Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thuộc các ngành Dệt may, Da giày, Điện tử, Chế biến gỗ... thời điểm hiện tại đang gặp khó khăn do sụt giảm đơn hàng ở các thị trường lớn dẫn đến việc làm, thu nhập của hàng trăm nghìn người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng. |
Hàng trăm nghìn công nhân thiếu việc, mất việc Sự việc Công ty TNHH Tỷ Hùng (TP. Hồ Chí Minh) chấm dứt hợp đồng với 1.185 công nhân vừa qua cho thấy sự kiệt quệ, không thể chống đỡ của doanh nghiệp khi đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng kéo dài. Dù tìm đủ mọi cách nhưng doanh nghiệp này buộc thu hẹp sản xuất, bất khả kháng phải cho công nhân nghỉ việc trong thời điểm cái Tết đang cận kề. Đó cũng là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp thuộc ngành Dệt may, Da giày, Điện tử, Chế biến gỗ... ở các tỉnh phía Nam hiện nay. Tại tỉnh Đồng Nai, thực trạng thiếu đơn hàng, tồn kho, logistic chậm... đang gây ra áp lực lớn đối với các doanh nghiệp. Nhiều nhà máy sản xuất cầm chừng, công nhân nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật và được khuyến khích “ứng” ngày nghỉ phép của năm sau (2023)… Đồng chí Nguyễn Thị Như Ý – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện có khoảng 450.000 lao động tại địa phương bị ảnh hưởng việc làm. Trong số đó, khoảng 125.000 lao động khó khăn do bị giảm thu nhập; 9.500 lao động đặc biệt khó khăn, 15.000 lao động có nhu cầu về quê. Tính riêng ngành Chế biến gỗ, có tới 62 doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, kéo theo 40.000 lao động bị ảnh hưởng. Tiếp sau đó, ngành Da giày có 24 doanh nghiệp, ngành Dệt may có 12 doanh nghiệp lao đao. Tất cả đều đang có phương án cho NLĐ nghỉ dài ngày, có thể kéo dài cả tháng. Tại Long An, có 41 doanh nghiệp giảm đơn hàng, kéo theo 15.174 công nhân lao động bị ảnh hưởng. Báo cáo từ LĐLĐ tỉnh Long An cho thấy, 10.297 lao động bị giảm giờ làm, 1.251 lao động phải chấm dứt hợp đồng (trong đó có 331 lao động nữ mang thai và nuôi con nhỏ). |
Chị Nguyễn Thị Kim Nhã, công nhân Công ty TNHH Tỷ Hùng buồn bã khi nghĩ về cảnh đứt lương, đứt bữa. Ảnh: lozaph.com |
Cũng theo số liệu từ LĐLĐ tỉnh Long An, trong 41 doanh nghiệp nói trên, có 18 công nhân bị nợ lương với số tiền trên 300 triệu đồng, 982 người bị nợ Bảo hiểm xã hội (BHXH) với số tiền trên 8 tỷ đồng. Công đoàn Các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Long An cho biết, qua số liệu tổng hợp chưa đầy đủ, tính đến 9/11/2022, đã có hơn 4.100 công nhân lao động tại hơn 17 doanh nghiệp trong các KCN bị ảnh hưởng do thiếu giảm đơn hàng. Hơn 1.000 công nhân bị chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn và hơn 3.100 người bị giảm việc. Đáng chú ý, gần 170 công nhân bị mất việc hoặc giảm giờ làm là nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ. Trong đó, Công ty CP Del Tech (KCN Phúc Long, huyện Bến Lức) mới chấm dứt hợp đồng lao động trên 700 công nhân. Công ty TNHH Yujin Kreves (KCN Hòa Bình, huyện Thủ Thừa) có 720 công nhân bị giảm giờ làm. |
Sụt giảm đơn hàng, doanh nghiệp buộc cắt giảm lao động Trao đổi về thực trạng thiếu đơn hàng ở các doanh nghiệp ngành Dệt may, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, khó khăn bắt đầu từ tháng 9/2022. Doanh nghiệp thiếu đơn hàng trong khi đơn giá thì sụt giảm, nhiều khách hàng đưa mức giá chỉ bằng 50%, thậm chí 40% so với mức bình thường. Cuộc khảo sát của Hiệp hội Dệt may vừa qua cho thấy, những doanh nghiệp có khách hàng truyền thống thì có đơn hàng sản xuất đến hết năm 2022, thậm chí gối sang đầu năm 2023. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nêu thực trạng thiếu đơn hàng xảy ra trên diện rộng: “Tại thị trường Mỹ, chúng tôi đã nhìn thấy sự sụt giảm ngay tháng 8 (giảm 3%), còn thị trường châu Âu giảm 3,2%; sang tháng 9 tiếp tục đà sụt giảm. Tình hình này có khả năng kéo dài đến quý 1/2023 và hy vọng trở lại bình thường vào quý 2/2023”, ông Trương Văn Cẩm cho hay. |
Quang cảnh buổi họp chiều ngày 10/11 giữa LĐLĐ tỉnh An Giang và lãnh đạo Công ty TNHH An Giang Samho bàn giải pháp hỗ trợ công nhân bị mất việc. Ảnh: CĐ |
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lý giải việc các doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng, buộc cắt giảm hoặc cho lao động nghỉ việc thời gian qua là do những biến động của thế giới, biến động thị trường đã khiến các thị trường có sức mua lớn, năng lực chi trả cao như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc phải điều chỉnh. Theo TS. Đỗ Quỳnh Chi, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ lao động, đơn hàng của các công ty ở Việt Nam chủ yếu xuất sang thị trường EU và Mỹ. Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng vừa qua, chủ yếu dựa vào đơn hàng xuất khẩu theo hai cách: Một là doanh nghiệp xuất khẩu cho thị trường đích, nghĩa là một nhãn hàng ở thị trường EU, Mỹ đặt hàng nhà máy ở Việt Nam, mua trực tiếp và doanh nghiệp Việt Nam vận chuyển hàng sang thị trường của họ; hai là xuất khẩu gián tiếp của doanh nghiệp vừa và nhỏ do không đáp ứng đủ yêu cầu của nhãn hàng, phải thông qua một nhà máy có khả năng sản xuất trực tiếp. Công ty TNHH An Giang Samho - nơi vừa chấm dứt hợp đồng lao động với gần 1.200 công nhân. Ảnh: TL |
Hiện tại tất cả chuỗi cung ứng toàn cầu phụ thuộc rất nhiều vào các nhãn hàng ở các thị trường nhập khẩu là thị trường đích. Trước mỗi mùa, các nhãn hàng đều dự báo về nhu cầu thị trường như tổng lượng mua hàng, kiểu mẫu mới, nhu cầu người tiêu dùng... Từ đó đặt hàng cho các nhà máy sản xuất ở Việt Nam. Hiện nay các nhà máy ở Việt Nam đang sản xuất hàng cho mùa Giáng sinh, mùa Đông cho các nước EU và Mỹ, đồng thời bắt đầu đàm phán đơn hàng cho mùa Xuân, Hè. Tuy nhiên, dự báo của các nhãn hàng ở Mỹ và EU thì đơn hàng rất ít vào mùa Xuân, mùa Hè tới. TS. Đỗ Quỳnh Chi đánh giá, hiện các tổng cầu của người tiêu dùng đang giảm sút rất mạnh do ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao. Người dân buộc phải cắt giảm những nhu cầu chưa cấp thiết như mua sắm đồ nội thất mới, quần áo thời trang, giày dép. Thay vào đó, họ dành tiền mua đồ tối cần thiết như lương thực, thực phẩm. Chính vì lý do đó, nhiều nhà máy ở Việt Nam không có đủ đơn hàng để làm. Tùy vào quy mô, họ buộc phải lựa chọn một trong hai phương án: Đối với nhà máy lớn, có nguồn lực lớn hơn thì gồng lỗ để duy trì lao động; các doanh nghiệp xuất khẩu gián tiếp không có khả năng tài chính thì buộc phải cho NLĐ nghỉ việc hoặc giãn việc. “Trường hợp Công ty TNHH Tỷ Hùng cho thấy họ đã bắt đầu lựa chọn cho NLĐ nghỉ việc. Hiện tại, đa số doanh nghiệp chưa làm như Tỷ Hùng bởi việc phải cho NLĐ nghỉ việc là bất khả kháng. Doanh nghiệp đang cố gắng cắt giảm tối đa chi phí không cần thiết, cho công nhân giãn ca, duy trì lao động. Tuy nhiên, nếu qua mùa hè sang năm chưa có tín hiệu phục hồi thì nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Do vậy, doanh nghiệp đang hi vọng nền kinh tế phục hồi nhanh, đơn hàng quay trở về”, TS. Đỗ Quỳnh Chi cho biết. ------ |
Bài viết: HÀ VY |