|
Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) ngành Dệt May Việt Nam lần thứ VI vừa được ký kết sáng 11/7/2024. Bối cảnh nào dẫn đến sự kiện này, thưa đồng chí? Việc ký kết TƯLĐTT ngành Dệt May Việt Nam (DMVN) lần thứ VI là việc Công đoàn DMVN và Hiệp hội DMVN tiến hành để có được một bản TƯLĐTT mới thay cho bản TƯLĐTT ngành lần thứ V hết hiệu lực; do đó, có thể nói đó là việc đến dịp phải làm. Tuy nhiên, có thể thấy đây là việc làm cần thiết để duy trì, cải thiện các chính sách khung, duy trì quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, vì sự phát triển bền vững của ngành, nhất là trong bối cảnh các loại hình doanh nghiệp ngày một đa dạng hơn; chủ thể trong tập hợp, thu hút, đại diện cho người lao động (NLĐ) có thể xuất hiện thêm. Đồng thời, cũng từ việc coi trọng tổ chức Công đoàn, nên hai bên đi đến thống nhất lựa chọn ngày 11/7/2024 để tổ chức lễ ký kết. Đây có thể coi là việc làm thiết thực và ý nghĩa để chào mừng kỷ niệm 95 năm thành lập Công đoàn Việt Nam (29/7/1929-29/7/2024). |
|
Xin đồng chí cho biết quá trình thương lượng TƯLĐTT ngành DMVN lần thứ VI diễn ra như thế nào? 03 tháng trước khi TƯLĐTT ngành hết hiệu lực, Công đoàn DMVN đã xây dựng kế hoạch về tổ chức thương lượng, ký kết TƯLĐTT ngành lần thứ VI; thành lập Hội đồng thương lượng; rà soát lại các chế độ chính sách hiện hành theo quy định của pháp luật lao động; khảo sát, thu thập thông tin về chế độ chính sách của các đơn vị; đánh giá chất lượng các bản TƯLĐTT doanh nghiệp trong hệ thống; thu thập thông tin về việc làm, đời sống của một số doanh nghiệp ngoài hệ thống; thu thập chế độ chính sách khung của một số TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp,... làm cơ sở để thương lượng TƯLĐTT ngành lần thứ VI. Sau đó, Hiệp hội và Công đoàn DMVN đã tiến hành 3 phiên: một phiên đề xuất nội dung và hai phiên thương lượng. Cụ thể: Phiên đề xuất nội dung thương lượng diễn ra ngày 24/4/2024 tại trụ sở Công đoàn DMVN. Hai bên cùng xem xét, đánh giá kết quả thực hiện TƯLĐTT ngành lần thứ V, trao đổi về tình hình sản xuất kinh doanh, những thách thức đặt ra cho hoạt động của các doanh nghiệp và quan hệ lao động trong tình hình mới. Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam trao quà cho công nhân ngành Dệt May có hoàn cảnh khó khăn tại lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2024. Ảnh: CĐ DM |
Công đoàn DMVN đã chủ động đề xuất các nội dung thương lượng gồm: tăng định mức suất ăn ca lên 2.000 đồng/suất/cho tất các vùng; chi tặng quà ngày thành lập công ty mức tối thiểu 100.000 đồng/người; chi hỗ trợ NLĐ nuôi con dưới 36 tháng mức tối thiểu 50.000 đồng/người; chi tặng quà lao động nữ vào ngày 8/3 và ngày 20/10 hàng năm mức tối thiểu 50.000 đồng/người/lần; tăng 01 ngày nghỉ đối với NLĐ có thời gian gắn bó từ 05 năm trở lên, tăng 01 ngày hưởng nguyên lương hoặc hỗ trợ thêm ít nhất 10% mức phụ cấp cho NLĐ là cán bộ công đoàn. Với mỗi nội dung đề xuất, Công đoàn DMVN đều nêu quan điểm, lập luận cơ sở pháp lý, thực tiễn để thương lượng với Hiệp hội đưa vào TƯLĐTT ngành lần VI. Phiên thương lượng thứ nhất diễn ra ngày 7/5/2024 tại trụ sở Công đoàn DMVN. Tại phiên họp, hai bên thống nhất được một số nội dung: Tăng bữa ăn ca lên 1.500 đồng/suất/vùng; chi tặng quà lao động nữ vào ngày 8/3 và ngày 20/10 hàng năm với mức tối thiểu 50.000 đồng/người/lần. Phiên thương lượng thứ hai diễn ra ngày 16/5/2024 tại trụ trở Hiệp hội DMVN. Công đoàn DMVN tiếp tục đề xuất tăng thêm 500 đồng vào mỗi suất ăn ca và bảo vệ nội dung chi hỗ trợ NLĐ nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Kết thúc phiên thương lượng này, hai bên thống nhất: Tăng bữa ăn ca lên 2.000 đồng/suất/vùng; chi hỗ trợ NLĐ nuôi con dưới 36 tháng tuổi 50.000 đồng/tháng; ngoài ra, cũng tại phiên họp này, hai bên thống nhất mở rộng đối tượng áp dụng TƯLĐTT ngành. Mỗi phiên họp, các bên đều thống nhất lập biên bản ghi nhận những nội dung đạt được, những nội dung không đạt được, làm cơ sở cho các lần thương lượng sau.
|
Một trong những điểm mới của TƯLĐTT ngành lần thứ VI là mở rộng đối tượng tham gia áp dụng TƯLĐTT. Đồng chí có thể nói rõ hơn về điều này? Từ nhận thức về việc cần mở rộng hơn độ bao phủ của TƯLĐTT ngành, để có thể tập hợp, thu hút thêm nhiều doanh nghiệp và công đoàn cơ sở tham gia, tạo nên một cộng đồng Dệt May có trách nhiệm, đồng thời góp phần nâng cao sức cạnh tranh của ngành, Hiệp hội và Công đoàn DMVN đi đến thống nhất: Đối với những doanh nghiệp mà người sử dụng lao động không thuộc Hiệp hội DMVN và công đoàn cơ sở không thuộc Công đoàn DMVN, nhưng nếu cả người sử dụng lao động và đại diện tập thể lao động của doanh nghiệp cùng ký công văn xin tham gia TƯLĐTT ngành gửi cho Hiệp hội và Công đoàn DMVN, nếu được cả hai bên chấp thuận thì được áp dụng TƯLĐTT ngành. Ngành Dệt May có gần 70% lao động nữ, vậy chính sách dành cho đối tượng này được cải thiện ra sao trong lần ký kết TƯLĐTT lần thứ VI này, thưa đồng chí? Ở bản TƯLĐTT ngành lần thứ VI này, ngoài các chế độ chính sách chung như mọi NLĐ (lương, thưởng, ăn ca, tặng quà kết hôn, sinh nhật, thành lập công ty; trợ cấp khó khăn, thăm hỏi phúng viếng bản thân, người thân mất; chi hỗ trợ nuôi con dưới 36 tháng tuổi, nghỉ ngắn giữa giờ, được dành mỗi năm năm 8 giờ để học tập, bồi dưỡng kiến thức pháp luật do tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở hoặc cấp trên tổ chức), thì lao động nữ còn được tặng quà vào ngày 8/3 và 20/10 hàng năm với mức tối thiểu 50.000 đồng/người/lần; được các doanh nghiệp đông lao động lắp đặt phòng vắt trữ sữa tại nơi làm việc phục vụ nhu cầu vắt trữ sữa của lao động nữ đang nuôi con nhỏ. |
Những bài học kinh nghiệm của đồng chí trong việc đàm phán, thương lượng TƯLĐTT ngành là gì? Từ thực tế của việc đàm phán, thương lượng TƯLĐTT ngành DMVN đã cho chúng tôi, nhất là về phía Công đoàn rất nhiều bài học kinh nghiệm: Thứ nhất là phải nắm chắc các quy định của pháp luật về các chế độ, chính sách, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động; các quy định của pháp luật về thương lượng, ký kết TƯLĐTT; cập nhật chỉ số giá tiêu dùng,... để làm căn cứ pháp lý, cơ sở tham chiếu trong đề xuất nội dung của TƯLĐTT ngành và theo đuổi mục tiêu thương lượng. Thứ hai là phải coi trọng việc xây dựng, củng cố niềm tin giữa công đoàn với giới chủ, để khi bước vào các phiên làm việc, mỗi bên đều có thiện chí với nhau. Từ thiện chí này, sẽ dễ dàng thấu hiểu, đón nhận những đề xuất, cùng nhau trao đổi, phản biện một cách văn minh nhằm đi đến phương án tối ưu nhất trong điều kiện cho phép. Thứ ba, và cũng là điều quan trọng nhất đó là: việc hiểu rõ tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nguyện vọng của công đoàn cơ sở và NLĐ; việc thu thập đầy đủ các thông tin về việc làm, đời sống, tình hình thực hiện các chế độ chính sách trong doanh nghiệp, nhất là các chính sách quan trọng như lương, thưởng, ăn ca, phúc lợi tập thể, là điều rất quan trọng để Công đoàn đưa ra các nội dung thương lượng có tính khả thi, có đủ căn cứ khoa học, lập luận chắc chắn, minh chứng thuyết phục cho việc bảo vệ thành công những nội dung đề xuất. Xin cảm ơn đồng chí! |