Công nhân nhiễm độc thiếc gửi đơn yêu cầu bồi thường
Sau quãng thời gian phải nghỉ việc để điều trị do nhiễm độc thiếc, tập thể công nhân gồm 10 người từng làm việc tại Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam vẫn chưa nhận được bồi thường từ phía Công ty. Ngày 10/11, họ đã gửi đơn tới các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương đề nghị giúp đỡ, giải quyết vấn đề bồi thường trách nhiệm dân sự.
Anh Nguyễn Kim Cương (SN 1978), công nhân Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam bị nhiễm độc thiếc
Tháng 8/2020, Tạp chí điện tử Cuộc sống an toàn có phản ánh về vụ việc nhiễm độc thiếc tại Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam (Cụm công nghiệp Ngũ Hùng, xã Thanh Giang, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) qua bài viết: và . Hai bài viết nêu trên cho thấy, sau một thời gian ngắn làm việc tại bộ phận nghiền liệu của Công ty Quảng Phong, 4 công nhân ở thôn Đồng Mỹ, xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình có biểu hiện suy nhược cơ thể, mất trí và thần kinh hoang tưởng. Họ là những trường hợp nhiễm độc thiếc đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam. Một người trong số đó đã tử vong, ba người còn lại vẫn chưa hoàn toàn bình phục. Tuy nhiên, số nạn nhân của vụ nhiễm độc thiếc xảy ra tại Công ty Quảng Phong còn nhiều hơn thế, và việc bồi thường vẫn chưa được Công ty giải quyết ổn thỏa.
Đơn đề nghị của tập thể và cá nhân các được gửi tới UBND tỉnh Hải Dương, Sở Y tế, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường, Liên đoàn Lao động, Công an tỉnh Hải Dương nêu rõ, tập thể công nhân làm việc tại bộ phận nghiền liệu của Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 2019 đến tháng 8/2020. Trong quá trình làm việc, họ có biểu hiện đau đầu, đau mắt, mệt mỏi, suy giảm trí nhớ, không kiểm soát được hành vi...
Đơn nêu: “Anh em chúng tôi xin công ty nghỉ để đi khám bệnh vài ngày. Sau khi khám và có kết quả mang vào Công ty để đi làm thì Công ty tự cho chúng tôi nghỉ việc”.
Trong thời gian nghỉ ở nhà, các công nhân đi khám ở nhiều nơi nhưng không rõ bệnh. Đến ngày 14/7/2020, anh Nguyễn Đức Hảo (SN 1985) – một trong những công nhân bộ phận nghiền liệu của Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam . Anh được xác định là một trong những trường hợp nhiễm độc thiếc cấp tính đầu tiên tại Việt Nam được phát hiện. Trước tình hình đó, Bệnh viện Bạch Mai có Công văn báo cáo Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh Hải Dương, đồng thời kêu gọi những công nhân làm việc tại bộ phận nghiền liệu của Công ty Quảng Phong khẩn trương đi khám sàng lọc.
Sau khi đi khám, các công nhân được xác định nhiễm độc thiếc nặng, nồng độ thiếc trong máu và nước tiểu cao gấp hàng chục lần ngưỡng cho phép, ảnh hưởng đến não bộ, phải trải qua quá trình điều trị hàng tháng trời với chi phí tốn kém. Điều đáng nói, đến thời điểm hiện tại, sức khỏe của họ vẫn bị ảnh hưởng, với các triệu chứng đau đầu, khó thở, giảm trí nhớ..., không đủ khả năng lao động và định kỳ hàng tháng vẫn phải đi khám tại Bệnh viện Bạch Mai.
Trước tình hình đó, tập thể công nhân gồm 10 người và gia đình của họ đã viết đơn đề nghị các cơ quan chức năng giúp đỡ trong việc yêu cầu Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam bồi thường về trách nhiệm dân sự, bao gồm viện phí; thuốc men; phương tiện đi lại, về mặt sức khỏe bị ảnh hưởng theo quy định của pháp luật...
Anh Bùi Trọng Ngũ (SN 1975) trải qua 36 ngày cấp cứu, điều trị do thiếc tại Bệnh viện Bạch Mai
Trong đơn gửi các cơ quan chức năng, chị Lê Thị Giầu - vợ anh Vũ Đình Trượng (SN 1977, ở Thanh Miện, Hải Dương – làm việc tại Công ty Quảng Phong từ tháng 3 đến tháng 5/2020) cho biết: “Trong thời gian nằm viện đến khi xuất viện, Công ty không có bất kỳ hình thức thăm hỏi đến công nhân - bệnh nhân là chồng tôi, mà còn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Nay tôi làm đơn này cùng các anh em bị bệnh trong bộ phận nghiền liệu mong các cơ quan ban ngành yêu cầu phía công ty bồi thường trách nhiệm dân sự cho chúng tôi”. Anh Trượng làm việc tại Công ty Quảng Phong từ tháng 3 đến tháng 5/2020, sau đó có triệu chứng mệt mỏi, đau đầu, đau mắt, ù tai, suy giảm trí nhớ, nói năng lảm nhảm... Ngày 7/5/2020, anh Trượng được gia đình đưa đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Miện và được giới thiệu lên Bệnh viện Tâm thần Hải Dương. Từ 11/5 đến 8/6/2020, anh được cấp cứu, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hải Dương.
Một trường hợp khác là chị Phạm Thị Bẩy (SN 1976, ở Quỳnh Phụ, Thái Bình) làm việc tại bộ phận nghiền liệu, Công ty Quảng Phong từ 1/7 đến 25/7/2020 sau đó sức khỏe bị giảm sút, sụt cân, đau đầu, suy giảm trí nhớ, mắt mờ, nổi mụn khắp người... Chị Bẩy được điều trị 2 lần tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai với tổng thời gian 40 ngày trong tình trạng nhiễm độc thiếc nặng. Hiện tại, dù đã xuất viện nhưng mắt vẫn mờ và .
Nỗi đau người mẹ có con tử vong do nhiễm độc thiếc
Được biết, chiều ngày 3/11/2020, Công ty TNHH Quảng Phong Việt Nam có buổi làm việc với từng cá nhân và đại diện gia đình công nhân bị nhiễm độc thiếc về việc thỏa thuận hỗ trợ chi phí khám và điều trị theo hồ sơ khám chữa bệnh. Tuy nhiên, các công nhân và gia đình không đồng ý với biên bản thỏa thuận từ phía Công ty.
Ông Nguyễn Văn Huỳnh, chồng bà Phạm Thị Bẩy cho biết: “Họ (phía Công ty – PV) gặp từng người, đưa cho mỗi người một tờ biên bản thỏa thuận, trong đó có sẵn chữ ký và con dấu của Giám đốc. Họ yêu cầu nếu đồng ý với thỏa thuận mà Công ty đưa ra thì cung cấp số tài khoản và ký xác nhận. Họ đề nghị hỗ trợ toàn bộ chi phí khám, điều trị và hỗ trợ thêm từ 2 đến 4 tháng lương thử việc tùy theo mức độ nặng nhẹ. Nhưng chúng tôi không đồng ý, vì họ không hề nhắc tới chi phí đi lại, người chăm sóc, đền bù thiệt hại sức khỏe mà đến bây giờ vợ tôi và anh chị em khác vẫn đang bị ảnh hưởng, không lao động được”.
Người lao động gửi đơn yêu cầu bồi thường tới các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương
Trao đổi với PV Cuộc sống an toàn, Luật sư Vũ Ngọc Hà – Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cho biết: “Đối với trường hợp này, người lao động đòi hỏi như vậy là hợp lý. Nhưng nếu căn cứ vào luật dân sự để yêu cầu bồi thường thì chưa hợp lý, vì sự việc xuất phát từ mối quan hệ lao động giữa hai bên, người lao động làm việc tại xưởng sản xuất, sau đó bị nhiễm độc thiếc, suy giảm sức khỏe”.
Ông Hà nói thêm: “Trách nhiệm của công ty đối với trường hợp người lao động bị tai nạn lao động hay bệnh nghề nghiệp thì trong Điều 38, Luật An toàn vệ sinh lao động đã quy định rất rõ: Thứ nhất, công ty phải có trách nhiệm trả toàn bộ tiền lương trong thời gian điều trị. Thứ hai, trả toàn bộ tiền thuốc men, viện phí và chi phí y tế. Thứ ba, giới thiệu người lao động đi giám định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động để làm cơ sở cho việc chi trả chế độ. Trong trường hợp có kết quả giám định, công ty phải chi trả cho người lao động thêm 1 khoản bồi thường hoặc hỗ trợ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tùy theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động. Sau khi công ty chi trả xong thì chuyển toàn bộ hồ sơ qua Bảo hiểm xã hội để cơ quan này căn cứ vào đó trợ cấp cho người lao động một lần hoặc hàng tháng”.
Cuộc sống an toàn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc!
Điều 38 Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: 1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp; 2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau: a) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do Bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế; b) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa; c) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế; 3. Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động; 4. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau: a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%; b) Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp |
Bài và ảnh: Ý Yên