ sử dụng lao động không trả lương cho người lao động là hành vi vi phạm pháp luật. Vấn đề nợ lương như vậy, người lao động có một số phương án có thể lựa chọn để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình như sau: |
“Thứ nhất, người lao động có thể khiếu nại vấn đề nợ lương lên công ty. Nếu trong trường hợp công ty không giải quyết trong 30 ngày hoặc giải quyết nhưng người lao động không đồng ý thì có thể làm đơn khiếu nại lên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Thứ hai, theo quy định của Bộ Luật Lao động năm 2019, các tỉnh đều thành lập Hội đồng trọng tài các tỉnh để giải quyết các tranh chấp lao động của người lao động. Như vậy, người lao động có thể gửi đơn ra Hội đồng trọng tài lao động nằm ở Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Trong thời gian 5 ngày, nếu không tổ chức hòa giải được thì người lao động có quyền làm đơn khởi kiện ra tòa. Thứ ba, người lao động bị nợ lương có thể khởi kiện ra tòa”, Luật sư Hà, cho biết. Theo tìm hiểu của phóng viên, đầu tháng 7/2021, Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương đã nhận được đơn khởi kiện của người lao động tại Công ty MVI. Người lao động yêu cầu tòa giải quyết, buộc Công ty MVI trả lương tháng 4, 5, 6; thưởng tháng 3, 4; các chế độ công tác phí và các quyền lợi hợp pháp về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế cho người lao động. Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Dương đã nhận và chuyển đơn khởi kiện của người lao động đến Tòa án Nhân dân thị xã Tân Uyên để giải quyết theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Hiện, hàng trăm công nhân lao động tại Công ty MVI rất mong muốn nhận được lương từ tháng 4/2021 đến nay và các khoản thưởng và bảo hiểm khác. |
Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, doanh nghiệp phải trả lương đúng hạn, đầy đủ cho người lao động. Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương. Căn cứ khoản 2 Điều 16 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, tùy thuộc vào số lượng người lao động bị trả lương không đúng hạn mà người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt hành chính theo các mức sau: Từ 5 - 10 triệu đồng đối với vi phạm từ dưới 10 lao động; từ 10 - 20 triệu đồng với phạm từ 11 - 50 lao động; từ 20 - 30 triệu đồng với vi phạm từ 51 - 100 lao động; Từ 30 - 40 triệu đồng với vi phạm từ 101 - 300 lao động; từ 40 - 50 triệu đồng với phạm từ 301 người lao động trở lên. Ngoài ra, người sử dụng lao động cũng buộc phải trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho người lao động, tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các Ngân hàng thương mại Nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt. |
Công nhân rơi vào cảnh khốn khó vì Công ty MVI nợ lương nhiều tháng
Vụ việc nợ lương tại Công ty TNHH Mosfly Việt Nam Industries (MVI) đã khiến cuộc sống của người lao động rất khó khăn. |
Công ty CP Ô tô 1-5 nợ BHXH: Công nhân mắc bệnh hiểm nghèo mòn mỏi chờ quyền lợi
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại mang bệnh ung thư, mọi thứ như sụp đổ trước mắt chị Phạm Thị Dương (sinh năm 1974), ... |
Hạnh phúc nảy nở từ khu nhà công nhân
Rất nhiều công nhân Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV đã an cư lạc nghiệp, tìm được hạnh phúc của cuộc đời từ khu ... |