Công ty Green Vina bị công nhân tố không trả lương
|
Một công nhân tại ấp Bình Đáng, phường Bình Hòa, TP Thuận An, Bình Dương vừa gửi đơn đến Tạp chí Lao động và Công đoàn (cuocsongantoan.vn) cầu cứu về việc công ty này ép cô ấy nghỉ việc hai tháng và không trả cô ấy lương hai tháng đó, dù cô ấy đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. |
Đơn cầu cứu gửi Tạp chí Lao động và Công đoàn (cuocsongantoan.vn).
Bị ép nghỉ việc 2 tháng rồi không trả lương Cô H. (xin phép không nêu tên theo nguyện vọng của cô ấy) cho biết cô đã làm việc tại Công ty Green Vina 9 năm, với HĐLĐ dài hạn. Cô trình bày sự việc rằng sau khi cô sinh em bé được 6 tháng, cuối tháng 5/2020 cô trở vào công ty làm việc. Khoảng 20 ngày sau cô được công ty gọi lên ký đơn thôi việc lần thứ nhất, cô không ký. Nhân sự kêu lần thứ 2, rồi kêu lần thứ 3 cô cũng không ký. Nhân viên phòng nhân sự dùng lời lẽ ép buộc cô ký, sau đó lắt léo đưa cho cô tờ giấy có chữ ký của cô nhưng không phải là đơn xin nghỉ việc và nói “cô ký đây rồi”. Cô thấy giấy này tất cả công nhân viên công ty đều ký nhưng rất bức xúc và thấy bất ổn cho cô vì có nội dung không rõ ràng. Sau mấy lần cô H. không chịu ký đơn thôi việc thì phòng nhân sự lập danh sách nghỉ dài hạn, đồng thời tự viết đơn nghỉ phép 2 tháng và công ty tự ký vào để lấy cơ sở H. nghỉ từ ngày 20/7 đến 21/9. Qua tìm hiểu báo chí, cô H. biết là Bộ luật Lao động năm 2012 quy định, doanh nghiệp không được cắt giảm người đang mang thai và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi... nên cô rất bức xúc và yêu cầu công ty trả lương cơ bản theo hợp đồng cho cô. Tuy nhiên công ty không đồng ý. Do đó cô đã viết đơn kêu cứu rất nhiều nơi, như phòng Lao động, LĐLĐ TP Thuận An, Tòa án TP Thuận An, Trung tâm Tư vấn pháp luật, LĐLĐ tỉnh Bình Dương... đòi quyền lợi chính đáng, kéo dài từ tháng 9/2020 đến nay. |
Những người đang mang thai và nuôi con nhỏ lên phòng Lao động TP Thuận An hòa giải, trong đó có cô H. |
Quan điểm của cô H. chỉ đòi 2 tháng lương cơ bản (không tính các khoản phụ cấp) nhưng qua 3 lần hòa giải vẫn không được giải quyết thỏa đáng. Ba lần hòa giải không thành Lần hòa giải thứ nhất vào ngày 26/8/2020, với sự tham gia của LĐLĐ Thành phố Thuận An, Công đoàn ngành Dệt May tỉnh Bình Dương, công đoàn cơ sở công ty, đại diện phòng LĐ - TB & XH Thành phố, đại diện lãnh đạo công ty và cô H... Công ty nêu lý do thứ nhất việc không trả lương cơ bản cho cô H. là vì cô đã nghỉ việc không phép 5 ngày nhưng cô “không đồng ý” và khẳng định mình chỉ nghỉ phép năm và có chuyên cần. |
Bảng chấm công tháng 7 thể hiện cô H. (dòng cuối cùng) nghỉ phép năm và cô có chuyên cần, 2 tuần cuối cùng cô không có lương vì cô đã bị ép nghỉ không lương (KL) Bảng lương tháng 7 thể hiện cô H. có chuyên cần |
Do cuộc hòa giải không thành, công ty vẫn không trả lương cho cô H. nên cô này tiếp tục gửi đơn khởi kiện công ty lên Tòa án Nhân dân Thành phố Thuận An. Tại buổi hòa giải lần thứ hai ngày 28/12/2020, có Tòa án tham dự, Trưởng phòng Nhân sự công ty lại đưa ra lý do khác lần trước là công ty không trả lương cơ bản cho cô H. vì căn cứ vào tin nhắn mà cô H. đã nhắn cho anh Giáp (Quản đốc) là đồng ý nghỉ. Cô H. không đồng ý lập luận của công ty, và giải thích rằng với vai trò là Tổ trưởng, cô ấy đã nhắn tin đề xuất 3 người nghỉ, nếu còn cần người nghỉ nữa thì mới đến cô ấy. Tuy nhiên, 3 người kia vẫn đi làm, chỉ cô ấy bị nghỉ. |
Biên bản hòa giải lần thứ 2 có Tòa án tham dự, có ghi ý kiến của cô H., không đồng ý với lập luận của công ty. |
Cũng tại biên bản hòa giải này, công ty nêu thêm lý do là do Covid-19, công ty thiếu việc làm, nên công nhân nào có việc riêng, nếu có nguyện vọng thì làm đơn tự nguyện nghỉ không lương. Cô H. khẳng định là không làm đơn này. Cuộc hòa giải này tiếp tục không thành. Bảng chấm công tháng 9 cho thấy chỉ có cô H. là không có lương (KL), tức là không được đi làm, trong khi những người khác trong tổ có lương. Như vậy công ty đã không thực hiện ý trong tin nhắn của cô H. - cô ấy là người thứ tư nghỉ nếu giám đốc công ty yêu cầu thêm người nghỉ. |
Trao đổi với PV Tạp chí Lao động và công đoàn (cuocsongantoan.vn) qua điện thoại, anh Hùng - Giám đốc Trung tâm tư vấn Pháp luật tỉnh Bình Dương (thuộc LĐLĐ Bình Dương) cho biết: Tổ chức Công đoàn Công ty, Công đoàn ngành dệt may, Công đoàn TP Thuận An, Trung tâm tư vấn Pháp luật LĐLĐ Bình Dương đã tích cực tham gia hòa giải vụ việc của Cô H., nhưng do không hòa giải được nên ông đã tư vấn cho Cô H. viết đơn khởi kiện công ty gửi tòa án, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho cô. |
Ngày 13/3 vừa qua, PV Tạp chí Lao động và Công đoàn (cuocsongantoan.vn) đã điện thoại trao đổi với Trưởng phòng Nhân sự Công ty Green Vina, đề nghị gặp trực tiếp để lắng nghe ý kiến của công ty, nhưng anh ấy từ chối. Qua zalo, PV cũng đã đặt một số câu hỏi rằng công ty có thể chứng minh là cô H. sai không?; Vì sao công ty không trả lương cho cô H. 2 tháng?; Công ty có thể chứng minh cô H. tự nguyện nghỉ không lương?..., nhưng không được trả lời. |
Cô H. cho biết, lý do lớn nhất để cô kiên trì, kiên quyết đòi quyền lợi là vì quyền lợi đó là chính đáng, không chỉ cho cô mà cho rất nhiều người khác trong công ty cũng bị đối xử bất công như cô. Cô nêu ví dụ cụ thể là phòng Nhân sự công ty có gọi điện cho người mới sinh em bé, chuẩn bị hết chế độ nghỉ 6 tháng, nói nghỉ việc đi công ty sẽ trả nửa tháng lương nhân với 6 lần hiện nay. Nhưng cô ấy đã nghỉ việc hơn 6 tháng mà công ty vẫn không trả lương như lời hứa. Cô H. cũng cho biết sẽ dùng hai tháng lương đòi lại kia để giúp cho một em bé đồng hương của mình chữa bệnh tim. |
Tin nhắn cô H. khẳng định tiếp tục kiện (không dừng) và hứa sẽ dùng tiền đòi được này giúp em bé mổ tim |
Khoản 3 Điều 155 Bộ luật Lao động 2012 quy định: "Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động" Cần nhắc lại, trong thời gian bị nghỉ việc mà không có lương nêu trên, cô H. đang nuôi con nhỏ khoảng 7 tháng tuổi. Rất mong lãnh đạo Công ty Green Vina giải quyết vụ việc trên đúng pháp luật. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc này. |