Doanh nghiệp lo lắng thiếu hụt lao động sản xuất sau khi nghỉ dịch kéo dài |
Hiện tại, TP HCM đã có những kế hoạch để khôi phục sản xuất kinh tế. Doanh nghiệp tại TP HCM vẫn duy trì phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”. Tuy nhiên, họ rất lo lắng về thiếu hụt lao động sản xuất vì đợt dịch kéo dài, công nhân lao động đã về quê... |
Đại diện chính quyền TP. HCM xác định kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn thành phố từ sau ngày 15/9 là rất quan trọng. Điều này không chỉ tác động đối với TP. HCM mà còn ảnh hưởng chung đến vùng kinh tế phía Nam. Đây là cơ sở mang tính pháp lý để thành phố chuyển sang giai đoạn bình thường mới. Đồng thời, từng bước hoàn thiện các giải pháp và thực hiện “mục tiêu kép” do Chính phủ đề ra. Cụ thể, TP HCM đã thống nhất lộ trình “mở cửa nền kinh tế” theo 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu từ 1/10 đến 31/10, giai đoạn 2 từ 1/11/2021 đến 15/1/2022 và giai đoạn sau đó. |
Người lao động Công ty CP Dệt May Thành Công đang tiêm vắc xin |
Để chuẩn bị cho hoạt động sản xuất khi thành phố mở cửa trở lại, nhiều doanh nghiệp lo lắng thiếu hụt lao động. Công nhân Công ty CP Dệt May Thương mại Thành Công (Công ty CP Dệt May Thành Công), quận Tân Phú, TP HCM đã thực hiện “3 tại chỗ” từ đầu mùa dịch. Hiện doanh nghiệp có khoảng 2500 công nhân đang thực hiện “3 tại chỗ”. Với những phương án của thành phố, hiện nay công ty này vẫn đang xem xét để mở rộng số lượng lao động. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe và duy trì ổn định các đơn hàng, trong thời gian tới Công ty CP Dệt May Thành Công vẫn thực hiện “3 tại chỗ”. |
Công ty CP May Thành Công thực hiện "3 tại chỗ" từ giữa tháng 7/2021 |
Theo bà Trần Thanh Châu, Chủ tịch CĐCS Công ty CP Dệt May Thành Công, người lao động tự nguyện ký thỏa thuận làm việc theo chủ trương “3 tại chỗ” sẽ được công ty hỗ trợ chi phí mua vật dụng cá nhân 500.000 đồng/người trong 2 tháng đầu. Công ty cũng hỗ trợ 2 triệu đồng/ người/ tháng khi tham gia “3 tại chỗ”... Ngoài các chế độ của công ty, người lao động được công đoàn chăm sóc bữa ăn, chia sẻ khó khăn, tâm tư tình cảm… “Hiện đơn hàng chúng tôi rất nhiều, nhưng với tình hình dịch bệnh hiện tại số lượng công nhân lao động làm việc chỉ được 50%. Với những phương án phát triển kinh tế của thành phố, chúng tôi đang đẩy nhanh tiêm vắc xin cho người lao động. Đa số lao động của doanh nghiệp đã được tiêm vắc xin mũi 1. Công ty cũng đang triển khai tiêm vắc xin mũi 2 cho công nhân lao động. Trong thời gian tới, nếu nới lỏng giãn cách, doanh nghiệp sẽ khó có thể tuyển dụng lao động với số lượng mong muốn vì đa số lao động đã về quê, khó có thể quay lại. Bên cạnh đó, điều kiện để vào công ty sản xuất cũng khó khăn như bắt buộc phải tiêm vắc xin 2 mũi, xét nghiệm âm tính,...”, bà Châu cho hay. |
Bên cạnh đó, một doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” kéo dài sẽ gặp nhiều khó khăn như chi phí ăn uống, chỗ ngủ nghỉ, hỗ trợ thêm tiền cho họ. Đặc biệt, một khoản lớn chi phí xét nghiệm Covid -19 theo định kỳ sẽ khiến doanh nghiệp không cầm cự được lâu. “Chúng tôi mong muốn khi thành phố nới lỏng từng bước thì thành phố sẽ hỗ trợ doanh nghiệp chi phí xét nghiệm Covid -19. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiêm vắc xin cho người lao động để họ đủ điều kiện tham gia lao động, nhất là lao động về quê mong muốn quay lại thành phố làm việc”, bà Châu cho hay. Chị Nguyễn Thị Thanh (công nhân làm việc tại Khu chế xuất Linh Trung 1, TP Thủ Đức) tâm sự rằng bản thân đã nghỉ dịch gần 3 tháng nay. 3 tháng liền không có thu nhập, chị sống được nhờ chính quyền, công đoàn hỗ trợ nhu yếu phẩm. Bên cạnh đó, công ty cũng quan tâm và hiện tại chị đã tiêm đủ vắc xin 2 mũi. “Tôi từ Nghệ An vào thành phố làm việc hơn chục năm nay. Đây là lần đầu tiên tôi trải qua cuộc sống khó khăn vì dịch bệnh như thế này. Công ty nghỉ là vì dịch, tôi lại ở khu vực phong tỏa, xóm trọ tôi cũng có vài ca F0. Tôi có đọc báo thấy thành phố chuẩn bị nới lỏng giãn cách, công nhân tiêm đủ 2 mũi vắc xin có thể đi làm. Tôi mừng lắm. Chưa bao giờ tôi mong muốn được đi làm như lúc này. Gần 3 tháng ở nhà không có thu nhập, tôi lo lắng lắm, rồi không biết thời gian tới đây nếu cứ giãn cách mãi sẽ sống ra sao. Cho nên, nếu đủ điều kiện tôi mong muốn mình được đi làm luôn”, Chị Thanh bộc bạch. |
Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức), thiếu lao động ngay khi thực hiện "3 tại chỗ" và "1 cung đường, 2 điểm đến". Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Nidec Việt Nam cho biết, hiện doanh nghiệp có khoảng 500 công nhân thực hiện “3 tại chỗ” và 1500 công nhân thực hiện “1 cung đường 2 điểm đến”. “Trước dịch công ty có khoảng 6.000 công nhân lao động, hiện giờ chỉ còn 2000 công nhân làm việc. Bây giờ công ty đang tuyển dụng lại người lao động với nhiều ưu đãi hấp dẫn nhưng vẫn thiếu lao động. Đa số công nhân lao động vẫn lo ngại trước dịch bệnh. Một phần khác họ ở quê, chưa có cách nào lên lại thành phố”, ông Hồng nói. TP HCM hiện có khoảng 1,3 triệu công nhân lao động làm việc ở các nhà máy. Riêng 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao có hơn 320.000 lao động. Tính đến đầu tháng 9, toàn thành phố có hơn 10.600 doanh nghiệp vừa cách ly vừa sản xuất với gần 14.000 lao động. |
Ngày đầu tiên quận 7 mở cửa hoạt động thí điểm sau thời gian dài vì dịch bệnh Covid -19
Hôm nay 15/9, quận 7, TP HCM bắt đầu triển khai thí điểm mở cửa hoạt động sau đợt dịch thứ 4. Theo đó, khoảng ... |
TP Hồ Chí Minh: Người dân quận 7 và huyện Củ Chi được đi chợ 1 lần/tuần
Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, từ tuần sau, người dân tại quận 7 và huyện Củ Chi sẽ được đi chợ một ... |
TP.HCM: Shipper tạm ngưng hoạt động tại TP. Thủ Đức và 7 quận, huyện từ 23/8 - 6/9
Ngày 21/8/2021, UBND TP. HCM có Công văn khẩn số 2796/UBND-VX về việc tăng cường kiểm soát các nhóm đối tượng được phép lưu thông ... |