Đại hội đại biểu Công đoàn Dệt May Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2023-2028 diễn ra chiều 12/10, với sự tham gia của 317 đại biểu đại diện cho trên 116 nghìn đoàn viên, người lao động (NLĐ) ngành Dệt May. |
Các đồng chí Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam; Lê Tiến Trường – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam và các đồng chí nguyên lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, Công đoàn Dệt May Việt Nam... cũng tham dự sự kiện đặc biệt này.
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam (thứ ba, từ phải) tặng lẵng hoa tới Đại hội Công đoàn Dệt May Việt Nam - Ảnh: Minh Khôi
Trong phát biểu khai mạc, đồng chí Phạm Thị Thanh Tâm – Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt May Việt Nam nhấn mạnh, Đại hội lần này hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) ngang tầm yêu cầu của thời kỳ mới; thi đua lao động sáng tạo, hoàn thành nhiệm vụ trên từng vị trí công tác.
Đây cũng là nhiệm kỳ tập trung chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tham gia xây dựng và giám sát thực hiện các chế độ chính sách liên quan đến NLĐ; xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh.
Đồng chí Phạm Thị Thanh Tâm – Chủ tịch Công đoàn ngành Dệt May Việt Nam phát biểu tại Đại hội - Ảnh: Minh Khôi
Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam thể hiện quyết tâm trong nhiệm kỳ này sẽ cùng đội ngũ cán bộ, đoàn viên, NLĐ trong ngành tích cực tham gia xây dựng Đảng và chính quyền các cấp; đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Dệt May Việt Nam và xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Dấu ấn nhiệm kỳ 2018-2023
Trong báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội V Công đoàn Dệt May Việt Nam, nhiệm kỳ 2018-2023, đồng chí Nguyễn Thái Dương – Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam cho biết đơn vị đạt và vượt 8/8 chỉ tiêu thuộc trách nhiệm trực tiếp của tổ chức Công đoàn, 8/10 chỉ tiêu phối hợp với chuyên môn.
Một trong những dấu ấn của nhiệm kỳ là công đoàn đã phối hợp với Hiệp hội Dệt May Việt Nam thương lượng, ký kết 2 thoả ước lao động tập thể (TƯLĐTT) ngành với sự tham gia của hơn 76 đơn vị. Trong đó, nhiều nội dung có lợi cho NLĐ về tiền lương, mức ăn ca, các chế độ phúc lợi... Bên cạnh đó, công đoàn tổ chức 1.140 cuộc đối thoại định kỳ, 74 cuộc đối thoại đột xuất, vượt chỉ tiêu nhiệm kỳ.
Các chế độ chính sách trong hệ thống được đảm bảo. Nhiều vấn đề phát sinh sớm được nhận diện, nắm bắt và xử lý kịp thời, không để xảy ra các vụ việc phức tạp, đình công, ngừng việc tập thể.
Toàn cảnh Đại hội đại biểu Công đoàn Dệt May Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2023-2028 - Ảnh: Minh Khôi |
Hằng năm, nhiều mô hình chăm lo được thực hiện mang lại lợi ích thiết thực cho NLĐ. Có gần 280,5 nghìn lượt người được trợ cấp, tặng quà với số tiền trên 52,5 tỷ đồng; trên 70,7 nghìn lượt NLĐ được doanh nghiệp bố trí nhà ở, hỗ trợ tiền nhà trọ, tiền gửi trẻ...
Có 78 đơn vị điều chỉnh mức ăn ca, hơn 90% đơn vị hỗ trợ tiền ăn cho NLĐ với mức từ 15.000 đồng trở lên/suất. Có trên 185,2 nghìn lượt NLĐ được hưởng ưu đãi trong chương trình Phúc lợi đoàn viên với số tiền hơn 56,2 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, 100% công đoàn cơ sở (CĐCS) phối hợp với chuyên môn duy trì hiệu quả các thiết chế cơ sở nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ, vượt 20% so với chỉ tiêu nhiệm kỳ.
Trong 5 năm qua, với kinh phí chi trên 547 tỷ đồng, toàn hệ thống đã làm tốt công tác chăm lo, giúp NLĐ yên tâm công tác, cùng doanh nghiệp vượt khó, phát triển kinh tế.
Công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục tiếp tục được đổi mới với 1.160 cuộc tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức và lòng tin của đoàn viên, NLĐ. Gần 80 lớp đào tạo được tổ chức, với sự tham gia của 3.860 lượt NLĐ.
Có 317 đại biểu tham dự Đại hội Công đoàn Dệt May Việt Nam lần thứ VI - Ảnh: Minh Khôi
Nhiệm kỳ 2018-2023, Công đoàn Dệt May Việt Nam kết nạp được 89.298 đoàn viên, vượt chỉ tiêu Tổng Liên đoàn giao. Số đơn vị xếp loại CĐCS hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ bình quân đạt 80,1%, xếp loại hoàn thành nhiệm vụ là 19,9%; không có CĐCS không hoàn thành nhiệm vụ.
Công đoàn đã tổ chức 37 lớp tập huấn cho hơn 4.000 lượt cán bộ công đoàn. Tại cơ sở, các đơn vị đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 9.000 lượt cán bộ công đoàn từ tổ trưởng trở lên.
Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho rằng: “Thành tựu nổi bật của nhiệm kỳ là qua sóng gió của thị trường và dịch bệnh, đội ngũ chúng ta vẫn phát triển, vững mạnh hơn, mối quan hệ giữa NLĐ - tổ chức Công đoàn và người sử dụng lao động trở nên gắn bó hơn, sâu sắc hơn”.
“Qua những thử thách chưa từng có và tưởng như không thể vượt qua nhưng bằng nỗ lực và sức sáng tạo mới, tổ chức Công đoàn và cán bộ CĐCS đã khẳng định vị thế của mình một cách vững chắc hơn trong lòng đoàn viên”, ông Trường nhấn mạnh.
Lãnh đạo Công đoàn Dệt May Việt Nam cho rằng, những kết quả đạt được tại nhiệm kỳ trước được kỳ vọng sẽ là tiền đề quan trọng để Đại hội VI Công đoàn Dệt May Việt Nam xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, xây dựng các giải pháp và tổ chức thực hiện, góp phần thúc đẩy phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn trong giai đoạn mới.
Đại biểu bỏ phiếu bầu Ban chấp hành Công đoàn Dệt May Việt Nam khoá VI - Ảnh: Minh Khôi
mục tiêu vì người lao động
Nhiệm kỳ 2023-2028, Công đoàn Dệt May Việt Nam đặt ra mục tiêu tập trung thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ; thúc đẩy hiệu quả các phong trào thi đua; xây dựng, bồi đắp văn hóa dệt may; nâng cao chất lượng đội ngũ, năng lực thích ứng; đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành và tổ chức Công đoàn trong giai đoạn mới.
Công đoàn Dệt May Việt Nam phấn đấu kết thúc nhiệm kỳ phát triển được 24.600 đoàn viên; có 800 đoàn viên công đoàn ưu tú được kết nạp Đảng; 100% CĐCS tổ chức hoạt động Tháng Công nhân; 100% cán bộ chuyên trách được bồi dưỡng, tập huấn về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm chuyên ngành công tác...
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại Đại hội Công đoàn Dệt May Việt Nam lần thứ VI - Ảnh: Minh Khôi |
Về thực hiện nhiệm vụ chính trị, Công đoàn Dệt May Việt Nam động viên CNVCLĐ thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của ngành và Tập đoàn. Theo đó, phấn đấu thu nhập bình quân của NLĐ tăng ít nhất 5%/năm; giảm 10 - 15% tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; 100% số đơn vị hành chính sự nghiệp, 97% trở lên số doanh nghiệp ban hành và thực hiện quy chế dân chủ.
100% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức Công đoàn đủ điều kiện đại diện, thương lượng, ký kết được TƯLĐTT theo quy định của pháp luật. Có 75-80% số đơn vị trực thuộc tham gia TƯLĐTT ngành Dệt May Việt Nam...
Công đoàn Dệt May Việt Nam sẽ tập trung thực hiện 3 khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2023-2028: Cải thiện chất lượng cán bộ, đoàn viên, NLĐ, nâng cao năng lực thích ứng; tăng cường đối thoại, thương lượng, mang lại lợi ích thiết thực cho NLĐ; chuyển đổi số trong hoạt động công đoàn.
Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị các đại biểu cần đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức hoạt động công đoàn trong bối cảnh mới. “Phải lấy thương lượng đối thoại, thương lượng làm chủ yếu. Cán bộ công đoàn phải thực sự năng động, chủ động, sâu sát với đoàn viên, NLĐ, nắm bắt tình hình doanh nghiệp”.
Bên cạnh đó, Công đoàn Dệt May Việt Nam cần tiếp tục hình thành các chương trình phúc lợi lớn, xác định cụ thể cho từng nhóm đối tượng; tham gia hiệu quả hơn nữa cùng chuyên môn xây dựng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành, trong đó có ý thức, tác phong lao động, tay nghề, kỷ luật lao động và hiểu biết pháp luật.
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đề nghị các cán bộ Công đoàn Dệt May Việt Nam tham gia tích cực, chủ động hơn nữa trong xây dựng chính sách pháp luật.
Ra mắt Ban Chấp hành Công đoàn Dệt May Việt Nam khóa VI với 37 đồng chí - Ảnh: Minh Khôi |
Thực hiện: MINH KHÔI Ảnh: MINH KHÔI Đồ họa: AN NHIÊN |