|
“Gia đình em về quê ăn Tết là may mắn hơn bao đồng nghiệp khác. Nhưng điều em lo lắng nhất, hết Tết có trở lại được nơi làm việc hay không? Covid-19 lây lan nhanh ở nhiều địa phương, nguy hiểm và phức tạp. Cả năm kinh tế đã bi đát rồi, nếu vì dịch bệnh mà không trở lại được để tiếp tục công việc, gia đình em cũng không biết lấy gì để chi tiêu, lo toan cuộc sống gia đình…” ‘Tết năm nay khác nhiều so với những năm trước” Khi được hỏi chuyện, năm nay gia đình em chuẩn bị về quê ăn Tết ra sao, bạn Vũ Thị Thu Huyền quê Đức Thọ - Hà Tĩnh dè dặt thổ lộ: “Tết năm nay khác nhiều so với những năm trước chị ạ!” Chồng là nhân viên lái xe cho một công ty du lịch, ngay từ khi dịch bùng phát, bị mất việc làm. Vì thất nghiệp, chồng Huyền cũng xoay xở đủ nghề nhưng trong hoàn cảnh khó khăn chung nên kiếm việc có thu nhập ổn định không phải dễ. Lương công nhân của Huyền lại là nguồn thu nhập chính cho gia đình. Tết năm nay, cả gia đình cố gắng thu xếp về quê chồng ở Mỹ Lộc - Nam Định đón Tết. Ngỡ gia đình Huyền có hai con nhỏ, lại xa quê gần một năm nay, giờ là dịp sắm sửa, chuẩn bị quà, lỉnh kỉnh đồ đạc cho cái Tết đoàn viên. Nhưng hành lý về quê ăn Tết của gia đình Huyền lại gọn nhẹ hết mức. Hành lý không có gì nhiều ngoài vali quần áo cho 4 thành viên gia đình và phần quà thưởng tết của công ty. Huyền tâm sự: “So với mọi năm, năm nay gia đình em . Cũng do kinh tế khó khăn bởi dịch bệnh Covid-19, để lo chi tiêu sinh hoạt tối thiểu cho gia đình, em phải tính toán, chắt chiu, cân đối thì lấy đâu ra mua sắm quà biếu, quà Tết nữa”. Ảnh hưởng do dịch Covid-19, Thu Huyền phải tính toán, chắt chiu trong sinh hoạt. Để minh chứng cho sự “khác” của Tết năm nay, Huyền tâm sự tiếp: “Năm nay, em “phá lệ” sẽ cho 4 thành viên trong gia đình đi taxi về quê thay vì đi xe khách như mọi năm”. Có lẽ, phần vì Huyền lo sợ xe khách là môi trường dễ lây nhiễm Covid-19, hơn nữa để an toàn sức khỏe cho mọi người nên đành "cố" cho cả nhà đi taxi, dù biết sẽ tốn kém hơn. Đồng nghiệp với Huyền, chị Văn Thị Thắm, quê Hà Nam, hơn 10 năm xa quê lập nghiệp cũng là từng ấy năm chị làm và khoác áo công nhân lao động của công ty in. Chị mong đến Tết bởi cả năm đi làm chỉ có Tết cổ truyền mới được nghỉ ngơi, “tút” lại sức khỏe. Chị thoăn thoắt gấp áo quần, chuẩn bị hành lý cho chuyến đoàn tụ gia đình. Gặp tôi, chị vui vẻ tâm sự: “Hành lý năm nay gọn nhẹ, chả có gì gọi là sắm Tết cả. Chồng và hai con đã về quê tránh dịch. Giờ một mình nên hành lý không có gì ngoài quần áo và thùng quà thưởng Tết”. Như muốn thanh minh, chị chia sẻ thêm: “Thu nhập năm nay bấp bênh, kinh tế giảm sút nếu mà không biết tính toán, thu vén thì khó đủ sinh hoạt cho 4 miệng ăn. Bởi vậy, việc cắt giảm mua sắm Tết đã “mặc định” rồi, hành lý cũng vậy, chỉ giản đơn là mấy bộ quần áo thôi. Những năm trước, Tết đến là đầu tư mua sắm quần áo, quà biếu Tết đầy đủ cho cả hai bên nội, ngoại”. Chị Thắm chuẩn bị hành lý về quê ăn Tết đoàn viên. Có lẽ, vì mải trò chuyện với tôi mà chị bỏ lỡ cuộc gọi từ chồng. Nôn nóng thông báo với chồng, con sắp về đoàn viên cùng gia đình, chị dành ít phút để trò chuyện với chồng và các con. Chị tranh thủ trò chuyện với chồng con, thông báo sắp về đoàn viên cùng gia đình Tan ca, về nơi trọ, bạn Lê Thị Hường nhanh chóng đi đón con trai 15 tháng tuổi đang ngóng mẹ về. Tranh thủ cho con bú để còn sửa soạn đồ đạc về quê nên Hường không kịp thay chiếc áo công nhân đã bạc màu. Hường cho biết: “Vì lo dịch Covid-19 đang lây lan, vợ chồng em xin nghỉ sớm, chuẩn bị hành lý cho kịp chuyến xe cuối ngày về quê chồng ở Tam Nông - Phú Thọ đón Tết. Biết dịch đang lan rộng, phức tạp nên ngày nào bố chồng cũng gọi điện hỏi kế hoạch về quê ăn Tết ra sao và thông báo tình hình dịch bệnh trên quê. Cũng vì quyết định vội nên hành lý cho cả nhà chỉ có mấy bộ quần áo, chút đồ ăn cho con trẻ, vài ba gói bánh, mứt Tết về quê để làm quà”. Về phòng trọ sau giờ tan ca, Hường vội đón con và sắp hành lý về quê ăn Tết Hường cũng chia sẻ thêm: “Lúc này, với em quan trọng nhất là được về đoàn tụ sao cho an toàn, đảm bảo sức khỏe đón trọn cái Tết ở quê là tốt rồi”. Gia đình Hường về quê, đón Tết sum vầy Lo lắng khó trở lại làm việc Mong đợi Tết đến để được về với gia đình là điều mà bất cứ công nhân lao động khi xa quê đều mong muốn. So với những công nhân lao động khác vì hoàn cảnh mà phải ăn Tết nơi xa, công nhân xa quê như gia đình Huyền, Hường và Thắm được đoàn viên khi Tết đến là điều hạnh phúc, may mắn hơn. Nhưng cùng với hạnh phúc ấy thì tất cả lại có chung tâm trạng lo lắng, e ngại chỉ sợ vì dịch Covid-19 mà có thể khó trở lại nơi làm việc. Thu Huyền băn khoăn: “Gia đình em về quê ăn Tết là may mắn hơn bao đồng nghiệp khác. Nhưng điều em lo lắng nhất, hết Tết có trở lại được nơi làm việc hay không? Dịch bệnh Covid-19 lây lan nhanh ở nhiều địa phương, nguy hiểm và phức tạp. Cả năm kinh tế đã bi đát rồi, nếu vì dịch bệnh mà không trở lại được để tiếp tục công việc, gia đình em cũng không biết lấy gì để chi tiêu, …” Hường phân vân: “Cuộc sống cần những trang trải, vì dịch mà khó quay trở lại làm việc, vợ chồng em lại càng thêm lo lắng. Cả hai làm công nhân cùng công ty, nguồn thu cũng từ lương công nhân thôi. Lương vốn ít ỏi, bấp bênh, lỡ may không thể trở lại công ty sau Tết đồng nghĩa với không có việc làm, không có thu nhập thì chúng em xoay xở sao đây?” Chia sẻ với những băn khoăn, lo lắng của công nhân lao động, anh Quang Tuấn - Quản đốc Phân xưởng máy offset, Công ty In Công đoàn cho hay: “Đây cũng là tình huống bất khả kháng. Không chỉ riêng tôi, ai cũng mong mọi người về quê ăn Tết vui vẻ, an toàn, luôn cập nhật tin tức và hết Tết trở lại công ty làm việc đúng quy định”. Ai cũng mong muốn về quê ăn Tết vui vẻ, an toàn. Với tâm trạng lo lắng, nếu dịch bệnh phức tạp mà “lên đi làm cũng không được, ở cũng không xong”, những công nhân về quê ăn Tết như vợ chồng Hường, Thu Huyền và chị Thắm có lẽ đành chấp nhận thực tại. Dù trọn vẹn được đón Tết nơi quê nhà, tất cả đều mong muốn dịch sớm bình yên để những công nhân lao động được trở lại với công việc, mưu sinh kiếm sống. |
Bài và ảnh: Hoàng Linh
|