Nhìn trời mây đen xám xịt, ông Sáu Xệ (Lương Văn Xệ, 67 tuổi) quay sang nói cùng ông Nguyễn Văn Hóa (Chủ tịch LĐLĐ huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang): “Mấy bữa ni mưa dữ quá! Mùa mưa tới rồi… mình ráng vận động xin mấy bộ áo mưa để bà con đi bán vé số đỡ cực hén anh Hóa”. “Chuyện đó công đoàn huyện tính hết rồi, bà con cứ lo mưu sinh. Đã vào tổ chức nghiệp đoàn thì chắc chắn phải được chăm lo quyền lợi”. Nghe câu trả lời của ông Hóa, ông Sáu Xệ thở phào nhẹ nhõm. Với những người bán vé số dạo như ông thì mùa mưa luôn là nỗi ám ảnh. Ông kể: “Mùa nào cũng có cái cực nhọc của nó. Trời nóng thì sốc nhiệt, nắng cháy da cháy thịt, nhưng vẫn đỡ hơn vì không lo chuyện vé số bị hư hao. Còn mùa mưa thì quá cực… bởi sơ suất một chút là vé số bị ướt, kể coi như bỏ, mất vốn! Chỉ cần một sấp (10 tờ) bị như vậy là bữa đó coi như không công, phải nhịn đói”. Ông Sáu Xệ xuất thân trong một gia đình liệt sĩ ở ấp Nhơn Thuận 1A, thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A. Ông học hết lớp 9 mà theo ông ước lượng là đủ để “biết đọc biết viết”: “Trình độ không tới đâu nhưng được cái mình năng nổ, nhiệt huyết, gắn bó tình làng nghĩa xóm với bà con. Nhờ vậy, tui được giữ chức Trưởng ấp Nhơn Thuận 1A hơn 10 năm”. Đùng một cái ông đổ bệnh mà vợ ông cũng vậy?! Phải trải qua mấy lần mổ “thập tử nhất sinh”. Nguồn thu nhập ít ỏi của “cán bộ không chuyên” không thể giúp ông vượt qua cơn hoạn nạn. Gia đình cũng không đất đai, ruộng vườn canh tác; lại thêm hai người con của ông, một đứa làm công nhân ở TP. HCM, đứa còn lại ở dưới quê thì thất nghiệp. Hết cách nên ông Sáu Xệ buộc phải “ra đường bán vé số”. “Bán vé số dạo là công việc mưu sinh khi mà người ta không còn làm được việc gì khác thì mới chọn nó. Nói nôm na là “hết đường rồi”!? Công việc này rất đơn giản, không cần vốn liếng, mỗi ngày cứ đến đại lý nhận vé số rồi đi bán. Bán được 1 tờ thì kiếm được 1.000đ. Cứ vậy mà nhẩm ra số tiền kiếm được trong ngày”. Mỗi ngày ông lội bộ vài chục cây số khắp “hang cùng ngỏ hẻm” để mời mọi người mua. Nhờ bà con thương tình, mỗi ngày ông bán được khoảng 150 tờ vé số, kiếm được 150.000đ. “Có bữa ế ẩm chỉ kiếm được 100.000đ. Mua 5 ký gạo hết 80.000đ, còn 20.000đ mua rau với trứng về luộc”, ông nói. Cuộc sống vất vả, khó khăn chưa phải là thứ duy nhất mà những người bán vé số dạo như ông Sáu Xệ phải gánh chịu. Từ sau dịch bệnh Covid-19, kinh tế ở đâu cũng khó khăn, người mua vé số thì giảm, còn người bán thì cứ tăng. Để bán được 1 tờ vé số, họ phải kiên trì, nài nỉ người mua. “Mới bữa hổm trời mưa gió bán không được, tui vô quán cà phê năn nỉ ông khách mua dùm mấy tờ. Ngay lúc ổng đang bàn chuyện với đối tác gì đó, rồi quay sang nạt nộ, chửi tui một trận. Lúc đó, mình chỉ biết lủi thủi ra về”. Giống như ông Sáu Xệ, bà Nguyễn Thị Hồng Lan (73 tuổi) cũng là người bán vé số dạo "kỳ cựu" trên khắp các ngả đường ở đồng bằng châu thổ sông Cửu Long. Hễ chỗ nào có đông người mua là bà đến thuê trọ rồi đi bán. Trên “hành trình vạn dặm”, mỗi ngày bà mang theo một chai nước và một ổ bánh mì không; vừa để tiết kiệm chi phí, vừa để ăn phòng khi đuối sức. Bà không sợ đói, sợ khổ, chỉ sợ nhất những lần suýt “tiểu tiện ra quần”. “Có lần bị đau bụng giữa đường, tui vào một quán cà phê định đi nhờ “toa lét”. Khi tới cửa nhà vệ sinh, thì thấy ghi dòng chữ: “Cấm vé số”. “Tui phải năn nỉ dữ lắm chủ quán mới cho đi nhờ. Mà họ nói “cũng có lý”?! Một ngày có cả trăm lượt người bán vé số vào đây đi nhờ nhà vệ sinh, gây tốn kém chi phí, trong khi mỗi ly nước lời lóm chẳng bao nhiêu”, bà Lan chua xót. |
Còn ông Nguyễn Hữu Chương (66 tuổi) cả chục năm nay phải sống trong cảnh thân già côi cút một mình. Quê ở tận Hà Tĩnh, ông lang bạt vào miền Tây Nam Bộ bán vé số dạo. Tai ương ập xuống khi vợ ông mất do bạo bệnh, rồi đứa con nhỏ đi học về tắm sông không may chết đuối. Bốn năm trước, trong lúc đi bộ băng qua đường bán vé số, ông bị tai nạn giao thông gãy chân. Giữa tận cùng của bất hạnh, ông vẫn cố gắng lao động để sống. Với chiếc xe lăn, từ sáng sớm, ông gồng mình lăn mấy chục cây số đến từng ngõ hẻm, góc phố để mời người mua vé số. Trước đó, đã mấy lần ông Chương bị kẻ gian giả vờ hỏi mua, rồi giật vé số bỏ chạy. Đường vắng, không biết cầu cứu ai, ông chỉ biết nhìn theo bọn cướp trong tuyệt vọng. Đến cả những người như ông Sáu Xệ cũng đã từng bị lừa đổi vé số trúng thưởng. “Bữa đó, có người đàn ông kêu tui lại đổi 5 tờ vé số trúng giải tám (trị giá giải thưởng 100.000đ/tờ). Nó làm giả tinh vi lắm, tui nhìn không ra nên đồng ý đổi. Về tới đại lý mới biết bị lừa mất 500.000đ, coi như mất trắng 5 ngày công đi bán. Cả đêm đó cứ bồn chồn không ngủ được, càng thấy tủi thân cho những phận đời đi bán vé số dạo”. Gần đây, nhiều đại lý không cho trả lại các vé số còn thừa. Nhiều người bán dạo buộc phải tràn xuống lòng đường chào mời tại các ngã ba, ngã tư… để bán hết lượng vé số đã lấy, nếu không muốn phải “ôm vé thay cơm”. Họ đứng dưới lòng đường xòe xấp vé số trên tay quơ qua quơ lại, miệng liên tục mời gọi người qua đường ủng hộ. Có người quỳ luôn xuống đất để van xin những người đi đường giúp đỡ, bất chấp lượng xe cộ đông ngẹt đang qua lại. Bà Ngô Thanh Tú (ngụ tỉnh Hậu Giang) nói buồn cùng tôi: “Thời tiết ở miền Tây những ngày qua mưa nhiều khiến người bán vé số dạo gặp nhiều khó khăn. Có hôm đến giờ quay xổ số mà trên tay còn cả trăm tờ. Mặc dù biết tràn xuống đường để bán vé số là nguy hiểm nhưng mình buộc phải làm vì chén cơm manh áo. Tui không bán hết, lấy đâu ra tiền để trả tiền trọ, ăn uống và lo cho hai đứa con ăn học”. Những hoàn cảnh như ông Sáu Xệ, bà Lan hay ông Chương… chỉ là một trong số hàng chục ngàn người đang vất vả mưu sinh với nghề bán vé số dạo ở miền Nam. Nhận vé số từ đại lý, họ toả ra (chủ yếu là đi bộ, đạp xe, đi xe lăn…) khắp nơi, vào tận các con hẻm, ngõ ngách để mời mua vé số. “Đội nắng, đội mưa” không ngại đối mặt với nguy cơ sụt giảm về sức khỏe, phải chịu biết bao tủi nhục, không ít lần năn nỉ khách mua, bị từ chối và chửi thẳng vào mặt vì làm phiền. Tại một số quán cà phê, quán nhậu, người ta treo bảng không cho vào bán vé số, bước vào là bị đuổi ra. Thậm chí, có người như ông Chương đã không may gặp tai nạn trên đường đi bán, họ cũng phải tự chịu. “Bán vé số có chăng chỉ đủ sống qua ngày, nên lâu lâu tui cũng giữ lại cho mình 1 tờ, cũng ước mơ như người ta vậy, biết đâu chiều “vô mánh”. Nhưng trong hàng ngàn giấc mơ, chỉ có “giấc mơ đái trong quần” là trở thành hiện thực thôi”, ông Sáu Xệ hóm hỉnh. |
Chia sẻ những khó khăn, vất vả với những người bán vé số dạo, mới đây LĐLĐ huyện Châu Thành A đã đề xuất và được Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh Hậu Giang chấp thuận cho thành lập Nghiệp đoàn người lao động bán vé số trên địa bàn. Đây là Nghiệp đoàn vé số đầu tiên ở Hậu Giang, và cũng là Nghiệp đoàn đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long. Lễ công bố Quyết định thành lập Nghiệp đoàn diễn ra hôm 19/4. Trước đó, qua khảo sát nắm bắt tình hình, trên địa bàn huyện có hơn 200 người bán vé số dạo, phần lớn là người dân địa phương, có người từ nơi khác đến huyện mưu sinh. Hầu hết họ có đời sống nghèo khó, phải chạy ăn từng bữa. Họ chỉ được các Công ty XSKT xem là “lao động tự do”, không được ký hợp đồng lao động, không được trả lương cơ bản để đảm bảo cuộc sống tối thiểu. Họ cũng không được đóng BHXH để được hưởng các chế độ khi bệnh tật, già yếu, không còn khả năng lao động… “Trước khi thành lập Nghiệp đoàn, LĐLĐ huyện đã mời người dân đến họp; qua đó tuyên truyền, phổ biến cho bà con hiểu: Tổ chức Công đoàn là gì, việc thành lập Nghiệp đoàn có ý nghĩa ra sao?... Nghe xong bà con rất hưởng ứng. Hiện Nghiệp đoàn có 28 thành viên, với ban chấp hành gồm 5 người, do ông Triệu Văn Bé (SN 1960) giữ chức vụ Chủ tịch Nghiệp đoàn. Riêng ông Sáu Xệ, từng nhiều năm công tác trong đoàn thể, đã được 35 năm tuổi Đảng, là người gần gũi, có uy tín với người dân, nên được giữ chức Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn. Ngay tại buổi lễ, đã có thêm rất nhiều người lao động xin gia nhập Nghiệp đoàn”. Đồng chí Nguyễn Văn Hóa – Chủ tịch LĐLĐ huyện Châu Thành A cho biết thêm: “Việc thành lập Nghiệp đoàn lần này nhằm tập hợp người bán vé số trên địa bàn huyện vào một tổ chức để các thành viên có nơi sinh hoạt, nâng cao kiến thức pháp luật. Đồng thời, thông qua đó, LĐLĐ huyện sẽ có những hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho người lao động, nhất là những lao động có hoàn cảnh khó khăn. LĐLĐ huyện cũng sẽ là cầu nối trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người bán vé số để có những đề xuất với công ty XSKT, kịp thời đáp ứng cho người lao động”. “Chẳng hạn nếu bà con đi bán, mà các đại lý không cho trả vé số ế, họ có thể kiến nghị, phản ánh với Nghiệp đoàn. Từ đó, chúng tôi sẽ xem xét, đề ra hướng giải quyết”, đồng chí Nguyễn Văn Hóa thông tin. Phải nhìn nhận rằng, dù không có giao kết hợp đồng, nhưng lâu nay hoạt động XSKT đã tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động khắp khu vực phía Nam. Như ở Hậu Giang hiện có hơn 4.600 người bán vé số dạo; ở Trà Vinh là trên 7.000 người, còn như tại Cần Thơ là khoảng 7.500 người… Ngoài ra, tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ có rất đông lao động nhập cư, như tại Bình Dương là 1,2 triệu lao động nhập cư. Ngoài những người làm công nhân trực tiếp sản xuất trong các nhà máy, xí nghiệp… vẫn còn một lượng lớn lao động tự do, phi chính thức. Không trình độ, bằng cấp, nên họ chọn công việc bán vé số dạo để sống qua ngày. |
Vào tối ngày 30/5 vừa qua, tại Hội trường UBND phường Mỹ Phước, LĐLĐ thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương đã tổ chức Lễ công bố quyết định kết nạp đoàn viên và ra mắt Nghiệp đoàn Vé số phường Mỹ Phước. Động thái này diễn ra sau thời khảo sát, nắm tình hình, số lượng lao động tự do bán vé số kiến thiết trên địa bàn. Đây là Nghiệp đoàn Vé số đầu tiên và là nghiệp đoàn thứ hai trên địa bàn tỉnh, trước đó nghiệp đoàn Xe ôm phường Thới Hòa (Tp. Bến Cát) đã được thành lập năm 2016. Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Nguyễn Tấn Đạt - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, cho biết: “Nghiệp đoàn là một trong những loại hình công đoàn cơ sở đã được quy định trong Điều lệ Công đoàn Việt Nam; tập hợp những người lao động tự do hợp pháp cùng ngành, nghề, có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam, theo địa bàn hoặc theo đơn vị sử dụng lao động. Sau khi tham gia vào nghiệp đoàn, tổ chức Công đoàn sẽ giúp các đoàn viên (các cô chú, anh chị bán vé số kiến thiết) có thể tiếp cận các chiều an sinh xã hội, sẽ có những hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho người bán vé số, là cầu nối để có những đề xuất với doanh nghiệp xem xét, hỗ trợ kịp thời cho người lao động - nhất là những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đồng thời, nơi đây người lao động có sinh hoạt trao đổi với nhau, hỗ trợ nhau trong công việc, cuộc sống”. Tại chương trình, Ban Thường vụ LĐLĐ thành phố Bến Cát đã công bố Quyết định chỉ định Ban Chấp hành lâm thời Nghiệp đoàn vé số phường Mỹ Phước gồm 05 đồng chí, chị Trịnh Thị Hà được chỉ định là Chủ tịch; tổng số đoàn viên là 62 người (ngay tại chương trình đã có thêm 14 người lao động gửi đơn xin gia nhập). Thời gian hoạt động của Ban chấp hành lâm thời Nghiệp đoàn là 01 năm, sau đó sẽ tổ chức Đại hội bầu cử Ban chấp hành chính thức theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Ngay sau khi ra mắt, các đồng chí Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh và Thành ủy - HĐND - UBND - UBMT Tổ quốc Việt Nam thành phố Bến Cát đã trao quà cho Ban Chấp hành Nghiệp đoàn. Từ sự hỗ trợ này sẽ làm cơ sở để xây dựng nguồn kinh phi hoạt động trong thời gian tới (Hội Doanh nhân Trẻ tỉnh Bình Dương tặng 5 triệu đồng, LĐLĐ thành phố Bến Cát tặng 3 triệu động, UBND phường Mỹ Phước tặng 2 triệu đồng), đồng thời trao tặng các suất quà bằng hiện vật cho toàn thể đoàn viên. Bà Lê Thị Thêm (SN 1953, quê ở xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) lên Bình Dương bán vé số dạo đã nhiều năm nay. Khi nghe thông tin sắp ra mắt Nghiệp đoàn, bà là một trong số những người nộp đơn tự nguyện tham gia đầu tiên. Bà nói: “Trước đây, những người bán vé số dạo đều phải “tự bơi” trong mọi hoàn cảnh. Lúc đi bán gặp phải khó khăn, hay chuyện bất bình đều không biết kêu thán cùng ai. Bây giờ có Nghiệp đoàn, bà con có thể đề xuất những tâm tư nguyện vọng, ít ra cũng có chỗ để bày tỏ tiếng lòng mình. Đây sẽ là một mái nhà chung để những người lao động nghèo cùng đoàn kết, san sẻ những buồn vui, động viên nhau trong cuộc sống”. |
Mấy chục năm qua, ở khu vực miền Nam, XSKT đã không còn đơn giản là trò chơi may rủi, mà đã trở thành “nét văn hóa”, được người dân ưa chuộng và tìm mua mỗi ngày. Theo Hội đồng XSKT khu vực miền Nam, mỗi năm người dân khu vực này có thể chi khoảng 6 tỷ USD để mua vé số. Trong 21 doanh nghiệp XSKT khu vực miền Nam, có đến hơn một nửa các tỉnh đạt doanh số phát hành 100%, nộp ngân sách trên 12.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 4.500 tỷ đồng. Nguồn thu “khủng” đó chủ yếu là người bán dạo mang lại. Mỗi ngày, sau khi nhận vé từ đại lý, họ rong ruổi khắp nơi để bán. Mỗi tờ vé số có mệnh giá 10.000 đồng với giải đặc biệt cao nhất, nếu trúng thưởng giải đặc biệt 6 con số là 2 tỷ đồng, nên có người ví von: "Nghề bán vé số là nghề đi bán giấc mơ làm giàu". Nhưng, trong khi vé số mang về lợi nhuận khủng cho các công ty, các đại lý, thì lực lượng những người bán vé số dạo vẫn cứ triền miên trong cảnh bấp bênh, nghèo khó. Dù là mắt xích quan trọng cuối cùng trong ngành kinh doanh xổ số, nhưng người bán vé số dạo không nằm trong danh mục ngành nghề nào, không hợp đồng lao động, không được thừa nhận là một tác nhân trong ngành. Do đó, việc các địa phương triển khai thành lập Nghiệp đoàn vé số có ý nghĩa rất lớn trong việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho họ. Tuy nhiên, về lâu dài, cần có nhiều hơn những chính sách chăm lo bền vững cho nhóm đối tượng này, nhất là trách nhiệm của các Công ty XSKT. TS. Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long cho rằng: "Về mặt pháp luật, giữa công ty XSKT và những người bán vé số dạo không có gì sai, bởi đây là quan hệ thỏa thuận dân sự. Và những người bán vé số không phải là lực lượng lao động của công ty! Tuy nhiên, trong xu hướng phát triển kinh tế hiện nay, người ta tiếp cận vấn đề với thuật ngữ “các bên có liên quan” (tiếng Anh gọi là Stakeholders), mà trong đó nổi bật là vấn đề trách nhiệm, đạo đức xã hội của doanh nghiệp. Trong đó, vấn đề doanh nghiệp cần phải nhìn nhận trước hết là các bên có liên quan. Đó không chỉ là lãnh đạo, quản lý, cán bộ, nhân viên hay khách hàng của công ty mà bao gồm cả những người bị tác động hoặc tác động ngược lại. Theo nghĩa này, những người bán vé số dạo phải được nhìn nhận là một bên có liên quan, một mắt xích quan trọng trong hoạt động kinh doanh xổ số. Họ là lực lượng lao động góp phần tiêu thụ lượng lớn vé số. Nếu không có lực lượng này thì vé số không thể tiêu thụ lượng lớn và nhanh được. Họ phải được quan tâm, được nhìn nhận với những trách nhiệm xã hội. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, khi hàng ngàn lao động bán vé số dạo mất việc, nhiều doanh nghiệp xổ số đã hỗ trợ hay phát quà. Nhưng hầu hết những hoạt động này chỉ trên cơ sở “lòng trắc ẩn”, còn trách nhiệm xã hội theo nghĩa “anh phải làm” thì chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Trong hoạt động kinh doanh và nguồn doanh thu mang về, các doanh nghiệp xổ số phải dành ra những nguồn và xem đây là trách nhiệm phải làm để chăm lo cho người bán vé số. Ngoài ra, các cơ quan nhà nước cũng cần xem xét đây là những đối tượng phải được hỗ trợ, chứ không thể chỉ dừng ở mức quan tâm. Mục đích của hoạt động XSKT nhằm “ích nước, lợi nhà”, trong khi đó, hầu hết những người lao động tham gia hoạt động bán lẻ vé số lưu động là người có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, già yếu, trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa... Cho nên, cần xây dựng một cơ chế, chính sách mới để xác định lại mối quan hệ lao động giữa các công ty XSKT với người bán lẻ vé số lưu động nhằm đảm bảo các quyền lợi cũng như an sinh xã hội cho nhóm đối tượng lao động này.
|