Công nhân lao động Nghệ An mong Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt vấn đề nhà ở xã hội
Công đoàn - 12/06/2022 16:11 Mai Liễu
Đồng chí Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An chủ trì điểm cầu. Ảnh: MAI LIỄU |
Tham dự chương trình tại điểm cầu Nghệ An, có đồng chí Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An, chủ trì hội nghị; đồng chí Ngọc Kim Nam - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; đồng chí Võ Thị Minh Sinh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; đại diện các sở, ngành, đơn vị; lãnh đạo, trưởng các ban LĐLĐ tỉnh và 50 công nhân lao động tiêu biểu.
Trước khi bước vào phần đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Minh Chính đã chia sẻ tin vui đến cán bộ công đoàn, công nhân lao động cả nước rằng sáng nay, ngày 12/6/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, lương tối thiểu vùng được tăng lên 6% và Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/7/2022. Lắng nghe thông tin này, các đại biểu tại điểm cầu Nghệ An đã vỗ tay chúc mừng, niềm vui này càng tạo thêm sự háo hức, động lực cho công nhân phát biểu ý kiến, chờ đợi các vấn đề đối thoại tại chương trình.
Công nhân lao động Nghệ An lắng nghe phát biểu của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: MAI LIỄU |
Trong không khí cởi mở, cuộc đối thoại đã ghi nhận 13 ý kiến, kiến nghị từ người lao động. Sau mỗi kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ và đại diện các bộ, ngành đã trực tiếp trả lời người lao động một cách thấu đáo, đầy đủ. Tại điểm cầu Nghệ An, anh Nguyễn Đình Biên, công nhân Công ty TNHH Woosin Vina (KCN VSIP) chia sẻ với Thủ tướng: "Anh chị em công nhân chúng cháu luôn nỗ lực lao động, không ngừng nâng cao năng suất với mong muốn nâng cao thu nhập, giúp doanh nghiệp phát triển nhưng hiện nay công nhân còn gặp nhiều khó khăn, không yên tâm làm việc, đó là vấn đề nhà ở và trường học cho con. Cháu đại diện cho công nhân lao động Nghệ An xin được đề nghị Thủ tướng quan tâm chỉ đạo quyết liệt công tác quy hoạch, triển khai xây dựng nhà ở, nhà trẻ, trường học, nơi sinh hoạt văn hóa cho công nhân lao động, nhất là tại khu công nghiệp, khu chế xuất".
Anh Nguyễn Đình Biên, công nhân Công ty TNHH Woosin Vina (KCN VSIP) nêu kiến nghị với Thủ tướng. Ảnh: MAI LIỄU |
Trả lời kiến nghị của anh Biên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, chỉ đạo việc thúc đẩy các hoạt động đầu tư, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Trong giai đoạn 2016-2021, cả nước đã đầu tư được 73 triệu mét vuông nhà ở xã hội, trong đó nhà ở công nhân đã thực hiện được 122 dự án với quy mô 2,7 triệu mét vuông. Với số lượng đó, mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu nhà ở cho công nhân trong cả nước. Đây là một hạn chế khi chưa đạt mục tiêu đề ra.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh khẳng định, hiện nay nhu cầu nhà ở của công nhân là rất lớn bởi các khu công nghiệp ngày càng nhiều. Trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc thúc đẩy các dự án nhà ở xã hội. Các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tập trung vào các nhóm vấn đề như sau:
Thứ nhất, là hoàn thiện thể chế và các cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Từ năm 2021 đến nay, Chính phủ đã sửa đổi Nghị định 100 về phát triển nhà ở xã hội, nay thành Nghị định 49; sửa đổi Nghị định 82 về quản lý các khu công nghiệp vừa ban hành được một năm; Bộ Xây dựng cũng đã sửa đổi và ban hành Thông tư 09 về trình tự lựa chọn chủ đầu tư nhà ở xã hội; các chính sách khác liên quan đến công tác cải cách thủ tục hành chính.
Trong quá trình sửa đổi, nổi lên một số nhóm chính sách rất quan trọng, tác động, thúc đẩy đến hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân. Nhóm chính sách thứ nhất, làm thế nào để dành được các quỹ đất đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, cái này đã có quy định. Thứ nhất, quy định tất cả các dự án nhà ở thương mại đều phải dành 20% quỹ đất để làm nhà ở xã hội. Thứ hai, khi cấp đất làm khu công nghiệp cũng phải dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở cho người lao động. Thứ ba là giao cho UBND các tỉnh, thành phố tùy vào tình hình thực tế, bố trí các khu đất để xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Công nhân lao động Nghệ An gửi 9 kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: MAI LIỄU |
Nhóm chính sách thứ hai cũng tác động rất lớn đến việc xây dựng nhà ở xã hội, đó là các chính sách ưu đãi. Chính phủ đã chỉ đạo dành rất nhiều chính sách ưu đãi, cụ thể là miễn tiền sử dụng đất đối với nhà đầu tư; miễn và giảm 50% thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp; chủ đầu tư được dành 20% nhà ở thương mại trong các khu nhà ở xã hội để bù đắp các chi phí; các dự án đầu tư nhà ở xã hội sẽ được các địa phương hỗ trợ một phần về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Nhóm chính sách thứ ba liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đầu tư nhà ở xã hội cho nhà đầu tư và thủ tục mua nhà cho công nhân lao động. Cuối cùng là nhóm chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư vay vốn với lãi suất ưu đãi để xây dựng nhà ở xã hội.
Thời gian qua, Chính phủ phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện các dự án về thiết chế công đoàn, tham gia vào các hoạt động đầu tư nhà ở công nhân, đặc biệt là đầu tư các công trình trường học, nhà trẻ, công viên, siêu thị phục vụ cho công nhân. Bên cạnh các chính sách, Chính phủ cũng ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị để đôn đốc, triển khai thực hiện.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phấn khởi chia sẻ, ngày 30/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Chương trình này có quy mô hỗ trợ là 350 nghìn tỉ đồng. Đối với nhóm đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân cũng đã nằm trong chương trình này. Theo đó, có 2 nhóm chính sách được bổ sung để hỗ trợ, thứ nhất là hỗ trợ chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vay vốn với lãi suất 2%, quy mô 40.000 tỉ đồng; thứ hai hỗ trợ người lao động vay vốn với thời hạn 25 năm, lãi suất là 1,8%, quy mô của gói này là 15.000 tỉ đồng. Với hai chính sách này, sẽ tạo điều kiện rất lớn cho chủ đầu tư và người lao động.
Thủ tướng lắng nghe và chỉ đạo lãnh đạo Bộ Xây dựng, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang, chủ đầu tư khu nhà ở xã hội Vân Trung (Bắc Giang) trả lời về các vấn đề liên quan đến nhà ở xã hội. Ảnh: MAI LIỄU |
Lắng nghe các ý kiến trả lời của Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ cũng nêu vấn đề có những vướng mắc trong việc quy hoach, sử dụng quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, bởi vướng phải các quy định của Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật đầu tư...Các địa phương, đơn vị đã có nhiều phản ánh về vấn đề này, đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ ngành liên quan rà soát những vướng mắc, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội.
Lắng nghe ý kiến, kiến nghị của công nhân lao động trong cả nước, công nhân lao động Nghệ An thấy được các vấn đề của mình trong đó và khi lắng nghe trả lời của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, công nhân hiểu hơn về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công nhân lao động qua việc ban hành nhiều chế độ, chính sách, đồng thời, nỗ lực thực hiện các chính sách ngày một tốt hơn. Kết thúc chương trình, công nhân lao động chia sẻ, buổi đối thoại thực sự rất thiết thực, ý nghĩa, mang lại niềm tin, niềm hy vọng cho công nhân lao động.
Anh Nguyễn Đình Biên, công nhân Công ty TNHH Woosin Vina chia sẻ: "Tôi hài lòng về sự thấu hiểu, chỉ đạo giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân của Thủ tướng Chính phủ. Thứ trưởng Bộ Xây dựng trả lời cũng dễ hiểu, thông tin thêm cho chúng tôi về các chính sách hỗ trợ nhà ở cho công nhân lao động của Chính phủ cũng như các định hướng thời gian tới. Tôi vẫn mong, Thủ tướng Chính phủ sẽ quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt vấn đề nhà ở cho công nhân, không để người lao động mong mỏi kéo dài, không an cư để lạc nghiệp".
Công nhân vui vẻ trò chuyện về việc được tăng lương. Ảnh: MAI LIỄU |
Đánh giá về buổi đối thoại giữa Thủ tướng với công nhân lao động, đồng chí Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An cho rằng, đây là một buổi đối thoại thành công, bởi người đứng đầu Chính phủ đã rất quan tâm, coi trọng, lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ với các vấn đề của công nhân lao động. Những kiến nghị được Tổng LĐLĐ Việt Nam tổng hợp đã cơ bản bao quát hết những vấn đề bức thiết mà công nhân lao động luôn quan tâm, trăn trở và cả bức xúc. Thủ tướng đã nhấn mạnh, các vấn đề công nhân đề xuất đều rất đúng, rất trúng, rất chính đáng, rất cần phải giải quyết; lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị tiếp thu, tập hợp, rà soát lại thể chế, cơ chế chính sách, bổ sung sửa đổi hoàn thiện để cùng giải quyết cho công nhân lao động.
"Dù vẫn còn nhiều khó khăn, trăn trở nhưng tin tưởng rằng Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị luôn quan tâm, chăm lo cho giai cấp công nhân. Buổi đối thoại hôm nay cũng sẽ giúp thay đổi suy nghĩ và hành động của công nhân lao động" - Đồng chí Lê Hồng Vinh nói.
Đồng chí Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho rằng, người đứng đầu Chính phủ đã rất quan tâm, gần gũi, mong muốn giải quyết thỏa đáng, kịp thời những khó khăn cho công nhân lao động. Ảnh: MAI LIỄU |
Còn đồng chí Kha Văn Tám - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An vui vẻ chia sẻ: "Đầu tiên, tôi thấy vui khi ngay khi mở đầu chương trình ý nghĩa này, Thủ tướng thông tin việc Chính phủ đã ban hành Nghị định tăng lương tối thiểu cho người lao động. Đây là vấn đề người lao động quan tâm, kiến nghị lâu nay. Niềm vui nữa là hai tháng qua, chúng tôi thấy hài lòng khi có hai cuộc đối thoại thành công. Đó là cuộc đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An với công nhân lao động trên địa bàn tỉnh. Ở chương trình này, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo giải quyết kịp thời, thỏa đáng nhiều kiến nghị của công nhân lao động, giúp công nhân yên tâm làm việc, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, giúp tổ chức Công đoàn chăm lo tốt hơn cho người lao động. Và cuộc đối thoại với Thủ tướng sáng nay, tôi cho rằng cũng thành công tốt đẹp, nhiều vấn đề đã được thông tin, giải đáp, giải quyết, người đứng đầu Chính phủ đã tạo niềm vui, niềm tin, niềm hy vọng và truyền thông điệp vươn lên cho công nhân lao động".
Đồng chí Kha Văn Tám - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nghệ An trả lời phỏng vấn PV Tạp chí Lao động và Công đoàn sau buổi đối thoại. Ảnh: MAI LIỄU |
Công nhân đồng loạt vỗ tay khi Thủ tướng thông báo tăng lương tối thiểu vùng Trước khi đối thoại với công nhân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng thông báo tới công nhân lao động cả nước ... |
Tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2022 Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 quy định mức lương tối thiểu đối với người ... |
Toàn cảnh buổi đối thoại giữa Thủ tướng và công nhân lao động Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có buổi gặp gỡ, đối thoại với công nhân tại Bắc Giang sáng 12/6/2022, với chủ đề “Công ... |
Tin cùng chuyên mục
Hoạt động Công đoàn - 10/09/2024 16:58
Bão số 3 (Yagi) tàn phá nghiêm trọng nhiều nhà xưởng trong các khu công nghiệp tại TP Hải Phòng.
Hoạt động Công đoàn - 10/09/2024 08:02
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) từ lâu là một biểu tượng của sự tận tụy và đầy tình người. Trong đó, Công đoàn Bệnh viện 108 là người bạn đồng hành không thể thiếu, là cây cầu kết nối và là điểm tựa vững chắc cho tất cả các cán bộ, nhân viên của bệnh viện.
Hoạt động Công đoàn - 10/09/2024 07:52
Cô La Thị Thắm, giáo viên Trường Mầm non Yến Lạc, thị trấn Yến Lạc (huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn) đã vươn lên trong nghịch cảnh, trở thành tấm gương vượt khó của Công đoàn trường.
Hoạt động Công đoàn - 09/09/2024 17:25
LĐLĐ tỉnh Phú Thọ nhanh chóng rà soát, nắm bắt tình hình vụ sập cầu Phong Châu. Thời điểm hiện tại chưa có công nhân lao động trong danh sách nạn nhân.
Nghiên cứu - 09/09/2024 13:38
Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X nêu rõ “Giai cấp công nhân Việt Nam là một lực lượng xã hội to lớn, đang phát triển, bao gồm những người lao động chân tay và trí óc, làm công hưởng lương trong các loại hình sản xuất kinh doanh và dịch vụ công nghiệp, hoặc sản xuất kinh doanh và dịch vụ có tính chất công nghiệp”.
Hoạt động Công đoàn - 09/09/2024 09:56
Cô Đinh Thị Vui, giáo viên dạy môn Mĩ thuật Trường THCS Dương Thị Cẩm Vân (thị trấn Đầm Dơi, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) có cuộc đời nhiều sóng gió, nhưng nhờ sự đùm bọc của tổ chức Công đoàn đã giúp gia đình cô “cập bến bờ hạnh phúc”.