GIẢI PHÁP ĐỂ CÔNG ĐOÀN THỰC HIỆN HIỆU QUẢ PHÚC LỢI CHO ĐOÀN VIÊN Chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn (ĐVCĐ) và người lao động (NLĐ) là chủ trương lớn của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Đây cũng là phương thức đổi mới hoạt động của các cấp công đoàn, hướng mạnh hoạt động về cơ sở, lấy cơ sở làm hoạt động chủ yếu; lấy ĐVCĐ, công nhân, viên chức, NLĐ làm đối tượng vận động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ giữa doanh nghiệp với NLĐ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chương trình phúc lợi cho đoàn viên và NLĐ đã góp phần giúp nhiều đoàn viên, NLĐ giảm bớt khó khăn, cải thiện điều kiện sống, bảo đảm phúc lợi tốt hơn, tạo sự gắn kết giữa đoàn viên, NLĐ với tổ chức Công đoàn.
Theo quy định của Hiến pháp, Công đoàn Việt Nam có ba chức năng cơ bản: (i) Công đoàn đại diện và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ; có trách nhiệm tham gia với Nhà nước phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ; (ii) Công đoàn đại diện và tổ chức NLĐ tham gia quản lý cơ quan, đơn vị, tổ chức, quản lý kinh tế xã hội, quản lý nhà nước trong phạm vi chức năng của mình, thực hiện quyền kiểm tra giám sát hoạt động của cơ quan đơn vị, tổ chức theo quy định của pháp luật; (iii) Công đoàn có trách nhiệm tổ chức, giáo dục động viên NLĐ phát huy vai trò làm chủ đất nước, thực hiện nghĩa vụ công dân, xây dựng và phát triển bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa. Chức năng của Công đoàn là một chính thể, một hệ thống đồng bộ, đan xen tương tác lẫn nhau. Trong đó, chức năng bảo vệ quyền, lợi ích NLĐ mang ý nghĩa trung tâm - mục tiêu hoạt động công đoàn. |
pHÚC LỢI XÃ HỘI, phúc lợi doanh nghiệp và phúc lợi công đoàn dành cho đoàn viên - lý luận và thực tiễn 1. Phúc lợi xã hội (PLXH) PLXH là một bộ phận thu nhập quốc dân được sử dụng nhằm thoả mãn những nhu cầu vật chất và tinh thần của các thành viên trong xã hội, chủ yếu được phân phối lại, ngoài phân phối theo lao động. Ba thành tố cơ bản trong việc đảm bảo phúc lợi xã hội là Nhà nước, thị trường lao động và dân cư (cá nhân/gia đình). PLXH bao gồm những chi phí xã hội như: Trả tiền lương hưu, các loại trợ cấp BHXH; học bổng cho học sinh, sinh viên, những chi phí cho học tập không mất tiền; những dịch vụ y tế, nghỉ ngơi, an dưỡng, nhà trẻ, mẫu giáo; v.v. Với nội dung như vậy, PLXH có mục tiêu làm giảm thiểu sự bất công bằng trong xã hội, đảm bảo cho các thành viên trong xã hội đều có thể thụ hưởng những thành quả của phát triển. Tùy theo mức độ phát triển của các mặt kinh tế - xã hội, quỹ phúc lợi thường có ba nhóm cơ bản: Tập trung của nhà nước quản lý; quỹ phúc lợi của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh và quỹ phúc lợi tập thể của các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất (Từ điển bách khoa Việt Nam, tập 3, Nhà xuất bản Từ điển bách khoa, Hà Nội 2003) Có thể thấy, khái niệm và nội hàm của PLXH: (1) PLXH là một bộ phận thu nhập quốc dân được sử dụng để góp phần thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần của các thành viên trong xã hội; (2) thực hiện PLXH là thực hiện phân phối lại ngoài phân phối theo lao động; (3) PLXH là biện pháp nhằm giảm bớt sự bất công bằng xã hội. Ở nước ta, PLXH được thực hiện thông qua 3 nguồn tài chính: (1) Dựa trên đóng góp của các chủ thể tham gia thị trường; (2) ngân sách nhà nước đảm bảo; (3) huy động từ cộng đồng. 2. Phúc lợi doanh nghiệp Phúc lợi doanh nghiệp là những lợi ích vật chất, tinh thần của doanh nghiệp dành cho NLĐ (ngoài tiền công, tiền lương), được phân bổ theo quy chế, quy định của doanh nghiệp nhằm chia sẻ, hỗ trợ NLĐ trong những tình huống nhất định và động viên, khuyến khích NLĐ gắn bó với doanh nghiệp. Bên cạnh tiền lương, phúc lợi doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cuộc sống của NLĐ; bảo đảm tái sản xuất và tái sản xuất mở rộng sức lao động. Thực trạng thực hiện phúc lợi doanh nghiệp: Về phúc lợi doanh nghiệp, pháp luật nước ta quy định, doanh nghiệp được trích lập quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi từ lợi nhuận của doanh nghiệp để dùng cho công tác khen thưởng, khuyến khích lợi ích vật chất, phục vụ nhu cầu phúc lợi công cộng, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của NLĐ. Việc trích lập quỹ phúc lợi doanh nghiệp và chế độ ưu đãi thuế trong việc trích lập quỹ phúc lợi được quy định trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, ngày 3/6/2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, ngày 19/6/2013. Khoản 4, Điều 1, Nghị định số 91/2014/NĐ-CP, ngày 1/10/2014, của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung một số điều tại các nghị định về thuế, quy định các khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho NLĐ mà doanh nghiệp có hóa đơn, chứng từ theo quy định thì được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế; tổng số chi không quá 1 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế. Bên cạnh tiền lương, phúc lợi doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm cuộc sống của NLĐ. Những nội dung phúc lợi cụ thể của mỗi doanh nghiệp được ghi nhận trong thỏa ước lao động tập thể, do đại diện cho tập thể NLĐ trong doanh nghiệp ký kết với người sử dụng lao động (NSDLĐ) và cả hai bên có trách nhiệm chấp hành. Pháp luật lao động nước ta quy định, thỏa ước lao động tập thể là sự thoả thuận bằng văn bản giữa đại diện tập thể NLĐ và NSDLĐ về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của hai bên trong quan hệ lao động. Thỏa ước đạt được thông qua thương lượng, thỏa thuận của đại diện tập thể NLĐ với NSDLĐ về phân phối phúc lợi doanh nghiệp, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp; giảm mâu thuẫn, bất bình đẳng; hạn chế tình trạng đình công tự phát. Hệ thống các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất - kinh doanh ở nước ta rất đa dạng, khác nhau từ quy mô, trình độ công nghệ, tầm nhìn, ngành nghề sản xuất - kinh doanh đến thâm niên tham gia thị trường. Thực hiện phúc lợi doanh nghiệp ở các doanh nghiệp này cũng rất khác nhau từ cơ cấu, số lượng các khoản phúc lợi đến mức độ bao phủ, mức độ thường xuyên của các hoạt động này. Có thể khái quát về tình hình thực hiện phúc lợi cho NLĐ của các doanh nghiệp trên 4 vấn đề sau: (1) xây dựng quy chế, quy định nội bộ điều tiết việc phân bổ phúc lợi doanh nghiệp; (2) thực hiện những phúc lợi cơ bản, tối thiểu đối với NLĐ; (3) bảo đảm điều kiện làm việc của NLĐ; (4) thực hiện phúc lợi thông qua các hoạt động đào tạo, văn hóa, văn nghệ, thể thao, giải trí mang tính tập thể cho NLĐ. Như vậy, phúc lợi doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường là vấn đề khá mới ở Việt Nam nên thể chế quản lý, điều tiết phúc lợi doanh nghiệp có những bất cập, chưa hoàn thiện. Quy định về việc trích lập quỹ phúc lợi còn khá đơn giản, chủ yếu tùy nghi, thực hiện cũng được, không thực hiện cũng không sao, chưa có quy định cụ thể về danh mục các phúc lợi bắt buộc cũng như cách thức phân bổ phúc lợi. Việc thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng (ngành Lao động, Thương binh và Xã hội) chưa có nhiều tác động điều chỉnh các vi phạm của doanh nghiệp trong bảo đảm phúc lợi cho NLĐ. Các doanh nghiệp thực hiện phúc lợi khác nhau và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Có những doanh nghiệp không thực hiện cả những phúc lợi cơ bản, tối thiểu, thậm chí còn nợ lương công nhân, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp - những quyền cơ bản của NLĐ theo quy định pháp luật. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp thực hiện chế độ phúc lợi thường xuyên, bảo đảm cả những phúc lợi cơ bản cũng như một số loại hình phúc lợi nâng cao cho NLĐ. Mức chi phúc lợi của mỗi doanh nghiệp trước hết phụ thuộc vào kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp càng phát triển, kinh doanh hiệu quả thì chế độ phúc lợi càng bảo đảm và thường xuyên, ngược lại, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh không ổn định, lãi ít hoặc không có lãi thì cũng không có nguồn để trích lập quỹ và thực hiện phúc lợi doanh nghiệp. Tổ chức đại diện của NLĐ trong doanh nghiệp cũng có vai trò quan trọng, nơi nào công đoàn cơ sở hoạt động tích cực, đấu tranh bảo vệ quyền lợi của NLĐ trong đàm phán, thương thảo, thuyết phục lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp ký kết thỏa ước lao động với các điều khoản cụ thể, nơi đó, phúc lợi doanh nghiệp được thực hiện nền nếp. Một nhân tố có vai trò quan trọng trong thực hiện phúc lợi cho NLĐ là người lãnh đạo, quản lý, giới chủ, NSDLĐ. Người lãnh đạo quản lý, sử dụng lao động có tâm, có tầm, có ý thức tuân thủ pháp luật, đánh giá đúng vai trò của NLĐ trong sự phát triển của doanh nghiệp, thường tự giác chấp hành pháp luật về phúc lợi doanh nghiệp; có ý thức sử dụng phúc lợi doanh nghiệp như một công cụ thúc đẩy, động viên, khuyến khích NLĐ làm việc vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Một yếu tố khác cũng có tác động đến việc thực hiện phúc lợi doanh nghiệp đó là sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng về lao động, tiền lương, nhằm chấn chỉnh, uốn nắn những sai phạm, đưa việc thực hiện phúc lợi ở mỗi doanh nghiệp vào nền nếp, theo quy định pháp luật. Xét theo loại hình doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhà nước thực hiện khá tốt và thường xuyên chế độ phúc lợi; bảo đảm cho NLĐ những phúc lợi cơ bản, tối thiểu. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đa số cũng thực hiện được những phúc lợi cơ bản, tối thiểu. Một số doanh nghiệp có uy tín, thương hiệu có chế độ phúc lợi đa dạng, phong phú, bao gồm cả những phúc lợi nâng cao, thông qua đó, động viên, khuyến khích và giữ chân lao động, nhất là lao động lãnh đạo, quản lý, lao động chất lượng cao. Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp mà ngay cả những quyền lợi cơ bản, tối thiểu của NLĐ cũng không thực hiện, chưa nói đến những phúc lợi cho NLĐ. |
Công nhân Hà Nội về quê trên những chuyến xe miễn phí do Công đoàn trao tặng - một hình thức phúc lợi công đoàn. Ảnh: CĐHN |
3. Phúc lợi công đoàn Chương trình phúc lợi cho ĐVCĐ và NLĐ là chủ trương lớn của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Đây cũng là phương thức đổi mới hoạt động của các cấp công đoàn, hướng mạnh hoạt động về cơ sở, lấy cơ sở làm hoạt động chủ yếu; lấy ĐVCĐ, công nhân, viên chức, NLĐ làm đối tượng vận động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ giữa doanh nghiệp với NLĐ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chương trình phúc lợi cho đoàn viên và NLĐ đã góp phần giúp nhiều đoàn viên, NLĐ giảm bớt khó khăn, cải thiện điều kiện sống, bảo đảm phúc lợi tốt hơn, tạo sự gắn kết giữa đoàn viên, NLĐ với tổ chức Công đoàn. Phúc lợi công đoàn cho NLĐ góp phần ổn định đời sống của công nhân, viên chức, NLĐ, thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập khi NLĐ bị ốm đau, mất khả năng lao động, mất việc làm hoặc chết nhằm khắc phục nhanh chóng được những tổn thất về vật chất và phục hồi sức khỏe. Đảm bảo an toàn, ổn định cho toàn bộ nền kinh tế - xã hội góp phần phòng ngừa, hạn chế tổn thất. Khi có rủi ro, hệ thống phúc lợi kịp thời hỗ trợ, tạo điều kiện cho NLĐ ổn định cuộc sống. PLXH, trong đó BHXH, BHYT là trụ cột cơ bản làm tăng thêm mối quan hệ gắn bó giữa NLĐ, NSDLĐ và Nhà nước. PLXH góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội. Quỹ PLXH, trong đó có Quỹ BHXH là nguồn thu tài chính tập trung khá lớn, được sử dụng để chi trả cho NLĐ và gia đình họ. Có thể nói, Công đoàn Việt Nam từ khi thành lập đến nay, đều thể hiện vai trò quan trọng trong việc chăm lo PLXH và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của các tầng lớp lao động bao gồm công nhân, viên chức, NLĐ trên tất cả các phương diện theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Công đoàn các cấp, đặc biệt là Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức được nhiều chương trình hoạt động như: Chăm lo phúc lợi và triển khai Chương trình phúc lợi cho ĐVCĐ; tổ chức "Tết Sum vầy", “Tháng Công nhân”; đề xuất xây dựng các thiết chế công đoàn, góp phần tháo gỡ những vấn đề bức xúc cho công nhân các khu công nghiệp. Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, góp phần bảo đảm chế độ, chính sách và từng bước nâng cao phúc lợi, lợi ích cho NLĐ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hoà, ổn định. Tổ chức Công đoàn trực tiếp tham gia giải quyết các nhu cầu cấp thiết, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của NLĐ như: Nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, trung tâm văn hóa, tư vấn pháp luật..., góp phần cải thiện, nâng cao đời sống đoàn viên, NLĐ. Đặc biệt là Chương trình nhà ở "Mái ấm Công đoàn” đã được các cấp công đoàn tích cực thực hiện với nhiều phương thức hiệu quả, trở thành chương trình có ý nghĩa nhân văn to lớn. Đã có hàng chục nghìn gia đình đoàn viên nghèo được hỗ trợ kinh phí xây, sửa nhà ở với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Tổ chức Công đoàn các cấp và cơ sở đã tiến hành thương lượng, đối thoại để mang lại quyền lợi cho NLĐ, thể hiện vai trò đại diện của tổ chức Công đoàn phù hợp xu thế tất yếu. Công đoàn còn góp phần thúc đẩy thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo sức khỏe NLĐ, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả công việc; thương lượng để nâng cao giá trị bữa ăn ca cải thiện sức khỏe NLĐ. Các cấp công đoàn luôn coi trọng và dành nhiều sự quan tâm công tác nữ công, đề xuất chính sách cán bộ nữ, thúc đẩy bình đẵng giới, chăm lo lợi ích chính đáng của lao động nữ. Tham gia thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất; hoạt động tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe cho lao động nữ có những chuyển biến quan trọng; mô hình phòng vắt trữ sữa tại doanh nghiệp được nhân rộng; nhiều công đoàn cơ sở đã thương lượng, đưa vào thỏa ước lao động tập thể một số phúc lợi cho lao động nữ. |
Lãnh đạo Công Ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên tặng quà (một loại hình phúc lợi doanh nghiệp) cho gia đình NLĐ trước khi về nghỉ Tết. Ảnh: SEVT |
Các loại hình phúc lợi cho công nhân, viên chức, NLĐ Phúc lợi bắt buộc Là các phúc lợi tối thiểu mà các tổ chức phải đưa ra theo yêu cầu của phúc lợi. Phúc lợi bắt buộc có thể là: Các loại bảo đảm, BHXH, trợ cấp thất nghiệp, BHYT. Ở Việt Nam, các phúc lợi bắt buộc bao gồm 5 chế độ Bảo hiểm xã hội cho NLĐ: Trợ cấp ốm đau, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, thai sản, hưu trí và tử tuất. Phúc lợi tự nguyện Là các loại phúc lợi mà các tổ chức đưa ra, tùy thuộc vào khả năng kinh tế của họ và sự quan tâm của lãnh đạo ở đó; đối với doanh nghiệp có bảo hiểm hưu trí bổ sung. Các phúc lợi bảo hiểm bao gồm: - Bảo hiểm sức khoẻ: để trả cho việc ngăn chặn bệnh tật như các chương trình thể dục thể thao để tránh căng thẳng khi mà hiệu ứng stress ngày càng tăng trong môi trường làm việc hoặc chăm sóc ốm đau, bệnh tật. - Bảo hiểm nhân thọ: Tiền cho gia đình NLĐ khi NLĐ qua đời. Có thể NSDLĐ hỗ trợ đóng một phần bảo hiểm hoặc toàn bộ khoản tiền bảo hiểm. - Bảo hiểm mất khả năng lao động: Trong một số công ty còn cung cấp loại bảo hiểm này cho những NLĐ bị mất khả năng lao động không liên quan đến công việc họ đảm nhận. Các phúc lợi bảo đảm bao gồm: - Bảo đảm thu nhập: những khoản tiền trả cho NLĐ bị mất việc làm do lý do từ phía tổ chức như thu hẹp sản xuất, giảm biên chế, giảm cầu sản xuất và dịch vụ… - Bảo đảm hưu trí: Khoản tiền trả cho người lao động khi NLĐ làm cho công ty đến một mức tuổi nào đó phải nghỉ hưu với số năm làm tại công ty theo công ty quy định. Tồn tại, hạn chế của PLXH, phúc lợi doanh nghiệp và phúc lợi công đoàn dành cho công nhân khu vực tư (doanh nghiệp) trong thực hiện phúc lợi cho người lao động chưa trở thành một trào lưu trong xã hội. Doanh nghiệp thực hiện tốt phúc lợi cho NLĐ là một trong những nền tảng giúp phát huy hết thái độ, trách nhiệm, sáng kiến và sự tận tâm của NLĐ trong sản xuất, góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Do vậy, cần cơ chế khuyến khích để doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội, vì một cộng đồng gắn kết và thịnh vượng. Phạm vi bao phủ của PLXH còn hạn hẹp nhưng vấn đề lạm dụng, trục lợi, lãng phí ngân sách đã và đang xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu là hệ thống quản lý và cung cấp dịch vụ còn lạc hậu. Do vậy, cần tận dụng thế mạnh của công nghệ số để nhanh chóng hiện đại hóa hệ thống an sinh xã hội, PLXH. |
Giải pháp nâng cao phúc lợi cho đoàn viên công đoàn trong thời gian tới Thứ nhất, chú trọng hoạt động chăm lo lợi ích chính đáng cho ĐVCĐ; đầu tư xây dựng, thiết chế của tổ chức Công đoàn ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, thiết thực nâng cao đời sống công nhân, gắn bó lợi ích với tổ chức Công đoàn; đẩy mạnh Chương trình phúc lợi ĐVCĐ, triển khai có hiệu quả các thỏa thuận hợp tác, chủ động tìm kiếm đối tác mới với các sản phẩm, dịch vụ mới, tổ chức đàm phán, ký kết mang lại nhiều lợi ích tốt hơn cho ĐVCĐ; tích cực tham gia phát triển việc làm bền vững cho NLĐ, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tổ chức Công đoàn. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng trình độ nhận thức, nâng cao tay nghề cho NLĐ nhằm tăng năng suất lao động cá nhân, đảm bảo đón đầu và thích nghi với những đổi mới về quy trình quản trị, sự thay đổi về công nghệ sản xuất trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nâng cao chất lượng đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể, đảm bảo các nội dung thương lượng PLXH cho NLĐ; hoàn thiện, nâng cao hiệu quả các mô hình chăm lo lợi ích thiết thực cho ĐVCĐ; tiếp tục đổi mới hoạt động huy động các nguồn lực từ xã hội và cộng đồng, thông qua tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức từ thiện..., để nâng cao phúc lợi xã hội. Thứ hai, chăm lo lợi ích tinh thần, quyền lợi chính trị cho đoàn viên. Để chăm lo lợi ích tinh thần cho ĐVCĐ, các cấp công đoàn tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao; hoạt động tham quan, nghỉ mát, vui chơi, giải trí; có chương trình giảm giá đối với ĐVCĐ; tổ chức các chương trình tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, chuyên môn, kỹ năng, ý thức, tác phong, thói quen tốt cho đoàn viên; xây dựng môi trường làm việc sạch đẹp, đoàn kết, hòa thuận, cởi mở. Việc chăm lo các quyền lợi chính trị cho ĐVCĐ cần chủ động đề xuất đưa vào quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt các đoàn viên đủ tiêu chuẩn; quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp cho ĐVCĐ. Tổng LĐLĐ Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác mang lại phúc lợi cho đoàn viên với Tập đoàn BRG, Ngân hàng Seabank. Ảnh: THC |
Thứ ba, công đoàn đẩy mạnh công tác truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng hiệu quả mạng xã hội trong việc tuyên truyền về chương trình “Phúc lợi, lợi ích cho đoàn viên và NLĐ”; tổ chức tọa đàm, các buổi tập huấn và chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình triển khai hiệu quả. Tổ chức một số sự kiện lớn, tạo sự quan tâm của đoàn viên, NLĐ và toàn xã hội đối với Chương trình; tăng cường phối hợp, trao đôi thông tin, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên tham gia. Thứ tư, các cấp công đoàn chủ động phối hợp với NSDLĐ phát động và đẩy mạnh các phong trào thi đua nhằm thu hút đông đảo đoàn viên và NLĐ tham gia, từ đó phát hiện, bồi dưỡng những nhân tố tích cực, mở ra cơ hội thăng tiến cho ĐVCĐ; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến, mô hình tiêu biểu; định kỳ hằng năm hoặc theo giai đoạn tổ chức biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu thực hiện chăm lo phúc lợi, lợi ích cho đoàn viên và NLĐ. Làm tốt công tác đánh giá, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Chương trình. Phát triển chương trình nâng cao phúc lợi, lợi ích cho đoàn viên, NLĐ góp phần đổi mới phương thức hoạt động của Công đoàn hướng về cơ sở; thẻ hiện sự quan tâm của công đoàn đến lợi ích thiết thực của đoàn viên, NLĐ, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giúp đoàn viên, NLĐ giảm bớt khó khăn, gắn bó với công việc. Thứ năm, công đoàn phải tham mưu đề xuất trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế quản lý phúc lợi doanh nghiệp theo hướng: (1) Quy định việc bắt buộc trích lập và thực hiện phúc lợi tối thiểu đối với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và ban hành hướng dẫn chung về sử dụng quỹ phúc lợi tối thiểu bắt buộc này đối với các doanh nghiệp; (2) nghiên cứu, quy định mức tối đa, tối thiểu trong việc trích lập quỹ phúc lợi cho tất cả các loại hình doanh nghiệp vừa khuyến khích các doanh nghiệp trích lập và thực hiện các phúc lợi nâng cao vừa phòng ngừa việc lợi dụng trích lập quỹ phúc lợi ngưỡng tối đa để trốn thuế thu nhập doanh nghiệp. Thứ sáu, trong nền kinh tế thị trường, cùng với thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp cần đổi mới tư duy quản trị xem nâng cao phúc lợi cho công nhân chính là đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, trích một phần lợi nhuận để cải thiện phúc lợi công nhân, như xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân mua hoặc thuê giá rẻ, đầu tư phát triển các thiết chế văn hóa, dịch vụ xã hội cho công nhân, cải thiện chế độ ăn trưa, nghỉ ngơi, lương, thưởng... Thứ bảy, Nhà nước ưu tiên, khuyến khích các nhà đầu tư đáp ứng tốt các tiêu chuẩn môi trường, bảo đảm phúc lợi công nhân, lấy mặt bằng đất xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân làm công cụ ưu đãi thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp đề cao văn hóa kinh doanh. Ngoài ra, Nhà nước cần dành nguồn ngân sách đầu tư cho phát triển hạ tầng (điện, cấp - thoát nước, giao thông, trường học, trạm xá) đối với các khu vực được quy hoạch phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân để “làm mồi”, giúp doanh nghiệp giảm được chi phí đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; cần khuyến khích các doanh nghiệp có mức tích lũy lớn chuyển một phần vốn sang đầu tư phát triển các dịch vụ xã hội hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận thông qua các chính sách miễn thuế, ưu đãi thu hút đầu tư. |
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên trao quà Tết cho đoàn viên, NLĐ. Ảnh: SEVT |
------ |
Bài viết: TS. BÙI SỸ LỢI - NGUYÊN PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN VỀ CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA QUỐC HỘI |