Giữ “hồn quê” cho cây tre Việt

Giữ “hồn quê” cho cây tre Việt

Khi tôi hỏi làng nghề tre Hàm Giang có từ bao giờ, người dân sở tại đều trả lời: “Không biết!”. Ông Thạch Hai (63 tuổi, ấp Trà Tro B, xã Hàm Giang), kể rằng: Gia đình ông làm nghề đóng giường tre đã hơn 40 năm, chỉ nhớ rằng nghề này đã có từ đời ông bà, cha mẹ.

Chỉ tay về những bụi tre quanh nhà, ông Hai nói: “Hàm Giang là vùng đất giồng cát, nơi có nhiều loài tre mọc tự nhiên, nhất là giống tre gai, tầm vông bền chắc, ít sâu mọt. Đi đâu cũng thấy tre gai trồng quanh nhà. Không ai nhớ làng nghề có từ khi nào. Chỉ nhớ rằng từ trăm năm trước, đồng bào Khmer đã dùng tre để sản xuất ra rất nhiều loại dụng cụ phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt hằng ngày. Đặc biệt, hầu như mỗi hộ gia đình đều có người biết làm giường tre, nhưng sản phẩm làm ra chủ yếu để sử dụng trong gia đình hoặc tặng cho bà con trong phum sóc. Đến một dạo, vài hộ trong xã mang sản phẩm đi bán dạo và thu về nguồn tiền kha khá. Từ đó bà con trong xóm ấp cũng bắt đầu làm sản phẩm rồi kéo đi bán, vậy là làng nghề tre Hàm Giang ra đời”.

Tại ấp Trà Tro B, tôi gặp gia đình anh Kim Thanh đang xếp các sản phẩm bằng tre lên cái xe đẩy cải tiến để đi bán dạo. Một xe xếp 18 chiếc giường, 20 cây thang... tổng giá trị hàng hóa trên 10 triệu đồng.

Kim Thanh cho biết: “Tôi đẩy bộ từ đây lên tới thành phố Vĩnh Long dài cả trăm cây số. Lúc bán đắt chỉ cần đi tới huyện Vũng Liêm, 60 cây số hà. Đi từ 6 đến 8 ngày. Hết hàng mới về. Mỗi tháng đi 3-4 chuyến. Ai ở nhà làm sản phẩm thì làm, ai đi bán thì cứ đi bán. Chúng tôi chỉ làm sản phẩm rẻ tiền, bán cho nông dân nghèo thôi!”.

Giữ “hồn quê” cho cây tre Việt

Một sản phẩm làm từ cây tre của làng nghề Hàm Giang - Ảnh: Trần Lưu

Huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh với hơn 60% đồng bào dân tộc Khmer đang sinh sống; riêng xã Hàm Giang có đến 93%; nên khi tôi đến đây, ông Thạch Sơn – Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện nói vui rằng: “Đến xứ này, nhà báo là dân tộc thiểu số đó nghen”.

Như bao làng nghề khác, làng nghề tre Hàm Giang cũng trải qua nhiều thăng trầm. Thời hoàng kim, sản phẩm nức tiếng vang xa, người người tìm mua. Nhưng đến thời bùng nổ khoa học công nghệ, sản phẩm làng nghề chậm đổi mới, trở nên lạc hậu, mẫu mã không đáp ứng được thị hiếu ngày càng cao trên thị trường.

Một dạo, những nghệ nhân cố cựu trong làng tự hỏi, người trong làng nghề hết sức vất vả, nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Vì sao? Vì sản phẩm thô kệch quá, chỉ bán cho người nghèo, trong khi nhu cầu của giới thượng lưu như bàn ghế cho quán cà phê, nhà hàng sinh thái, nhà ở sinh thái cao cấp người ta cần sản phẩm có tính mỹ thuật hơn, bền hơn,... Phải đáp ứng thị trường cao cấp thì mới khá nổi.

Giữ “hồn quê” cho cây tre Việt

Từ trăn trở đó, năm 2001, anh Trì Cảnh (SN 1976, thành viên đời thứ ba trong một gia đình làm nghề này) lấy xe máy một mình lên Tây Ninh học nghề. Chỉ mấy tháng sau, Trì Cảnh trở về mở cơ sở rồi mang những kỹ nghệ áp dụng vào các sản phẩm.

Ngày đó, tuy tính thẩm mỹ của sản phẩm đã cao hơn nhưng lượng tre dư thừa, hao hụt còn lớn, rất uổng phí. Nghĩ vậy, Trì Cảnh vừa làm, vừa mày mò nghiên cứu, tận dụng tối đa từng gốc tre dù nhỏ nhất. Từ chiếc giường tre truyền thống, anh Cảnh phát triển thành giường hộp cao cấp, rồi bộ salon bằng tre, kệ sách… Đến nay, anh có thể làm bất cứ sản phẩm nào theo yêu cầu của khách.

“Ngày nay, giới thượng lưu giàu có thường có xu hướng hoài cổ, trong cuộc sống cũng như thú chơi, họ thích tìm về những nét quê xưa. Chính vì vậy, các sản phẩm mỹ nghệ làm bằng tre được họ rất yêu thích. Những gốc tre trước đây thay vì quăng bỏ, nay tôi tận dụng làm chân ghế salon chẳng hạn. Sau khi xử lý mối mọt, sản phẩm bao bền, chắc. Một bộ gồm 4 chiếc ghế, một cái bàn giá bình quân hàng chục triệu đồng. Nếu khách có yêu cầu cao cấp hơn thì sản phẩm sẽ đắt hơn” - anh Cảnh cho biết.

Giữ “hồn quê” cho cây tre Việt

Các sản phẩm làm từ tre của cơ sở Trì Cảnh - Ảnh: Trần Lưu

Năm 2009, Hợp tác xã (HTX) Thành Đạt được thành lập do anh Trì Cảnh làm chủ nhiệm. Từ chỗ có 6 thành viên, nay HTX đã tăng lên 12 thành viên. Năm 2011, Trung tâm Khuyến công tỉnh Trà Vinh hỗ trợ thiết bị cơ giới: máy khoan; đục; cưa.... Năm 2014, tỉnh Trà Vinh công nhận làng nghề giường tre Hàm Giang là làng nghề cấp tỉnh.

Thời điểm đó, trong HTX có 28 lao động: 18 nam; 10 nữ. Nam thì làm công việc năng nhọc như: uốn tre; cưa; gọt; ráp khung salon; giường. Nữ thì làm công việc nhẹ, đòi hỏi khéo léo hơn như bện nan; vót nan... với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng/người. Hiện tại năng lực sản xuất trong một năm của HTX từ 1.800 đến 2.000 bộ bàn ghế salon; 2.800 đến 3.000 giường; 3.000 chiếc thang…

Chia sẻ thêm về bộ salon tre, ông Trì Cảnh phấn khởi: Hiện cơ sở làm nhiều mẫu salon tre theo yêu cầu của khách với nhiều mức giá khác nhau từ 12 đến 17 triệu đồng/bộ. Đặc biệt, bộ salon từ gốc tre rất chắc, bóng, đẹp.

Giữ “hồn quê” cho cây tre Việt

Anh Cảnh mày mò nghiên cứu, chế tạo chiếc xe đạp bằng tre - Ảnh: Trần Lưu

“Theo đơn đặt hàng, chúng tôi làm sẵn sản phẩm tại cơ sở. Sau đó, cử thợ và chở nguyên liệu, vật liệu đến địa chỉ của khách hàng để lắp ráp. Tuy tốn nhân công, thời gian, nhưng sản phẩm chắc, không bị sờn, tróc… do quá trình vận chuyển. Ngày xưa, đóng được bộ sản phẩm thẳng, đẹp là được, nay cho ra đời bộ sản phẩm salon cao cấp từ gốc tre, không ngờ được khách hàng VIP đặt mua, trang bị cho những resort, homestay phục vụ khách du lịch VIP”, anh Cảnh hồ hởi khoe.

Trước khi được chứng nhận đạt OCOP 4 sao, năm 2016, bộ salon tre của ông Trì Cảnh đoạt giải Nhất cấp tỉnh về sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; đoạt giải Ba khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, cơ sở của anh còn nhận trang trí các quán ăn, nhà hàng từ nguyên liệu tre tại nhiều tỉnh, thành.

Giữ “hồn quê” cho cây tre Việt

Một dạo, du khách nước ngoài đến các khu du lịch sinh thái ở TP Hồ Chí Minh và miền Tây Nam Bộ đã bị cuốn hút bởi các sản phẩm tre ở Hàm Giang. Nhiều khách “Tây Ba Lô” đi dã ngoại, rất thích sử dụng xe đạp. Rồi họ nảy ra ý tưởng nếu được di chuyển trên một chiếc xe đạp bằng tre thì hết sức thú vị. Vì thế họ đến Hàm Giang đặt sản xuất xe đạp.

Trước ý tưởng độc lạ này, ban đầu anh Trì Cảnh tỏ ra bất ngờ và do dự vì không biết có thể làm ra được sản phẩm này hay không. Nhưng rồi niềm đam mê nghề đã thôi thúc anh bắt tay vào nghiên cứu.

Anh kể: Một lần, anh cầm trên tay một đoạn tre để nghiên cứu, tận dụng vào các sản phẩm. Nhìn ống tre thon dài, anh bất ngờ liên tưởng tới khung sườn xe đạp, từ đó, ý tưởng làm ra một chiếc xe đạp bằng tre được hình thành.

Giữ “hồn quê” cho cây tre Việt

Bình nước uống trên xe cũng làm bằng cây tre - Ảnh: Trần Lưu

Những thanh tre tầm vông già, ngả màu vàng, kích cỡ vừa phải được Trì Cảnh đưa qua công đoạn xử lý mối mọt. Những thanh tre được nối với nhau bằng những “rắc-co” (mối nối) bằng kim loại, có khóa đinh, sau đó được quấn dây mây vào mối nối tạo cho chiếc sườn xe giống như bằng mây tre thiên nhiên. Trọng lượng xe đạp tre rất nhẹ, chỉ khoảng 20 kg. Tuổi thọ xe trên 10 năm. “Tre tầm vông rất chắc, ông bà tổ tiên mình dùng đánh giặc nên độ bền chắc thì miễn bàn”, Trì Cảnh cười nói.

Thông thường, tre làm bàn ghế, đóng giường phải ngâm vôi đá xử lý mối mọt trong 3 tuần, riêng làm xe đạp phải ngâm ít nhất từ 1 tháng trở lên. Tre được chọn phải là những gốc tre già nhất, đặc ruột nhất vì nó tỉ lệ thuận với độ chắc chắn. Đặc biệt, làm xe đạp phải chọn tre tầm vông vì đường kính cây tre rất đều, cho tính thẩm mỹ cao và độ chắc chắn hơn hẳn tre gai. “Lúc bắt tay vào làm lần đầu, không ngờ thành công luôn”, anh Cảnh cho biết thêm.

Sản phẩm xe đạp tre của nghệ nhân Thạch Trì Cảnh có 30% bộ phận làm bằng các loại vật liệu khác (bánh xe; nan hoa; dây xích…), còn 70% bộ phận là làm từ tre (khung sườn; ghi đông…).

Giữ “hồn quê” cho cây tre Việt

Anh Trì Cảnh bên chiếc xe đạp bằng tre do mình sáng tạo - Ảnh: Trần Lưu

Trung bình anh Cảnh và 2 người thợ phải mất khoảng 10 ngày mới hoàn thiện một sản phẩm xe đạp tre. Hiện nay, sản phẩm xe đạp tre của anh được du khách nước ngoài rất ưa chuộng vì nhẹ, bền, thân thiện môi trường, nên đã có mặt ở hầu hết các khu du lịch tại TP Hồ Chí Minh; Vĩnh Long; Cần Thơ; Nha Trang. Bình quân mỗi tháng cơ sở ông bán ra thị trường theo đơn đặt hàng từ 10 đến 15 chiếc xe đạp tre, với giá mỗi chiếc hơn 5 triệu đồng/xe.

Khi ghé cơ sở Trì Cảnh, thấy xe đạp bằng tre, khách hàng rất thích thú và đặt mua về phục vụ khách du lịch. Có đoàn khách tây ba lô từ Sài Gòn tìm đến tận nhà anh để khám phá cách làm chiếc xe đạp. “Khách nước ngoài họ rất thích đi xe đạp, nếu là xe đạp bằng tre họ càng thích vì nó mang đến cảm giác thân thiện môi trường, hòa nhập với thiên nhiên. Bây giờ, các khu du lịch sang đặt hàng nhiều lắm, mấy bữa trước, tôi phải cho nhóm thợ nghỉ ít ngày đi thu gom nguyên liệu, vì nguồn tre làm không đủ”, vẫn lời anh Cảnh.

Hiện làng nghề truyền thống của đồng bào Khmer xã Hàm Giang đang từng bước phát triển theo hình thức tổ hợp tác, có sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau trong các khâu sản xuất. Năm 2022, xã Hàm Giang đã thành lập và duy trì được 22 tổ hợp tác với 642 thành viên tham gia sản xuất các sản phẩm chế tác từ tre, tầm vông, trúc với 61.255 sản phẩm, đạt doanh thu hơn 12,25 tỷ đồng.

Giữ “hồn quê” cho cây tre ViệtChiếc giường làm bằng tre tại cơ sở Trì Cảnh - Ảnh: Trần Lưu

Ông Huỳnh Văn Danh - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Trà Cú, thông tin, toàn huyện hiện có trên 15 ha trồng tre, sản lượng thu hoạch hằng năm hơn 500.000 cây. Từ những nguyên liệu đơn giản là cây tre, qua bàn tay khéo léo kết hợp sáng tạo tinh tế đã làm ra các sản phẩm đáp ứng thị hiếu khách du lịch và người tiêu dùng.

“Hiện nay có trên 1.284 lao động thực hiện các công đoạn trong sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ cây tre, tầm vông. Làng nghề đã tạo công ăn việc làm, góp phần giúp người dân ổn định cuộc sống, thu nhập bình quân của mỗi lao động là 6 triệu đồng/người/tháng”, ông Danh cho biết.

Không chỉ giải quyết việc làm cho người dân sở tại, nghề sản xuất tre ở Hàm Giang còn giúp nhiều hộ dân khác đổi đời. Anh Thạch My (sinh năm 1980) chia sẻ: “Khoảng năm 2010, tui rời quê ở Trà Cú lên TP Trà Vinh làm việc cho công ty may nhưng mức lương chỉ tầm 4-5 triệu/tháng, lại phải ở trọ do xa nhà. Đến năm 2014, tui chuyển hẳn về quê làm nghề thu mua tre, tầm vông tại các hộ gia đình trong xã. “Mỗi tháng tui cung cấp hàng ngàn cây tre, tầm vông để bà con làng nghề sản xuất các sản phẩm ghế đôn, ghế xếp, giường tre, giúp tôi có được gần 10 triệu đồng. Nhờ có cây tre mà nên nhà nên cửa”.

Ông Kim Tha - Chủ tịch UBND xã Hàm Giang cho biết: Năm 2023, tình hình sản xuất của làng nghề tương đối khả quan, đầu ra của sản phẩm chủ yếu được các hộ tự tìm nguồn tiêu thụ và bán sản phẩm ra các tỉnh như An Giang, Đồng Tháp và các huyện, thị trong tỉnh. Do sản phẩm của làng nghề chủ yếu là phục vụ trong sinh hoạt gia đình, giá trị mang lại thấp… từ đó, thu nhập của các hộ trong làng nghề không cao. Hiện chỉ có một số sản phẩm của Cơ sở sản xuất Trì Cảnh (ấp Trà Tro B) như bộ salon tre, salon tre chạm khắc… có giá trị cao từ vài triệu đến trên chục triệu đồng/bộ sản phẩm.

Giữ “hồn quê” cho cây tre Việt

Một lao động làm việc tại làng nghề tre Hàm Giang - Ảnh: Trần Lưu

Theo ông Tha, những năm qua, cơ sở Trì Cảnh được sự hỗ trợ của tỉnh, huyện trong đầu tư thiết bị máy móc phục vụ sản xuất đóng ghế, salon bằng tre theo hướng quy mô lớn. Cơ sở giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 05-06 lao động, lúc đông nhất khoảng trên 15 lao động. Hiện thu nhập bình quân của các thợ làm việc tại cơ sở Trì Cảnh dao động từ 6 đến 9 triệu đồng/tháng.

Cũng theo ông Tha, làng nghề tiểu thủ công nghiệp chuyên sản xuất từ các nguyên liệu tre, tầm vông, trúc… và nguồn tiêu thụ các sản phẩm ở làng nghề chủ yếu do người làm tự đưa sản phẩm đi bán; chưa có đầu mối liên kết để tiêu thụ ở ngoài tỉnh. Để tạo điều kiện đưa sản phẩm làng nghề vươn xa, ổn định trong sản xuất, địa phương cũng đang tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ trong làng nghề tham gia vào các mô hình tổ hợp tác để cùng hỗ trợ phát triển.

Giữ “hồn quê” cho cây tre Việt

Đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ thành viên trong làng nghề xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và đăng ký mới các sản phẩm OCOP (hiện làng nghề có 01 sản phẩm là bộ salon tre thu nhỏ đạt chứng nhận OCOP 4 sao); phối hợp với các ban ngành tỉnh, huyện đẩy mạnh công tác xúc tiến, tìm kiếm thị trường… để tạo đầu ra cho sản phẩm của làng nghề có tính ổn định; hỗ trợ vốn; đào tạo nghề, truyền nghề cho lao động tại địa phương.

Những năm qua, cơ sở của Trì Cảnh đã dạy nghề và giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động trong vùng. Anh tâm sự: “Ở đây, hầu như người nào cũng biết làm tre, vì đó là nghề cha truyền con nối. Chính vì vậy, chỉ cần đào tạo, nâng cao tay nghề thêm một bậc là họ làm rất giỏi. Tôi vừa mới thống kê danh sách 30 người trong xã, hiện đang trình lên ngành chức năng hỗ trợ cho mở lớp đào tạo, họ phần lớn đều là lao động nhàn rỗi ở địa phương”.

Tuy nhiên, anh Cảnh cho biết, xe đạp tre sản xuất chủ yếu phục vụ cho các điểm du lịch, chứ hầu như không xuất hiện trên đường phố. Do đó, sức tiêu thụ có giới hạn và chậm dần khi các điểm du lịch đều đã trang bị đủ loại phương tiện này. Gần đây, cơ sở của anh và bà con trong vùng đều chỉ tập trung sản xuất sản xuất bàn ghế tre và những vật dụng dễ tiêu thụ khác.

“Dù là sản phẩm nào, với bao thế hệ làm nghề này, gia đình tui và bà con trong vùng chỉ mong muốn tạo ra những sản phẩm tốt nhất, đưa cây tre Việt vươn xa, và đâu đó là gợi nhớ “hồn quê” trong cuộc sống bề bộn này”, anh cảnh bộc bạch.

Giữ “hồn quê” cho cây tre Việt

Bài viết: TRẦN LƯU

Ảnh: TRẦN LƯU

Video: THANH HÙNG - MAI HUYỀN - TUYẾT HẰNG