Công nhân bám trụ nhà máy, gồng mình để “ổn định”
Mâm cơm "thừa rau thiếu đạm".
Làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ ba tiếp tục tác động mạnh đến người lao động, đặc biệt là công nhân ngành May mặc do hoạt động xuất khẩu của các nhà máy, xí nghiệp giảm, trong khi đó thị trường nội địa chưa hoàn toàn phục hồi sau hai đợt dịch. Để duy trì cuộc sống, nhiều công nhân chấp nhận giảm lương, chia sẻ gánh nặng với doanh nghiệp. Việc cắt giảm thu nhập khiến đời sống của họ vốn không dễ dàng nay lại chồng chất thêm nhiều khó khăn. Hai vợ chồng đều là công nhân nhà máy may, anh Tú và chị Lan cảm nhận rõ ảnh hưởng của đợt dịch lần này qua thu nhập từng tháng. Anh Tú (công nhân Công ty TNHH May Hoàng Gia, Lĩnh Nam, Hà Nội) chia sẻ, trước khi trở thành đại dịch trên , các đơn hàng chủ yếu của đối tác nước ngoài. Hiện nay, nhu cầu về ngành May mặc giảm, đơn hàng xuất khẩu gần như không có. Trong hai đợt dịch đầu tiên, để đối phó với tình trạng không có việc cho công nhân, nhà máy đã chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang. Đây là hướng đi chung của nhiều doanh nghiệp may vừa và nhỏ khiến thị trường khẩu trang đã hẹp nay còn cạnh tranh khốc liệt. Đến đợt dịch thứ ba, tuy vẫn là mặt hàng thiết yếu nhưng việc nhiều đơn vị cùng tập trung sản xuất, thị trường bị chia nhỏ, khẩu trang không còn là sản phẩm cứu cánh cho doanh nghiệp. Khuôn mặt anh Tú hằn rõ những vất vả của cuộc sống mưu sinh. Đẩy mạnh tiếp cận thị trường trong nước song phần lớn các đơn hàng của công ty phục vụ các cửa hàng quần áo trong ngắn hạn. Việc ít lại không đều, anh Tú thở dài, lương công nhân may tính theo sản phẩm, giờ tiền tháng nào nhận thì biết tháng đấy. "Trước dịch, tháng cao điểm anh được 7 triệu, nay cuối tháng nhận lương chỉ khoảng 5 triệu. Anh làm lâu năm, lương thấp cũng không dám bỏ, cố đóng bảo hiểm cho đủ tháng, đủ năm. Giờ nghỉ, đi làm ngoài nếu lương cao hơn cũng chỉ đủ bù vào tiền bảo hiểm", anh Tú chia sẻ. Nghĩ đến tương lai, chị Lan chỉ biết thở dài. Câu chuyện giảm tiền lương cũng khiến chị Lan (công nhân Công ty Cổ phần May Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội) không khỏi nhăn mặt. Đơn giá một sản phẩm áo hoàn thiện trước dịch là 30 nghìn, giờ giảm còn 10 nghìn. Lương chị cũng giống như anh Tú, trung bình mỗi tháng được 6 - 7 triệu, nay có tháng chỉ được gần 5 triệu. Bốn đứa con đang trong độ tuổi đi học, sinh hoạt phí hàng tháng đè nặng lên đôi vai của hai vợ chồng. Chị lau vội giọt nước mắt khi tôi hỏi chuyện về những đứa trẻ. Đứa lớn năm nay thi đại học, ngoài tiền học theo quy định của Nhà nước, tiền học thêm, tiền mua sách vở ôn tập, sắm sửa đồ dùng cũng tốn một khoản không nhỏ. Hai đứa liền sau học cấp hai, đứa út học cấp một. Theo chủ trương học trực tuyến của Bộ GD-ĐT, lo trước, lo sau, cố gắng lắm anh chị mới mua được một cái máy tính và một chiếc điện thoại thông minh. Cả hai đều là hàng cũ, ấy thế lúc mua máy cho con từ đợt dịch đầu tiên, anh chị phải vay mượn thêm mới đủ. Bốn đứa nhỏ cùng ở nhà, công tơ điện, đồng hồ nước cứ thế nhảy số. "Tiền trả nợ chưa hết, lịch học của cả bốn đứa lại trùng nhau. Lo bữa cơm có thịt còn khó, chẳng biết lấy tiền đâu mua thêm cho con cái điện thoại cũ để học. Thôi thì vì con vì cái, máy của bố mẹ cũng phải để ở nhà cho hai đứa nhỏ. Giờ những lúc đi làm, hai vợ chồng cứ như “người tối cổ”, chẳng biết mọi chuyện bên ngoài thế nào", chị Lan cho biết. Con học online, mẹ nhường điện thoại. Nhà có một cái xe máy để anh Tú đi làm, còn chị Lan đi xe buýt. Để đảm bảo giãn cách, mỗi chuyến xe buýt nhận không quá 20 khách. 7 giờ 30 phút bắt đầu làm, chẳng còn cách nào khác, chị Lan phải đi sớm hơn mọi khi đến cả tiếng đồng hồ. Chiều tan làm, có khi đợi 3 - 4 chuyến chị mới lên được xe trở về nhà. Lương thấp, việc nay có mai không, giờ còn phải đi sớm về muộn nhưng chị chọn chấp nhận và cố không than phiền mỗi ngày. Chị sợ công ty cho nhân viên làm việc luân phiên, sợ thái độ mình không đủ tốt bị vào danh sách cho thôi việc nếu công ty cắt giảm nhân sự. Rồi chuyện con cái, nhà cửa, đảo lộn hết cả. Gồng mình chạy đua với thời gian mỗi ngày để lo chu toàn việc nhà và việc cơ quan, chị Lan cảm thấy bản thân như bị bào mòn từ thể xác tới tinh thần. Chị lo đại dịch kéo dài, hai anh chị không trụ nổi khi chi thì ngày một tăng mà lương thì cứ giảm. Học thời Covid-19, tất cả qua màn hình. Chưa có dịch, bữa nào nhà chị cũng ba món, thịt hoặc cá và hai món rau đầy đặn. Giờ mâm cơm nhìn đâu cũng thấy màu xanh, thỉnh thoảng được thêm đĩa trứng cho bọn trẻ con đỡ thèm. Chị nói mà nước mắt chỉ chực trào, nhà đâu có đến nỗi, bố mẹ đi làm công nhân nhà máy, có công ăn việc làm đàng hoàng mà giờ bùng dịch, cả trăm thứ phát sinh phải chi. Chẳng nghĩ sẽ có lúc cả tuần mới mua được con cá, miếng thịt. Chị vừa dứt lời thì anh cũng quay đi, lén lau nước mắt. Một gia đình tưởng như vững chãi và ổn định, nhưng ba đợt dịch tràn qua như cuốn đi hết những tích lũy và cả sự tự tin của những người làm cha, làm mẹ. Anh Tú, chị Lan cùng các con là một trong hàng ngàn, hàng trăm ngàn gia đình có mức sống trung bình nay phải đối mặt với sự bấp bênh vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Rời khỏi nhà anh chị, tôi nhẩm tính, đến thứ mấy mới lại có thịt? |
Bài viết & Ảnh: Ngọc Châm
|