|
Qua 4 ngày triển khai, ngành Y tế đã ghi nhận 13 trường hợp có phản ứng với vắc xin Covid-19. Trong đó có 2 ca bị sốc phản vệ và các trường hợp có phản ứng phụ sau khi tiêm vắc xin Covid-19 ở cán bộ, nhân viên y tế. Bộ Y tế đã triển khai tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 cho Hải Dương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Gia Lai. Theo báo cáo nhanh từ các địa điểm tiêm chủng, Chương trình Tiêm chủng mở rộng ghi nhận một số trường hợp phản ứng sau tiêm vắc xin Covid-19 của AstraZeneca. Đa số những người này gặp phản ứng sau tiêm đã được khuyến cáo như đau cơ, mệt mỏi, sốt, đau đầu, ớn lạnh, sưng đau tại chỗ tiêm, buồn nôn. Trong đó, 5 trường hợp được theo dõi xử trí tại bệnh viện; 2 trường hợp phản vệ độ 2 được xử lý theo quy định; 3 trường hợp có biểu hiện tiêu chảy, dị ứng, kẹt huyết áp. Bộ Y tế cho biết, sức khỏe của tất cả các trường hợp trên hiện đã ổn định. |
Nhân viên y tế trực tiếp tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 được tiêm vắc xin Covid-19. Ảnh: BYT |
Cơ quan chuyên môn đánh giá việc triển khai tiêm vắc xin Covid-19 trong những ngày qua diễn ra an toàn, các trường hợp có phản ứng sau tiêm nằm trong tỷ lệ cho phép. Tại tỉnh Gia Lai, Bộ Y tế phân bổ cho tỉnh 1.900 liều vắc xin Covid-19, ưu tiên lực lượng trên tuyến đầu phòng, chống dịch. Trong đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Gia Lai tiếp nhận 1.800 liều, Bệnh viện Dã chiến tỉnh tiếp nhận 100 liều. Chương trình tiêm chủng vắc xin Covid-19 tại tỉnh Gia Lai bắt đầu tiến hành từ ngày 9/3, dưới sự hướng dẫn chuyên môn của Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên. Đã có 69 nhân viên y tế Bệnh viện Dã chiến Gia Lai được tiêm vắc xin Covid-19 đầu tiên. Tất cả đều trực tiếp tham gia chữa trị bệnh nhân Covid-19. Trong số đó, một nữ điều dưỡng bị phản ứng phụ nặng, 8 người phản ứng nhẹ. |
|
5 phút sau tiêm, một nữ điều dưỡng (có tiền sử hen phế quản) bị phản ứng phụ nặng, ở cấp độ 2, với các triệu chứng tê quanh miệng, nôn mửa, chóng mặt, tức ngực, khó thở. 8 người bị phản ứng nhẹ, ở cấp độ 1, sau 10 phút đến một giờ kể từ khi tiêm bắt đầu xuất hiện triệu chứng khó chịu ở vùng da. "Các phản ứng đã được dự liệu có thể gặp khi tiêm vắc xin Covid-19. Sức khỏe của tất cả trường hợp trên hiện đã ổn định", BS. Nguyễn Tấn Phúc, Giám đốc Bệnh viện Dã chiến Gia Lai cho biết. Ngành Y tế tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục tiêm vắc xin Covid-19 cho cán bộ y tế ở một số khoa của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai. Tại Hà Nội, ngoài 100 cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đã có thêm 36 nhân viên y tế trực tiếp tham gia phòng, chống dịch của Bệnh viện Thanh Nhàn được tiêm vắc xin Covid-19. Sau khi tiêm đã có 10 trường hợp gặp phản ứng phụ. Các trường hợp này có biểu hiện: Sốt nhẹ 37,5 độ, đau mỏi cơ, đau tại vị trí tiêm nên được bố trí ở nhà theo dõi sức khỏe. Những trường hợp khác đã trở lại làm việc bình thường. |
Nhân viên y tế có sức khỏe bình thường sau tiêm vắc xin. Ảnh: BYT |
Bộ Y tế đã xây dựng và tập huấn quy trình tiêm chủng nghiêm ngặt. Đó là tổ chức sàng lọc trước khi tiêm chủng, tải app để theo dõi tình hình sức khỏe người được tiêm. Người đang bị sốt, ho, khó thở không được tiêm chủng, khuyến cáo không đến nơi tiêm chủng. Để đảm bảo an toàn trong quá trình tiêm chủng, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu tất cả các điểm tiêm đều được có mô hình, kịch bản, lịch tiêm cụ thể. Điểm tiêm nào cũng sẽ bố trí lực lượng nhân viên y tế. Đặc biệt là một số phòng khám đa khoa khu vực sẽ hỗ trợ các kíp cấp cứu ở các bệnh viện hạng 1 xuống để hỗ trợ trong trường hợp cần thiết. |
Sau tiêm vắc xin Covid-19, cán bộ y tế trở lại làm việc bình thường. Ảnh: BYT |
Ngoài một số ca có phản ứng phụ, trong tổng số hơn 500 cán bộ, nhân viên y tế được tiêm vắc xin Covid-19 đầu tiên chưa ghi nhận thêm trường hợp có biểu hiện tương tự. Chị Đỗ Thị Nhài (sinh năm 1983), công tác tại Trạm Y tế phường Tân Hưng (TP. Hải Dương) cho biết: "Sau một ngày tiêm mũi vắc xin Covid-19, sức khoẻ của tôi bình thường và không có vấn đề gì. Tối qua đơn vị tiêm phòng có gọi điện hỏi xem tôi có bị chóng mặt, buồn nôn gì không, nhưng tôi không có hiện tượng đó. Ngay chiều hôm qua, tôi vẫn tham gia công việc bình thường tại địa phương". Bộ Y tế khuyến cáo về tiêm vắc xin Covid-19. Ảnh: BYT Bộ Y tế cũng dẫn thông tin từ Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) cảnh báo hiện tượng giả mạo trong cung ứng, mua bán vắc xin phòng Covid-19. Tại Việt Nam, trong thời gian vừa qua đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước nộp hồ sơ đăng ký, liên hệ với Bộ Y tế để chào bán, gợi ý cung cấp vắc xin phòng Covid-19 của các nhà sản xuất như Moderna (Mỹ), AstraZeneca… Tuy nhiên, qua xác minh thông tin, các nhà sản xuất vắc xin trên hiện tại chưa có hoạt động ủy quyền, ủy thác với các tổ chức, cá nhân này. Ngày 01/3/2021, AstraZeneca đã có thư khẳng định, ngoài Chương trình COVAX, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Công ty Cổ phần Vắc xin Việt Nam (VNVC), AstraZeneca không uỷ quyền cho công ty, tổ chức, cá nhân nào khác cung cấp vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca tại Việt Nam. Tương tự, Moderna cũng đã khẳng định chưa ủy quyền cho bất cứ bên nào về việc đăng ký, bán hàng và nhập khẩu vắc xin phòng Covid-19 cho Việt Nam đến thời điểm hiện tại. Các nhà sản xuất vắc xin khác như Pfizer, Johnson & Johnson đều có công ty chi nhánh tại Việt Nam. Đối với vắc xin Sputnik của Nga, Đại sứ quán Nga tại Việt Nam đã khẳng định mọi sự mua bán, nhập khẩu, hợp tác cần trao đổi trực tiếp với Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga. Trung Quốc, Ấn Độ cũng khẳng định rõ việc mua, nhập khẩu vắc xin phòng Covid-19 phải được Chính phủ phê duyệt.
|
Bài viết: Duy Minh Thiết kế: Duy Minh |