“Đã có lúc tôi muốn buông xuôi, bỏ cuộc nhưng nếu mình từ bỏ thì gia đình mình sẽ như nào đây?” - chị T, công nhân KCN Bắc Thăng Long kể lại về quãng thời gian stress của mình.
Năm 2010, Công ty Điện tử Foxconn Technology của Trung Quốc đã trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới không thua kém gì cuộc khủng hoảng ngoài khơi Hoàng Hải hay vụ tấn công của đặc nhiệm Israel nhắm vào các con tàu nhân đạo của Thổ Nhĩ Kỳ năm đó khi chỉ trong vòng chưa đầy 5 tháng đã có 14 công nhân tại nhà máy ở Thâm Quyến nhảy lầu tự sát.
Nguyên nhân của các vụ tự tử được chuyên gia cho rằng quá lớn, quy định tại nơi làm việc khắt khe, công nhân thường xuyên phải tăng ca, làm thêm giờ, thu nhập lại thấp không đủ để chi trả cho các nhu cầu cuộc sống nhưng họ lại không dám bỏ việc vì sợ mất miếng cơm manh áo. Áp lực công việc, kinh tế, gia đình… nhưng không có ai để tâm sự, hỗ trợ tâm lý khiến những công nhân này stress trong suốt một thời gian dài dẫn đến trầm cảm và tự sát.
Công ty Điện tử Foxconn Technology của Trung Quốc trở thành tâm điểm khi có 14 công nhân tự tử trong vòng 5 tháng (Ảnh: Getty Images). |
Mặc dù đã 10 năm trôi qua, kể từ sự kiện Foxconn nhưng số lượng công nhân trầm cảm, tự tử tại các khu công nghiệp trên thế giới ngày càng tăng tại nhiều quốc gia. Một nghiên cứu tại Nhật Bản năm 2013 ghi nhận có 32,4% người lao động có triệu chứng của lo âu, suy nghĩ và stress từ công việc trong năm ngoái. Tại Chile, số liệu trong năm 2011 chỉ ra 27,9% người lao động và 13,8% người sử dụng lao động báo cáo rằng căng thẳng và trầm cảm hiện hữu trong doanh nghiệp của họ. Những con số tương tự cũng được tìm thấy tại các quốc gia khác.
Nhật Bản - một trong những quốc gia có tỉ lệ người lao động trầm cảm vì tự tử cao nhất châu Á (Ảnh: Kiyoshi Ota).
Việt Nam tuy chưa có những số liệu thống kê đầy đủ, nhưng những năm gần đây số lượng công nhân gặp các vấn đề , trầm cảm dẫn đến chán nản trong công việc, bỏ nghề ảnh hưởng đến việc sản xuất tại các nhà máy, xí nghiệp có xu hướng tăng cao, nhất là trong bối cảnh khi đất nước chúng ta đang dần đẩy mạnh sự phát triển công nghiệp hóa để có thể hội nhập cùng với thế giới.
Năm 2020, đại dịch Covid-19 cùng suy thoái kinh tế toàn cầu đã khiến cho các xí nghiệp, khu công nghiệp, nhà máy phải tinh giản biên chế, sáp nhập, sử dụng biện pháp thuê ngoài và phụ thầu, công việc bấp bênh, nguy cơ sa thải hàng loạt cao, thất nghiệp, nghèo đói và bị tách biệt khỏi xã hội. Điều này dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần và hạnh phúc của người lao động, thiệt hại tài chính nặng nề.
“Đã có lúc tôi muốn buông xuôi, bỏ cuộc nhưng nếu mình từ bỏ thì gia đình mình sẽ như nào đây?”. Đó là những tâm sự mà chị T., 27 tuổi, công nhân tại KCN Bắc Thăng Long chia sẻ với PV Cuộc sống an toàn.
Từ Thanh Hóa ra Hà Nội, chị T. đã gắn bó với nghề công nhân và KCN này cũng đươc 8 năm tròn. “Thời gian đầu khi mới bắt đầu làm, tôi thường xuyên bị mất ngủ, stress do áp lực đến từ chỉ tiêu trong công việc. Lo lắng mình làm sai, không hoàn thành công việc khiến tôi phải liên tục tăng ca để đảm bảo chỉ tiêu đưa ra. Mất ngủ, căng thẳng làm cơ thể tôi lúc nào cũng trong tình trạng mệt mỏi, thường xuyên khó chịu, cáu gắt với những người xung quanh. Đã có lúc tôi cảm thấy bế tắc quá, muốn bỏ việc nhưng bỏ thì lấy đâu ra tiền mà sống? Thế là tôi lại tiếp tục, tập cho mình quen dần. Tuy nhiên thỉnh thoảng áp lực quá, tôi vẫn mất ngủ, chán nản, mệt mỏi, như thể một vòng luẩn quẩn.
Còn hiện tại bây giờ, mỗi ngày của tôi, sáng thức dậy ăn sáng rồi đi làm, chiều tối về làm việc nhà rồi đi ngủ. Người khác nhìn vào tưởng vậy là an nhàn, tốt đẹp nhưng tôi thì thấy tẻ nhạt quá, giống như một cái máy. Gần 30 tuổi nhưng tôi vẫn chưa dám nghĩ đến chuyện lấy lập gia đình vì sợ mình không thể dành được thời gian cho gia đình, đôi lúc tôi ao ước có người để có thể san sẻ, lắng nghe những tâm sự của mình thì tốt biết mấy”, chị T. nói.
Công nhân nữ ngành May ngủ gục bên bàn làm việc vì mệt mỏi (Ảnh: chotot.com). |
Giống như chị T., anh H., 28 tuổi, công nhân tại Hà Nam, cũng đã làm công nhân được 8 năm, trong đó 3 năm đầu tiên anh đi . Anh chia sẻ, làm công nhân tại nước ngoài là nặng nhất, ảnh hưởng lớn đến tâm lý của anh trong một thời gian dài: “Stress giống như một con sâu đục khoét tôi từ bên trong. Năm đầu tiên sang nước bạn, tôi cứ nghĩ rằng mình chỉ stress do thay đổi môi trường mới rồi sẽ hết. Nhưng sang năm thứ 2, mọi thứ với tôi như bùng nổ. Cả phòng làm việc chỉ có mình tôi đứng máy, không có ai để giao tiếp và trò chuyện, công việc đơn điệu khiến tôi chán nản. Thường xuyên phải làm việc đến 12 tiếng/ ngày, áp lực công việc khiến tôi thường xuyên trong tình trạng sợ hãi không muốn đi làm. Nhiều khi đang làm việc mà có người mở cửa cũng khiến tôi giật mình hoảng sợ xem có phải mình làm sai gì không.
Từ một người hoạt bát, tôi dần ít nói, hạn chế tiếp xúc với mọi người. Thay vào đó tôi đắm chìm vào game, có những ngày tôi chơi game đến 5 tiếng đồng hồ, tay run hẳn đi nhưng tôi không thể dừng được vì không có cách nào giải tỏa stress. Những lúc stress nhất, tôi đã muốn tìm đến cái chết để giải thoát. Mặc dù đã về nước được 5 năm nhưng tôi vẫn chưa thể hoàn toàn bình thường, tôi vẫn sợ giao tiếp, và cáu gắt một cách vô lý với những người xung quanh”.
Câu chuyện của anh H. và chị T. chỉ là 2 trong số rất nhiều câu chuyện, những áp lực mà hàng nghìn người công nhân đã và đang trải qua mỗi ngày.
Trao đổi với PV Cuộc sống an toàn về nguyên nhân của tình trạng stress trong công nhân, Th.S Nguyễn Thị Phương Mai - Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Công nhân là đối tượng rất dễ mắc các chứng bệnh liên quan đến rối loạn lo âu, căng thẳng, trầm cảm do khối lượng công việc nhiều, thời gian làm việc kéo dài, công việc của công nhân cũng thường đơn điệu, lặp đi lặp lại, phân phối công việc không công bằng, công việc bị cô lập hoặc đơn độc không được tiếp xúc nhiều với người xung quanh.
Áp lực trong công việc đến từ sự giám sát khắt khe, bắt buộc đáp ứng sản lượng, năng suất lao động của các công ty lớn. Ngoài ra, nhiều khi còn do mâu thuẫn đến từ người quản lý không hỗ trợ một cách thỏa đáng cho công nhân vấn đề y tế, hành chính. Tiền lương thấp không đủ chi trả cuộc sống hàng ngày tạo nên áp lực về kinh tế khiến họ dám nghĩ đến những khoản giải trí, vui chơi cho bản thân. Cuộc sống vật chất thiếu thốn làm cuộc sống tinh thần của người công nhân tẻ nhạt theo. Tại nhiều nơi môi trường làm việc không đảm bảo, thiếu an toàn, nóng, ồn và độc hại cũng là nguyên nhân gây nên ”.
Th.s Nguyễn Thị Phương Mai - Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai trao đổi với PV Cuộc sống an toàn về nguyên nhân của tình trạng stress trong công nhân. |
Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai, một trong những địa chỉ thăm khám sức khỏe tâm thần được người dân tin cậy (Ảnh: booking care) |
Mất ngủ, căng thẳng, mệt mỏi kéo dài, thường xuyên khó chịu, chán nản, mất mục tiêu, hứng thú trong công việc và cuộc sống là một trong những dấu hiệu cơ bản của căn bệnh rối loạn căng thẳng và trầm cảm. Giai đoạn đầu, người bệnh sẽ chỉ cảm thấy bản thân luôn trong tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, chán nản. Lâu dần, khiến người bệnh mất dần hứng thú với cuộc sống, tìm đến bia rượu, thuốc lá, chất gây nghiện…. để giải tỏa tâm lý. Tính cách họ sẽ trở nên dễ cáu kỉnh, kém chịu đựng, tự ti dẫn đến việc không thể tập trung trong công việc, dễ gây ra các tai nạn lao động, sai sót trong quá trình sản xuất…. Đặc biệt, những suy nghĩ thiếu tích cực, bi quan rất dễ ảnh hưởng trong cộng đồng làm cả dây chuyền hoạt động kém hiệu quả. Nếu không có sự can thiệp kịp thời, những suy nghĩ tiêu cực này khi tích tụ trong thời gian dài dễ dẫn đến ý tưởng hoặc hành vi tự sát.
Giấc ngủ trưa ngay bên đường của công nhân (Ảnh: cuocsongantoan.vn)
Các bạn có thể đón đọc kỳ 2 "Công nhân và stress" vào sáng mai - 11/11/2020. |
Bài: Hạ An