Hàng ngàn nghĩa cử đẹp của cán bộ công đoàn được tìm thấy qua "Vòng tay công đoàn"
Cuộc thi viết "Vòng tay công đoàn" lần thứ III tiếp tục nhận được hàng ngàn câu chuyện cảm động về nghĩa cử đẹp của cán bộ công đoàn các cấp dành cho đoàn viên.
Nhà báo Trần Duy Phương - Tổng biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn trao giải Nhì cuộc thi viết "Vòng tay Công đoàn" lần thứ III cho tác giả Nguyễn Thị Thanh Hằng. Ảnh: Huyền Vi |
Căn nhà có chiếc cổng gắn nốt nhạc Kể lại câu chuyện của mình qua tác phẩm “Bố nuôi tôi, người cán bộ công đoàn” (giải Nhì), tác giả Nguyễn Thị Thanh Hằng (sinh năm 2005, sinh viên năm thứ 4 Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) cho biết: "Cháu lớn lên trong khó khăn, bất hạnh. Anh trai cháu bị tâm thần từ nhỏ. Cháu vừa tròn tám tháng tuổi thì bố mẹ chia tay, đến bây giờ vẫn chưa một lần được gặp bố. Căn bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh khiến cháu bị hỏng mắt trái. Những lần đi viện triền miên và 3 lần phẫu thuật mắt khiến mẹ cháu phải bán hết tài sản, vay mượn họ hàng, làng xóm, không biết bao giờ mới trả hết được. Mẹ cũng thường xuyên đau ốm và phải phẫu thuật khối u hai lần. Thấy mẹ lam lũ tảo tần, mò cua, bắt ốc, làm thuê làm mướn, làm công nhân vệ sinh, cháu không khỏi đau lòng. Ba mẹ con đùm bọc nhau trong căn nhà nhỏ cạnh bờ ao. Ngôi nhà tạm bợ đã xuống cấp, chênh vênh, yếu ớt khi mưa bão. Bạn bè không ai dám đến nhà chơi... Nhiều lúc, cháu oán trách sao số phận mình bất hạnh đến vậy, nản lòng đến tột cùng, muốn buông xuôi tất cả... Nhưng thương mẹ, cháu đã cố gắng vượt qua để theo đuổi đam mê ca hát" - Nguyễn Thị Thanh Hằng kể. Thanh Hằng có 3 điều ước. Thứ nhất là có một căn nhà khang trang, sạch sẽ, an toàn; thứ hai là được học tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và trở thành ca sỹ; thứ ba là được có bố để gọi hai tiếng thân thương “bố ơi”, được bố yêu thương, chăm sóc. |
Anh Trần Phi Long - Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Công ty Prime Group (bên phải) kể lại hành trình hỗ trợ Thanh Hằng thực hiện ước mơ. Ảnh: Thu Chinh |
Trước hoàn cảnh khó khăn của Thanh Hằng, anh Trần Phi Long - Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Công ty Prime Group đã đồng cảm, giúp đỡ em thực hiện 3 điều ước đó. Anh Trần Phi Long kể, hai bố con gặp nhau đúng là cơ duyên. "Tôi thường xuyên tham gia dẫn các chương trình thanh thiếu niên và làm từ thiện. Cháu từ khi học mầm non đã hát rất hay. Hai chú cháu nhiều lần gặp nhau trên sâu khấu, mỗi lần thấy tôi là cháu ríu rít gọi "chú Long". Những đám cưới ở quê, tôi gặp cháu hát. Tôi nhận thấy nếu được bồi dưỡng thì cháu sẽ phát triển tốt. Chính vì thế, có chương trình thi hát dành cho thiếu nhi, tôi đều trao đổi với mẹ đăng ký cho cháu tham gia, đưa hai mẹ con ra sân bay, nửa đêm cũng đi đón về. Ở nhà, tôi tuyên truyền quảng bá cho cháu. Có chương trình gì Công ty Prime Group tổ chức, tôi đều nhắn cháu đến góp mặt. Khi đến nhà, biết hoàn cảnh, ước mơ của cháu, nhất là nhà cửa xuống cấp, bạn bè không dám đến chơi, tôi quyết định vận động cán bộ, công nhân viên của Prime Group ủng hộ được số tiền 165 triệu đồng để sửa nhà cho ba mẹ con. Chúng tôi còn xin thêm gạch men để lát nhà, phân công đoàn viên đến hỗ trợ sang sửa, làm cổng nhà gắn những nốt nhạc cho cháu. Ba mẹ con đã có một ngôi nhà ấm cúng, an toàn, khang trang và sạch sẽ, có đầy đủ phòng ngủ, bếp nấu, nhà vệ sinh khép kín, tivi kết nối intenet, máy lọc nước, quạt điện..." - anh Trần Phi Long cho biết. |
Nguyễn Thị Thanh Hằng (thứ hai, từ phải) trong Lễ trao giải Cuộc thi viết "Vòng tay công đoàn". Ảnh: Huyền Vi |
Về điều ước được gọi bố của Thanh Hằng, anh Long không khỏi trăn trở, suy nghĩ. Cuối cùng, anh quyết định đồng ý. Tham gia các cuộc thi dành cho giọng hát nhí, Thanh Hằng ước mơ được làm ca sĩ. Anh Long thấy rằng, Thanh Hằng phải đào tạo chính quy sau này mới phát triển được. Anh đã kết hợp gia đình định hướng cho con thi vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Thi đỗ và nhập học, tài năng của Thanh Hằng được các nghệ sĩ tên tuổi đánh giá cao. "Nhiều lúc nói chơi, các nghệ sĩ bảo thể trạng con hơi nhỏ xíu, tôi bảo giờ con cũng lớn rồi (cười). Để con có tiền học, tôi kêu gọi xây dựng quỹ học bổng, trao cho con mỗi tháng 1 triệu đồng (trong 4 năm). Sau đó, tôi vận động bạn bè, mạnh thường quân hỗ trợ thêm để con có 2 triệu đồng/tháng cho sinh hoạt. Số tiền này thật ít ỏi so với nhu cầu chi tiêu tại Hà Nội. Do vậy, chúng tôi mong muốn có thêm nhiều nhà hảo tâm, cán bộ công đoàn quan tâm giúp đỡ để con học thành tài. Xa hơn, con sẽ thực hiện được ước mơ thứ 4 là đi mổ mắt, khắc phục bệnh tật" - anh Trần Phi Long nói. |
Đồng chí Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam trao chứng nhận cho các tác giả đoạt giải cuộc thi viết "Vòng tay công đoàn". Ảnh: Huyền Vi |
Mở lòng nhờ công đoàn Ở tác phẩm “Vượt lên chính mình”, tác giả Nguyễn Thị Lệ Hằng - công tác tại Kho bạc Nhà nước Trà Vinh (đoạt giải Nhất) kể về bản thân mình với hành trình trở thành người lạc quan nhờ công đoàn. Sinh ra trong một gia đình có bố mẹ sớm chia tay, tác giả mang tổn thương trong tâm hồn, luôn sống khép kín và cảnh giác, cam chịu bất hạnh, không chia sẻ với ai. Cuộc sống gia đình riêng của chị cũng không êm thấm, ngày càng rơi vào bế tắc, một phần do chị "sinh con một bề". Thời điểm ấy, chị được điều động sang bộ phận kế toán - làm một công việc hoàn toàn mới mẻ. Ban chấp hành công đoàn cơ sở phân công người hướng dẫn và động viên chị yên tâm công tác, nhanh chóng bắt quen công việc. Công đoàn cũng tạo điều kiện để chị đi học ngành tài chính, đáp ứng yêu cầu công việc. |
Sau khi ly hôn, chị luôn nhận được sự quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ tích cực của công đoàn. Nhưng hoàn cảnh khó khăn, chị không đủ tiền để mua một căn nhà khác. Công đoàn đã tín chấp vay giúp chị một khoản lãi suất thấp, đây là khoản chủ yếu. Còn lại, mỗi anh chị em sẽ thu xếp một khoản riêng cho chị vay, khi có điều kiện thì trả, không phải lo lãi suất. “Lần đầu tiên, tôi mở lòng tâm sự với các anh chị công đoàn về cuộc đời mình. Cùng với sự sẻ chia của những người ruột thịt, các anh chị em công đoàn cơ quan đến lúc này là những người gần gũi, thân thiết nhất trong cuộc đời tôi” - chị Hằng chia sẻ. Các cán bộ công đoàn đã tìm hiểu thông tin mua bán nhà qua các kênh và tư vấn cho chị. Chẳng bao lâu sau, chị mua được một căn nhà nhỏ ở gần cơ quan, gần trường học để tiện cho việc đi làm và đi học của hai mẹ con. Ngày chị dọn vào nhà mới, các anh chị công đoàn đến đông đủ và mua tặng thêm một số vật dụng cần thiết trong nhà. Những ngày sau đó, các anh chị phân công nhau giúp đỡ chị: người mắc thêm bóng đèn, người sắp xếp lại phòng ốc. Công đoàn đề xuất với lãnh đạo Kho bạc tạo điều kiện cho chị về sớm nửa tiếng đồng hồ mỗi ngày để đón con. Ổn định bước đầu, các cán bộ công đoàn lại khuyên chị thu xếp việc học. Được công đoàn kiến nghị, ban lãnh đạo kho bạc bố trí công việc, thời gian phù hợp nhất cho chị. Chị cũng mở lòng, hạnh phúc hơn, tham gia phong trào thể dục thể thao, thi đua lao động sáng tạo, đến các hoạt động thiện nguyện; lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động công đoàn. Hằng năm, chị được đánh giá hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều năm liền, chị được công nhận danh hiệu lao động tiến tiến, chiến sĩ thi đua cơ sở và nhận được nhiều giấy khen, bằng khen cấp bộ, ngành. Các con chị đã vào đại học. "Nhờ công đoàn tôi mới có ngày hôm nay. Từ một người yếu đuối, khép kín, cam chịu, tôi trở nên cởi mở, mạnh mẽ, tự tin. Tôi đã được nhận ân tình của công đoàn thì giờ tôi sẽ mang ân tình đó đi trao cho người khác. Làm được gì cho đồng nghiệp, cho cộng đồng tôi sẽ gắng sức làm. Tôi sẽ sống đúng với tinh thần của hai chữ, hai tiếng ấm áp và ngân vang - hai tiếng công đoàn” - chị Hằng xúc động nói. |
Đồng chí Dương Quốc Hải - Trưởng phòng Thư ký tòa soạn, Tạp chí Lao động và Công đoàn thay mặt Ban tổ chức tổng kết cuộc thi. Ảnh: Huyền Vi |
Cuộc thi ngày càng được các cấp công đoàn hưởng ứng Cuộc thi viết "Vòng tay Công đoàn" lần thứ III được phát động trên Tạp chí Lao động và Công đoàn từ ngày 30/10/2022, kết thúc nhận tác phẩm ngày 30/9/2023. Tính đến 0h ngày 30/9/2023, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 2.000 tác phẩm, nhiều gấp 3,5 lần cuộc thi lần thứ I và gấp 2,5 lần cuộc thi lần thứ II. Công đoàn Giáo dục Việt Nam là đơn vị dẫn đầu với hơn 1.600 bài dự thi; LĐLĐ TP. Hồ Chí Minh có gần 600 bài dự thi. Công đoàn Trường Tiểu học Phan Chu Chinh, quận Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh) có gần 50 bài dự thi. Điểm mới của cuộc thi lần này là Ban tổ chức đã bổ sung thêm nội dung phản ánh sự bảo vệ của công đoàn đối với đoàn viên, người lao động so với chỉ phản ánh sự chăm lo thuần túy của hai cuộc thi đầu. Ban Biên tập Tạp chí, Ban Tổ chức cũng tăng cường huy động các nguồn lực để mở rộng giải thưởng; hỗ trợ một số nhân vật có hoàn cảnh khó khăn được nhắc đến trong các câu chuyện. Qua đó giúp các nhân vật này thêm điều kiện vật chất và vững tin vào chỗ dựa, vòng tay của tổ chức Công đoàn - đúng như tên gọi của cuộc thi. |
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đánh giá cao ý nghĩa của Cuộc thi viết "Vòng tay công đoàn". Ảnh: Mai Qúy |
Ban Tổ chức đã lựa chọn 25 tác phẩm xuất sắc vào vòng Chung khảo. Kết quả, Ban Tổ chức đã quyết định trao 01 Giải Nhất (trị giá 20.000.000 đồng); 02 Giải Nhì (mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng); 03 Giải Ba (mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng); 10 Giải Khuyến khích (mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng). Giải Nhất thuộc về tác phẩm “Vượt lên chính mình” của tác giả Nguyễn Thị Lệ Hằng, công tác tại Kho bạc Nhà nước Trà Vinh. Giải Nhì thuộc về 02 tác phẩm: “Nơi thay đổi cuộc đời thợ mỏ” của tác giả Nguyễn Thị Hương Giang, công tác tại Công ty Than Dương Huy - TKV; tác phẩm “Bố nuôi tôi, người cán bộ công đoàn” của tác giả Nguyễn Thị Thanh Hằng, sinh viên Nhạc viện Hà Nội. Giải Ba thuộc về 03 tác phẩm: “Mường Nhé ngày nắng lên” của tác giả Đặng Xuân Thanh, Công ty Cổ phần Cao su Mường Nhé, Điện Biên – LĐLĐ tỉnh Điện Biên; tác phẩm “Công đoàn ôm trọn vòng tay” của tác giả Bội Nhiên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị - LĐLĐ tỉnh Quảng Trị; tác phẩm “Lá thư không gửi” của tác giả Hoàng Thị Thu Thanh, Phòng khách hàng cá nhân, Công ty Dịch vụ MobiFone khu vực 2 – Công đoàn Thông tin và Truyền thông. 10 giải Khuyến khích được trao cho các tác phẩm: 1. Tác phẩm “Sau cơn mưa trời lại sáng” của tác giả Đỗ Thị Nguyên - Công đoàn Cao su Việt Nam. 2. Tác phẩm “Con tôi bị K” của tác giả Lâm Thị Bảo Trâm – LĐLĐ TP. Hồ Chí Minh. 3. Tác phẩm “Nối rộng vòng tay nghĩa tình” của các tác giả Trịnh Tuấn Sơn - Lê Duyên Hải - Công đoàn Điện lực Việt Nam. 4. Tác phẩm “Nhờ công đoàn em có được hôm nay” của tác giả Phạm Ngọc Điệp. Đơn vị công tác: Công đoàn Công thương Thanh Hóa 5. Tác phẩm “Sống như mỗi ngày trôi qua là một món quà” của tác giả Nguyễn Thị Lan - LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc. 6. Tác phẩm “Điểm tựa của tôi lúc khó khăn” của tác giả Đỗ Thu Hiền – LĐLĐ tỉnh Bắc Giang. 7. Tác phẩm “Công đoàn đã hồi sinh tôi” của tác giả Đàm Thị Điệp – LĐLĐ tỉnh Tuyên Quang. 8. Tác phẩm “Vững vàng hơn trong mùa mưa bão” của tác giả Nguyễn Thị Vân Anh - Công đoàn Dầu khí Việt Nam. 9. Tác phẩm “Khó mà kể hết công sức công đoàn” của tác giả Nguyễn Thị Kim Chung - Công đoàn Quốc phòng. 10. Tác phẩm “Việc khó có công đoàn... hóa dễ” của tác giả Lê Kung Diễm - Thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra, có 07 giải chuyên đề cho các Công đoàn ngành Trung ương, công đoàn cơ sở và tập thể, cá nhân tham gia dự thi. |
Thực hiện: HÀ VY |