Điều chỉnh chế độ, chính sách với diễn viên xiếc: Phải nhanh lên mới kịp!
Tâm huyết với sự phát triển của Xiếc Việt Nam, NSND Tạ Duy Ánh trăn trở, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến diễn viên xiếc. Tuy nhiên, chế độ chính sách động viên “chiến sĩ trên mặt trận văn hoá” phải theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội. Phải nhanh lên mới kịp!
Các nghệ sĩ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam biểu diễn tiết mục Đu nón. Ảnh: Liên đoàn Xiếc Việt Nam |
Nhọc nhằn sau ánh hào quang sân khấu Năm 2022, Liên đoàn Xiếc Việt Nam tổ chức kỷ niệm 100 năm Xiếc Việt Nam nhằm tôn vinh những đóng góp to lớn của cố NSND Tạ Duy Hiển. Ông là người khởi tạo những viên gạch đầu tiên cho nghệ thuật xiếc hiện đại của nước ta. Trải qua 100 năm phát triển, ở Việt Nam đã có sân khấu tròn mà thế giới công nhận là xiếc chuyên nghiệp. Gần đây đã xuất hiện thêm loại hình sân khấu cỏ, sân khấu vuông - nhưng là loại hình sân khấu không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn. Đã là chuyên nghiệp thì từ khâu đào tạo, biểu diễn phải theo quy chuẩn. Vì vậy, để trở thành một nghệ sĩ xiếc chuyên nghiệp phải trải qua quá trình khổ luyện hàng chục năm, bắt đầu từ độ tuổi thiếu niên. Bản thân NSND Tạ Duy Ánh, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam phải thực tập 18 tháng mới được vào biên chế. Ngay cả khi đã ở cương vị Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, ông vẫn tham gia biểu diễn. Những nghệ sĩ xiếc có thời gian làm nghề hơn 40 năm như ông là không nhiều. NSND Tạ Duy Ánh. Ảnh: ThC Ở trường xiếc, học viên phải dậy từ 2, 3 giờ sáng để tập luyện. Họ phải nỗ lực thi lấy điểm cao 4 môn cơ bản để “ra trường sớm” và được thầy nhận vào các tiết mục. Để trở thành nghệ sĩ xiếc, ngoài trau dồi tốt chuyên môn còn phải luôn luôn sáng tạo - hành trang cho suốt quá trình hành nghề. Trường xiếc cũng như Trường múa, Học viện âm nhạc Quốc gia đào tạo học viên từ rất trẻ. Phải 5 đến 7 năm khổ luyện mới có kỹ năng cơ bản để biểu diễn, cơ hội phát triển tài năng. Nếu được Liên đoàn Xiếc Việt Nam tuyển dụng, phải 3 năm nữa mới định vị được. Sau khi nhận tiết mục của các bạn, Liên đoàn phải đào tạo rất nhiều về kinh nghiệm, kỹ thuật mới từ 5 đến 7 năm nữa mới đủ để biểu diễn. |
Các NSƯT: Đỗ Văn Hùng, Ngọc Thúy, Đức Chính, Minh Đức biểu diễn tiết mục Nhào sào. Ảnh: Liên đoàn Xiếc Việt Nam |
Nghề này nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là không tránh khỏi. Ngay khi ở trường xiếc, học viên thường bị bong gân. Trong quá trình biểu diễn, nhiều người đã từng bị sự cố ở lưng, ở đầu… Hơn 10 năm trước, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã phối hợp với Hội Khoa học ATVSLĐ tiến hành đánh giá điều kiện lao động diễn viên xiếc làm cơ sở khoa học đề xuất nghề này thuộc Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, nghỉ hưu sớm 5 năm. Kết quả cho thấy, trước và sau khi biểu diễn, các chỉ số về huyết áp, nhịp tim, sức khoẻ… của diễn viên xiếc thay đổi rõ rệt, chứng tỏ đây là công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Đơn cử, sau 8 phút biểu diễn trên sân khấu, các nhà nghiên cứu đo các chỉ số thì thấy nghệ sĩ sụt giảm 0,5kg. |
NS. Hoàng Đức Thắng - Trần Văn Dũng biểu diễn tiết mục Đế thống.
|
Hàng chục năm khổ luyện, thu nhập chỉ bằng lao động phổ thông Điều kiện lao động đặc thù của diễn viên xiếc một lần nữa đã được gióng lên tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XV từ phát biểu của Tư lệnh ngành. Điều các nghệ sĩ cần lúc này còn là chính sách động viên kịp thời để giữ chân họ ở lại với nghề. Đơn cử trường hợp NSND Tạ Duy Ánh, sau 46 năm cháy hết mình với nghề, học hàm thạc sĩ, đạt danh hiệu NSND, đạo diễn, đoạt nhiều giải thưởng lớn góp phần mang lại vinh quang cho Xiếc Việt Nam. Thế nhưng, khi nghỉ hưu, sau 40 năm 1 tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, hưởng đủ 75% (lương cơ sở 1.800.000đ), ông mới được nhận gần 8 triệu đồng/tháng. Nhiều học trò của ông không khỏi ngậm ngùi khi thấy cả cuộc đời cống hiến, phấn đấu cho nghệ thuật với những danh hiệu cao quý nhất cũng chỉ hưởng mức lương bằng lao động phổ thông. Ông trăn trở: “Dù điều kiện đất nước còn khó khăn, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến người lao động lĩnh vực văn hoá nghệ thuật. Đồng thời có chính sách điều chỉnh tiền lương cho khối công chức, viên chức, hành chính sự nghiệp để tiệm cận với khu vực doanh nghiệp. Tuy nhiên, người làm nghề luôn đau đáu vì nếu không điều chỉnh chính sách kịp thời sẽ dẫn đến sự đứt gãy nguồn nhân lực. Một số đơn vị truyền thống kêu cứu từ lâu vì không có người theo học. Rất nhiều nghệ sĩ tâm huyết muốn truyền dạy nghệ thuật để giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc - vốn rất quý mà cha ông để lại nhưng đôi khi bất lực! Lâu nay chúng ta đầu tư lớn cho đào tạo. Nhưng đào tạo phải song hành với giữ được họ ở lại với nghề. Thế hệ nghệ sĩ trẻ được sinh ra trong điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. Bước vào nghề, họ có thể rất đam mê nhưng nếu ra trường hưởng mức lương hơn 3 triệu đồng/người/tháng, không bằng tài xế xe công nghệ thì không tránh khỏi tâm tư. Trong khi họ mất bao nỗ lực để trở thành một nghệ sĩ thì thu nhập lại không bằng một nửa lao động phổ thông. |
NS Thu Hương, Thanh Tuấn biểu diễn tiết mục Dây Lụa đôi.
|
Đây là bài toán khó cho các lãnh đạo quản lý văn hóa hiện nay bởi “có thực mới vực được đạo” – NSND Tạ Duy Ánh trăn trở. Nhiều người đã nhìn ra, đằng sau hào quang của sân khấu, nghệ sĩ xiếc phải đối mặt với “cơm áo, gạo tiền”. Nhiều người có cuộc sống vất vả, thậm chí bỏ nghề. Có người “chạy xô” diễn nghệ thuật, thiết nghĩ vẫn còn là may mắn vì ít nhất còn giữ được nghề, thay vì chạy xe ôm, shipper… Chính vì vậy, cần có chính sách để nghệ sĩ ổn định cuộc sống, cháy hết mình với nghề. Bởi để có một nghệ sĩ đích thực phải trải qua quá trình khổ luyện rất khắt khe. Đánh đổi 7 đến 8 năm thăng hoa trên sân khấu, họ phải bỏ mồ hôi, máu và nước mắt. Thống kê gần đây cho thấy rõ, xiếc nói riêng, nghệ thuật nói chung tuyển dụng rất khó khăn, thậm chí là báo động khẩn! |
Tiết mục Đế trụ. Ảnh: Liên đoàn Xiếc Việt Nam |
Làm sao để giữ gìn, phát triển nghề? Xiếc Việt Nam vẫn luôn thu hút khán giả vì sự hấp dẫn riêng của sân khấu tròn. Quan sát các chương trình biểu diễn của Rạp xiếc Trung ương cho thấy, khán giả không quay lưng với nghệ thuật này. Điều đặc biệt là độ tuổi nào cũng thưởng thức được, dân tộc nào cũng hiểu được vì đó là ngôn ngữ hình thể, sự dũng cảm, khéo léo của Xiếc. Các đoàn xiếc đã đầu tư xây dựng các vở diễn phục vụ thiếu nhi, tất cả ngày lễ lớn của đất nước như kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ với tên gọi "Sống mãi với Điện Biên", chương trình đặc biệt về biển đảo Tổ quốc với tên gọi “Hồn dân tộc, sóng Biển Đông”, chương trình giáo dục lịch sử biết ơn các anh hùng liệt sĩ… “Trong các chức năng của xiếc có giáo dục thẩm mỹ, đức dũng cảm, kiên trì, sự khổ luyện. Gần đây, khán giả đến với sân khấu tròn rất nhiều. Chúng tôi xung kích phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đi đến đâu cũng được nhân dân đón nhận. Chúng tôi hãnh diện vì đã góp phần không để vùng nào tụt hậu về văn hoá” - NSND Tạ Duy Ánh chia sẻ. Xem kịch xiếc "Sông Trăng" do NSND Tạ Duy Ánh viết kịch bản tại đây: //www.youtube.com/watch?v=kW99vdZmtwU Giữ gìn nghệ thuật Xiếc Việt Nam, trước hết phải động viên được người làm nghề. Theo NSND Tạ Duy Ánh, đây là chuyện không thể nói “ngày một ngày hai”. Dù đất nước còn nhiều khó khăn, nhiều việc cấp bách cần làm, Chính phủ vẫn quyết liệt nâng cao đời sống nhân dân, trong đó có công nhân, viên chức, lao động. |
Vở xiếc mang đậm đời sống văn hoá người Việt. Ảnh: NVCC |
Nhưng văn nghệ sĩ cần điều kiện tốt để cống hiến nhiều hơn nữa. Ở Liên Xô cũ, nghệ sĩ nói chung, nghệ sĩ xiếc nói riêng được quan tâm đặc biệt. Họ có danh hiệu Nghệ sĩ công huân (tương đương danh hiệu NSƯT), được hưởng chế độ tiền lương nâng lên. Ở Việt Nam hiện nay, để phấn đấu đạt danh hiệu NSND, NSƯT, nghệ sĩ phải nỗ lực vượt bậc. Ngay cả NSND biểu diễn trên sân khấu, mức bồi dưỡng chỉ cao hơn nghệ sĩ khác 80.000 đồng. Khi được trao tặng danh hiệu NSDND thì được mức tiền thưởng một lần là 12,5 lần mức lương cơ sở. Danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú có mức tiền thưởng là 9,0 lần mức lương cơ sở (theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 24/2023/NĐ-CP). Ngoài ra không có ưu đãi gì hơn. Năm 2015, khi xây dựng Dự thảo Thông tư số 10 quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nghành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đề xuất đặc cách NSƯT phiên ngang ngạch chuyên viên chính, NSND phiên ngang ngạch chuyên viên cao cấp. |
NSND Tạ Duy Ánh trong nhóm hề 3 người tham dự Liên hoan xiếc Quốc tế tổ chức tại Cu Ba năm 2013 - đoạt giải Vàng. Ảnh: NSCC |
Tuy nhiên, đây là chính sách rất cần xem xét để động viên kịp thời nghệ sĩ vì bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay đã thay đổi rất nhiều so với trước kia.
Hơn nữa, quá trình đào tạo 5 năm nhưng chỉ ở hệ Trung cấp cũng là thiệt thời cho các nghệ sĩ. Vì vậy, Trường Trung cấp nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam đang nỗ lực nâng hệ thống đào tạo lên bậc Cao đẳng, động viên giáo viên nâng cao trình độ, mời chuyên gia, NSND, NSƯT, giảng viên phụ trợ giúp đội ngũ giảng viên nâng cao chất lượng giáo dục.
Nếu được nâng hệ đào tạo sẽ có lợi thế toàn diện. Ví dụ xếp bảng lương khởi điểm khi được nhận về các đơn vị đã được nâng lên bậc 3. Nếu chỉ là hệ đào tạo trung cấp, ra trường chờ vào biên chế, nâng dần, chờ nâng hạng nghệ sĩ thì còn rất dài.
Hiện nay, đã có một số đơn vị thực hiện chính sách ưu đãi cho nghệ sĩ xiếc như Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch Hà Nội hỗ trợ NSND, NSƯT 20 đến 30 triệu đồng/người khi có danh hiệu, kể cả khi đã nghỉ hưu. Nếu có chính sách cởi mở như vậy, những nghệ sĩ trẻ thấy thấy người đi trước được sự quan tâm sẽ có động lực hơn để phát triển năng khiếu, đam mê cống hiến sao cho xứng đáng.
“Với chính sách hiện tại, chúng tôi là những người đi trước dù giải thích với thế hệ trẻ thì họ vẫn không tin. Cuộc đời một nghệ sĩ xiếc có căn tập thể, chung cư đã là may lắm. Để có được điều đó phải may mắn được đi nước ngoài biểu diễn dài ngày, chắt bóp và gia đình hỗ trợ mới mua được. Nếu không có gia đình hỗ trợ thì không thể.
Làm nghề mà đòi hỏi phải có gì thì không đúng. Trải qua 46 năm làm nghề, tôi thấy mình được rất nhiều: Được tham gia biểu diễn ở các cuộc thi lớn, được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT, Bằng khen Thủ tướng Chính phủ, Huân, Huy chương Lao động hạng Hai, hạng Ba... Trong thời gian làm nghệ sĩ, tôi được khán giả mến mến mộ. Với một người nghệ sĩ thế là quá đủ, hạnh phúc hơn thế hệ cha anh đi trước.
Những năm đất nước chiến tranh, nghệ sĩ xiếc biểu diễn ở những “ranh giới”, có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Họ biểu diễn bên này cầu Hiền Lương, bên kia là quân thù hay biểu diễn dưới hầm, trên rừng để cổ vũ bộ đội. Trong điều kiện gian khó, họ vẫn đam mê cống hiến. Lớp nghệ sĩ ấy thiệt thòi hơn rất nhiều khi chỉ phục vụ, không có liên hoan nào để giành giải thưởng làm cơ sở xét tặng danh hiệu nhưng họ có những cống hiến không thể phủ nhận được.
Gần đây, Nhà nước đã có điều chỉnh về xét tặng NSND, NSƯT. Một loạt nghệ sĩ gạo cội như Đức Trung, Lê Chức gần 80 tuổi được xét danh hiệu NSND. Sự động viên kịp thời ấy khiến chúng tôi “mừng rơi nước mắt”. Đáng tiếc là có không ít nghệ sĩ không chờ được đến ngày này” - NSND Tạ Duy Ánh nuối tiếc.
Một vở diễn tái hiện hình ảnh các anh hùng liệt sĩ hiến dâng |
Qua các cuộc biểu diễn ở Liên hoan xiếc Quốc tế, ông càng thấm thía hơn: Văn hoá nghệ thuật giúp quảng bá về Việt Nam đến thế giới nhanh nhất. Xem nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn, họ thấy Việt Nam không chỉ có chiến tranh mà có nhiều nghệ sĩ giỏi. Ví mình như một người sống ở “giai đoạn giữa”, NSND Tạ Duy Ánh cho rằng, với thế hệ sau này, khi đất nước hội nhập, thông tin nhanh chóng, họ cũng cập nhật rất nhanh. Về tương quan, đời sống đi lên thì cơ quan chức năng cần quan tâm đến chế độ chính sách cho về nghệ sĩ nâng lên một mức nào đó, phù hợp với xu thế chung. Nghệ sĩ trẻ đang ở lứa tuổi dễ chuyển đổi nghề nghiệp. Nghệ sĩ xiếc đào tạo dài nhưng tuổi nghề rất ngắn. Họ không tránh khỏi quy luật “thầy giáo già, con hát trẻ” dù còn cháy bỏng yêu nghề. Ra sân khấu ngoài yêu cầu chuyên môn còn phải đẹp về thẩm mỹ, tố chất về thể lực, độ dẻo, dũng cảm mới thực hiện được các tiết mục như đu bay. Nam 55 tuổi không trụ được 3 đến 4 người trên trán, trên vai. Nữ 45 tuổi lắc cũng không ai xem. Nghề xiếc không làm giả được, ra sân khấu tai nạn ngay lập tức. Sau thành tích cao, nghệ sĩ xiếc sẽ về đâu? Đó là câu hỏi cần được sự quan tâm. Không phải ai cũng mở được trung tâm đào tạo nghề. Nhiều người mắc bệnh nghề nghiệp nên muốn chuyển đổi nghề rất khó khăn. Với nghề đặc thù phải có giải pháp đặc thù. Việc Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đề xuất cho nghệ sĩ xiếc được nghỉ hưu sớm 5 năm còn giúp cơ quan quản lý có “con đường” để giải quyết chế độ, chính sách cho nghệ sĩ không tham gia biểu diễn. “Đây vẫn là bài toán nan giải, cần được nghiên cứu kỹ và sâu. Nếu bố trí họ làm công việc chỉ nhận lương thì không đủ sống. Dù đơn vị quản lý cố gắng linh hoạt sắp xếp nhưng không thể giải quyết hết được. Bố trí về Phòng Nghệ thuật chỉ có một số nghệ sĩ uy tín, có thành tích cao. Chiếu đèn chỉ cần 2 người. Xé vé, chỉ chỗ chỉ cần 4 đến 5 người. Nếu đề xuất của Bộ trưởng được phê duyệt, sẽ tháo gỡ khó khăn cho cả người lao động và đơn vị quản lý. Bản thân người lao động cũng không muốn trở thành ăn bám, sống nhờ. Những trường hợp này nếu chờ hơn 10 năm mới đủ tuổi nghỉ chế độ là rất khó cho đơn vị vì họ đã có cả quá trình cống hiến nên không thể “vắt chanh bỏ vỏ” - NSND Tạ Duy Ánh chia sẻ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói; “Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Xiếc cũng như các môn nghệ thuật khác, không chỉ có chức năng giáo dục, giải trí mà còn là vũ khí sắc bén đấu tranh trực diện với cái xấu, cái ác, cái phi nghĩa. Dù cuộc sống hiện đại đến đâu, sân khấu tròn vẫn luôn được khán giả yêu mến. Vì thế, chính sách kịp thời lúc này sẽ động viên các “chiến sĩ” trên mặt trận văn hoá nghệ thuật phát huy hơn nữa vốn quý của dân tộc. |
Thực hiện: Hà Vy |