Giải pháp đổi mới mô hình tổ chức Công đoàn Việt Nam
Nghiên cứu - 21/06/2022 09:11 TS. LÊ CAO THẮNG - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Công đoàn
Ban Dân vận Trung ương làm việc với Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về các nội dung phối hợp thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, tháng 5/2022. Ảnh: TLĐ. |
Nghị quyết số 02-NQ/BCT ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” yêu cầu tiếp tục nâng cao hiệu quả mô hình tổ chức Công đoàn 4 cấp, kết hợp chặt chẽ giữa công đoàn địa phương và công đoàn ngành; tập trung nâng cao chất lượng công đoàn cơ sở (CĐCS) và cấp trên cơ sở, nhất là CĐCS trong các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, công đoàn KCN, KCX, khu kinh tế, khu công nghệ cao... Củng cố, phát triển công đoàn ngành, nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn địa phương; có mô hình phù hợp thu hút, tập hợp, bảo vệ NLĐ ở khu vực phi chính thức. Nghiên cứu, điều chỉnh nhiệm vụ của các cấp công đoàn theo hướng tập trung vào các nhiệm vụ cốt lõi, phù hợp với đặc thù từng cấp và sự phát triển của thị trường lao động. Xây dựng mô hình tổ chức Công đoàn theo hướng mở, linh hoạt, năng động nhằm giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, NLĐ.
Nước ta đã tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), phê chuẩn các công ước quốc tế của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và hoàn thiện hệ thống pháp luật cho phép thành lập tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp ngoài Công đoàn Việt Nam. Điều này tác động sâu sắc tới tổ chức và hoạt động công đoàn, đòi hỏi Công đoàn Việt Nam phải đổi mới toàn diện, khắc phục những tồn tại, hạn chế vốn có để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đặc biệt là việc thực hiện tốt hơn vai trò đại diện NLĐ, chức năng chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.
Đối với Tổng LĐLĐ Việt Nam
Sắp xếp tinh gọn các ban thuộc cơ quan Tổng Liên đoàn đảm bảo không chồng chéo, không sót nhiệm vụ; tập trung thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho Đoàn Chủ tịch, Ban Chấp hành chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các cấp công đoàn; xây dựng, triển khai đề án vị trí việc làm; bố trí biên chế đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thành lập các Hội đồng Tư vấn chuyên môn (kiêm nhiệm) phù hợp để giúp Đoàn Chủ tịch, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn xây dựng các chủ trương công tác và giải quyết các vấn đề mới, phức tạp.
Cán bộ LĐLĐ huyện Thanh Liêm (Hà Nam) trao quyết định thành lập CĐCS cho Ban Chấp hành lâm thời CĐCS Công ty TNHH Thanh Sơn. Ảnh: Báo Hà Nam. |
Đối với Công đoàn cấp tỉnh, ngành Trung ương
Với các LĐLĐ tỉnh, thành phố
Thực hiện sắp xếp các ban tham mưu, giúp việc của các LĐLĐ tỉnh, thành phố đảm bảo tinh gọn, phù hợp với đặc điểm, yêu cầu, nhiệm vụ chính trị từng địa phương, trên cơ sở các quy định của Trung ương và sự thống nhất giữa Tổng Liên đoàn và các Tỉnh ủy, Thành ủy. Quan tâm đặc thù một số LĐLĐ tỉnh, thành phố có đông CNLĐ.
Nghiên cứu thành lập các Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ NLĐ tại các địa phương có đông CNLĐ, quan hệ lao động phức tạp theo hướng hoạt động tự chủ, thực hiện nhiệm vụ theo đặt hàng của LĐLĐ tỉnh, thành phố.
Với các công đoàn ngành Trung ương
Củng cố, sắp xếp mô hình tổ chức của các công đoàn ngành hiện có. Thực hiện chỉ đạo phối hợp về ngành đối với công đoàn ngành địa phương với 03 nhóm nhiệm vụ: Hướng dẫn, hỗ trợ công đoàn ngành địa phương về thương lượng tập thể; công tác ATVSLĐ; công tác thi đua, khen thưởng theo ngành, nghề (chuyên đề).
Thực hiện thí điểm mô hình mới liên kết công đoàn ngành toàn quốc (từ Trung ương đến địa phương) theo nghề hoặc theo ngành chuyên biệt. Sắp xếp, tổ chức lại các công đoàn ngành hiện nay theo mô hình công đoàn ngành xuyên suốt theo ngành, lĩnh vực (liên kết các công đoàn ngành địa phương để hình thành công đoàn ngành Trung ương, sau khi tổng kết thí điểm).
Nghiên cứu hình thành một số công đoàn ngành toàn quốc khác theo ngành, lĩnh vực của công đoàn ngành quốc tế mà Việt Nam chưa có và chủ động gia nhập các tổ chức Công đoàn ngành đó (trước khi tổ chức của NLĐ được phép liên kết theo ngành).
Với các công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn
Củng cố, sắp xếp mô hình công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn hiện có theo hướng tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách cấp trên, tăng cường cho cấp cơ sở; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, công tác chỉ đạo CĐCS. Giao nhiệm vụ cho công đoàn tổng công ty liên kết với các công đoàn khu vực ngoài Nhà nước để tăng sức mạnh cùng ngành nghề.
Thí điểm thành lập một số công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn trong các tập đoàn kinh tế ngoài khu vực Nhà nước. Sắp xếp, tổ chức lại, chuyển những công đoàn tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn quy mô nhỏ nhưng sau 2 năm không liên kết được với công đoàn khu vực ngoài Nhà nước cùng ngành nghề về các công đoàn ngành Trung ương tương ứng.
Mở rộng đối tượng tập hợp, chuyển thành công đoàn ngành toàn quốc đối với các công đoàn tổng công ty có tính ngành nghề chuyên biệt, có nhiều CĐCS có cùng tính chất ngành nghề ở các địa phương. Áp dụng mô hình công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn đối với các tập đoàn kinh tế Nhà nước, các tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn.
Tuyên truyền và tư vấn pháp luật cho công nhân lao động Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Thăng Long (chi nhánh miền Trung) do Công đoàn Khu kinh tế tỉnh Quảng Bình tổ chức. Ảnh: CĐKKT Quảng Bình. |
Với các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở
Đối với LĐLĐ cấp huyện
Giữ ổn định tổ chức bộ máy cơ quan LĐLĐ cấp huyện; xây dựng cơ chế phối hợp giữa công đoàn ngành địa phương với LĐLĐ trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ công đoàn cơ sở trên địa bàn đối với các nhiệm vụ đặc thù ngành (3 nhóm nhiệm vụ của ngành).
Nghiên cứu thí điểm mô hình tổ chức LĐLĐ cấp vùng ở những địa bàn có ít doanh nghiệp, đoàn viên công đoàn ở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp chiếm đại đa số.
Đối với công đoàn ngành địa phương
Rà soát để củng cố, sắp xếp mô hình tổ chức các công đoàn ngành hiện có. Thí điểm chuyển công đoàn ngành địa phương về trực thuộc công đoàn ngành Trung ương. Thiết lập cơ chế phối hợp với các LĐLĐ địa phương về việc chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ CĐCS thuộc ngành để thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ của ngành. Công đoàn ngành địa phương không phát huy được vai trò thì giải thể.
Thực hiện thí điểm mô hình công đoàn ngành địa phương liên kết các CĐCS ngoài khu vực Nhà nước có cùng nhóm ngành, nghề. Sắp xếp tổ chức liên kết tất cả các CĐCS trên địa bàn tỉnh theo từng nhóm ngành nghề để hình thành các công đoàn ngành, nghề địa phương; thực hiện liên kết các công đoàn ngành địa phương để hình thành công đoàn ngành Trung ương. Sắp xếp tổ chức bộ máy, quy định chức năng nhiệm vụ của các cấp công đoàn để phù hợp với mô hình này.
Đối với công đoàn tổng công ty trực thuộc LĐLĐ tỉnh và công đoàn tổng công ty trực thuộc công đoàn ngành Trung ương.
Đối với công đoàn tổng công ty trực thuộc LĐLĐ cấp tỉnh: Rà soát, sắp xếp tạo điều kiện để các CĐCS trong các tổng công ty Nhà nước cấp tỉnh, thành phố đã thay đổi hình thức sở hữu, Nhà nước không giữ cổ phần chi phối liên kết với công đoàn ngoài khu vực Nhà nước cùng ngành nghề.
Trường hợp không thực hiện được việc liên kết, không đủ số lượng đoàn viên và không đủ khả năng tự cân đối về tài chính thì chuyển thành CĐCS và chuyển về LĐLĐ cấp huyện hoặc công đoàn KCN. Thành lập các công đoàn tổng công ty trực thuộc LĐLĐ cấp tỉnh trong các tập đoàn kinh tế, doanh nghiêp tư nhân quy mô lớn.
Đối với công đoàn tổng công ty trực thuộc công đoàn ngành Trung ương: Rà soát, sắp xếp các tổng công ty trực thuộc công đoàn ngành Trung ương theo hướng nếu đủ điều kiện về số lượng đoàn viên, CĐCS trực thuộc và đảm bảo cân đối thu chi tài chính công đoàn thì giữ nguyên mô hình là công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Các tổng công ty do giảm số lượng đoàn viên khi đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp thì tùy theo điều kiện và nguyện vọng của CĐCS có thể sắp xếp chuyển thành CĐCS trực thuộc công đoàn ngành hoặc chuyển về sinh hoạt theo địa phương.
Xây dựng mô hình tổ chức Công đoàn theo hướng mở, linh hoạt, năng động nhằm giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, người lao động. Trong ảnh: Cán bộ LĐLĐ TP. Hà Nội trao đổi với công nhân lao động Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam (KCN Thạch Thất - Quốc Oai). Ảnh: Hạnh Lê. |
Đối với công đoàn KCN
Giữ nguyên mô hình công đoàn KCN hiện nay; nghiên cứu mô hình tổ chức và cơ chế vận hành phù hợp để tiếp tục phát huy những kết quả tích cực đã đạt được. Tiếp tục chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động mạng lưới công đoàn các KCN trong toàn quốc. Nghiên cứu hình thành mạng lưới CĐCS thuộc công đoàn KCN theo nhóm ngành.
Đối với CĐCS
Thí điểm thành lập CĐCS ghép trong các đơn vị có dưới 25 đoàn viên. Nghiên cứu, hướng dẫn đổi mới mô hình tổ chức CĐCS trong các doanh nghiệp có đông CNLĐ ngoài khu vực Nhà nước.
Nghiên cứu sửa đổi quy định về nhiệm vụ của CĐCS phù hợp với từng loại hình đơn vị, doanh nghiệp và theo hướng giảm những nhiệm vụ không liên quan đến chức năng đại diện của công đoàn trong phạm vi quan hệ lao động. Nghiên cứu đổi mới mô hình tổ chức, mở rộng hình thức tập hợp NLĐ khu vực phi chính thức; từng bước hoàn thiện mô hình tổ chức nghiệp đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở theo ngành, nghề, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Tài liệu tham khảo
1. Viện Công nhân và Công đoàn (2015), “Đổi mới mô hình tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động công đoàn hướng về đoàn viên và người lao động thời gian tới”, đề tài cấp Tổng Liên đoàn.
2. Viện Công nhân và Công đoàn (2019), “Quyền tự do liên kết và thiết chế đại diện trong quan hệ lao động ở Việt Nam trong điều kiện thực hiện Hiệp định TPP”, mã số: KX.01.08/16-20.
3. Quyết định 1838/QĐ-TLĐ, ngày 31/12/2020 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định về chức năng, nhiệm vụ cơ cấu, tổ chức bộ máy cơ quan Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
4. Quyết định 1299/QĐ-TLĐ, ngày 9/9/2020 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định về việc ban hành Quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế của cơ quan công đoàn ngành Trung ương và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn và bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách ở công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trực thuộc công đoàn ngành Trung ương và tương đương;
5. Quy định số 212-QĐ/TW ngày 30/12/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện;
6. Quyết định 883/QĐ-TLĐ năm 2009 về Quy định cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế, chức năng, nhiệm vụ cơ quan liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn.
7. Báo cáo nội dung 5.1. Nghiên cứu, phân tích thực trạng mô hình tổ chức các cấp công đoàn Việt Nam hiện nay, Thuộc đề tài: Nghiên cứu đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn Việt Nam trong điều kiện nước ta tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, mã số ĐTĐL.CN-53/20.
Cán bộ Công đoàn tiêu biểu là hình ảnh sinh động nhất về đổi mới của tổ chức Công đoàn Chiều ngày 2/6/2022, phát biểu tại buổi "Gặp mặt Đoàn đại biểu công nhân lao động, cán bộ Công đoàn tiêu biểu TP Hồ Chí ... |
Doanh nghiệp tổ chức đối thoại, hàng trăm đoàn viên, người lao động được chăm lo Đồng chí Trần Văn Hiền - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho biết, trong Tháng Công nhân, Ban Thường ... |
Ban Tổ chức chương trình Xếp xe kỷ lục hình bản đồ Việt Nam giải đáp thắc mắc Tại buổi gặp gỡ báo chí công bố chương trình Xếp xe kỷ lục hình bản đồ Việt Nam, Ban tổ chức (BTC) đã giải ... |
Tin cùng chuyên mục
Nghiên cứu - 09/09/2024 13:38
Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X nêu rõ “Giai cấp công nhân Việt Nam là một lực lượng xã hội to lớn, đang phát triển, bao gồm những người lao động chân tay và trí óc, làm công hưởng lương trong các loại hình sản xuất kinh doanh và dịch vụ công nghiệp, hoặc sản xuất kinh doanh và dịch vụ có tính chất công nghiệp”.
Nghiên cứu - 21/06/2024 16:35
Nhân Tháng Công nhân 2024, TS. Phạm Thị Thu Lan, nhà nghiên cứu quen biết về phong trào công nhân, hoạt động công đoàn (công tác tại Viện Công nhân và Công đoàn) có bài viết về tình đoàn kết và niềm tin của NLĐ, điều sẽ tạo ra quyền lực mềm cho tổ chức Công đoàn. Tạp chí LĐ&CĐ xin giới thiệu với bạn đọc phân tích thú vị và rất đáng suy ngẫm này.
Nghiên cứu - 28/05/2024 15:33
Hệ thống chính sách, pháp luật về lao động, việc làm ở nước ta đã được chú trọng xây dựng, hoàn thiện nhưng vấn đề tiếp cận, thụ hưởng chính sách của người lao động còn cần được cải thiện hơn nữa.
Nghiên cứu - 28/05/2024 14:54
Cơ sở để bảo đảm việc làm, thu nhập, chăm lo đời sống, đáp ứng nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của người lao động (NLĐ) xuất phát từ các tiền đề về tiền lương, phúc lợi về nhà ở, sức khỏe y tế, cải thiện đời sống văn hóa tinh thần, hỗ trợ chăm sóc con em.
Nghiên cứu - 28/05/2024 10:28
Với sự nỗ lực, tự học hỏi, rèn luyện, công nhân đã có trình độ học vấn và chuyên môn nghề nghiệp khá cao, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nghiên cứu - 24/05/2024 18:18
Số An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tháng 5 là số đặc biệt, tăng từ 64 lên 80 trang, in màu trên giấy couche, xuất bản - phát hành ngày 25/5/2024 đến các cấp công đoàn, đội ngũ an toàn vệ sinh viên, cán bộ an toàn các đơn vị sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp trên toàn quốc.