|
Vấn đề nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất càng trở nên cấp thiết qua đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. Thời gian qua, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề xuất nhiều nội dung để Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành cùng tháo gỡ vướng mắc về thủ tục pháp lý, trong đó có liên quan đến các nhà đầu tư xây dựng nhà ở công nhân. Ngày 12/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 655/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, đồng ý chủ trương để Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ động làm nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Liên đoàn đã triển khai các dự án đầu tiên thuộc Đề án tại 3 miền: Bắc, Trung, Nam, cụ thể là ở 3 tỉnh Hà Nam, Quảng Nam, Tiền Giang. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện còn vướng mắc về một số cơ chế, thủ tục pháp lý nên mới có 2 dự án đã và đang triển khai (Khu thiết chế Công đoàn Hà Nam, Khu thiết chế Công đoàn Tiền Giang (đã triển khai 50%)). Còn Khu thiết chế Công đoàn Quảng Nam chưa triển khai được. Vướng mắc chủ yếu là, theo quy định của Luật Đất đai, Tổng LĐLĐ Việt Nam không được giao đất làm nhà ở cho người lao động hoặc nhà ở xã hội. Về Luật Nhà ở, Tổng Liên đoàn không được là cơ quan quản lý Nhà nước để quản lý, khai thác nhà ở xã hội đó. Ngoài ra, còn nhiều vướng mắc liên quan đến quy định của Luật Đầu tư công (liên quan đến quy định về đầu tư xây dựng cơ bản). |
Ông Lê Văn Nghĩa - Quyền Trưởng Ban Quản lý dự án thiết chế Công đoàn giải đáp thắc mắc của công nhân thuê nhà ở tại khu thiết chế Công đoàn Hà Nam. Ảnh: ThC |
Nhằm huy động nguồn lực ngân sách Nhà nước, nguồn lực của doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nguồn lực của tổ chức Công đoàn cùng tham gia đầu tư xây dựng nhà ở, cơ sở y tế, giáo dục, siêu thị, công trình thương mại, dịch vụ, văn hóa thể thao tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thuộc đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thông báo mời nhà đầu tư phối hợp với Tổng Liên đoàn tại 22 dự án đã được UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giới thiệu, chấp thuận đất đai. Tổ đánh giá hồ sơ do Tổng Liên đoàn thành lập đã tổ chức đánh giá xác định được 8 nhà đầu tư đáp ứng tiêu chí nêu tại hồ sơ mời đầu tư tại 15 dự án nhà ở thuộc quy hoạch khu thiết chế Công đoàn. Ban Quản lý dự án thiết chế Công đoàn tham mưu cho Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam kêu gọi nhà đầu tư trên cơ sở đảm bảo các tiêu chí và thang điểm về năng lực, kinh nghiệm, tiềm lực và khả năng quản trị rủi ro mà Tổng Liên đoàn đề ra. Sau đó, Tổng Liên đoàn xem xét, lựa chọn, chấp thuận các nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở công nhân trong khu thiết chế Công đoàn. |
|
Sau khi được các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giới thiệu địa điểm, Tổng Liên đoàn sẽ khảo sát, nghiên cứu và lập ra một quy hoạch chi tiết 1/500 , quy hoạch tổng mặt bằng trên khu đất được giới thiệu. Ngay sau khi được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch, Tổng Liên đoàn sẽ thực hiện khu văn hóa thể thao và nhà đa năng, còn nhà đầu tư sẽ xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật. Theo quy định pháp luật, sau khi được tỉnh, thành phố chấp thuận, giao địa điểm, nhà đầu tư thực hiện xây dựng nhà ở, trên cơ sở tổng mặt bằng đã được Tổng Liên đoàn đề nghị tỉnh phê duyệt. Hai bên phối hợp tạo ra một tổ hợp nhà ở và khu thiết chế văn hóa thể thao của Công đoàn. Người lao động được thụ hưởng phúc lợi của tổ chức Công đoàn. |
Tổng LĐLĐ Việt Nam ký kết quy chế phối hợp với Công ty CP Quan hệ quốc tế Đầu tư sản xuất về xây dựng nhà ở trong khu thiết chế Công đoàn. Ảnh: ThC |
Về giá trị vật chất, người lao động được hưởng giá nhà thấp hơn, chất lượng cao hơn nhiều dự án nhà ở xã hội khác. Nguyên nhân là, Chính phủ, UBND tỉnh, Tổng Liên đoàn hỗ trợ nhà đầu tư để tạo ra quần thể có giá trị lớn cho người lao động. Về giá trị tinh thần, Tổng Liên đoàn tạo ra quần thể văn hóa, thể thao trong khu thiết chế Công đoàn, từ đó chăm lo đời sống tinh thần cho đoàn viên, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất. |
Công nhân, lao động mong muốn được sinh sống trong khu thiết chế Công đoàn. Ảnh: ThC |
Trình bày: HÀ VY |