Top 10 game có thưởng khi tải về - game doi thuong

e magazine
19/10/2024 15:45
Giáo sư Phạm Quang Hưng, nhà “tiên đoán” hạt một lòng vì nước Việt

19/10/2024 15:45

Giáo sư Phạm Quang Hưng là nhà vật lý hạt nổi tiếng thế giới. Ông được xem là một trong những cây đại thụ trong ngành vật lý năng lượng cao, với những nghiên cứu, “tiên đoán” hạt chấn động thế giới. Dù sống và làm việc ở nước ngoài nhưng ông đã có nhiều đóng góp miệt mài cho giáo dục, nhất là các hoạt động về khoa học vật lý cho quê hương Việt Nam.
Giáo sư Phạm Quang Hưng, nhà “tiên đoán” hạt một lòng vì nước Việt
Giáo sư Phạm Quang Hưng, nhà “tiên đoán” hạt một lòng vì nước Việt

Giáo sư (GS) Phạm Quang Hưng sinh năm 1950 tại Gia Hưng, Gia Viễn, Ninh Bình, là con út trong một gia đình có 9 người con. Lúc mới vài tháng tuổi, gia đình ông chuyển về Hà Nội, ở phố Mã Mây. 4 năm sau ông theo theo gia đình chuyển vào Sài Gòn sống. Năm 18 tuổi, ông rời Việt Nam sang Canada, rồi tiếp tục sang Mỹ học đại học và bắt đầu những cuộc “viễn du” trong nền khoa học đỉnh cao của ngành Vật lý.

Trong nhiều lần về Việt Nam tổ chức, tham gia các hoạt động khoa học, giáo dục, chúng tôi may mắn được vài lần hầu chuyện với vị giáo sư khả kính. Sự thú vị và sức hấp dẫn ở nhà khoa học lỗi lạc này ở chỗ ông luôn lồng ghép những ví dụ dễ hiểu nhất có thể và thi thoảng còn “đá” qua lĩnh vực âm nhạc vốn là thứ đã nuôi dưỡng tâm hồn của ông suốt một phần đời.

“Tôi bắt đầu đam mê âm nhạc ở tuổi thành niên, nhất là dòng nhạc rock ở Sài Gòn. Mê đến mức, lúc học tú tài tôi bỏ bê việc học, theo chúng bạn lập ra ban nhạc rock để biểu diễn, trong đó tôi chơi guitar. Sau đó tôi được người thầy dạy lịch sử khuyên nhủ, định hướng nên tôi quay lại việc học và theo đuổi khoa học đến hôm nay!”, GS Hưng chia sẻ trong lần chúng tôi được hầu chuyện cùng ông ở TP. Quy Nhơn, Bình Định hồi tháng 7/2024.

Ông kể, đam mê khoa học, nhất là ngành vật lý từ nhỏ. Có lúc, nhìn thấy bóng đèn sáng cậu bé Hưng tò mò hỏi tại sao đèn có thể sáng được, để rồi tự mày mò sáng chế ra mô hình đèn điện. Sau khi sang Canada du học, ông Hưng đến Mỹ để theo học vật lý tại Học viện Công nghệ Illinois và rồi đã lấy bằng Tiến sĩ tại Đại học UCLA (University of California).

Giáo sư Phạm Quang Hưng, nhà “tiên đoán” hạt một lòng vì nước Việt

Trong câu chuyện, GS Hưng thường kể nhiều về người thầy của mình là GS J.J.Sakurai (gốc Nhật Bản). Nhờ thầy Sakurai, chàng trai Phạm Quang Hưng lựa chọn theo ngành Vật lý hạt.

“Ban đầu, tôi chọn vật lý Plasma vì nó nghiên cứu năng lượng mặt trời. Nó có sứ mệnh giúp nhân loại tạo ra nguồn năng lượng mới như mặt trời cho sự sống. Nhưng sau này gặp thầy Sakurai, tôi lại chuyển niềm đam mê sang vật lý hạt vì nó nghiên cứu những điều sâu xa, tận gốc gác của vạn vật, vũ trụ”, GS Hưng kể tiếp.

Những năm đầu làm việc, theo thầy Sakurai “du khảo” khắp châu Âu, qua Tây Âu và trở lại Mỹ đã để lại cho chàng trai Phạm Quang Hưng nhiều kinh nghiệm trên con đường học thuật, nghiên cứu. Những cuộc viễn du, khám phá khoa học, những học thuật bậc cao thế giới khiến cho chàng trai gốc Việt có một suy nghĩ rất thực tế. Ông hướng con đường nghiên cứu của mình thiên về thực nghiệm hơn là lý thuyết. Ông hay dặn học trò của mình rằng, nếu lý thuyết mà không đi đến thực nghiệm thì nó rất khó thuyết phục và đôi khi chỉ là một “tôn giáo” về khoa học!

Giai đoạn theo học với thầy Sakurai, nhà nghiên cứu trẻ Phạm Quang Hưng có sản phẩm nghiên cứu đầu tay về tương tác yếu (weak interaction). Nghiên cứu này gây chú ý nhiều người về giá trị thực nghiệm, nhờ đó ông được mời đến làm việc tại Trung tâm Vật lý hạt Fermilab (một trung tâm nghiên cứu vật lý hạt lớn nhất thế giới đặt tại Mỹ).

Giáo sư Phạm Quang Hưng, nhà “tiên đoán” hạt một lòng vì nước Việt

Tại Fermilab, năm 1979, chàng trai Phạm Quang Hưng cùng một số cộng sự đã nghiên cứu công bố chấn động khác khi “tiên đoán” về sự cân bằng giữa khối lượng hạt Higgs và khối lượng hạt quark đỉnh trong sự định hình của vũ trụ và nghiên cứu này đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Quark đỉnh và hạt Higgs là hai trong số các loại hạt vật chất có tên gọi chung là hạt cơ bản. Chúng được tìm thấy chủ yếu bằng máy gia tốc trong phòng thí nghiệm.

Năm 1982, Tiến sĩ trẻ Phạm Quang Hưng được mời đến giảng dạy tại Đại học Virginia, ngôi trường được sáng lập vào năm 1819 bởi “cha đẻ” bản Tuyên ngôn Độc lập Mỹ Thomas Jefferson và là Di sản Thế giới. Ở tuổi 38, ông Hưng lấy bằng Phó Giáo sư và 9 năm sau thì trở thành Giáo sư tại Đại học Virginia khi ông 45 tuổi.

Giáo sư Phạm Quang Hưng, nhà “tiên đoán” hạt một lòng vì nước Việt
Giáo sư Phạm Quang Hưng, nhà “tiên đoán” hạt một lòng vì nước Việt

Năm 1995, giới khoa học về vật lý hạt đã thực nghiệm thành công hạt quark đỉnh và tìm thấy hạt Higgs vào năm 2012. Để ghi nhận những phát hiện quan trọng, đồng thời vinh danh những đóng góp vĩ đại vào sự phát triển của nhân loại, những nhà khoa học tìm thấy hạt quark đỉnh và hạt Higgs đều đã được trao giải Nobel. Các nhà khoa học cũng đã làm sáng tỏ được vũ trụ đang ở ranh giới giữa yên ổn đi đến bất ổn.

Kết quả này tương đồng, ăn khớp với nghiên cứu của nhà “tiên đoán” Phạm Quang Hưng được công bố năm 1979. Cho đến nay, giới Vật lý hạt và Vũ trụ học vẫn đang dẫn chứng lại những lý thuyết, nghiên cứu mà nhà GS Hưng đã phát hiện trước kia để làm rõ thêm hạt Higgs và quark đỉnh trong sự định hình cũng như tình trạng của vũ trụ… Đây cũng chính một trong những đóng góp lớn của vị học giả người Việt với khoa học Vật lý thế giới.

Ngoài đóng góp cho giáo dục, khoa học thế giới, ông còn để lại 120 bài báo, công trình nghiên cứu giá trị. Trong các nghiên cứu của mình, ông rất tâm đắc với nghiên cứu về thuyết Hợp nhất nhỏ giữa 3 lực (yếu, mạnh và điện từ). Hiểu đơn giản thì thuyết này của GS Hưng mở ra một con đường mới để các nhà thực nghiệm dễ dàng tìm kiếm sự tồn tại của những hạt cơ bản mới mà nhân loại chưa tìm thấy.

Giáo sư Phạm Quang Hưng, nhà “tiên đoán” hạt một lòng vì nước Việt

Đặc biệt, GS Hưng cùng với các đồng nghiệp, học trò đã có công trình nghiên cứu gây tiếng vang khác về mô hình Đơn cực từ (Magnetic Monopoles). Cũng tương tự như thuyết Hợp nhất nhỏ, mô hình Magnetic Monopoles “tiên đoán” về sự xuất hiện của hạt cơ bản mới.

Mô hình này của GS Hưng là mô hình duy nhất phát hiện ra đơn cực (monopole) có một khối lượng nhỏ, nó nằm trong khả năng con người sẽ tạo ra được máy gia tốc có thể thực nghiệm được hạt này trong tương lai gần.

Mới đây, khi đối chứng kết quả nghiên cứu của mình với cộng đồng Vật lý hạt thế giới, GS Arttu Rajantie (nhà Vật lý lý thuyết người Anh) đã nêu bật giá trị, tính khả thi cao về mô hình của GS Phạm Quang Hưng. GS Arttu đã đặt tên mô hình này bằng tên của GS Phạm Quang Hưng và theo cách gọi tiếng Việt là “mô hình Hung”.

Theo Arttu, tương lai gần con người sẽ tạo ra máy gia tốc đạt được năng lượng để khám phá nhanh hạt cơ bản mới mà nhà “tiên đoán” Phạm Quang Hưng đã nêu lên. Nếu tìm thấy hạt này, GS Arttu Rajantie đề xuất với cộng đồng vật lý thế giới nên đặt tên nó là “hạt Hung monopole” để thế giới ghi nhớ công lao người đi tiên phong.

Giáo sư Phạm Quang Hưng, nhà “tiên đoán” hạt một lòng vì nước Việt

Trong cuộc “viễn du” vào bầu trời khoa học, nghiên cứu và cống hiến cho nền khoa học đỉnh cao, điều mang lại hạnh phúc với GS Phạm Quang Hưng còn là việc ông tìm được “nửa kia” của chính mình. Tình yêu, bạn đời và người vợ của ông cũng là nhà Vật lý hạt - Giáo sư Simonetta Liuti, người mang 2 quốc tịch Ý và Mỹ. Họ kết hôn rồi có được với nhau 3 người con, 2 trai, 1 gái. Không chỉ GS Hưng mà phu nhân của ông cũng dành những mối quan tâm đặc biệt cho nền khoa học của quê hương chồng.

Năm 2004, lần đầu tiên kể từ sau khi lập gia đình vợ chồng Giáo sư Phạm Quang Hưng - Simonetta Liuti về Việt Nam nhân Hội nghị vật lý quốc tế Gặp gỡ Việt Nam do Giáo sư Trần Thanh Vân tổ chức tại Hà Nội. Năm 2006 vợ chồng ông tiếp tục tham dự hội nghị Gặp gỡ Việt Nam cũng được tổ chức tại Hà Nội. Năm 2019, bà Simonetta Liuti tham gia tổ chức Hội nghị Vật lý quốc tế tại Trung tâm ICISE (Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành). Còn GS Hưng thì đi về giữa Việt Nam và Mỹ liên tục để thực hiện sứ mệnh phát triển nền khoa học vật lý đỉnh cao, đóng góp lớn vào sự phát triển giáo dục nước nhà.

Giáo sư Phạm Quang Hưng, nhà “tiên đoán” hạt một lòng vì nước Việt

GS Hưng kể, năm 2006, Bộ GD-ĐT triển khai thí điểm các chương trình giáo dục cải tiến, trong đó có Chương trình Vật lý tiên tiến ở Huế. Khi Đại học Huế đến ngỏ lời, GS Hưng nhận thấy đây là cơ hội để được giúp sức cho quê hương và những sinh viên trẻ đam mê vật lý. Ông hỗ trợ hết mình cho chương trình hợp tác giáo dục, khoa học này. Tháng 3/2007, Đại học Huế và Đại học Virginia đã ký kết biên bản hợp tác về chương trình đào tạo vật lý tiên tiến, GS Phạm Quang Hưng có vai trò là điều phối viên của chương trình đại diện cho Đại học Virginia.

Từ năm 2007, GS Hưng đã gửi nhân sự về Huế để sáng lập phòng thí nghiệm, vận hành chương trình. Để tạo điều kiện thuận lợi mời các giáo sư đầu ngành từ Mỹ về giảng dạy sinh viên Việt Nam, GS Hưng chia chương trình giảng dạy gói gọn trong 4 tuần, làm sao các sinh viên được tiếp nhận kiến thức đầy đủ với 40 tiết học/môn. Nhằm nâng cao chất lượng, ông mời thêm các đồng nghiệp, bạn bè của ông ở Mỹ và các nước Châu Âu, Tây Âu về cùng giúp sinh viên Vật lý Việt Nam. Nhờ điều phối của GS Hưng, năm nào cũng có những giáo sư, nhà khoa học lớn ở Mỹ và thế giới về Huế để tham gia đào tạo sinh viên trẻ Việt Nam.

Đến nay, trải qua 20 năm, Chương trình đã tạo ra trên 200 sinh viên Vật lý, 1/3 trong số đó tiếp tục ra nước ngoài du học, nhiều người trở thành giáo sư, tiến sĩ ở các đại học Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… “Chương trình của tôi hướng cho các sinh viên tư duy nghiên cứu độc lập, không ràng buộc bất cứ điều gì. Chúng phải tự lập, độc lập tư duy trong nghiên cứu kể cả lựa chọn lĩnh vực, chúng tôi chỉ hướng dẫn và giúp đỡ để họ làm tốt hơn. Vì vậy, sinh viên ra trường họ rất năng động, bản lĩnh và tự lập cao nên vào môi trường nghiên cứu, làm việc nào cũng đều thành công. Nhiều người chọn ra nước ngoài lấy bằng Tiến sĩ, Giáo sư nhưng nhiều em ở lại nước làm việc ở các doanh nghiệp công nghệ, mức lương cũng khá tốt”, GS Hưng kể.

Giáo sư Phạm Quang Hưng, nhà “tiên đoán” hạt một lòng vì nước Việt

Trong những học trò của GS Phạm Quang Hưng, GS Nguyễn Thị Diện (Đại học Tennessee, Mỹ) là người xuất sắc được ông tự hào nhất. GS Nguyễn Thị Diện là sinh viên khóa đầu tiên của Chương trình Vật lý tiên tiến ở Huế, sau đó cô qua Mỹ tiếp tục học cao hơn và xuất sắc trở thành Giáo sư ở tuổi 35. GS Nguyễn Thị Diện còn là gương mặt trẻ sáng giá được nhận giải thưởng Nathan Isgur fellowship (của Phòng thí nghiệm quốc gia của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ) dành cho những nhà khoa học trẻ có những nghiên cứu, đóng góp xuất sắc nhất ở nước này.

Ngày GS Diện nhận bằng giáo sư của Đại học Tennessee (Mỹ), người đầu tiên cô nhắn tin báo là thầy Phạm Quang Hưng. “Lúc đó, thầy Hưng nhắn lại rất vui, tự hào về tôi. Thầy còn nói, vậy là từ đây Chương trình Vật lý tiên tiến có 1 giáo sư đầu tiên ở Mỹ rồi. Tất cả các em đều làm rất tốt, tôi rất tự hào về các em!”, GS Diện nhớ lại.

Trong ký ức GS Diện, thầy là nhà khoa học, người thầy khả kính mang tâm hồn của một thi nhân, rất yêu thơ ca, âm nhạc. “Mỗi lần trò chuyện, thầy luôn căn dặn chúng tôi nên quay về cống hiến cho quê nhà theo con đường của thầy. Tôi còn nhớ một hình ảnh khác thân thương về thầy khi thầy ôm cây đàn guitar ngồi bên sông Hương ở Huế hát. Tôi còn nhớ mãi thầy hát rất hay bài “Chiều tím” và “Để gió cuốn đi”… Nghe đến phát mê.", GS Diện bồi hồi nhớ.

Giáo sư Phạm Quang Hưng, nhà “tiên đoán” hạt một lòng vì nước Việt

Tháng 7/2024 GS Hưng trở lại Trung tâm ICISE nằm giữa thung lũng Quy Hòa (TP. Quy Nhơn, Bình Định) trong khuôn khổ Hội nghị khoa học quốc tế chủ đề “PASCOS - Hạt, Dây và Vũ trụ học” lần thứ 29. Đây là hội nghị của giới Vật lý hạt, lý thuyết Dây và Vũ trụ học được tổ chức vòng quanh thế giới. Việt Nam vinh hạnh là đất nước hiếm hoi được ban tổ chức lựa chọn quay lại lần thứ 2 (hội nghị lần 1 năm 2016).

Những hình ảnh GS Phạm Quang Hưng tại Hội nghị khoa học Quốc tế ở TP. Quy Nhơn tháng 7/2024, những phút giây giao lưu thâm tình với các bằng hữu, học trò và “cháy” hết mình với âm nhạc.

Lý do để Việt Nam đăng cai hội nghị lần 2 là nhờ vai trò kết nối của GS Phạm Quang Hưng, người nằm trong ban tổ chức và là cây “đại thụ” của Vật lý hạt thế giới.Hôm ấy, hội nghị đón 150 nhà khoa học, giáo sư đến từ 22 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Giữa bầu không khí thảnh thơi, yên tĩnh các nhà khoa học trong nước và thế giới cùng ngồi lại để trình bày những nghiên cứu, tham luận về các học thuật rất chuyên sâu bằng Anh ngữ. Hội nghị diễn ra trong nhiều ngày nên các nhà khoa học được thỏa sức giao lưu, gặp gỡ trong bối cảnh thân tình, không hề phân biệt vùng miền, lãnh thổ, trình độ, màu da hay sắc tộc... Ở đó các nhà khoa học trẻ thỏa thích “quàng vai bá cổ” những giáo sư râu tóc bạc phơ để hỏi về những vướng mắc trong nghiên cứu của mình.

Giáo sư Phạm Quang Hưng, nhà “tiên đoán” hạt một lòng vì nước Việt

Tiến sĩ Trần Thanh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm ICISE, TP. Quy Nhơn, Bình Định cho biết, GS Phạm Quang Hưng là thành viên của Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam từ năm 2004 và có rất nhiều hoạt động, chương trình kết nối thiết thực tại ICISE và cho khoa học Việt Nam. Trong đó, ông kết nối các nhà khoa học lớn trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu của mình để tổ chức nhiều hội nghị quốc tế về vật lý hạt, lý thuyết dây và vũ trụ học ở TP. Quy Nhơn. Năm 2016, Hội nghị PASCOS - Hạt, dây và vũ trụ học do GS Phạm Quang Hưng tổ chức đã mời đến Giáo sư đoạt giải Nobel Vật lý người Nhật Takaaki Kajita. Từ đây, các bên đã giúp ICISE khai sinh ra nhóm nghiên cứu vật lý Neutrino…

Có lần chúng tôi mạo muội hỏi GS Hưng về neutrino vì sao được ví là “hạt ma” trong thế giới vật chất, vị giáo sư cười điềm tĩnh. Mắt ông ánh lên nhiềm tin, như cái cách ông luôn nhìn về tương lai: “Neutrino trong thế giới vật chất rất kỳ lạ, có người ví hạt này có thể “biến hình” từ trạng thái này qua trạng thái khác. Nhưng sở dĩ gọi “hạt ma” là bởi nó không hề tương tác với bất cứ hạt vật chất nào, nó có thể đi xuyên qua người chúng ta, xuyên qua cả mặt trời, trái đất mà không hề có tương tác nào để nhận biết.

Việc nhân loại tìm thấy hạt này rất ý nghĩa, nó được kỳ vọng sẽ giúp con người nghiên cứu thừa hưởng siêu năng lực vũ trụ như tốc độ ánh sáng. Đặc biệt, chúng ta nếu sở hữu hạt neutrino thì có thể nhờ nó để gửi các thông tin hoặc tiếp nhận các thông tin về tương lai vũ trụ. Hiểu nôm na thì như chúng ta vận dụng sự "ma” - không tương tác, phản ứng và biến hình của hạt Neutrino để tìm hiểu về tình trạng mặt trời và trái đất để biết số phận, sự sống trái đất…”.

Giáo sư Phạm Quang Hưng, nhà “tiên đoán” hạt một lòng vì nước Việt
Giáo sư Phạm Quang Hưng, nhà “tiên đoán” hạt một lòng vì nước Việt

Gần hai tuần trước, người thân, bằng hữu, học trò đón hung tin GS Phạm Quang Hưng qua đời tại Mỹ ngày 7/10/2024 (nhằm ngày 8/10/2024 tại Việt Nam) do bệnh nặng. Việc ông mắc bệnh nặng và nỗ lực chữa trị nhiều năm đã được nhiều người quen thân biết được. Đón tin dữ, ai cũng tiếc thương bàng hoàng. Bởi GS Hưng còn nhiều dự định lắm. Nhiều trăn trở với khoa học, giáo dục của quê hương lắm.

PGS.TS Đinh Như Thảo (Khoa Vật Lý, Trường ĐH sư phạm – ĐH Huế) trong những người tham gia chương trình hợp tác giữa ĐH Huế và ĐH Virgina về vật lý tiên tiến, bày tỏ niềm tự hào khi đã cùng được làm việc với GS Hưng, góp phần đào tạo ra những cử nhân, nghiên cứu sinh ưu tú, dẫu cho chương trình này hiện đang chững lại vì lý do tuyển sinh. PGS.TS Thảo cho biết, đây là chương trình có rất nhiều điểm tối ưu, có tầm nhìn chiến lược. Sinh viên được tuyển chọn với yêu cầu cao từ đầu vào, họi vừa phải giỏi kiến thức vật lý vừa giỏi tiếng Anh nên đầu ra các bạn rất tốt.

Kể về kỷ niệm với GS Hưng, PGS.TS Đinh Như Thảo bồi hồi cảm xúc: “Hồi đấy tôi với một số thầy là lãnh đạo, cán bộ khoa sang Hoa Kỳ để dự khóa tập huấn, trao đổi kinh nghiệm, học tập mô hình... về vật lý tiên tiến ở Đại học Virginia theo chương trình hợp tác, chính GS Hưng là người đón chúng tôi tận sân bay. Rồi thầy Hưng chăm lo nơi ăn chốn nghỉ, đưa chúng tôi gặp gỡ nhiều nhà khoa học nước bạn, nhà khoa học Việt Nam ở Hoa Kỳ để cùng nhau trao đổi, học tập. Cùng với khối lượng kiến thức uyên thâm, trí tuệ, niềm đam mê khoa học, ở Giáo sư Hưng chúng ta luôn thấy được tình yêu quê hương sâu đậm, nhiệt huyết. Giáo sư rất muốn làm nhiều việc nữa cho quê hương. Hồi tháng tám mới đây giáo sư còn ghé Huế, ấy thế mà nay thầy đã đi xa...”.

Đồng nghiệp với PGS.TS Thảo, PGS.TS Nguyễn Như Lê (Khoa Vật lý, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế), một trong những nghiên cứu sinh được GS Phạm Quang Hưng hướng dẫn – bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, cũng bùi ngùi: "Với mình thầy Hưng luôn là tấm gương về cống hiến cho khoa học, cho tình yêu quê hương đất nước. GS Phạm Quang Hưng là một người luôn nhiệt huyết với chương trình Vật lý tiên tiến. Bằng mối quan hệ cá nhân của thầy và của Khoa Vật lý, Đại học Virginia, Hoa Kỳ, hằng năm GS. Phạm Hưng đã mời nhiều nhà khoa học thuộc các trường Đại học chất lượng cao trên thế giới về dạy cho các bạn sinh viên thuộc Chương trình Vật lý tiên tiến của ĐH Huế. Thầy cũng đã để lại nhiều công trình khoa học rất có giá trị trong đó nổi bật là “Mô hình neutrino thuận thang điện yếu”. Nhiều nhà khoa học thực nghiệm về Máy Gia tốc Hadron lớn (Large Hadron Collider) cũng đã liên hệ với thầy Hưng để hiện thực hoá việc kiểm chứng mô hình này."

Giáo sư Phạm Quang Hưng, nhà “tiên đoán” hạt một lòng vì nước Việt

TS Nguyễn Xuân Xanh, nhà nghiên cứu, tác giả của nhiều công trình nghiên cứu lịch sử khoa học giáo dục lớn, đã bày tỏ tiếc nuối về sự ra đi của một “đại thụ” Vật lý hạt người gốc Việt trên mặt trận khoa học, học thuật. TS Xanh xúc động viết lời tiễn biệt: “Sau những người “lính già” kiên cường trên mặt trận khoa học, học thuật như: Cao Huy Thuần, Chu Phạm Ngọc Sơn, Võ Tòng Xuân, đến lượt Phạm Quang Hưng ra đi! “Làm sao nói hết nỗi thương tiếc các anh? Các anh là những chiến sĩ, các anh không chết... Xin Anh hãy bình yên ở cõi Vĩnh Hằng. Việt Nam sẽ vẫn tưởng nhớ đến Anh, cùng các bạn chiến đấu thế hệ trước, cho một nước Việt Nam phát triển, tươi sáng và hạnh phúc”.

Còn cô học trò xuất sắc của ông GS Nguyễn Thị Diện cũng đã bày tỏ bao tiếc thương vô hạn: “Trong tâm trí tôi, lúc nào thầy Phạm Quang Hưng đều là người thầy đáng kính, hết lòng vì sinh viên của mình. Tôi có được như hôm nay đều có phần công sức, sự mẫn cán, tận tụy của thầy Hưng. Thầy là người ươm mầm ước mơ để tôi kiên trì theo đuổi con đường nghiên cứu mà mình lựa chọn, để có được thành quả tốt. Cho đến lúc thầy mất đi, thì cả cuộc đời ông đều vì khoa học vì Vật lý hạt, vũ trụ. Xin kính tiễn biệt thầy, một nhà khoa học lớn với một tâm hồn rong chơi với thơ, nhạc cho đến lúc “để gió cuốn đi”...".

Từ Đại học Kyoto, Nhật Bản, TS Trần Văn Ngọc, một trong những học trò khóa đầu tiên trong Chương trình Vật lý tiên tiến của GS Hưng, cũng bày tỏ niềm tiếc thương và chia sẻ thêm thông tin: “Thầy Phạm Quang Hưng yêu Vật lý hạt và âm nhạc cho đến khi trút hơi thở cuối cùng. Sinh thời thầy Hưng dự định sẽ trở về quê gốc Ninh Bình để tổ chức hội nghị khoa học quốc tế về Vật lý hạt. Sau đó, ông sẽ viết và xuất bản sách về vật lý neutrino bằng tiếng Việt để phục vụ các sinh viên, người đam mê lĩnh vực này. Ngoài ra, thầy rất muốn thành lập hội vật lý năng lượng cao ở Việt Nam và còn dự định sẽ xây dựng một máy dò neutrino cỡ nhỏ đặt ở lò hạt nhân Đà Lạt…”.

Giáo sư Phạm Quang Hưng, nhà “tiên đoán” hạt một lòng vì nước Việt

Ở lần gặp gỡ cuối cùng với chúng tôi tại thung lũng Quy Hòa giữa tháng 7/2024, GS Phạm Quang Hưng có nhiều tâm sự về tương lai khoa học Việt Nam. Ông nhắc nhiều đến ngành bán dẫn, sản xuất chíp và cho rằng Việt Nam nên sớm có những chính sách, chương trình phát triển tốt hơn để xây dựng được nền khoa học cơ bản. Bởi, có được nhân lực rồi thì người Việt sẽ làm chủ mọi sáng kiến mà thế giới đang theo đuổi, không phải bị động như lâu nay.

GS Hưng trăn trở rất nhiều về Chương trình Vật lý tiên tiến ở Huế mà ông theo đuổi đã đào tạo ra hàng trăm sinh viên vật lý, trong đó nhiều người lấy bằng giáo sư, tiến sĩ trên khắp thế giới. Chỉ tiếc chương trình này đã bị đoạn nhịp mà không một lời hứa hẹn ngày trở lại như thời kỳ huy hoàng trước đây, nhất là việc xây dựng nên một môi trường khoa học cơ bản, như kỳ vọng của ông.

“Tôi còn rất nhiều công trình, nghiên cứu đang theo đuổi lắm. Ở tuổi này nhiều người muốn nghỉ nghiên cứu, nhưng tôi lại thấy mình còn nhiều điều chưa biết lắm. Tôi còn muốn học nữa, học mãi vì có rất nhiều thứ tôi còn thiếu. So với thế giới, vũ trụ tự nhiên thì con người dù sống cả 100 năm cũng chỉ là đứa trẻ thơ...”, vị giáo sư khả kính thổ lộ.

GS Phạm Quang Hưng đã có gần 120 công trình nghiên cứu và bài báo khoa học, trong đó nhiều nghiên cứu, phát hiện gây tiếng vang lớn, như:

- Nghiên cứu về vật lý ngoài Mô hình chuẩn, dự đoán về khối lượng của hạt neutrino thuận có thể đo được ở các máy dò hiện tại.

- Nghiên cứu lý thuyết về các hạt bền và đơn cực từ, cộng tác cùng các đồng nghiệp để kiểm chứng ở máy gia tốc hạt LHC.

- Nghiên cứu xây dựng mô hình khối lượng cho hạt neutrino. Thực nghiệm chứng minh hạt này có khối lượng nhưng lý thuyết của mô hình chuẩn tiên đoán hạt này không có khối lượng, vì vậy khoa học Vật lý hạt cần có một lý thuyết mới cho khối lượng của hạt neutrino.

GS Phạm Quang Hưng không chỉ đưa ra khối lượng của neutrino phù hợp với thực nghiệm mà còn có sự xuất hiện của các hạt mới bao gồm cả hạt tồn tại lâu dài (Long-Lived Particles). Các hạt này có khối lượng bằng hoặc thấp hơn thang năng lượng điện yếu vì thế có thể được kiểm chứng bằng thực nghiệm ở các máy đo gia tốc hạt lớn.

- Nghiên cứu về Mô hình chuẩn, ông tìm thấy lý thuyết về hạt bền và các đơn cực từ thông qua máy dò đơn cực và máy gia tốc hạt LHC. Từ đây, ông đưa ra dự đoán có giá trị học thuật về góc trộn yếu (góc trộn tương tác yếu) giúp giới Vật lý lý thuyết và Vật lý thực nghiệm trong tìm kiếm thêm các hạt bền (hạt sơ cấp) và đơn cực từ.

- Trong nghiên cứu về Mô hình chuẩn, GS Phạm Quang Hưng là trưởng nhóm phối hợp với 2 nhà Vật lý lý thuyết đến từ Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu và Vương quốc Anh tìm kiếm sự tồn tại của đơn cự từ có khối lượng gấp 20-30 lần khối lượng của hạt boson Higgs yếu (hạt Higgs có tương tác yếu). Hay nói cách khác, nhóm ông đã dự đoán thành công về giá trị của góc trộn yếu (góc trộn tương tác yếu) mà không cần dựa vào các khái niệm chưa được xác minh của các Lý thuyết thống nhất lớn. Nghiên cứu này giúp thu hẹp phạm vi nghiên cứu học thuật để giới “săn” hạt sớm khám phá ra đơn cực từ.

Bài viết: DƯƠNG THANH - ĐÌNH TOÀN

Thiết kế: Dũng Choai

Xem phiên bản di động