Công nhân ngành dệt may dễ mắc phải những bệnh gì?
***
Làm việc trong môi trường ồn ào, nhiều bụi trong thời gian dài khiến công nhân may thường mắc phải bệnh nghề nghiệp gây ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất lao động.
Hình ảnh công nhân may trong giờ làm việc.
Chị Nguyễn Thị Hoa (quê Hà Nam) đã có thâm niên làm việc hơn chục năm tại các công ty may mặc. Làm công nhân may có những ngày phải tăng ca đến 12 tiếng nên bây giờ chị Hoa hay bị đau tay, đau lưng và tê chân. Có những lúc tay đau không nhấc lên được, chị phải đi tiêm để giảm đau.
Chị Trần Thị Yến là công nhân Công ty TNHH May Đồng Tâm (Hải Dương) chia sẻ: "Mình làm công việc may cũng ngót nghét 15 năm rồi, ngồi máy nhiều nên hay bị đau lưng, nhức đầu. Bây giờ theo nghề cũng lâu rồi mà chuyển thì cũng không biết chuyển đi đâu nên vẫn cứ làm”.
Có khá nhiều công nhân may cũng gặp phải những căn bệnh tương tự bởi đặc thù công việc của ngành Dệt may. Theo số liệu khảo sát trên 1.000 công nhân may tuổi từ 25 - 35 tại 3 doanh nghiệp ở Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai của Viện Vệ sinh Y tế Cộng đồng TP. Hồ Chí Minh thực hiện trong vòng 4 tháng cho thấy: Có 93% công nhân bị mệt mỏi sau lao động; 47% công nhân bị mệt mỏi toàn thân; 16,7% công nhân bị chứng bệnh nặng đầu, nhức đầu; 15,1% công nhân có ; 80% đau mỏi cơ, xương khớp tại thắt lưng, vùng cổ và bả vai.
Công nhân may dễ mắc bệnh xương khớp do đặc thù công việc.
Bệnh xương khớp cũng là một loại bệnh phổ biến ở công nhân may bởi cường độ làm việc cao, phải hoạt động liên tục và ngồi lâu với một tư thế trong thời gian dài. Các vùng dễ bị đau mỏi nhất là vùng vai gáy, vùng lưng và thắt lưng, ngoài ra còn cảm giác tê bì chân tay, mỏi gối.
Do công việc phải tiếp xúc nhiều với sợi bông, sợi đay, sợi gai,... nên công nhân may còn có nhiều nguy cơ mắc phải nếu không thường xuyên đeo khẩu trang trong quá trình làm việc.
Làm việc trong các công ty dệt may với tiếng ồn vượt quá quy chuẩn cho phép trong thời gian dài là nguyên nhân khiến công nhân may dễ mắc phải bệnh điếc. Tiếng ồn đến từ sự vận hành của hàng nghìn máy may hay máy dệt gây giảm thính lực ở những người lao động ngành Dệt may.
Không chỉ ảnh hưởng về thể chất, công nhân may cũng dễ bị căng thẳng và rối loạn cảm xúc do đặc thù công việc phải liên tục quan sát những chi tiết nhỏ như đường kim, mũi chỉ. Ngoài ra còn những áp lực từ chỉ tiêu, yêu cầu chính xác về sản phẩm khiến người công nhân cảm thấy áp lực và căng thẳng.
Làm việc với những chi tiết nhỏ cần tập trung cao độ để đảm bảo độ chính xác khiến công nhân may dễ bị căng thẳng.
Để giảm thiểu và hạn chế những nguy cơ mắc bệnh, công nhân may nên trang bị khẩu trang chống bụi, tăng cường vận động bằng các bài tập đơn giản, ăn uống điều độ và khám sức khỏe định kỳ. Ngoài ra để giảm áp lực và căng thẳng, công nhân có thể nghỉ ngơi, nghe nhạc, xem phim hoặc tham gia vào các hoạt động cộng đồng tại .
Bà Bùi Thị Thanh Phương - Phó Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty May 10 cho biết: “Để giải tỏa áp lực làm việc cho công nhân, công ty thường có hoạt động thể dục giữa giờ để công nhân có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, vận động. Khoảng thời gian không nhiều nhưng đủ để lấy lại tinh thần, nạp lại năng lượng và giúp người lao động thấy thoải mái và khỏe khoắn hơn. Ngoài ra chúng tôi cũng tổ chức khám sức khỏe định kỳ 1 năm 2 lần cho người lao động để có thể kịp thời phát hiện bệnh và điều trị sớm”.
Bà Bùi Thị Thanh Phương (đứng) - Phó Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty May 10 chia sẻ cùng công nhân
Sức khỏe là một trong những yếu tố quan trọng quyết định năng suất lao động. Vì vậy công nhân cần được quan tâm bảo vệ sức khỏe để hạn chế tối đa các bệnh nghề nghiệp. Doanh nghiệp cần thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, trang bị đồ bảo hộ khi làm việc, đồng thời tạo môi trường làm việc thân thiện, phân bố thời gian làm việc hợp lý, nâng cao chất lượng bữa ăn ca để đảm bảo về cả thể chất lẫn tinh thần cho công nhân.
Bài: Minh Minh