|
Thời gian qua, mặc dù nước ta đã kiểm soát tốt dịch Covid-19, đạt được nhiều thành tựu trong công tác phòng, chống dịch, được nhân dân và các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao; tuy nhiên, những tác động của đại dịch đến tình hình lao động sản xuất nói chung và của đoàn viên công đoàn, người lao động ngành Y tế là hết sức rõ rệt. Trong hơn một năm thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 kể từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên tại Việt Nam, cán bộ ngành Y tế đã đoàn kết, trách nhiệm, tận tụy với công việc ở những điểm nóng nhất của dịch bệnh. |
|
Quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và nhằm thể hiện đúng vai trò của tổ chức Công đoàn, ngành Y tế trong công tác đại diện, chăm lo, bảo vệ sức khỏe cán bộ y tế, trong thời gian qua, Công đoàn Y tế Việt Nam đã chủ động phối hợp với các đơn vị thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Y tế triển khai nhiều hoạt động đi đầu, mang tính hiệu quả cao, đặc biệt trong phòng, chống Covid-19. Những thời điểm dịch bệnh bùng phát, các y bác sĩ luôn túc trực 24/24, không quản ngày đêm, cách ly gia đình và người thân để bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, tạo điều kiện vững chắc củng cố thành quả chống dịch, thực hiện thành công mục tiêu kép của Chính phủ đề ra. Công đoàn Y tế Việt Nam xác định rõ, cán bộ y tế có nguy cơ lây nhiễm cao nhất. Bảo vệ sức khỏe cán bộ y tế thì mới chăm sóc được sức khỏe của người dân, do đó, sức khỏe của cán bộ y tế cần được xã hội và cộng đồng quan tâm nhiều hơn nữa. Sức khỏe của cán bộ y tế chính là tài sản quốc gia, cán bộ y tế có sức khỏe thì mới thực hiện tốt nhiệm vụ, trọng trách chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. |
PGS. TS. Phạm Thanh Bình thăm, động viên cán bộ y tế phòng, chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cơ sở 2. |
Ngay trước dịp Tết Nguyên đán, khi dịch Covid-19 tái bùng phát trong cộng đồng với các biến thể mới nguy hiểm, Công đoàn Y tế Việt Nam đã phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Y tế tham gia đoàn công tác động viên các cán bộ y tế trực Tết, chuẩn bị cho hoạt động phòng, chống dịch. Công đoàn Y tế Việt Nam cũng thành lập Tổ phản ứng nhanh chống dịch Covid-19 tại cơ quan; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, hướng dẫn các công đoàn cơ sở trực thuộc, công đoàn ngành Y tế tỉnh, thành phố thực hiện tuyên truyền phòng, chống dịch, quan tâm đến chế độ chính sách và bảo hộ cho cán bộ y tế tham gia phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời báo cáo thông tin, đề xuất để Công đoàn Y tế Việt Nam khen thưởng kịp thời. Hỗ trợ cán bộ y tế yên tâm công tác khi có ca lây nhiễm Covid-19. Trước đó, trong năm 2020, Công đoàn Y tế Việt Nam đã tham mưu đề xuất với Bộ Y tế về việc tăng mức phụ cấp cho các cán bộ tham gia phòng, chống, dịch (đã được Chính phủ phê duyệt tại Nghị Quyết số 372); tham mưu với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất bổ sung về chế độ làm thêm giờ, chế độ nghỉ ngơi của cán bộ y tế (đã được phê duyệt tại Nghị định 1453). Công đoàn Y tế Việt Nam cũng thực hiện kêu gọi, vận động các tổ chức, đơn vị, cá nhân tham gia hỗ trợ phòng, chống Covid-19. Theo đó đã hỗ trợ trang thiết bị, hàng hóa, kinh phí giá trị ước tính trên 12 tỷ đồng tiền mặt và hàng hóa; khen thưởng cho 74 tập thể và 169 cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phòng, chống dịch (với kinh phí khoảng gần 200 triệu đồng). Hỗ trợ 40 cán bộ y tế bị nhiễm Covid-19, mỗi cán bộ từ 10 - 15 triệu đồng. Một số hoạt động điển hình có thể kể đến như: Trực tiếp thăm, động viên cán bộ trong vùng dịch; tham gia đoàn công tác chống dịch với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại các tỉnh biên giới; phối hợp với Vietnam Airlines và Vingroup hỗ trợ 5.000 kỳ nghỉ miễn phí cho cán bộ y tế tuyến đầu và gia đình; tham gia đoàn công tác công đoàn ngành Trung ương hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị cho cán bộ y tế chống dịch tại Vĩnh Phúc; trao tặng thiết bị y tế, kinh phí cho các bệnh viện điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại Hà Nội… |
|
Chương trình “Bảo vệ Blouse trắng” do Công đoàn Y tế Việt Nam phối hợp với Tạp chí Lao động và Công đoàn triển khai từ tháng 5/2019 nhằm góp phần giúp chính cán bộ y tế nhận thức sâu sắc hơn trong việc tự bảo vệ mình bằng cách trang bị bảo hộ lao động, thái độ ứng xử với bệnh nhân, thực hiện nghiêm quy định về ATVSLĐ; tuyên truyền để người dân chia sẻ đúng hơn về nghề Y - một nghề hết sức vất vả, cống hiến - và phối hợp công tác với ngành Y tế thực hiện đúng các quy định tại bệnh viện, góp phần giảm số vụ hành hung thầy thuốc; tuyên truyền để doanh nghiệp tăng cường trách nhiệm xã hội đóng góp hỗ trợ, chăm lo cho cán bộ y tế có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo, bị hành hung. Qua hơn 2 năm triển khai, chương trình đã đóng góp hết sức hiệu quả trong việc bảo vệ nhân viên y tế trước nạn bạo hành. Nhận thức của cán bộ y tế, các cấp ủy, địa phương trong việc bảo vệ cán bộ, nhân viên y tế trước vấn nạn bạo hành đã được nâng lên. Chương trình đã có sự lan tỏa bước đầu trong dư luận xã hội; đồng thời góp phần thu hút sự hỗ trợ, giúp đỡ, chung tay góp sức của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong bảo vệ, giúp đỡ cán bộ, nhân viên ngành Y tế, nhất là trong những giai đoạn cao điểm phòng, chống dịch. |
Đoàn công tác của Công đoàn Y tế Việt Nam đến thăm, động viên đoàn viên, người lao động Bệnh viện Việt Đức. |
Công đoàn Y tế Việt Nam cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng làm rõ thông tin và xử lý nghiêm các đối tượng bạo hành cán bộ, nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ, điển hình như các vụ việc tại Hải Dương, Phú Thọ, Bệnh viện Tuệ Tĩnh và gần đây nhất là tại Bệnh viện Đa khoa Năm Căn (Cà Mau)... Một mặt, khẳng định vai trò của Công đoàn Y tế Việt Nam trong bảo vệ cán bộ, nhân viên y tế; mặt khác, có tác dụng răn đe các đối tượng quá khích định bạo hành nhân viên y tế. Từ năm 2018 đến nay, Công đoàn Y tế Việt Nam còn phối hợp ký kết với 23 đơn vị. Các đoàn viên công đoàn, người lao động ngành Y tế khi sử dụng các sản phẩm sẽ được hưởng mức giá ưu đãi (giảm từ 10 tới đến 70%) so với phân phối trên thị trường. Bên cạnh đó, vận động các đơn vị ký kết cùng tham gia đồng hành với Công đoàn Y tế Việt Nam trong hoạt động xã hội, từ thiện, hỗ trợ vật chất cho đoàn viên bị mắc bệnh hiểm nghèo, bị bạo hành, bệnh nghề nghiệp trong chương trình “Bảo vệ Blouse trắng”. |
|
Năm 2021, trong khuôn khổ Chương trình “Bảo vệ Blouse Trắng”, Công đoàn Y tế Việt Nam sẽ phối hợp với Bộ Y tế triển khai Chương trình bình chọn “Bệnh viện 5S - An toàn tiêu biểu” để ghi nhận đánh giá mức độ an toàn các bệnh viện dưới góc nhìn của người bệnh, người dân đến khám và điều trị, sử dụng dịch vụ y tế. Chương trình góp phần tôn vinh các đơn vị điển hình, xuất sắc trong ngành Y tế làm tốt công tác an toàn cho thầy thuốc và bệnh nhân, tạo động lực để các cán bộ y tế yên tâm công tác. Thông qua đó nâng cao chất lượng dịch vụ; nâng cao vai trò của tổ chức Công đoàn, ngành Y tế trong công tác chăm lo sức khỏe cho đoàn viên công đoàn, người lao động; tuyên truyền sâu rộng hơn nữa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân. |
Hiện nay mô hình 5S về quản lý chất lượng bệnh viện đã được triển khai rộng khắp ở các khoa, phòng, bệnh viện trên toàn quốc. Tuy nhiên, theo báo cáo của một số đơn vị cũng như kết quả giám sát của Công đoàn Y tế Việt Nam, việc thực hiện mô hình 5S còn gặp một số khó khăn như: Cán bộ y tế chưa hiểu hết về vai trò, chức năng, hiệu quả của việc thực hiện mô hình; áp lực công việc trong bệnh viện quá lớn dẫn đến thiếu thời gian triển khai; kinh phí hoạt động hạn chế; thiếu kế hoạch tổng thể để triển khai, duy trì mô hình 5S, cũng như chưa gây dựng được phong trào triển khai 5S mạnh mẽ trong bệnh viện. Thực hiện chủ đề hoạt động công đoàn năm 2021 “” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Quy chế phối hợp với Bộ Y tế, Công đoàn Y tế Việt Nam sẽ quyết tâm chủ động thực hiện tốt hơn vai trò chăm lo, bảo vệ đoàn viên, người lao động ngành Y tế cùng với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn, tổ chức Công đoàn cấp cơ sở hướng tới bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khỏe cho cán bộ y tế khi làm nhiệm vụ, góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. |
Ảnh minh họa. |