|
Xung phong vào khu cách ly nhưng điều dưỡng Biện Thị Hồng Hạnh (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh) đau đớn nhất là phải dự đám tang ông ngoại qua điện thoại. Đến bây giờ, chưa khi nào chị Hạnh hối hận vì đã xung phong vào khu cách ly chăm sóc bệnh nhân Covid-19. “Khi dịch bệnh bùng phát, tôi chỉ có suy nghĩ rằng dịch bệnh bùng phát, xã hội cần mình, mình có trách nhiệm chung tay cùng các đồng nghiệp khác chống dịch”, chị Hạnh chia sẻ. Chồng chị là giáo viên đã thay chị chăm lo việc nhà để vợ yên tâm vào khu cách ly tập trung. Chị được điều động sang khu cách ly tập trung ở quận 12, TP. Hồ Chí Minh để . Công việc hằng ngày của chị là đo thân nhiệt, chăm sóc người cách ly và nhập số liệu báo cáo. “Trong 14 ngày đo nhiệt độ, đưa cơm, động viên tinh thần cho mọi người, tôi đã có được nhiều niềm vui và kỷ niệm đẹp không thể nào quên” - chị Hạnh nói. Bằng năng lượng tích cực, lạc quan cùng nhiệt huyết và sự tận tâm của mình, chị đã khiến những người cách ly tại đây rất cảm động và tích cực thực hiện chỉ dẫn phòng, chống dịch. Mỗi khi nhận được đồ tiếp tế, họ thường dành những món quà nho nhỏ tặng chị. Các bệnh nhân còn cùng nhau tổ chức tặng quà cho chị và y sĩ điều dưỡng khác. Có lần, 12h trưa, họ còn nhắn tin để được gặp chị và tặng quà. Có người đã dành tặng chị , ghi lại hình ảnh chị và các điều dưỡng ngày ngày cần mẫn đo nhiệt độ, đưa cơm, động viên mọi người… khiến chị rất bất ngờ và xúc động. |
Chị Hạnh (bên phải) trong khu cách ly tập trung Ảnh: NVCC |
Trong khu cách ly, ngoài những niềm vui, không ít lần chị Hạnh phải khóc. Đó là chị nghe tin bệnh nhân bé nhỏ của mình nhiễm Covid-19 sau 2 lần xét nghiệm âm tính. Thương cháu nhỏ, trong lòng chị dâng lên xúc cảm khó kìm nén. “Tôi được trực tiếp chăm sóc một em nhỏ mới 10 tuổi. Em rất kiên cường. Mỗi ngày, tôi đều dành nhiều thời gian trò chuyện, động viên em nhiều hơn các trường hợp khác. Sau 2 lần xét nghiệm, em đều nhận kết quả âm tính. Chúng tôi rất vui và tin rằng em sẽ sớm được trở về nhà. Không ngờ lần xét nghiệm thứ 3, em nhận kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Em biết tin mình nhiễm bệnh nhưng rất bản lĩnh, không hề khóc hay buồn. Trong khi đó, tôi bật khóc khi chứng kiến cảnh em lặng lẽ kéo balo trong đêm, lên xe cấp cứu về bệnh viện để điều trị” – chị Hạnh rớm nước mắt kể. |
Khu cách ly tập trung nơi chị Hạnh làm việc. Ảnh: NVCC |
Một nỗi buồn khó nguôi ngoai khác, đó là khi chị nhận tin ông ngoại mất. Dù ở rất gần địa điểm tổ chức tang lễ, nhưng vì nhiệm vụ và dịch bệnh, chị không thể về gặp ông ngoại lần cuối. Gia đình đã báo tin và giúp chị dự đám tang bằng cách livestream qua điện thoại. “Tôi không thể gặp mặt ông lần cuối, chỉ có thể tham dự đám tang qua điện thoại, nhìn ông lần cuối qua livestream. Nhưng tôi tin, ông không giận tôi đâu. Ông ngoại tôi từng là cựu tù ở Côn Đảo. Ông luôn sống có ý chí kiên trung và hết lòng vì nhân dân. Cảm phục tinh thần của ông mà tôi đã chọn nghề y. Và chính ông là tấm gương luôn động viên tôi sống hết mình vì mọi người và xã hội”, chị ngậm ngùi nói. |
Nén đau thương, chị thêm quyết tâm chống dịch. Không chỉ lần này, mà khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ nhất, khi nhiều người còn tâm lý e ngại, chị đã dứt khoát xung phong tham gia chống dịch. Có lần, chị được phân công ứng trực ở sân bay Tân Sơn Nhất trong trang phục bảo hộ đến đêm, cùng đồng nghiệp lấy cả ngàn mẫu xét nghiệm. Vất vả nhưng chị vẫn hạnh phúc vì đã làm công việc ý nghĩa với cộng đồng. |
|