Đẩy mạnh công tác đối thoại, thương lượng đi vào thực chất
Chào mừng thành công Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028, ngày 16/12, Mạng lưới Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh, thành phố phía Bắc tổ chức Hội thảo “Bàn giải pháp nâng cao chất lượng công tác đối thoại, thương lượng tập thể và ký kết TƯLĐTT tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất (KCX), khu kinh tế (KKT)”.
Hội thảo do Công đoàn các KCN tỉnh Bắc Ninh và Công đoàn các KCN tỉnh Bắc Giang đăng cai tổ chức.
Hội thảo “Bàn giải pháp nâng cao chất lượng công tác đối thoại, thương lượng tập thể và ký kết TƯLĐTT tại các doanh nghiệp trong KCN, KCX, KKT”. Ảnh: Thảo Nguyên |
Tham dự có đại diện một số ban chuyên môn của Tổng LĐLĐ Việt Nam; Tổ chức Lao động quốc tế (ILO); lãnh đạo LĐLĐ tỉnh và Ban Quản lý các KCN một số tỉnh phía Bắc. Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung chia sẻ kinh nghiệm trong công tác hướng dẫn công đoàn cơ sở (CĐCS) tổ chức đối thoại, thương lượng tập thể và ký kết TƯLĐTT; những hạn chế và giải pháp nâng cao chất lượng công tác đối thoại, thương lượng tập thể và ký kết TƯLĐTT trong Mạng lưới Công đoàn các KCN tỉnh, thành phố; giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động CĐCS trong các KCN, KCX, KKT đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ. Công tác đối thoại, thương lượng ngày càng đi vào thực chất Theo thống kê, khu vực phía Bắc có 257 KCN, trong đó có 132 KCN đã đi vào hoạt động, thu hút được khoảng 8.500 dự án đầu tư, tạo việc làm cho gần 2 triệu lao động. Thu nhập bình quân của người lao động đạt khoảng 5,5 đến 7,5 triệu đồng/người/tháng. Ban Tổ chức Hội thảo cho biết, năm 2023, trong các KCN các tỉnh, thành phố phía Bắc đã có 2.981/3.241 doanh nghiệp đã tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc; có 2.722/3.241 doanh nghiệp đã tổ chức thương lượng tập thể và có 2.463/3.241 doanh nghiệp đã ký kết TƯLĐTT. Hiệu quả của các cuộc đối thoại, thương lượng và giá trị các bản TƯLĐTT đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho đoàn viên và người lao động, giúp quan hệ lao động tại các doanh nghiệp được cải thiện rõ rệt. |
Đại biểu dự Hội thảo. Ảnh: TC |
Câu chuyện ở Công đoàn KKT Hải Phòng là một ví dụ. Chia sẻ kinh nghiệm trong việc ký TƯLĐTT nhóm doanh nghiệp, đồng chí Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch Công đoàn KKT Hải Phòng cho biết, KKT Hải Phòng có 02 bản TƯLĐTT nhiều doanh nghiệp là: thỏa ước nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc tại KCN Tràng Duệ, Thỏa ước các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Sao Đỏ. Quá trình thương lượng, ký kết thoả ước gặp không ít khó khăn do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, kinh tế thế giới suy thoái làm các doanh nghiệp giảm đơn hàng. Trong khi đó, thoả ước nhiều doanh nghiệp là mô hình mới nên các doanh nghiệp còn ngần ngại, không dễ dàng đồng thuận tham gia. Bên cạnh đó, chế độ chính sách của các doanh nghiệp không đồng đều nên việc thương lượng, điều chỉnh về mức chung là hết sức khó khăn. Vì vậy, việc đàm phán, thương lượng thỏa ước nhiều doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian so với thỏa ước doanh nghiệp. Cách làm của Công đoàn KKT Hải Phòng là: khảo sát, lựa chọn các doanh nghiệp phù hợp tham gia Thỏa ước; tập hợp danh sách các doanh nghiệp theo từng KCN, lựa chọn doanh nghiệp có đặc điểm tương đồng về ngành nghề sản xuất, quốc gia đầu tư, quy mô lao động; khảo sát chế độ, chính sách phúc lợi về lao động của các doanh nghiệp đã lựa chọn; sau đó tổng hợp kết quả rồi họp phân tích, nhóm các kiến nghị theo từng nội dung, trong đó tập trung kiến nghị chính sách về tiền lương, thời giờ nghỉ ngơi, các chế độ phúc lợi... Trên cơ sở đó, Công đoàn KKT Hải Phòng chia các doanh nghiệp thành 03 nhóm, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác thương lượng, tạo sự đồng thuận của Ban Quản lý KKT và các doanh nghiệp. Đồng thời thành lập Tổ Thương lượng, ký kết thoả ước nhiều doanh nghiệp. Tổ Thương lượng đã kiên trì với mục tiêu, vừa kiên quyết vừa thuyết phục, vừa lấy sức mạnh tập thể của người lao động để thuyết phục, từng bước được doanh nghiệp tôn trọng, chấp nhận những nội dung còn đang băn khoăn trong thỏa ước. |
Đại diện Công đoàn các KKT tỉnh Hà Tĩnh phát biểu. Ảnh: TC |
Đồng chí Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch Công đoàn các KCN và Chế xuất Hà Nội cho biết, năm 2022 và 11 tháng của năm 2023, các KCN và Chế xuất của Hà Nội không xảy ra vụ ngừng việc tập thể nào. Để đạt được kết quả đó, công đoàn các cấp đã tham gia thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, nhất là trong thực hiện đối thoại, thương lượng tập thể. Trước đây, nội dung thương lượng, đối thoại tập trung vào những hoạt động thăm hỏi, hiếu hỉ, hỗ trợ, ốm đau, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Đến nay, các cuộc đối thoại, thương lượng tập thể đã tập trung vào đảm bảo quyền lợi cốt lõi của người lao động như tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, chất lượng bữa ăn ca, chuyên cần, nhà ở, xăng xe, tăng thêm ngày nghỉ có hưởng lương… Công đoàn các KCN và Chế xuất Hà Nội đã hướng dẫn CĐCS tiến hành đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐTT và chấm điểm, phân loại. Đồng thời đi từng KCN, rà từng đơn vị, hỗ trợ CĐCS để hướng dẫn kỹ năng, phương pháp thương lượng đến xây dựng sơ bộ nội dung bản TƯLĐTT. Tính nay, Công đoàn các KCN và Chế xuất Hà Nội đã có 242/342 đơn vị ký TƯLĐTT (đạt 71,0%). Tại Hà Tĩnh có 2 KKT, 2 KCN lớn với hơn 20.000 lao động, chủ yếu là lao động kỹ thuật cao. Với đặc thù địa chính trị, các KKT, KCN của Hà Tĩnh tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự trong công nhân, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh. Các doanh nghiệp phối hợp với công đoàn đối thoại, thương lượng, công khai minh bạch nội dung thương lượng lên phần mềm để kiểm tra đánh giá. Thực tế các doanh nghiệp ở Hà Tĩnh có nhiều bản TƯLĐTT có phụ lục mang lại quyền lợi cho người lao động như lao động làm việc 10 năm thì thưởng 2 chỉ vàng, lao động 5 năm thì được tặng 1 chỉ vàng… Theo đồng chí Nguyễn Đức Thạch - Chủ tịch Công đoàn các KKT tỉnh Hà Tĩnh, đây là quá trình gian nan nhưng luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, do đó, có sức lan toả đến nhiều doanh nghiệp khác. Tại tỉnh Bắc Giang, đến nay, trong các KCN có 184/188 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn đã tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc (đạt 97,87%); có 155/188 doanh nghiệp tổ chức thương lượng tập thể và ký kết TƯLĐTT (đạt 82,45%). Trong đó có 130 doanh nghiệp có bản TƯLĐTT đạt loại A (đạt 83,87%), 13 doanh nghiệp có bản TƯLĐTT đạt loại B (đạt 8,39%), 12 doanh nghiệp có bản TƯLĐTT đạt loại C (đạt 7,74%). Các bản TƯLĐTT có nhiều điều khoản cao hơn quy định của pháp luật cho người lao động, phù hợp với khả năng, điều kiện của doanh nghiệp, tập trung vào những vấn đề, như: tiền lương, chế độ phúc lợi, điều kiện làm việc... góp phần giảm các vụ ngừng việc tập thể… |
Đại diện Công đoàn KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hoá phát biểu. Ảnh: TC |
Đối thoại, thương lượng là một trong 3 khâu đột phá Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đề ra Đại diện Ban Tổ chức Hội thảo cho biết, đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn, vệ sinh lao động là 1 trong 3 khâu đột phá mà Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đề ra. Thực tế cho thấy, địa bàn các KCN vẫn xảy ra tình trạng tranh chấp lao động dẫn đến ngừng việc tập thể. Theo số liệu của Tổng LĐLĐ Việt Nam, năm 2022, cả nước xảy ra 157 cuộc ngừng việc tập thể xuất phát từ quan hệ lao động. Các cuộc ngừng việc tập thể chủ yếu xảy ra tại các doanh nghiệp khu vực FDI; tại các KCN, KKT, KCX với 101/157 cuộc. Năm 2023, chưa có số liệu đầy đủ nhưng chỉ tính riêng quý I/2023 cả nước đã xảy ra 23 cuộc ngừng việc tập thể xuất phát từ quan hệ lao động; chủ yếu tại các doanh nghiệp khu vực FDI và tại các KCN, KKT, KCX với 15/23 cuộc. Nguyên nhân dẫn đến ngừng việc tập thể chủ yếu là do doanh nghiệp chưa thực hiện tốt công tác đối thoại, thương lượng tập thể nên chưa kịp thời giải quyết các kiến nghị, đề xuất và tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Một số doanh nghiệp chưa chú trọng đối thoại, thương lượng tập thể thực chất; nội dung TƯLĐTT còn ít có điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật. Chính vì vậy, vẫn còn xảy ra tình trạng ngừng việc tập thể. |
Ban Tổ chức trao Cờ luân lưu đăng cai Hội thảo năm 2024 cho Công đoàn KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: TC |
Do vậy, các cán bộ công đoàn cho rằng, giải pháp để nâng cao chất lượng đối thoại, thương lượng tập thể của công đoàn là củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các CĐCS; tập trung các nguồn lực, nhất là về tiền lương, điều kiện làm việc trong doanh nghiệp; tăng cường khảo sát, lựa chọn các doanh nghiệp phù hợp tham gia thỏa ước; bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ CĐCS để tham gia thương lượng, đàm phán với doanh nghiệp trong xây dựng TƯLĐTT; đổi mới hình thức thương lượng với chiến thuật linh hoạt, phù hợp đảm bảo mục tiêu vì sự phát triển của doanh nghiệp và nguyện vọng, nhu cầu của người lao động. Đồng chí Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch Công đoàn các KCN và Chế xuất Hà Nội đề nghị, cần tăng cường đào tạo đội ngũ giảng viên và chuyên gia đàm phán thương lượng TƯLĐTT cho cán bộ cấp trên cơ sở; thí điểm thành lập các đội, nhóm chuyên gia ở một số LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương có đông doanh nghiệp, KCN và quan hệ lao động phức tạp để hỗ trợ CĐCS trong việc thương lượng và TƯLĐTT. Sớm sửa đổi, bổ sung các nội dung tại Luật Công đoàn nhằm tăng cường vai trò, chức năng đại diện của công đoàn và trong hoạt động thương lượng tập thể... Những kinh nghiệm, đề xuất từ cơ sở sẽ được tổng hợp, nghiên cứu và xây dựng thành các các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để Công đoàn các KCN các tỉnh phía Bắc triển khai thực hiện trong thời gian tới. Từ đó góp phần chăm lo, bảo vệ người lao động tốt hơn, hạn chế, ngăn ngừa ngừng việc tập thể, đình công xảy ra, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. |
Thực hiện: HÀ VY |