|
Khi thành lập công ty, ai cũng mong muốn hoạt động hiệu quả, phát triển. Nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, doanh nghiệp buộc phải giải thể. Điều này không chỉ làm chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người lao động. Sau đợt nghỉ Tết Tân Sửu 2021, công nhân Công ty TNHH Delancey Street Furniture Việt Nam (tỉnh Bình Dương) bất ngờ rơi vào cảnh thất nghiệp vì công ty thông báo giải thể. Sự việc nhận được quan tâm, đồng cảm của người dân trong và ngoài tỉnh Bình Dương, nhiều ý kiến lo lắng cho anh chị em công nhân mất việc làm, đời sống sẽ gặp nhiều khó khăn. |
|
Trong thông báo gửi người lao động, Công ty TNHH Delancey Street Furniture Việt Nam cho biết: "Do chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19, dẫn đến hoạt động kinh doanh không hiệu quả, khó khăn về công tác bố trí nhân sự đủ năng lực và trình độ đảm bảo yêu cầu công việc, không tìm kiếm được đối tác và khách hàng, vì vậy công ty tạm thời và chờ quyết định giải thể chính thức của chủ đầu tư". Qua làm việc với cơ quan chức năng, đại diện doanh nghiệp cho hay, công ty ra thông báo giải thể từ ngày 6/2 nhưng do thời điểm này đã nghỉ Tết nên không thông báo hết được cho mọi người. Có nhiều lý do để dẫn đến việc giải thể doanh nghiệp, như hết thời hạn hoạt động, theo quyết định của chủ sở hữu, … nhưng dù theo cách nào thì cũng gây ảnh hưởng lớn đến người lao động. |
Liên quan vấn đề này, trao đổi với PV Tạp chí Lao động và Công đoàn, Luật sư Huỳnh Trung Hiếu - Trưởng Văn phòng Luật sư Nhật Bình (TP HCM) cho rằng: "Giải thể doanh nghiệp là việc chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp theo quyết định của doanh nghiệp hoặc cơ quan có thẩm quyền theo quy định về các trường hợp bắt buộc phải giải thể doanh nghiệp tại Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020. Theo đó, điều kiện để giải thể doanh nghiệp khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và không có tranh chấp tại tòa. Trình tự giải thể doanh nghiệp được quy định tại Điều 208 Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2021". Theo Luật sư Hiếu, trường hợp Công ty TNHH Delancey Street Furniture Việt Nam giải thể thì phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, đặc biệt là quyền lợi của người lao động trong công ty. Việc giải thể bao giờ cũng dẫn đến việc chấm dứt hoạt động, kinh doanh, xóa sổ trên thực tế, kéo theo đó, hợp đồng lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động cũng sẽ chấm dứt theo Khoản 7, Điều 34 Bộ luật Lao động năm 2019. Người sử dụng lao động có nghĩa vụ, trách nhiệm ưu tiên thanh toán tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động đã ký kết trước đó với người lao động được nêu tại Khoản 2, Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019. Đồng thời, Khoản 5 Điều 208 Luật Doanh nghiệp 2020 thể hiện, các khoản nợ của doanh nghiệp được thanh toán theo thứ tự ưu tiên sau đây: 1. Các khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết; 2. Nợ thuế; 3. Các khoản nợ khác. Luật sư Huỳnh Trung Hiếu - Trưởng Văn phòng Luật sư Nhật Bình trao đổi với phóng viên. “Có thể thấy, khi doanh nghiệp giải thể, việc giải quyết các quyền lợi của người lao động được ưu tiên hàng đầu, trong đó có lương, trợ cấp thôi việc... Như vậy, người lao động sẽ được nhận các khoản chi phí sau đây khi công ty giải thể: Được trả tiền nợ lương (nếu có). Doanh nghiệp giải thể phải thanh toán đầy đủ cho người lao động những khoản tiền lương tương ứng với những ngày làm việc chưa được trả. Khoản tiền này sẽ được ưu tiên thanh toán đầu tiên khi giải quyết quyền lợi cho người lao động. Ngoài ra, người lao động làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên khi công ty giải thể sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc theo Điều 46 Bộ luật Lao động năm 2019. Hơn nữa, khi công ty thực hiện thủ tục giải thể buộc phải thanh toán các khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại cơ quan bảo hiểm xã hội tương ứng với thời gian người lao động làm việc mà chưa được đóng các khoản bảo hiểm trên; được hưởng trợ cấp thất nghiệp; được hưởng các khoản lợi ích khác (nếu có)”, Luật sư Hiếu nói. Ngay sau khi nắm bắt sự việc, ngày 17/2/2021, Đoàn công tác liên ngành gồm đại diện Công đoàn các Khu công nghiệp Bến Cát; Phòng Quản lý Lao động (Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương); Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã Bến Cát đã có buổi làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH Delancey Street Furniture Việt Nam (địa chỉ tại Khu công nghiệp Rạch Bắp) để hướng dẫn pháp luật lao động, giải quyết chế độ cho người lao động trong trường hợp công ty chấm dứt hoạt động. Thời gian tới, Công đoàn các Khu công nghiệp Bến Cát cho biết sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc để bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người lao động Công ty TNHH Delancey Street Furniture Việt Nam. Tổ chức Công đoàn cũng kết nối các doanh nghiệp ở Bình Dương đang tuyển dụng dịp đầu năm để giới thiệu việc làm ổn định cho công nhân. |
|
Công ty TNHH Delancey Street Furniture Việt Nam. |
Bài viết và thiết kế: Lê Tuấn
|