15 năm theo chồng ra Bắc, Tặng mới chỉ một lần được về lại Cà Mau thăm bố mẹ. Tết này, công đoàn công ty dự kiến hỗ trợ vé máy bay cho cô thỏa ước mong.
“Nhưng em đang xin được đổi thành tiền. Em cho các con vô thăm ngoại, mà 5 mẹ con đi máy bay thì em không lo được”, Nguyễn Thị Tặng, 35 tuổi, công nhân Công ty TNHH Padmac Việt Nam, nói.
Nữ công nhân quê ở một xã nghèo của huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Dân quê cô chỉ có hai nghề, nhà nào có đất canh tác thì làm vuông tôm; còn không, suốt đời làm mướn, thi thoảng bắt con tôm, con cá kiếm ăn lần hồi. Gia đình cô thuộc diện thứ hai.
Nhà nghèo. Lên 9 tuổi Tặng mới vào lớp 1 nhưng việc học chẳng kéo dài. Sang kỳ II năm lớp 5 được chừng hai tuần, sau vài lần bị nhắc đóng 72 nghìn học phí mà không có, Tặng xấu hổ, xin nghỉ học, theo chân người lớn vào nhà máy đông lạnh làm tôm, cá.
Ba năm sau, Tặng gặp chàng trai quê Nam Định ở đó. Mặc gia đình can ngăn, họ yêu 4 năm như thể sẽ chết nếu không đến được với nhau. Một ngày lành năm 2009, đám cưới diễn ra ở đất mũi. Nhà trai vỏn vẹn 5 người: bố mẹ chồng, 2 ông bác và 1 người cậu.
Ba tháng sau thì Tặng theo chồng ra Bắc. Bố cô ngồi uống rượu như mọi ngày vẫn thế. Mẹ cô trông ra con rạch trước nhà, thở dài.
Nữ công nhân Nguyễn Thị Tặng - Công ty TNHH Padmac Việt Nam (KCN Bảo Minh, Nam Định). Ảnh: Minh Khôi |
Suốt 3 ngày 2 đêm trên hành trình Cà Mau – Nam Định, Tặng chẳng kịp nghĩ nhiều đến tương lai, chỉ tự nhủ “ở đâu cũng vậy, có làm thì sẽ có ăn”. Lần đầu tiên đặt chân ra Bắc, về nhà chồng, Tặng thấy “cuộc sống đầy đủ hơn trong quê nhưng cách cư xử kỹ lưỡng hơn”.
Cô được mẹ chồng dạy làm ruộng và theo bố chồng đi phụ hồ sau mỗi vụ lúa. Năm 2017, vợ chồng cô xin làm công nhân chuyền may tại Công ty TNHH Padmac Việt Nam. Lương mỗi tháng của hai vợ chồng hơn 15 triệu, đủ trang trải nuôi con và có chút tích lũy.
Nhà chật, đông người, năm 2018 chồng cô vay ngân hàng hơn 100 triệu xây thêm tầng nữa. Đôi khi cô ngồi nghiệm lại, chẳng giải thích được tại sao bao nhiêu vận hạn, suy sụp lại đến từ ngày đó. Nợ nần đã không trả được, lại thêm những khoản nợ mới của chồng. Tặng sinh được 4 cậu con trai, đứa đầu nghỉ học từ năm lớp 7, đứa thứ hai năm nay 10 tuổi mà cứ ngơ ngẩn, mấy năm nay vẫn ngồi lớp 1. Hai đứa nhỏ thì đang tuổi bỉm sữa nheo nhóc.
Năm ngoái, bố chồng cô phát bệnh ung thư giai đoạn cuối. Chồng cô vào viện chăm được một tuần thì lên cơn co giật, ngã quỵ. Bác sĩ xét nghiệm 3 hôm không ra bệnh. Đến ngày thứ tư thì họ gọi Tặng vào, bảo bệnh anh nghiêm trọng, bị viêm tủy, phải chuyển gấp đi Hà Nội, kéo dài sẽ liệt tứ chi.
Kể từ đó, mỗi tháng Tặng nghỉ có khi vài ngày, khi cả tuần để chăm chồng trên Bệnh viện Bạch Mai. Thuốc men tốn kém, thu nhập lại giảm, trong khi vẫn phải trả nợ ngân hàng mỗi tháng bốn triệu rưỡi. Nợ cũ chưa xong, lại thêm những khoản nợ mới. Có nhiều khi cô thấy cuộc sống “bế tắc, không lối thoát”.
Bà Thiểu – mẹ cô đi hơn 2.000 cây số ra động viên các con. Ở được chục hôm, bà nuốt nước mắt vào trong khi thấy con gái cứ 3-4 giờ sáng dậy đi cấy, 6 giờ tất tưởi về, chạy xe 15 cây số đến công ty làm việc, rồi tối về, lại ra đồng nhổ mạ đến 9-10 giờ đêm.
Nữ công nhân Nguyễn Thị Tặng tham dự chương trình "Tết sum vầy - Xuân chia sẻ" do LĐLĐ tỉnh Nam Định tổ chức, 20/1/2024. Ảnh: Minh Khôi |
Một ngày, Tổ trưởng Công đoàn biết chuyện nói với chị Thêu – quản lý chuyền may. Họ bàn nhau đề xuất lên trên. Anh Toàn - Chủ tịch Công đoàn Công ty tới gặp Tặng, hỏi tình hình rồi hứa “giúp được phần nào anh sẽ giúp”. Sau đó, anh Toàn về tận nhà thăm hỏi gia đình, trao hỗ trợ 2 triệu đồng.
Nhiều năm làm Chủ tịch Công đoàn ở một doanh nghiệp FDI có gần 1.400 công nhân ở KCN Bảo Minh, anh Nguyễn Mạnh Toàn nói rằng chưa bao giờ gặp hoàn cảnh éo le như Tặng.
Đêm ấy anh mất ngủ. Hình ảnh những đứa trẻ khát sữa cứ ập vào tâm trí. Anh soạn lời kêu gọi ủng hộ Tặng, phát trên loa và bản tin công ty vào sáng hôm sau. Trưởng các bộ phận đi quyên góp trong công nhân, sau 5 ngày, được hơn 28 triệu.
“Số tiền đối với bạn ấy như “muối bỏ biển”, không thể đủ được. Mình nghĩ vậy, đề nghị chia hai phần, một nửa để Tặng lo thuốc men cho chồng, nửa còn lại gửi tiết kiệm ngắn hạn, phòng khi biến cố”, anh Toàn nói, cho biết thêm nữ đoàn viên có nghị lực quá tuyệt vời, như người khác có khi gục ngã. “Nhưng bạn ấy vẫn cố gắng vực dậy”.
Công đoàn trao đổi với quản lý bộ phận bố trí cho Tặng làm hàng đơn giá cao, cho tăng ca nhiều hơn để tăng thu nhập. Chị em quản lý các chuyền may rủ nhau quyên góp mỗi tháng 500 nghìn đồng để Tặng mua sữa cho con.
Ban Chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Padmac Việt Nam thăm, trao tiền hỗ trợ gia đình công nhân Nguyễn Thị Tặng sau đợt kêu gọi ủng hộ toàn công ty - Ảnh: CĐCC |
Chiều 20/1/2024, Tặng theo chân các đồng nghiệp đi bộ từ Công ty ra Công viên KCN Bảo Minh dự chương trình . Lần đầu tiên cô tham dự một sự kiện quy mô cấp tỉnh, có sân khấu lớn, có múa lân, ca nhạc và lãnh đạo tỉnh tham dự.
Đồng chí Hoàng Đình Trung – Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nam Định trực tiếp trao quà cho Tặng và những công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Một phong bì 500 nghìn, phần quà 150 nghìn và phiếu mua hàng tại “Chợ Tết Công đoàn” trị giá 100 nghìn.
“Hôm trước em nói với mẹ và chồng, bảo sắp được nhận quà công đoàn. Mọi người bảo công đoàn đã ủng hộ tiền rồi lại cho thêm quà Tết. Em vui và hạnh phúc! Không chỉ là những phần quà, mà suốt những ngày em bế tắc, công đoàn và các anh chị luôn động viên, ủng hộ tinh thần để em vượt qua khó khăn”, Tặng nói.
Cuối tuần này, cô lại được tham gia “Tết sum vầy” ở Công ty. Cô sẽ lại nhận quà công đoàn, dự kiến có cả tiền hỗ trợ kinh phí vé máy bay về quê ngoại ăn Tết.
“Em muốn đổi thành tiền để mẹ con đi ô tô cho tiết kiệm. Nếu được hỗ trợ, thì 23-24 Âm lịch em về, khoảng mùng 10 ra đi làm. Không biết thằng lớn có xin được nghỉ như mẹ không?”.
Bây giờ cháu làm gì?
“Cháu đang làm ở Hà Nam. Làm công ty điện tử”.
Tuổi mới lớp 9 mà đã đi làm rồi? Cháu là lao động trẻ em đấy!
“Dạ vầng”.
Thế mà vẫn đi?
“Tại cháu thấy hoàn cảnh nhà khó khăn nên nó xin đi làm. Em cứ bảo thôi giờ tuổi còn nhỏ, ở nhà trông em cho mẹ đi làm, nhưng nó bảo giờ có mình mẹ, làm sao lo xuể”.
Cháu có đỡ đần gì được cho chị?
“Dạ có. Cháu đỡ đần được tiền điện với lại tiền thức ăn, thức uống cho gia đình. Cháu làm được tháng hơn 3 triệu, đưa về hết cho mẹ. Tiền em làm ra thì lo thuốc thang cho chồng, sữa bỉm cho hai đứa nhỏ”.
Tặng bên món quà do LĐLĐ tỉnh Nam Định trao hôm 20/1/2024 - Ảnh: Minh Khôi |
Chiều ấy, sau khi chương trình kết thúc, đồng chí Hoàng Đình Trung chia sẻ với tôi rằng, dù là năm đầu tiên lãnh đạo tổ chức Công đoàn tỉnh Nam Định, song khi trực tiếp trao quà đoàn viên, công nhân khó khăn, khi nhìn vào ánh mắt họ, đồng chí cảm thấy rõ trách nhiệm và cần nỗ lực hơn nữa để đem những mùa Xuân ấm áp, an vui tới mỗi gia đình đoàn viên.
Chặng đường phía trước của Tặng và những người như cô sẽ không bao giờ là đơn độc.
Bài viết: MINH KHÔI Ảnh: MINH KHÔI Video: VĂN QUÂN - TUYẾT HẰNG Đồ họa: AN NHIÊN |