Đồng chí Bùi Đăng Thành - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: THANH THẢO |
PV: Thời gian qua, Công đoàn tỉnh Khánh Hòa đã quan tâm, chăm lo cho các nghiệp đoàn nghề cá như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Bùi Đăng Thành: Tỉnh Khánh Hòa có bờ biển dài 385 km, có khoảng 9.750 tàu khai thác thủy sản đang hoạt động, trong đó, có 924 tàu có công suất 90 CV trở lên, lực lượng lao động trên biển khoảng 60.000 người, trong đó số lao động làm việc trên tàu khai thác vùng biển xa bờ khoảng 10.000 người, chủ yếu tập trung ở ngư trường Trường Sa và DK1.
Kể từ khi thành lập nghiệp đoàn nghề cá đầu tiên với 30 tàu và 227 đoàn viên vào tháng 8/2013 đến nay có 9 nghiệp đoàn, với 915 đoàn viên, Công đoàn Khánh Hòa luôn thực hiện tốt vai trò chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên nghiệp đoàn.
Những năm qua, Công đoàn tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể, cùng nhiều tổ chức, doanh nghiệp kêu gọi sự chung tay, hỗ trợ ngư dân bám biển với nhiều hoạt động ý nghĩa, nhân văn sâu sắc.
Cụ thể như: Phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh và chính quyền địa phương tổ chức các cuộc tuyên truyền, vận động về đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và tổ chức Công đoàn; trang bị bộ đàm tầm xa, định vị vệ tinh cho tàu cá, áo phao, tủ thuốc phòng chữa bệnh, hỗ trợ đoàn viên gặp hoàn cảnh khó khăn, tai nạn trên biển, cấp học bổng cho con em ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, quà cho con ngư dân nhân ngày 1/6, Tết trung thu ... với số tiền khoảng hơn 3 tỷ đồng từ các nguồn quỹ; phối hợp với Báo Người lao động trao tặng 17.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân bám biển; LĐLĐ tỉnh cấp kinh phí 10 triệu đồng/năm cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở quản lý hoạt động nghiệp đoàn nghề cá để hỗ trợ trang bị máy bộ đàm, phụ cấp ban chấp hành, chế độ hội họp ...
Đồng thời, kêu gọi đoàn viên thuộc các nghiệp đoàn nghề chung tay, đóng góp đoàn phí với mức dao động từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/người/tháng nhằm lập quỹ thăm hỏi, hỗ trợ đoàn viên trong những lúc khó khăn.
Các nghiệp đoàn đã xây dựng quy chế hoạt động, tổ chức các buổi sinh hoạt, phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến ngành, nghề; đoàn kết tương trợ, giúp đỡ nhau trong nghề nghiệp và đời sống; kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ nhau khi gặp sự cố, tình huống xấu trên biển.
Thực tế cho thấy, khi có sự quan tâm, hỗ trợ của tổ chức Công đoàn, các nghiệp đoàn đã phát huy được vai trò chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho đoàn viên, ngư dân, tạo sự đoàn kết trong quá trình khai thác đánh bắt, giải quyết việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho đoàn viên, ngư dân. Đồng thời, thông qua công đoàn, nhiều ngư dân được xã hội quan tâm, hỗ trợ thiết thực hơn. Điều này đã khích lệ, động viên ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển để vừa phát triển kinh tế, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo.
PV: Thưa đồng chí, bên cạnh những thuận lợi, hoạt động của nghiệp đoàn nghề cá gặp những khó khăn nào?
Đồng chí Bùi Đăng Thành: Các nghiệp đoàn nghề cá chưa có đủ văn phòng làm việc cố định dẫn đến công tác quản lý lưu trữ hồ sơ, sổ sách nghiệp vụ còn lúng túng; kinh phí hoạt động, duy trì phúc lợi cho đoàn viên nghiệp đoàn còn hạn hẹp, chưa đủ mở rộng hoạt động; ban chấp hành nghiệp đoàn còn bỡ ngỡ trong việc tiếp cận, triển khai thực hiện các nhiệm vụ do Công đoàn Khánh Hòa chỉ đạo.
Đối với đoàn viên, ngư dân, sau hơn hai năm “đóng băng” vì dịch bệnh COVID-19, khi dịch bệnh được kiểm soát, vừa vươn khơi được một thời gian ngắn thì cơn “bão giá” ập tới khiến việc bám biển mưu sinh của họ thêm khó khăn, thách thức. Ngư dân ra khơi trong tình trạng thu không đủ chi, thậm chí thiếu an toàn khi phải ngược xuôi chuyển ngư trường.
|
Cùng với đó, nhiều ngư dân không ký hợp đồng lao động, làm việc theo mùa vụ, các đoàn viên thiếu sự gắn bó với chủ tàu, các chủ tàu không giữ chân được lực lượng lao động thường xuyên, lâu dài. Đoàn viên các nghiệp đoàn có thời gian ở trên biển nhiều hơn ở đất liền nên việc tập hợp để sinh hoạt tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và hoạt động của tổ chức Công đoàn vẫn khó khăn.
PV: Khó khăn như vậy thì nhiệm vụ, giải pháp đặt ra như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Bùi Đăng Thành: Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các nghiệp đoàn nghề cá, Công đoàn Khánh Hòa sẽ tiếp tục đồng hành với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan, đơn vị trong các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, ngư dân của nghiệp đoàn.
Mới đây, tỉnh Khánh Hoà đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó có nội dung tập trung phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên biển, nhất là đánh bắt và nuôi trồng hải sản xa bờ.
|
Để nghiệp đoàn nghề cá phát huy được vai trò của mình, Công đoàn Khánh Hòa sẽ triển khai thực hiện nghiêm túc, thiết thực các nội dung của Nghị quyết số 09-NQ/TW gắn với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn. Cụ thể như: Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho đoàn viên, ngư dân nghiệp đoàn nghiêm chỉnh chấp hành đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các hiệp định thỏa thuận về Luật biển năm 1982; nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đoàn viên, ngư dân; phối hợp với cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện thuận lợi về vật chất, tinh thần cho hoạt động của các nghiệp đoàn.
Cùng với đó, Công đoàn Khánh Hòa đã có những kiến nghị, đề xuất tới Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc tạo điều kiện thật tốt cho lực lượng đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá yên tâm vươn khơi. Trong đó, đề xuất Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam hỗ trợ thêm các kỹ năng hoạt động cho nghiệp đoàn cơ sở; tìm kiếm nguồn tài trợ mua bảo hiểm cho người đi biển; có quỹ dự phòng hỗ trợ khi có tai nạn, rủi ro; có hệ thống dự báo thị trường hay thông tin hàng hóa để các chuyến ra khơi có sản phẩm bán được giá hơn, giúp các đoàn viên có thu nhập cao và ổn định. Từ đó, tạo nhiều điểm tựa vững chắc cho ngư dân bám biển, làm giàu cho bản thân, gia đình và Tổ quốc.
Xin cảm ơn đồng chí!
Bài viết: Thanh Thảo Đồ họa: An Nhiên |