Công nhân "giật gấu vá vai" vì không có tích luỹ |
Lương công nhân vừa đủ duy trì cuộc sống, nay lại giảm sút đáng kể khi thiếu việc, không còn tăng ca. Rất nhiều người đang chật vật xoay xở, chi tiêu tằn tiện để bám trụ lại khu công nghiệp với niềm hy vọng vào một tín hiệu khởi sắc hơn trong năm mới. |
Chị Nguyễn Thị Thuỷ, công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam - Ảnh: Ý YÊN |
Thiếu trước, hụt sau |
Sáng cuối tuần, tranh thủ lúc lũ trẻ học bài, chị Thuỷ hì hụi gieo nắm hạt giống trong khu vườn nhỏ. Đó vốn là khoảng đất rộng chừng chục mét vuông ngay sát cổng ra vào xóm trọ, được chủ nhà “thiết kế” làm nơi để rác cho các hộ gia đình. Về sau, mấy chị em trong xóm bảo nhau cải tạo, vun thêm đất để trồng rau cải thiện bữa ăn hằng ngày. “Nhờ có cái vườn này mà tiền chợ của tôi cũng đỡ một phần. Cảnh công nhân xa nhà, bớt được đồng nào hay đồng ấy”, chị Thuỷ nói, tay thoăn thoắt nhổ đám cỏ mọc len lỏi dưới những gốc rau cải lởm chởm lá sâu. Nữ công nhân 36 tuổi, quê Phú Thọ, từng có thời gian làm cho một công ty giày da trong TP Hồ Chí Minh. Năm 2012, vợ chồng chị quyết định ra Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) xin việc làm để “thuận tiện về thăm quê”. Chục năm qua, gia đình chị Thuỷ ở trong xóm trọ thuộc thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Hai đứa trẻ cũng lần lượt ra đời, lớn lên trong căn phòng chật chội, tuềnh toàng và khoảng sân chung vừa đủ chạy nhảy, đạp xe cút kít. |
Chị Thuỷ tận dụng khoảng vườn nhỏ trong xóm trọ để trồng rau, cải thiện bữa ăn hằng ngày - Ảnh: Ý YÊN |
Lúc bình thường, lương công nhân điện tử của chị Thuỷ khoảng 7-8 triệu/tháng, chồng chị lao động tự do, thu nhập không ổn định song mỗi tháng hai vợ chồng cũng kiếm được trên chục triệu. Tuy vậy, người phụ nữ “tay hòm chìa khoá” nói rằng lương tháng nào hết tháng ấy, chẳng khi nào có tích luỹ. Chị nhẩm tính các khoản chi cố định trong tháng: Tiền nhà trọ, điện nước hết khoảng 1,5 triệu; tiền đóng học cho hai đứa con trên 3 triệu; rồi tiền ăn uống, sinh hoạt cho cả gia đình hằng ngày, chưa kể các khoản đình đám và công việc đột xuất ở quê… “Mua cái gì cũng phải cân nhắc, nâng lên đặt xuống. Đi làm bao nhiêu năm nhưng hai vợ chồng chẳng tích lũy, dư dả đồng nào, chỉ trang trải đủ ăn. Nhiều khi còn phải vay mượn để lo sinh hoạt, nhất là khi có việc đột xuất như con cái ốm đau, gia đình có công việc. Vừa rồi bốc mộ cho bố chồng, chúng tôi cũng phải đi vay mượn ba, bốn người được gần chục triệu để đóng góp với các anh chị”, chị Thuỷ chia sẻ. |
Xóm trọ có hơn chục phòng, đều được thuê bởi các gia đình công nhân Khu công nghiệp Bắc Thăng Long - Ảnh: Ý YÊN |
Mấy tháng cuối năm công ty ít việc, không có tăng ca, chỉ ăn lương cơ bản hơn 6 triệu đồng/tháng, chị Thuỷ bắt đầu lo lắng cho cái Tết sắp đến. Chị cho biết đã cố gắng cân đối chi tiêu tằn tiện, cắt giảm những gì không cần thiết để lo Tết nhưng xem ra khó. Cân đối thế nào khi mà tiền tháng nào vừa vặn hết tháng ấy? Chị nghĩ đến thưởng Tết, song năm ngoái được 6 triệu, năm nay khó mà “xông xênh” hơn bởi doanh nghiệp cũng đang lao đao vì thiếu đơn hàng. “Thôi đành vậy chứ biết làm sao! Có bao nhiêu thì tiêu bấy nhiêu, còn đâu nhờ cả vào bà ở quê”, nữ công nhân thở dài. |
Thường xuyên vay mượn để duy trì cuộc sống |
Trong cuộc trò chuyện, chị Thuỷ chia sẻ rằng thường xuyên phải đi vay mượn để trang trải cuộc sống, đến kỳ lĩnh lương lại trả. Dẫu vậy, nữ công nhân thừa nhận việc đi vay mượn bạn bè, đồng nghiệp là quá khó khăn. “Mình vừa xấu hổ, vừa chán. Có nhiều khi chẳng vay được vì người ta cũng khó khăn như mình, cũng phải lo cho cuộc sống”. Có lần, chị phải đứng ra vay lãi cho chồng xử lý công việc. Số tiền không lớn nhưng lãi mẹ đẻ lãi con, đến kỳ hạn không trả được, chị liên tục bị “khủng bố” tinh thần qua điện thoại, tin nhắn. Chị kể: “Hồi đó vừa đẻ đứa thứ hai, tiền chẳng có, lại suốt ngày bị doạ nạt, tôi luôn trong tâm trạng bất an, lo lắng, gầy rộc đi. Vợ chồng căng thẳng muốn bỏ nhau. Thế là phải huy động vay anh em, họ hàng để trả hết mới yên tâm”. |
Bên trong phòng trọ của chị Thuỷ - Ảnh: Ý YÊN |
Vợ chồng anh Phạm Anh Tây (quê huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh), công nhân Công ty TNHH Nissei Electric Hà Nội cũng cho biết thường xuyên trong cảnh “giật gấu vá vai”, vay mượn chi tiêu chờ đến kỳ lĩnh lương. “Năm nay là vất vả nhất, việc ít, lương thấp. Trang trải tiền nhà trọ, ăn uống sinh hoạt của hai vợ chồng với đứa nhỏ ở ngoài này là gần hết lương. Vợ chồng tôi phải xoay xở cân đối, làm sao chi tiêu đủ ngoài này mới dám gửi chút ít về quê để ông bà lo ăn học cho đứa lớn, tháng nào dư dả thì gửi về cho con hơn 1 triệu, tháng ít thì 600-700 nghìn, có khi chẳng gửi được đồng nào. Có tháng phải vay tạm bạn bè”, anh Tây chia sẻ. Gia đình chị Thuỷ, anh Tây không phải là cá biệt. Một cuộc khảo sát do Viện Công nhân và Công đoàn vừa thực hiện vào tháng 11/2022 với trên 6.200 công nhân ở ba miền, cho biết, 59% người lao động không có tích luỹ; 11,7% có tích luỹ nhưng chỉ duy trì dưới 1 tháng; 16,7% có tích luỹ, duy trì được 1-3 tháng; 12,7% có tích luỹ, có thể cầm cự trên 3 tháng. Đáng chú ý, qua khảo sát có 38% công nhân cho biết đang nợ nần, trong số đó có 14% rất khó khăn để trả đúng hạn, tiềm ẩn nguy cơ vướng bẫy “tín dụng đen”. |
Anh Phạm Anh Tây trải lòng về tình cảnh "giật gấu vá vai" của bản thân - Ảnh: Ý YÊN |
Cú sốc về việc làm và thu nhập “đánh gục” không ít người lao động |
Số liệu tổng hợp của Tổng LĐLĐ Việt Nam tại các doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở, cho biết từ tháng 9/2022 đến hết 10/12/2022 đã có 1.242 doanh nghiệp tại 44 tỉnh, thành phố gặp khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng; trên 482 nghìn lao động phải giảm giờ làm. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5, hôm 17/12/2022, đồng chí Ngọ Duy Hiểu – Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho hay, tình trạng doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, người lao động bị mất việc hoặc giảm việc làm để lại hệ lụy lớn, nhất là thời điểm tết Nguyên đán đang cận kề. |
Bên trong một phòng trọ công nhân - Ảnh: ĐẶNG LONG |
Theo đồng chí Ngọ Duy Hiểu, trong bối cảnh bình thường, nhiều người lao động đã phải sống tằn tiện, gửi con về quê, đời sống vật chất thiếu thốn, đời sống tinh thần gần như bỏ trống, không có hoặc có rất ít tích lũy, rất dễ bị tổn thương trước biến cố hoặc khủng hoảng. “Đối với người lao động, giảm giờ làm là giảm tiền lương, thu nhập; mất việc làm là mất tiền lương, mất thu nhập. Sau 2 năm chống chọi với đại dịch, người lao động đã không còn tích lũy thì việc chịu thêm cú sốc về việc làm và thu nhập sẽ “đánh gục” không ít người lao động, đặc biệt là lao động yếu thế như lao động nữ, lao động nhiều tuổi, lao động là người khuyết tật…”, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nói. |
Công nhân săn hàng giảm giá tại "Phiên chợ nghĩa tình” Xuân Quý Mão 2023 do Công đoàn Dệt May Việt Nam tổ chức - Ảnh: CĐDM |
Theo đại diện Tổng liên đoàn, bên cạnh các hoạt động của tổ chức Công đoàn nhằm giảm bớt khó khăn cho người lao động, giữ được nguồn nhân lực có tay nghề, góp phần ổn định thị trường lao động, sẵn sàng cho giai đoạn tái phục hồi trong năm 2023 cần nhiều giải pháp đồng bộ, vừa hỗ trợ ngắn hạn giúp người lao động vượt khó, ở lại thị trường, vừa hỗ trợ dài hạn nhằm tăng cường khả năng thích nghi trước khủng hoảng, biến động của thị trường. Trong đó, tăng cường kiểm soát về giá cả, không để lạm phát tăng cao, tổ chức các điểm bán hàng bình ổn giá cho công nhân lao động; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ bảo đảm việc làm, thu nhập và an sinh lâu dài cho người lao động; có gói hỗ trợ lãi suất tiền vay cho các doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng để doanh nghiệp trả lương cơ bản giữ chân người lao động… Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh: “Về lâu dài, cần có chính sách thu hút đầu tư và tiền lương thỏa đáng để người lao động sau một thời gian làm việc phải có tích lũy ở mức cần thiết để khi gặp khó khăn, họ vẫn có tiền để duy trì cuộc sống”.
|
Ý YÊN - MINH ANH |