Covid-19: Cập nhật thông tin mới nhất ngày 9/9 Cập nhật thông tin Covid-19 ngày 8/9: 6 ngày Việt Nam không có ca mắc mới ở cộng đồng |
VIỆT NAM
Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị- Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: Tính đến thời điểm này trong số các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại 18 cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2: 16 ca; Số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2: 13 ca, số ca âm tính lần 3 là 21 ca.
Hiện có 7 trường hợp có tiên lượng rất nặng và tử vong, trong đó số tiên lượng rất nặng là 6/7 trường hợp và tiên lượng tử vong là 1 trường hợp.
Đến thời điểm này số ca tử vong ở nước ta là 35 ca. Đa phần các trường hợp tử vong ở nước ta đều là người cao tuổi, trên nền bệnh lý nặng như suy thận mạn giai đoạn cuối, ung thư máu giai đoạn cuối không đáp ứng hoá chất, hội chứng mạch vành, suy hô hấp cấp, thoái hoá đa khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận mạn, đái tháo đường tuyp 2, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, suy kiệt, suy đa tạng.
THẾ GIỚI
Tình hình dịch trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng cả về số mắc và tử vong. Thế giới đã ghi nhận gần 28 triệu trường hợp mắc, hơn 900.000 người tử vong vì Covid-19 tại 215 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đến nay, tổng số bệnh nhân Covid-19 hồi phục là 20.082.044, có khoảng hơn 60.000 trường hợp bệnh nặng hoặc nguy kịch.
Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch Covid-19 với gần 200.000 trường hợp tử vong trong tổng số hơn 6,5 triệu ca nhiễm, tuy nhiên số ca nhiễm mới của Mỹ có xu hướng giảm đi đáng kể so với cùng kỳ tháng 8. Ấn Độ với hơn 4,4 triệu ca nhiễm đã vượt qua Brazil trở thành nước bị thiệt hại do Covid-19 đứng thứ hai thế giới. Quốc gia đứng thứ ba thế giới về số ca nhiễm là Brazil với gần 4,2 triệu ca mắc.
Khu vực châu Á, đứng thứ 2 sau Ấn Độ về số trường hợp mắc là Iran, tiếp theo là Bangladesh. Tại khu vực ASEAN, Philippines là quốc gia có số mắc cao nhất với hơn 240.000 ca nhiễm, tiếp theo là Indonesia và Singapore.
Tại Nga ngày 9/9, Quỹ Đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF) sẽ bán 32 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 Sputnik V cho một công ty dược phẩm hàng đầu Mexico. Đây là thương vụ xuất khẩu vaccine thứ hai của Nga.
Nga đang lưu hành vaccine Sputnik V, loại vaccine đầu tiên do Viện Gamaleya ở Moskva phát triển vào tháng 8. Các thử nghiệm giai đoạn cuối của Sputnik V, với sự tham gia của 40.000 tình nguyện viên, đã được khởi động ngày 26/8. Tháng 8 vừa qua, RDIF đã ký thỏa thuận xuất khẩu đầu tiên với Kazakhstan, với 2 triệu liều trong giai đoạn đầu và sau đó sẽ tăng lên thành 5 triệu liều.
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 9/9 thông báo đã đạt thỏa thuận với BioNTech-Pfizer trong việc mua thêm 200 triệu liều vaccine tiềm năng phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Đây là công ty dược phẩm thứ 6 mà EC đạt thỏa thuận trong việc mua vaccine phòng Covid-19. Về phần mình, BioNTech cho biết thỏa thuận trên bao gồm khả năng cung cấp thêm 100 triệu liều vaccine. Nếu các cuộc thử nghiệm thành công, BioNTech sẽ bắt đầu giao vaccine vào cuối năm 2020.
Nguồn: Bộ Y tế và Worldometers (Cập nhật lúc 7 giờ) |