Công nhân lao động “mắc kẹt” trong khu phong tỏa: Khó khăn nhiều nhưng vẫn lạc quan |
Dịch bệnh kéo dài, nguy hiểm khiến nhiều gia đình công nhân lao động đang bám trụ tại TP HCM gặp nhiều khó khăn, nhất là những người phải tạm ngừng việc vì công ty có dịch, nằm trong khu phong tỏa. Cuộc sống của họ chỉ trông chờ từ hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhà hảo tâm và chủ trọ tốt bụng. Đi không được, ở cũng chưa chắc an toàn là vấn đề mà nhiều công nhân lao động hiện nay gặp phải. |
Anh Dương Văn Linh (quê Kiên Giang) đang làm việc tại Khu công nghệ cao TP Thủ Đức từ nhiều năm nay. Tuy nhiên từ đầu tháng 7 anh cùng vợ buộc phải nghỉ ở nhà vì công ty có ca dương tính với Covid -19, sau đó thì khu trọ nơi anh ở nằm trong diện phong tỏa của phường. Chính vì thế hai vợ chồng anh Linh trở thành “thất nghiệp bất đắc dĩ”. Anh Linh kể, hai vợ chồng cùng làm chung công ty, cho nên giờ nghỉ là cả hai cùng mất luôn thu nhập. Từ ngày 9/7, vợ chồng anh đã phải nghỉ tại nhà vì công ty có ca nhiễm, sau đó vài ngày công ty gọi đi làm trở lại và thực hiện “3 tại chỗ” nhưng thật không may lúc này phường anh đang sinh sống cũng bị phong tỏa. Cho nên hai vợ chồng không đi làm được từ đó đến nay. |
Hai vợ chồng anh Linh đã ở nhà gần 2 tuần nay vì phường phong tỏa. |
“Khi nghe tin công ty có ca nhiễm rồi phường phong tỏa vì có ca dương tính, bố mẹ hai bên ở quê đã gọi điện lên bảo về, có gì ăn nấy, hết dịch thì đi làm lại. Nhưng chúng tôi không về quê được vì nghĩ rằng tình hình dịch tại thành phố căng thẳng, về quê nhỡ có làm sao lại có tội với mọi người. Thế là bố mẹ gửi gạo và đồ ăn lên cho hai vợ chồng. Từ khi ở nhà vì phong tỏa đến nay cũng buồn và cuồng chân, nhớ công ty lắm nhưng phải chịu thôi. Chủ trọ cũng tốt bụng, nghe tin phường phong tỏa, chúng tôi phải nghỉ việc nên đã tặng mỗi phòng trọ 5 kg gạo và 1 thùng mì. Trước mắt hai vợ chồng cố gắng ở nhà tuân thủ các biện pháp phòng dịch, rồi thời gian tới lựa xem tình hình mới biết có đi làm hay không”, anh Linh tâm sự. |
Xóm trọ im lìm vì dịch bệnh |
Anh Linh còn cho biết thêm khi hai vợ chồng nghe tin phường phong tỏa, công ty có dịch thì cả hai đều lo lắng. Lo vì không biết bản thân có nằm trong trường hợp F nào không, rồi không đi làm lấy tiền đâu ra trang trải cuộc sống rồi tiền nhà, tiền điện, nước. Nhưng khi bình tĩnh lại hai vợ chồng cùng động viên nhau cố gắng, còn sức khỏe là còn tất cả. Mỗi ngày, hai vợ chồng đều thực hiện đúng các khuyến cáo phòng dịch như không ra khỏi phòng trọ trừ khi đi mua lương thực. Để không buồn và nhàm chán hai vợ chồng Linh mày mò làm các loại trà sữa và các món ăn. “Tôi cũng có dự định, sau này nếu hết dịch hai vợ chồng đi làm mà dư dả sẽ mở một quán ăn nhỏ để kinh doanh, có thêm thu nhập”, anh Linh nói. Vì ở nhà lâu, lại không được tiếp xúc với ai nên đa số công nhân lao động sẽ buồn, và cảm thấy lo lắng về các khoản thu nhập. Nhưng quan trọng nhất vẫn là sự lạc quan, tinh thần ổn định để cùng nhau vượt qua dịch bệnh. |
Nguyễn Thị Thúy Diễm làm việc tại Khu công nghệ cao TP Thủ Đức, cũng nằm trong khu phong tỏa nên hơn một tuần nay không đi làm được. Thời gian đầu ở nhà Diễm cũng lo lắng, theo dõi những tin tức về dịch càng khiến chị hoang mang. Nhưng sau đó được bạn bè động viên, Diễm đã bình tĩnh trở lại và tìm ra nguồn cảm hứng mới từ việc vẽ tranh. Diễm vẽ tranh vừa thể hiện sự đam mê, không nhàm chán vì nghỉ làm do dịch lại có thể kiếm thêm thu nhập. Mỗi bức tranh Diễm vẽ ra có thể bán được 50.000 đồng hoặc hơn. Số tiền này Diễm dành dụm để làm từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Nghĩ đến điều đó thôi cũng làm cho Diễm có thêm động lực để ở nhà chống dịch và giúp đỡ người khác. “Tôi ở nhà cùng bạn bè trong khu trọ, đọc tin tức và vẽ tranh để không bị nhàm chán và lo lắng. Tôi cũng gọi điện hỏi thăm, động viên các bạn đang phải nghỉ ở nhà như tôi”, Diễm nói. Cơm áo gạo tiền ai cũng lo lắng cả, nhưng hiện tại mọi người không thể làm gì hơn ngoài việc chấp hành cách ly theo yêu cầu. Lo lắng mãi rồi, nên bây giờ lạc quan là điều cần thiết để công nhân lao động cùng vượt qua đại dịch. |
Bà Đào Thị Hoa, chủ nhà trọ tại phường 14, quận Gò Vấp là người nhiều tháng nay vận động mọi nguồn để hỗ trợ tặng quà cho người lao động bị kẹt trong xóm trọ, thất nghiệp, không thu nhập. Không những thế bà còn phối hợp với các đoàn thể, nhà hảo tâm nấu cơm để mang tặng cho công nhân lao động, người già neo đơn, tuyến đầu chống dịch… Bên cạnh đó, bà Hoa còn giảm tiền nhà cho người lao động từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng; bà còn cho nợ tiền phòng đối với người lao động quá khó khăn. Những việc làm ấy đã giúp đỡ công nhân lao động rất nhiều. “Tôi chỉ nghĩ rằng công nhân lao động khó khăn và họ rất cần giúp đỡ trong lúc này. Chính vì thế, bản thân có thể giúp đỡ được bao nhiêu thì giúp. Nhiều năm tiếp xúc với công nhân lao động nên tôi hiểu được những khó khăn của họ. Dịch bệnh thế này, không đi làm được, không có tiền lại còn trong khu phong tỏa thì lấy tiền đâu trang trải. Công nhân có nhiều cảnh đời khó và thương lắm”, bà Hoa tâm sự. |
Công đoàn Bình Dương tập trung chăm lo người lao động khó khăn do Covid-19
LĐLĐ tỉnh Bình Dương đang nỗ lực chăm lo cho người lao động trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng, đời sống công nhân gặp ... |
Công đoàn các KCN tỉnh Long An hỗ trợ công nhân khó khăn trong khu cách ly
Hiện tại dịch bệnh đang diễn biến căng thẳng tại tỉnh Long An, tính đến ngày 19/7 toàn tỉnh Long An ghi nhận 1784 ca ... |
"Cảm ơn người lao động" đã đồng hành cùng doanh nghiệp lúc khó khăn
Chương trình “Cảm ơn người lao động” sẻ chia, lắng nghe và thấu hiểu công nhân được Tỉnh ủy và LĐLĐ tỉnh Long An triển ... |