Dương Đỗ - “chú ong thợ” của những không gian sáng tạo

Dương Đỗ là nhà sáng lập mô hình không gian làm việc chung Co-Working Space đầu tiên ở Việt Nam với tên gọi là “Toong”. Được xem là nơi khơi gợi cho những sáng tạo, kết nối công việc, sau gần 10 năm mô hình này đã hiện diện hàng chục điểm tại một số thành phố lớn của Việt Nam. Đặc biệt gần đây Dương Đỗ sáng lập không gian “Sốngplatform” với điểm nhấn là Bảo tàng Kỹ thuật số đầu tiên của Việt Nam đặt tại Huế, đi vào hoạt động cuối năm 2023. Ở đâu chàng trai quê Hải Phòng đến đều có dấu ấn của những đột phá về mặt tư duy, khơi thông những rào cản, hình thành những không gian sáng tạo đầy thực tế nhưng cũng rất ảo diệu...

Dương Đỗ - “chú ong thợ” của những không gian sáng tạo

Dương Đỗ tên thật là Đỗ Sơn Dương, sinh năm 1983, quê TP. Hải Phòng. Người ta biết nhiều đến Dương Đỗ từ gần 10 năm nay với vai trò là nhà sáng lập chuỗi Không gian làm việc chung đầu tiên ở Việt Nam – Co- Working Space. Anh đặt tên cho không gian làm việc này là “Toong”, một cách chơi chữ khéo léo từ “tổ ong” và khi đọc lên như một tiếng chuông ngân vang, tỉnh thức.

Đầu tháng 9/2015, Toong đầu tiên ở Việt Nam đi vào hoạt động, đặt ở tòa nhà số 8, Tràng Thi, Hà Nội. Trong gần 10 năm qua, Toong đã tiến thêm nhiều bước quan trọng, dần hình thành mạng lưới chuỗi Co - Working Space đặt tại Hà Nội, TP.HCM, Viêng Chăn (Lào), TP. Huế...

Những ngày này Dương Đỗ và team của mình khá tất bật cho sự kiện khai trương SốngPlatform tại Huế trên khu “đất vàng” tại đầu đường Bà Triệu, phường Phú Hội, TP. Huế vào giữa tháng 12/2023.

Không chỉ với những đô thị năng động nhất nước, mà Dương Đỗ cũng mạnh dạn “dấn thân” cố đô Huế - vùng đất rất nhiều tiềm năng nhưng cũng nhiều rào cản và thách thức - để hình thành không gian “SốngPlatform”, nơi có Bảo tàng Kỹ thuật số (Songlab) đầu tiên của Việt Nam.

Dương Đỗ - “chú ong thợ” của những không gian sáng tạo

Bảo tàng Kỹ thuật số đầu tiên của Việt Nam đặt tại Huế, đi vào hoạt động tháng 12/2023 - Ảnh: Đình Toàn

Songlab đặt ở tầng 4 của tổ hợp khối nhà cao tầng vốn khoác bên ngoài bởi 1.000 tấm nguyên liệu tạo hiệu ứng sắc màu, ánh sáng mang nguồn cảm hứng từ sản phẩm pháp lam truyền thống Huế. Songlab được tạo nên từ hai thành tố chính là hệ thống máy móc, hạ tầng, cơ sở dữ liệu, hai là sản phẩm sáng tạo của chính những nghệ sĩ đương đại. Sau cánh cửa của không gian Songlab, bạn có thể cả nhận những ảo diệu của bảo tàng số này hiện ra với bao câu chuyện kỳ thú về thiên nhiên, con người, được kể bằng loại ngôn ngữ hiện đại, cấp tiến của kỹ thuật số.

Trong thời gian đầu có 10 tác phẩm được các nghệ sĩ sáng tạo chung quanh chủ đề “Sống”. Từ sự sống đa dạng của các loài thực vật cho đến các vẻ đẹp trong đời sống nói chung. Mỗi tác phẩm đều có những hiệu ứng khác nhau, người xem như được hòa vào trong bầu không khí bao bọc bởi họa tiết của nghệ thuật đồ họa đã được lập trình sẵn, cho người xem như “nhập” vào không gian kỹ thuật số về những chủ đề di sản, thiên nhiên dưới góc nhìn của những nghệ sĩ đương đại với những qua điểm phóng khoáng, tươi mới.

Dương Đỗ - “chú ong thợ” của những không gian sáng tạoSự sáng tạo luôn mang đến cho không gian của Toong, Sốngplatform những không gian tươi mới, đầy năng lượng - Ảnh: Toong

Với SongPlatform vai trò người giám tuyển nghệ thuật rất được chú trọng. Họ là đầu mối làm việc trực tiếp với các nghệ sĩ khác nhau trên toàn quốc để tìm kiếm ý tưởng và phát triển các tác phẩm. Vì thế về mặt tổng quan Songlab không phải sản phẩm của một cá nhân nhân nào, tất cả cùng tạo ra sự đa dạng cho các chủ đề cho các tác phẩm. Tất cả đều lấy mạch nguồn, nhào nặng từ chất liệu địa phương.

Điều gì khiến Dương Đỗ chọn Huế làm nơi đặt Sốngplatform, đặt Songlab, khi mà đâu đó chính anh cũng cảm nhận còn có những sự bảo thủ nhất định, sự va chạm, dung hòa giữa cái cũ và điều mới?

“Không gian SốngPlatform đặt ở Huế là bởi không thể nơi nào thích hợp hơn”, Dương thẳng thắn.

Dương Đỗ - “chú ong thợ” của những không gian sáng tạoMột góc không gian Sốngplatform với trang trí hoa giấy Thanh Tiên, một cách nâng niu giá trị văn hóa bản địa - Ảnh: Đình Toàn

Dương Đỗ - “chú ong thợ” của những không gian sáng tạo

Dương Đỗ giải thích Songlab là một hình thức nghệ thuật tân tiến, thời thượng hàng đầu của thế giới, lại được đặt ở cái nôi của văn hóa di sản và nghệ thuật của Việt Nam. Các giá trị trong di sản và văn hóa Việt Nam được chuyển tải qua lăng kính của các thế hệ sáng tạo đương đại đã làm nên những tương phản độc đáo. Sự linh hoạt, cởi mở từ quan điểm nghệ thuật của những nghệ sĩ đương đại vốn sẵn sàng phá bỏ những nguyên tắc cứng nhắc để đưa những giá trị di sản, văn hóa, những hình ảnh thiên nhiên của Huế, Việt Nam đến với công chúng dễ dàng hơn, thông qua ngôn ngữ lập trình, đồ họa cùng những thuật toán công nghệ số. Những rào cản về ngôn ngữ giao tiếp do vậy cũng được tháo gỡ, đưa người thưởng thức bước vào một không gian trải nghiệm độc đáo, hiếm có.

“SốngPlatform, Songlab mang trong mình cốt cách từ những giá trị bản địa. Ở đấy khách có thể thỏa mãn được những nhu cầu về ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí, hội họp, làm việc, mua sắm, trải nghiệm và thậm chí là thực hành những kỹ nghệ cổ xưa của vùng đất này... Chúng tôi hy vọng tạo nên một nền tảng cổ vũ một lối sống, giúp cho người ta hưởng thụ nhưng có ý thức - ý thức về vai trò của mình trong đời sống, trong xã hội, trong vạn vật nói chung. SốngPlatform, Songlab được xây dựng, thiết kế lấy tiêu chí, lấy nguyên liệu từ đời sống và những giá trị văn hóa của địa phương. Ưu tiên là Huế, hoặc Việt Nam nói chung, nghĩa là tất cả những giá trị tạo nên dựa trên những giá trị văn hóa bản địa”, nhà sáng lập 8x bộc bạch.

Dương Đỗ - “chú ong thợ” của những không gian sáng tạo

Dương Đỗ - “chú ong thợ” của những không gian sáng tạo

Huế là vùng đất di sản và giàu văn hóa, điều này nghe nói rất nhiều, nhưng biến nó thành những câu chuyện, dự án sống động, tạo năng lượng, tạo việc làm, tạo thu nhập cho nhiều lao động thì không phải ai cũng làm được. Và khi Sốngplatform mở ra, một hệ sinh thái kéo theo mà nền tảng vẫn là những câu chuyện, sản phẩm hằng ngày trên đất Huế. Đó là những cành hoa giấy thủ công, những chiếc quạt, chiếc lồng đèn, những chiếc mặt nạ tuồng, con diều, hàng bánh, gánh chè... Tất cả thu hút khách mọi lứa tuổi đến trải nghiệm mua sắm vui chơi.

Đặc biệt với sự ra đời của Songlab đặt tại Huế, đã giúp cho vùng đất mạnh về du lịch một điểm đến, khắc phục sự đứt gãy về chuỗi thời gian vào ban trưa hay chuyển tiếp giữa những khoản thời gian khám phá Huế mà “không biết đi đâu, làm gì”.

Dương kể rằng khi anh tìm hiểu về Huế để thực hiện dự án của mình với tâm nguyện làm được nhiều điều để nhiều người hơn nữa biết được những câu chuyện, những giá trị lịch sử văn hóa di sản ở vùng đất này. Thế nhưng anh cũng nhận thấy đâu đấy có một sự bảo thủ nhất định trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản, hay có thể gọi nó là “tài nguyên di sản của Huế.”.

Dương Đỗ - “chú ong thợ” của những không gian sáng tạo

Bạn trẻ trải nghiệm nghề thêu tay trong không gian Sốngplatform - Ảnh: S.P.F

“Mình cho rằng nguồn tài nguyên đấy chưa được phát huy một cách xứng đáng, còn có sự rụt rè trong một hệ sinh thái của một cộng đồng rất rộng. Mọi người đang thực sự chưa dám làm những điều mới mẻ dựa trên những chất liệu văn hóa sẵn có. Theo quan điểm của Dương, trong một số trường hợp, có khi là trong nhiều trường hợp, chúng ta không làm gì cũng là một cái sự phá hoại.”, Dương Đỗ bộc bạch.

“Tôi cho rằng dự án Sống Platform tại Huế là một dự án đột phá về ý tưởng và triển khai trên một cơ sở nghiên cứu và đánh giá đầy đủ. Đây là một dự án thúc đẩy cho phát triển các lĩnh vực về công nghiệp văn hóa, kinh tế sáng tạo và thúc đẩy các doanh nghiệp địa phương phát triển trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đóng góp cho chiến lược phát triển doanh nghiệp của tỉnh Thừa Thiên Huế”, TS Cung Trọng Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá.

Dương Đỗ - “chú ong thợ” của những không gian sáng tạo

Dương Đỗ là người con đất cảng Hải Phòng. Anh tốt nghiệp Đại học Fontys, Hà Lan năm 2007, sau đó làm việc cho một hãng phim nổi tiếng. Vài năm sau đó anh chuyển sang vai trò một nhà sáng lập bản sắc thương hiệu, đảm trách chức Giám đốc Kinh doanh của Công ty Richard Moore Associates tại Hà Nội.

Trong danh sách công việc, chàng trai đất cảng còn kinh qua một số thương hiệu nổi tiếng khác nhưng anh đã rời bỏ để kiến tạo ra Toong, tự vạch cho mình một hướng đi không giống ai. Năm 2015 là startup của Dương với Toong, để rồi một thời gian không lâu sau đó, Dương trả lời đầy thuyết phục cho những nghi ngại về sự thành công của Toong.

Không gian đầu tiên của Toong là ngôi biệt thự cổ ở phố Tràng Thi, Hà Nội. Đến hôm nay, Toong đã có mặt tại các thành phố lớn là Hà Nội, TP. HCM, Viêng Chăn (Lào) và năm 2023 là TP. Huế. Tổng cộng vận hành trong toàn mạng lưới là 30.000m2 với khoảng 20 địa điểm.

Dương Đỗ - “chú ong thợ” của những không gian sáng tạo

Một góc không gian Toong tại Hà Nội - Ảnh: Toong

Trong khoảng 5.000 khách hàng đang sử dụng, có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư, tập đoàn, tổ chức có tuổi đời hoạt động lâu năm ở Việt Nam và nhiều quốc gia khác với hàng chục ngành nghề, trong đó có những công ty cả trăm năm tuổi cũng dùng dịch vụ của Toong.

Dương không kể, nhưng tôi biết trong số những khách hàng từng đến với Toong nhiều năm trước, có cả Phó Chủ tịch lẫn CEO lừng danh của Tập đoàn Google, Sundar Pichai. Họ chọn Toong để tổ chức những buổi chia sẻ với cộng đồng startup Việt Nam, đủ thấy Toong là một lựa chọn không thể khác hơn của Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.

Sự ra đời và có mặt Co - Working Space tại Việt Nam góp phần làm thay đổi cách nhìn và có thêm nhiều sự lựa chọn về không gian làm việc trong giới doanh nhân, lao động, trí thức của không chỉ trong nước mà còn doanh nhân đối tác ở nước ngoài. Không chỉ vậy, mỗi nơi có không gian Toong đều tạo ra công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, góp phần giải quyết đáng kể nhu cầu việc làm của xã hội.

Dương Đỗ - “chú ong thợ” của những không gian sáng tạo

Một phần không gian Toong tại TP. HCM - Ảnh: Toong

Điều thú vị mà Dương Đỗ chia sẻ là mô hình Toong có những thành công bước đầu nhưng lại khởi nguồn trên nguồn lực tài chính không quá dồi dào. Cái cốt lõi mà Dương Đỗ theo đuổi chính là sự kiến tạo, phát kiến dựa trên ngành hàng, những giá trị cổ truyền, các giá trị di sản của đất nước hay của một vùng đất.

“Với bất cứ địa phương nào khi thành lập không gian làm việc của Toong, chúng tôi cũng đưa vào các câu chuyện của tòa nhà đấy, di sản của địa phương đấy... Làm sao để người ta làm việc trong bầu không gian ấy cảm thụ được những trải nghiệm rằng nơi ấy không giống nơi nào trên thế giới, không chỉ với người dân, doanh nhân địa phương mà còn với khách nước ngoài.”, anh nói.

Dương Đỗ - “chú ong thợ” của những không gian sáng tạo

Nếu Toong là tổ hợp mạng lưới những tổ ong – không gian làm việc chung - thì Dương Đỗ là một chú ong thợ thích tìm tòi, sáng tạo. Triết lý và quan điểm sáng tạo dựa trên nền văn hóa bản địa, những di sản, giá trị sẵn có của một vùng đất mang lại sự thành công của CEO đất Cảng, hơn là đợi chờ nguồn lực tài chính dào. Đây chính là điều mà mỗi một vùng đất, dự án mà Dương Đỗ sáng lập, yếu tố bản địa được đặt lên hàng đầu, để từ đó hình thành nên những ý tưởng, tạo động lực và khơi gợi những sáng tạo.

“Nói theo ngôn ngữ kinh doanh thì chỉ khi nào chúng ta phát hiện được giá trị từ những cái điều mà số đông chưa phát hiện được thì lúc đấy, cơ hội để chúng ta tạo ra những sản phẩm hoặc là những việc mang tính chất dẫn dắt thị trường sẽ nhiều hơn. Một xã hội chỉ có thể tiến hóa và phát triển nếu chúng ta có tư duy độc lập. Chúng ta nhìn nhận được cơ hội, nhìn nhận được giá trị trong mỗi vùng đất, con người và kiến tạo dựa trên những giá trị đấy thì xã hội mới phát triển.”, Dương chia sẻ.

Tôi hỏi Dương Đỗ có khá nhiều bạn trẻ gặp rào cản về nguồn lực tài chính khi khởi nghiệp, anh tỏ ra cảm thông nhưng không tán đồng việc quá lệ thuộc vào nguồn lực tài chính. “Những con người có đủ phẩm chất để tạo ra giá trị và khi mà chúng ta tạo ra được giá trị, chúng ta mới được chuyển tải tiền. Nếu mà chúng ta muốn kiếm nhiều tiền hơn thì chúng ta phải tập trung vào kết quả là chúng ta tạo ra những thứ có giá trị hơn, chứ không phải chúng ta muốn gào, mọi người lại phải đưa tiền cho mình. Dương nghĩ người làm kinh doanh, kinh tế, không chỉ giỏi về đường đi của đồng tiền mà còn phải có khả năng kết nối được một hệ giá trị và đầy đủ, cái sự tỉnh thức, hiểu được cái nguyên bản là gì để tạo nên đồng tiền ấy.”, Dương Đỗ nói.

Phóng sự của ĐÌNH TOÀN

Ảnh: ĐÌNH TOÀN

Thiết kế: AN NHIÊN