Trong khi các gia đình đang háo hức đến ngày Tết Trung thu thì một số công nhân lại băn khoăn không được về đoàn tụ với con, không cho con được một Tết Thiếu nhi trọn vẹn.
Gặp chị Hoàng Thị Hiếm (quê Yên bái) đang làm công nhân tại Công ty TNHH Nitori Furniture (Khu công nghiệp Bắc Thăng Long) sau giờ tan tầm. Trò chuyện với chị, chúng tôi được dẫn tới khu nhà ở hay được gọi cách khác là ký túc xá cho công nhân - nơi chị đang ở. Khu nhà này công ty chị thuê riêng cho người lao động xa nhà và chỉ dành cho nữ công nhân. Chị Hiếm kể: “Ở quê xa đến đây làm việc, tôi không đưa con lên sống cùng. Lắm lúc nhớ con đến phát khóc”.
Được công ty chu cấp nơi ở, chị Hiếm cũng như nhiều công nhân khác tại công ty cũng giảm bớt gánh nặng chi phí. Tuy nhiên, sống xa chồng, xa con, xa gia đình khiến chị Hiếm gặp nhiều khó khăn. Chị kể: "Lên đây sinh sống và làm việc, mình may mắn có ông bà chăm cháu. Để con ở quê cho ông bà mình vừa mừng, vừa lo. Mừng vì không mất thêm khoản tiền thuê người trông nom, ông bà ở nhà cũng chăm sóc tốt cho cháu; nhưng lo vì mẹ con cách xa, mỗi bước đi của cháu mình không theo dõi, kiểm soát được”.
Chị Hiếm cho biết thêm, đợt dịch vừa rồi công việc của chị không bị ảnh hưởng quá nhiều, đơn hàng vẫn đều và ổn định, thỉnh thoảng vẫn được tăng ca, thêm được ít tiền. Với mức thu nhập hiện tại, hằng tháng chị vẫn dành dụm được khoảng 3 - 4 triệu đồng gửi về quê cho ông bà. Chị kể: “Thu nhập của mình khoảng hơn 6 triệu một tháng. Được công ty hỗ trợ tiền nhà, mình chỉ phải lo chi phí sinh hoạt hằng ngày nên cũng không tốn kém lắm”.
Dãy ký túc xá của công nhân nơi chị Hoàng Thị Hiếm ở. |
Ổn định việc làm, thu nhập, nhưng chị lại có nỗi niềm riêng khi không thể về quê với con trong dịp Tết Trung thu này.
“Trung thu năm nay mình không xin nghỉ để về với con được vì phải đi làm. Mình đang làm công ty của Nhật, bình thường những ngày lễ chung thì vẫn được nghỉ, nhưng Tết Trung thu là ngày lễ riêng của Việt Nam nên công nhân bọn mình không được nghỉ phép. Nhìn con cái nhiều gia đình công nhân sum vầy mình cũng chạnh lòng. Mình định dịp Trung thu này cho con lên chơi vài ngày, cho con biết được không khí rước đèn nơi phố thị ra sao nhưng quản lý tại ký túc xá nơi mình ở không cho phép cho người nhà vào, thậm chí vào chơi cũng phải xuất trình giấy tờ, khai báo thông tin đầy đủ”, chị Hiếm kể.
Đã hơn một lần chị Hiếm suy nghĩ mang con lên cùng để tiện chăm sóc, nhưng mọi kế hoạch đều bị đổ vỡ chỉ vì chữ “tiền”. “Thời điểm này, nếu mình ra ngoài thuê trọ thì chi phí rất đắt. Lương hàng tháng tiết kiệm chẳng còn bao nhiêu”, chị Hiếm tâm sự.
Trong dịp Trung thu, phía công ty nơi chị Hiếm đang làm việc cũng tặng cho mỗi công nhân 4 chiếc bánh Kinh Đô để làm quà. Mặc dù không được cùng con rước đèn, mua cho con những đồ chơi trong dịp này nhưng chị Hiếm cũng có phần hài lòng vì hai đứa trẻ nhà chị rất thích ăn bánh nướng, chị sẽ bảo quản cẩn thận rồi sớm mang về cho hai con.
Cũng có hoàn cảnh như chị Hiếm, chị Hoàng Thị Trang (quê Tuyên Quang), công nhân Công ty TNHH Hoya Glass Disk Việt Nam cũng buồn rầu vì không cho con một ngày Tết Thiếu nhi trọn vẹn.
Trước khi dịch Covid-19 tái bùng phát, vợ chồng chị Trang đã đưa con gái lên để tiện chăm sóc. Tuy nhiên, khi tình hình dịch bệnh diễn biến nguy hiểm hơn, vợ chồng chị đã cho con về quê để ông bà chăm sóc, đảm bảo sức khỏe cho con. Chị nói: “Cháu về được mấy tháng rồi, thấy dịch bắt đầu ổn định, mình định mấy hôm nữa đưa cháu lên để đi chơi Trung thu. Nhưng gần đây dịch sốt xuất huyết lại xuất hiện khiến cho vợ chồng mình rất lo. Bọn mình quyết định tiếp tục cho con ở nhà với ông bà thêm thêm thời gian nữa”.
Dịp Tết Trung thu diễn ra giữa thời điểm “dịch chồng dịch”. Chị Trang biết sẽ không thể cho con một dịp Tết Thiếu nhi trọn vẹn. Hiện tại, công việc của chị Trang vẫn ổn định nên không sắp xếp xin nghỉ làm để về quê thăm con. “Tết Thiếu nhi cháu nó hào hứng lắm, muốn được lên Hà Nội để đi ngắm đèn lồng. Lần này hai vợ chồng phải thất hứa với con nhưng thay vào đó mình cũng có dự định mua quà về để con đỡ tủi thân”, chị Trang nói.
Thực hiện: Hoàng Nhung