|
Kiệt, hẻm tại Đà Nẵng là nơi tập trung đông các gia đình lao động sinh sống nhiều thế hệ. Trong thời gian qua, nơi đây cũng liên tiếp xuất hiện các ca lây nhiễm và trở thành "điểm nóng" về dịch bệnh. Vì vậy, để tăng cường công tác phòng chống dịch, thành phố Đà Nẵng đã thực hiện việc giãn dân tại các khu vực này. |
Giãn dân ở Kiệt, Hẻm |
Thời gian qua, các kiệt, hẻm tại quận Thanh Khê liên tục ghi nhận các ca mắc Covid-19 mới. Riêng tại phường Tam Thuận (quận Thanh Khê) là địa bàn có nhiều ca nhiễm Covid-19 nhất Đà Nẵng, với hơn 200 ca. Giáp ranh với "điểm nóng" đó là tổ dân phố 50, phường Thanh Bình với 73 hộ dân và gần 230 nhân khẩu. Hầu hết người dân trong tổ là người lao động đang sống trong kiệt, hẻm nhỏ dưới 2m, nhà ở sát nhau, diện tích chật hẹp, không đảm bảo khoảng cách an toàn trong phòng chống dịch. Theo ông Võ Duy Lâm, Chủ tịch UBND phường Thanh Bình, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng khu vực mà địa phương quan tâm hơn cả chính là người dân sống tại kiệt 72, đường Nguyễn Tất Thành, Tổ dân phố 50. "Đây là lần đầu tiên địa phương tổ chức di chuyển dân để chống dịch. Việc di dời này là cần thiết bởi những nguy cơ cao về lây nhiễm. Địa phương sẽ cho di dời 58 nhân khẩu ở kiệt 72, đường Nguyễn Tất Thành, Tổ dân phố 50 đến lưu trú tại Trường THPT Trần Phú, quận Hải Châu, trong đó có 10 trẻ em dưới 14 tuổi", ông Lâm cho biết. |
Người dân trong kiệt 72 chuẩn bị hành lý đơn giản để đến nơi cách ly phòng chống dịch. |
Vì vậy, địa phương đã vận động, di dời một phần số nhân khẩu trong tổ đến nơi cách ly để giãn dân trong khu vực có nguy cơ rất cao và nhận được sự đồng thuận từ người dân. Việc di dời sẽ được địa phương tổ chức làm 2 đợt. Trong đó, đợt 1 là 14h30 ngày 4/9 tiến hành đưa 6 hộ với 16 nhân khẩu, sau đó đến 18h sẽ tiến hành di dân đợt 2 là 16 hộ với 42 nhân khẩu |
Là một trong những người lao động bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19, anh Phan Thanh Tuấn (người dân kiệt 72 Đinh Tiên Hoàng) khi nghe về chủ trương của địa phương là di dời để đảm bảo giãn cách, đảm bảo an toàn đã rất ủng hộ. Hành trang anh Tuấn mang theo trong chuyến "di dân" đặc biệt này chỉ vài bộ áo quần và chiếc guitar để giải trí. “Diễn biến dịch ở các kiệt, hẻm của thành phố hiện nay đang rất phức tạp. Dịch bệnh kéo dài cùng khiến tôi mất việc thời gian qua. Vì vậy, mong muốn lúc này là khống chế dịch nên khi thành phố đề nghị di dời thì gia đình tôi đều đồng thuận triển khai, quyết tâm thực hiện để phòng chống dịch hiệu quả. Hơn nữa, được di chuyển từ vùng vàng, đỏ sang vùng xanh khiến chúng tôi cảm thấy yên tâm”, anh Tuấn chia sẻ. |
Không cứng nhắc trong áp dụng chính sách mới |
Bên cạnh công tác di dân, việc đảm bảo đời sống, sinh hoạt của người dân cũng được địa phương quan tâm. Hiện nay, người dân tại các khu phong tỏa này không phải là F1 nên khi đưa vào những khu tập trung thì không có quyền lợi được hỗ trợ 80.000 đồng. Vì vậy, Chủ tịch UBND phường Thanh Bình cũng kiến nghị thành phố xem xét hỗ trợ như các đối tượng là F1 để công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành di dời sẽ thuận lợi hơn. Đồng tình với kiến nghị trên, ông Lê Tự Gia Thạnh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho rằng việc hỗ trợ là cần thiết để người dân yên tâm chấp hành tốt các quy định về giãn cách, đảm bảo công tác phòng chống dịch. |
Cũng theo Chủ tịch UBND quận Hải Châu thì phường Thanh Bình, quận Hải Châu và phường Tam Thuận, quận Thanh Khê tiếp giáp nhau. Hiện phường Tam Thuận là điểm nóng về dịch bệnh Covid-19 nên việc giãn dân ở kiệt 72 Nguyễn Tất Thành thuộc phường Thanh Bình là cần thiết. “Theo kế hoạch giãn dân mà phường triển khai thì khu vực này sẽ giảm được khoảng 30%. Với cơ sở chuẩn bị tại trường THPT Trần Phú thì chúng tôi đã thiết lập khu cách ly mới hoàn toàn với khoảng 30 phòng. Theo tinh thần là cách ly từng nhà chứ không lẫn lộn với nhau, với những nhà đông người hơn thì sẽ được bố trí 2 phòng. Theo kế hoạch sẽ chiếm 1/3 khu cách ly trường THPT Trần Phú. Trong thời gian tới, các kiệt, hẻm trên địa bàn quận Hải Châu mà có nguy cơ tương tự thì chúng tôi sẽ tiến hành giãn dân”, ông Thạnh cho biết. Ngoài ra, tại kiệt 72 vẫn sẽ còn khoảng 2/3 nhân khẩu thực hiện cách ly tại chỗ. Theo ông Võ Duy Lâm thì số lượng này hầu hết là những người già, người có sức khỏe yếu, bệnh tật sẽ được ở lại nguyên trong nhà, yêu cầu thực hiện nghiêm 5K và được phường cử người quan tâm chăm sóc. “Sau các đợt đánh giá, nếu vẫn tiếp tục xuất hiện những ca dương tính thì buộc lòng bằng các biện pháp y tế, phường sẽ phải chuyển những người này đến những nơi có điều kiện tốt hơn”, ông Lâm cho biết thêm. Cũng tại buổi làm việc với UBND quận Hải Châu và UBND phường Thanh Bình về công tác giãn dân, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đánh giá cao địa phương đã sâu sát, kịp thời vận động, tạo tâm lý ổn định để người dân yên tâm di dời phòng tránh dịch. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng thống nhất với các đề xuất của địa phương và yêu cầu chính quyền địa phương, cơ sở tiếp tục quan tâm đến việc ăn uống, sinh hoạt của bà con vừa được đưa đến ở tạm tại nơi cách ly. Theo đó, Văn phòng Thành ủy sẽ sớm có thông báo kết luận triển khai các chủ trương này, nhất là về chính sách hỗ trợ người dân thực hiện giãn dân phòng, chống dịch. “Mặc dù dân chưa phải là những F1 tuy nhiên họ ở những vị trí có nguy cơ tiếp xúc, hoàn toàn có cơ sở để xác định họ là F liên quan. Đối với họ, về mặt chế độ chính sách chúng ta áp dụng như khi áp dụng ở khu cách ly tập trung. Các điều kiện quản lý cũng phải thực hiện như thế. Đây là một yêu cầu, biện pháp mới thì chúng ta phải có chính sách mới chứ chúng ta không cứng nhắc trong việc này, có vậy thì người dân mới an tâm thực hiện chủ trương của chúng ta”, Bí thư Thành ủy cho biết. Hơn nữa, theo Bí thư Thành ủy thì Tổ 50 phường Thanh Bình là khu giáp ranh với phường Tam Thuận (quận Thanh Khê), nơi đang là điểm nóng Covid-19. Do đó, dù có ranh giới địa chính giữa hai địa phương nhưng dịch thì không phân biệt ranh giới. Quá trình giao lưu, đi lại của người dân giữa hai địa phương này sẽ phát sinh nguy cơ lây nhiễm chéo rất cao. “Hai quận, hai phường cần trao đổi thông tin trong công tác phòng dịch. Chúng ta không có sự tách bạch địa giới trong việc phòng, chống dịch. Tam Thuận đã chủ động có biện pháp giãn dân để giảm nguy cơ lây nhiễm. Chiều nay, Thanh Bình cũng triển khai thực hiện giãn dân là rất tốt, kịp thời, bài bản”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh. |
Những người dân ở đây sẽ nhận được các hỗ trợ như cách ly F1. |