ĐÓN Tết Trung thu ở thôn Bầu
Năm nay, cả 4 đội thuộc thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội tổ chức Tết Trung thu tại hội trường UBND xã. Chương trình diễn ra vào 20h tối 30/9 nhưng từ rất sớm, người dân và các công nhân ở trọ tại địa phương đã đưa con em tới ngắm chú Cuội, chị Hằng. Hội trường chật kín cho tới khi phá cỗ. Niềm vui lấp lánh trên gương mặt người lớn, trẻ em.
Trước đó, từ đầu giờ chiều, tại góc sân Đình Bầu, một nhóm các bà, các mẹ thuộc Chi hội Phụ nữ của thôn đang cùng nhau chuẩn bị quà Trung thu cho các cháu. Trên chiếc chiếu cói, các túi bánh, kẹo với đủ hương vị, sắc màu được đổ ra. 4 phụ nữ thoăn thoắt lựa chọn mỗi thứ một ít, bỏ vào túi nilon nhỏ. Chẳng mấy chốc, hàng trăm gói quà đã được chuẩn bị xong, vừa vặn, xinh xắn.
Bà Lê Thị Ưng (83 tuổi), người phụ trách trông nom di tích Đình Bầu chia sẻ: “Tôi phấn khởi lắm, cứ tất bật chuẩn bị từ sáng tới giờ. Hôm nay thì tổ chức cho các cháu. Còn mai là ngày vui của người cao tuổi trong thôn”.
Bà Lê Thị Lĩnh, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Bầu thì cho biết, từ nhiều năm nay, số công nhân KCN Bắc Thăng Long tới đây ở trọ còn nhiều hơn cả số nhân khẩu toàn thôn. Chi hội Phụ nữ thôn cũng thỉnh thoảng có chương trình tặng quà cho các nữ công nhân nhập cư có hoàn cảnh khó khăn. Con em các công nhân ở trọ cũng đều được thông báo tham gia các hoạt động chung của thôn như ngày Quốc tế Thiếu nhi, Tết Trung thu.
“Chúng tôi luôn cố gắng đem lại quyền lợi bình đẳng cho các cháu. Con em trong thôn có được cái gì thì con em công nhân ở trọ đều được như thế”, bà Lĩnh nói.
So với các năm trước, kinh phí tổ chức Tết Trung thu năm nay hạn hẹp hơn. Ban tổ chức chỉ sử dụng nguồn kinh phí do chính quyền xã, các ban, ngành, đoàn thể cấp thay vì vận động thêm sự đóng góp, ủng hộ của các mạnh thường quân. Họ hiểu rằng, qua đợt dịch Covid-19, các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.
Cách Đình Bầu khoảng 1km, tại hội trường UBND xã Kim Chung, các đoàn viên thanh niên thôn Bầu cũng đang bận rộn với công tác chuẩn bị cho “Đêm hội Trăng Rằm”. Bàn ghế đã được xếp lại ngay ngắn.
Lúc này, người bơm bóng bay, người kiểm tra hệ thống âm thanh, có người lại được phân công đi chợ mua hoa quả về trang trí mâm cỗ Trung thu. Họ là những người thuộc thế hệ 9x, 10x, làm nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng rất nhiệt tình với các hoạt động chung của thôn.
Anh Lê Thành Trung, công nhân Công ty TNHH Sato Việt Nam cho biết: “Tôi tham gia hoạt động này tới gần chục năm rồi. Bản thân tôi thấy vui. Nói có vẻ hơi sách vở, nhưng tôi tham gia cùng mọi người để làm một điều có ích, góp phần đem đến niềm vui cho bọn trẻ”.
Anh Lê Thanh Thảo, công nhân Công ty TNHH Kai Việt Nam, sau khi tan ca 1 vào lúc 14h đã vội về nhà thay quần áo và có mặt tại hội trường. Trong vai trò Bí thư Chi đoàn thôn Bầu, từ hơn một tuần trước, anh đã phải huy động các đoàn viên thanh niên cùng nhau lập kế hoạch tổ chức, rồi lên kịch bản cho các tiết mục văn nghệ… Việc tập văn nghệ diễn ra vào các buổi tối, từ 20h đến 22h. Anh nói: “Năm nay chúng tôi thu gọn chương trình, giảm bớt nhiều tiết mục, không kéo dài như các năm trước”.
17h, loa phóng thanh trong thôn Bầu liên tục phát thông báo về chương trình “Đêm hội Trăng Rằm” diễn ra tại UBND xã Kim Chung. Vài phụ nữ trong xóm trọ trên đường Đa Lộc (thôn Bầu) hẹn nhau tối đưa các con đến chơi.
Chị Lê Thị Hiền, quê ở Tân Kỳ, Nghệ An – công nhân Công ty TNHH Linh kiện điện tử SEI, KCN Bắc Thăng Long vội tắm cho cô con gái 15 tháng tuổi. Chị dự định, tối nay sẽ ăn cơm sớm và đưa con đi chơi Tết Trung thu.
Ở phòng trọ bên cạnh, chị Kim, quê Lạng Sơn – công nhân Công ty TNHH Fujikin Việt Nam cũng vội chở 2 con đi cắt tóc. Chị hứa với bọn trẻ tối nay sẽ đưa chúng đi xem chú Cuội, chị Hằng biểu diễn.
Hơn 19h, tiếng trống vang vào từng ngõ xóm, trẻ con cuống quýt đòi bố mẹ cho đi chơi Trung thu. Dòng người nhập vào đoàn múa lân, di chuyển dọc thôn Bầu, tiến về UBND xã Kim Chung.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐND xã Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội) nói rằng: “Nếu bạn tinh ý thì có thể thấy phần đông các con em hiện đang vui chơi ở đây đều là con em công nhân ở trọ trên địa bàn. Thực tế bây giờ lực lượng công nhân tạm trú trên địa bàn còn đông hơn cả lực lượng thường trú. Hiện nay toàn xã có khoảng 17.000 công nhân đang thuê trọ. Riêng địa bàn thôn Bầu có số lượng đông nhất, với gần 9.000 công nhân ở trọ”.
Ông Thắng cho hay, hằng năm, cứ mỗi khi đến Rằm Trung thu, các cấp uỷ Đảng ở địa phương, đặc biệt là các Ban Chi uỷ và Ban Công tác mặt trận của các thôn đều tổ chức "Đêm hội Trăng Rằm" cho các cháu. Năm 2020, cả nước tập trung cho việc phòng chống dịch Covid-19, nên chỉ đạo của Đảng uỷ cũng thực hiện theo nội dung chỉ đạo từ Chính phủ và các cấp.
“Tuy nhiên, trong thời gian vừa rồi, việc giãn cách xã hội đối với thành phố Hà Nội cũng đã có sự nới lỏng hơn. Chúng tôi vẫn tổ chức cho các cháu vui chơi trong ngày Tết Trung thu, nhưng vẫn phải đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu, cùng với đó là đảm bảo về công tác phòng dịch”, ông Thắng nói.
Năm nay, 4 nhà văn hoá của 3 thôn (thôn Bầu, thôn Hậu, thôn Nhuế) đều đang nâng cấp, sửa chữa, cải tạo, cho nên Đảng uỷ, UBND xã Kim Chung cũng chỉ các thôn tạo điều kiện tốt nhất cho các cháu thiếu nhi vui chơi. Riêng thôn Bầu có 2 nhà văn hoá đang được cải tạo nâng cấp nên UBND xã cho mượn hội trường để tổ chức Tết Trung thu cho các cháu.
Niềm vui trọn vẹn của cô bé, cậu bé khi tham gia ngày Tết Trung thu ở "quê hương thứ 2" của mình.
Ban đầu tôi cũng buồn vì trung thu năm nay không được đưa con về quê chơi. Nhưng ra đưa cháu ra đây mới thấy không khí vui vẻ, đầm ấm giống như ở quê mình vậy! Rất phấn khởi!
Bài, ảnh: Ý YÊN