|
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại mang bệnh ung thư, mọi thứ như sụp đổ trước mắt chị Phạm Thị Dương (sinh năm 1974), công nhân Công ty cổ phần Ô tô 1 - 5. Những ngày qua, chị bị hành hạ bởi những cơn đau và luôn mang tâm trạng thấp thỏm, lo lắng bởi công ty nợ BHXH, mọi quyền lợi của chị đến nay vẫn không được hưởng. |
“Chẳng biết mình còn sống được bao lâu nữa” |
Trong căn nhà riêng ở thị trấn Đông Anh (TP Hà Nội), chị Dương hai tay run rẩy đỡ ấm nước, chậm rãi rót từng cốc để mời khách. Chị đội chiếc mũ mỏng màu xám trùm cả đầu, cố giấu mái tóc đã rụng gần hết sau hai lần truyền hóa chất. Dẫu vậy, khuôn mặt tiều tụy, đôi mắt thâm quầng, ầng ậc nước chực trào lại cho thấy những tháng ngày đau đớn, mệt mỏi, nhiều lo âu vừa qua của chị. Hơn 2 tháng không gặp vì giãn cách xã hội, hôm nay, những đồng nghiệp ở Công ty cổ phần Ô tô 1 - 5 mới có dịp trở lại thăm chị. Họ nhìn nhau ái ngại và đầy thương cảm bởi chẳng ai có thể tin trước mắt mình là chị Dương “nhà ăn”. Chị từng là người phụ nữ xinh đẹp, hoạt bát, là người mới hôm nào còn theo chân anh chị em công nhân đi đòi nợ lương, nợ BHXH ở công ty.
“Bây giờ em không thể đi cùng anh chị nữa rồi. Hôm nay em còn ngồi nói chuyện với mọi người được chứ tuần trước đi truyền hoá chất về người đau nhức, mệt mỏi không mở được mắt. Em nằm bẹp không dậy nổi. Cháu nó phải mang cháo tận giường, động viên em cố ăn lấy vài thìa. Giờ đây, cuộc sống không biết sẽ như thế nào, không biết mình còn được bao lâu nữa. Thôi thì mọi việc em nhờ các anh, các chị tiếp tục đấu tranh đòi quyền lợi”, chị Dương trải lòng, đôi mắt ngấn lệ.
Biến cố đầu tiên xảy ra vào năm 2017: Chồng chị qua đời sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư. Nhìn hai đứa con trai phổng phao đang tuổi ăn học, chị nén lại nỗi đau, gánh trọng trách trụ cột của gia đình. Mức lương nhân viên nhà ăn dẫu chẳng nhiều nhặn gì nhưng chị vẫn cố chắt bóp, tằn tiện để nuôi con. Tới đầu tháng 9/2020, công ty bất ngờ cho chị và hơn 100 lao động nghỉ việc không lương. Mất việc kéo dài, lại bị công ty nợ tới 8 tháng lương, nợ BHXH, chị phải bươn chải đủ nghề để duy trì cuộc sống, ai thuê gì làm nấy.
Từ lâu, chị nhận thấy sức khoẻ ngày một giảm sút, thỉnh thoảng xuất hiện những cơn ho. Nhưng do công ty nợ BHXH, chị không có bảo hiểm y tế (BHYT), tiền nong lại eo hẹp nên không dám đi khám bệnh. Cho đến một tối đầu tháng 7/2021, chị hoảng hồn phát hiện mình vừa ho ra một cục máu. Chẳng dừng lại được nữa, chị vay mượn hàng xóm được 1 triệu đồng, bảo con trai chở đi khám tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội. 5 ngày sau, bác sĩ kết luận chị đang mang trong mình căn bệnh ung thư phổi. Trời đất như sụp đổ trước mắt, chị oà khóc nức nở khi nghĩ đến hai đứa con chưa lập gia đình đã mất cha, giờ mẹ lại mang bệnh hiểm nghèo. Con trai lớn của chị mới ra trường đi làm, vội xin nghỉ việc để ở nhà chăm sóc mẹ, còn cậu thứ hai đang đi nghĩa vụ vẫn chưa biết chuyện mẹ đang bị bệnh. Mỗi đợt truyền hoá chất, cơ thể chị mệt mỏi, rũ ra như tàu lá úa, toàn thân đau nhức chẳng thể làm được gì. Nhà neo người, con trai lớn của chị không yên tâm để đi làm. Anh đi chợ, nấu cơm, làm việc nhà và nhiều đêm thức trắng ngồi nắn bóp cho mẹ. “Nó bảo đi làm thì không có ai ở nhà chăm sóc mẹ nhưng cứ như thế này thì mẹ con không biết lấy đâu ra tiền để chi tiêu, chạy chữa thuốc men”, chị Dương nói.
“Không được BHYT chi trả nên việc điều trị của chị rất tốn kém. Mỗi đợt truyền hoá chất, mua thuốc tốn kém cả chục triệu đồng. Bây giờ tôi còn tạm lo được bởi vừa qua người thân, bạn bè, đồng nghiệp biết tin đã hỗ trợ. Anh chị em cũng đấu tranh để công ty trả tôi 8 tháng lương đã nợ từ 2 năm trước. Nhưng về lâu về dài, tôi cần một khoản tiền để tiếp tục chữa trị. Tôi chỉ mong công ty giải quyết món nợ BHXH để tôi được rút một cục tiền về chữa bệnh, được ngày nào hay ngày đấy”, chị Dương chia sẻ. |
Những lời cầu xin rơi vào thinh lặng |
Chị Dương là một trong số hàng trăm công nhân Công ty cổ phần Ô tô 1 - 5 bị mất hết quyền lợi bởi công ty này đang nợ BHXH của người lao động. Khi ốm đau, bệnh nặng, người lao động không có thẻ BHYT nên phải tự bỏ tiền túi ra điều trị. Điều đáng nói, trong suốt quá trình làm việc, chị và người lao động của công ty luôn chấp hành các quy định về thủ tục bảo hiểm. Hằng tháng, công ty đều khấu trừ các khoản BHXH, BHTN, BHYT từ tiền lương của người lao động nhưng hiện vẫn còn nợ BHXH trên 14,9 tỷ đồng. Suốt nhiều tháng qua, chị Dương và tập thể công nhân gửi đơn tới cơ quan chức năng và Công ty cổ phần Ô tô 1 - 5, khẩn thiết đề nghị công ty đóng BHXH để đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết. Ngày 25/7, sau đợt hoá trị đầu tiên, chị Dương tiếp tục viết đơn kêu cứu, gửi tới Ban lãnh đạo Công ty cổ phần Ô tô 1 - 5 xin hỗ trợ chi phí điều trị bệnh hiểm nghèo. Chị trình bày trong đơn: “Tôi phải nhập viện điều trị căn bệnh ung thư, chi phí rất tốn kém và phải chi trả 100% viện phí. Đây là một điều vô cùng thiệt thòi đối với tôi và gia đình. Trong khi đó, tôi đang là công nhân chính thức của công ty nhưng lại không được hưởng chế độ BHYT để đi chữa bệnh, và công ty cũng đang nợ BHXH của tôi”. Video: Chị Phạm Thị Dương chia sẻ mong muốn được thanh toán chế độ BHXH: Chị đề nghị công ty hỗ trợ tiền viện phí trong suốt quá trình nằm viện điều trị. Tuy nhiên, công ty không một lời hồi đáp. Hôm 21/9, sau đợt hoá trị thứ hai, chị nhắn tin cho ông Trần Thành Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ô tô 1 - 5 những nội dung như sau: “Sếp Nam ơi! Công ty đã đóng bảo hiểm cho chị chưa?” “Giờ tôi rất cần tiền để chữa bệnh, mong công ty đóng tiền bảo hiểm cho tôi”… Đáp lại những lời cầu xin ấy là sự im lặng và một nút “thả tim” khó hiểu của ông Phó Tổng Giám đốc. Chị tiếp tục gọi điện nhưng ông này không nghe máy. “Tôi rất buồn. Vì ốm đau, mắc bệnh hiểm nghèo nên mới phải cầu xin như thế mà lãnh đạo công ty không có câu trả lời. Tôi không biết còn sống được đến bao giờ nữa mà chờ đợi công ty giải quyết vấn đề BHXH”, chị Dương nói.
|
Ý YÊN |