Công ty phá sản, người lao động không chốt được sổ bảo hiểm xã hội
Đó là trường hợp của chị Lê Thị Thanh, từng là công nhân Công ty TNHH Jungmin Phố Hoa tại thôn Lý Viên, xã Bắc Lý, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.
Gần 1 năm “loay hoay” với thủ tục chốt sổ bảo hiểm xã hội
Theo quy định, người lao động không thể thực hiện thủ tục tự chốt sổ bảo hiểm xã hội (BHXH), trách nhiệm này thuộc về người sử dụng lao động. Tuy nhiên, trường hợp công ty phá sản hoặc nợ BHXH thì người lao động rất dễ rơi vào tình huống “loay hoay” không biết phải làm gì.
Công ty TNHH JungMin Phố Hoa hoạt động trong lĩnh vực may mặc từ tháng 10/2011 theo giấy phép của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang, do ông Nguyễn Văn Quý (địa chỉ tại khu 3, thị trấn Thắng, Hiệp Hòa) làm Giám đốc.
Được biết, công ty này không chỉ mà còn nợ cả tiền BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) của công nhân. Chủ doanh nghiệp hiện không có mặt tại địa chỉ thường trú, cơ quan chức năng liên hệ làm việc nhưng chưa tiếp cận được.
Chị Lê Thị Thanh cho biết, chị có hơn 3 năm làm việc và tham gia BHXH tại Công ty TNHH Jungmin Phố Hoa. Cho đến cuối năm 2019 thì công ty dừng hoạt động, thời điểm đó công ty chưa hề thực hiện thủ tục chốt sổ và trả sổ bảo hiểm cho người lao động. Tính từ tháng 12/2019 đến nay, chị Thanh vẫn chưa biết làm cách nào để chốt được sổ. Vì công ty cũ giải thể, chị không biết liên hệ ai để được hướng dẫn thủ tục. Trong khi chị đã xin công việc mới, phía công ty mới này cũng liên tục yêu cầu chị Thanh chuyển sổ bảo hiểm để họ tiếp tục đóng cho chị.
Chị chia sẻ: “Công ty đột ngột dừng hoạt động khiến cuộc sống người lao động chúng tôi lao đao một thời gian dài. Sau khi công ty dừng hoạt động ít lâu thì dịch Covid-19 bùng phát, khiến chúng tôi vừa mất việc, thu nhập không có, vừa không chốt được BHXH nên tôi không làm được . Đến giờ tôi cũng chưa biết phải làm cách gì, liên hệ cơ quan nào hay thủ tục chốt sổ BHXH cần những giấy tờ gì để có thể sớm nhận được sổ".
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Binh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang cho biết: "Do chị Lê Thị Thanh không liên hệ với Liên đoàn Lao động huyện nên đã không nhận được hỗ trợ kịp thời. Còn vụ việc liên quan công ty Công ty TNHH Jungmin Phố Hoa thì đã diễn ra từ cuối năm 2019, đầu năm 2020. Khi đó Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo, hướng dẫn Liên đoàn Lao động huyện Hiệp Hòa làm việc với công nhân lao động để kiện Công ty TNHH Jungmin Phố Hoa ra tòa án nhằm giải quyết các quyền lợi về lương, BHXH, BHYT cũng như BHTN. Đến nay công ty này đã chính thức giải thể. Các công nhân trước đây làm việc tại công ty Công ty TNHH Jungmin Phố Hoa hầu hết đã được nhận sổ BHXH và thanh toán một lần".
Thủ tục chốt sổ BHXH khi doanh nghiệp cũ phá sản
Trường hợp doanh nghiệp phá sản và không chốt sổ BHXH cho người lao động để họ tiếp tục đóng BHXH ở nơi làm việc mới, người lao động cần thực hiện thủ tục chốt và chuyển sổ BHXH như sau:
Thủ tục chốt sổ BHXH
Điểm điểm 3.2, Khoản 3, Điều 46 Quyết định số 595/QĐ - BHXH của BHXH Việt Nam quy định:
Đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN), nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì đơn vị đó phải có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, bảo hiểm TNLĐ, BNN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động.
Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN, bảo hiểm TNLĐ, BNN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH.
Như vậy, áp dụng với trường hợp của chị Lê Thị Thanh, do công ty cũ của chi đã phá sản nên để thực hiện thủ tục chốt sổ BHXH, chị Thanh cần liên hệ với cơ quan BHXH nơi công ty cũ của bạn đặt trụ sở chính đề nghị họ xác nhận thời gian đóng BHXH của chị đến thời điểm công ty đã đóng BHXH cho chị.
Thủ tục chuyển sổ BHXH từ công ty cũ sang công ty mới
Khi muốn chuyển sang công ty mới sau khi đã hoàn thành thủ tục chốt sổ bảo hiểm tại công ty cũ thì công ty mới có nghĩa vụ đăng ký tiếp nhận sổ và tiếp tục đóng bảo hiểm cho NLĐ.
Hồ sơ theo quy định tại Điều 23, Quyết định số 595/QĐ-BHXH năm 2017 của BHXH Việt Nam, bao gồm:
1) Tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK3-TS).
2) Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm TNLĐ, BNN (Mẫu D02-TS).
3) Bảng kê thông tin (Mẫu D01-TS).
Bài và ảnh: Phương Thuận