Công nhân Đồng Nai học cách tránh bẫy “tín dụng đen”
Công đoàn - 19/09/2024 09:22 TRẦN LƯU - TẤN MÂN
Trực tiếp "Điểm hẹn công nhân tháng 9": Tài chính thông minh - tránh bẫy "tín dụng đen" |
Sự kiện được tổ chức sáng nay (19/9), tại Công ty CPHH Vedan Việt Nam (QL 51, xã Phước Thái, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai).
Ngườu lao động nhận quà khi đến tham dự chương trình. Ảnh: Tr.L. |
Tham dự chương trình có các đồng chí: Bùi Thị Bích Thủy - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Đồng Nai; Trần Duy Phương – Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn; Nguyễn Đức Lệnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo Công an huyện Long Thành cùng 250 đoàn viên, người lao động tham gia trực tiếp tọa đàm và khoảng 1.000 người tham trực tuyến...
Quang cảnh buổi tọa đàm |
Thời gian qua, hoạt động “tín dụng đen” (cho vay nặng lãi) của các nhóm tội phạm đã và đang diễn ra rất phức tạp với nhiều phương thức và thủ đoạn hết sức tinh vi. Hoạt động “tín dụng đen” xảy ra ở khắp mọi nơi, từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tập trung vào những người gặp khó khăn, có thu nhập thấp, cần tiền xoay sở, nhất là đối tượng công nhân lao động.
Bằng hình thức đòi nợ khủng bố, hoạt động tín dụng đen không chỉ gây ra những vấn đề phức tạp về tình hình an ninh trật tự mà còn đẩy nhiều người lầm vào cảnh tan cửa nát nhà.
Đã có trường hợp công nhân bị ép phải giao cả thẻ ngân hàng. Chỉ cần tới kỳ nhận lương thì đối tượng cho vay sẽ đến các cây ATM rút tiền cùng với công nhân. Với sức ép về nợ “tín dụng đen”, nhiều công nhân phải xin nghỉ việc, mất việc làm.
Công nhân lao động xem sách "Khéo khôn với tiền" được tặng khi tham dự chương trình. Ảnh: T.M. |
Báo cáo nghiên cứu “Vấn đề tín dụng đen trong công nhân, lao động - Thực trạng và giải pháp” do Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam), cho thấy, có đến 54,8% người lao động phải đi vay tiền do điều kiện kinh tế khó khăn; 20,2% vay tín dụng đen.
Trước tình trạng trên, Tạp chí Lao động và Công đoàn; Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước phối hợp LĐLĐ tỉnh Đồng Nai xây dựng chương trình tuyên truyền tìm hiểu về tài chính cho công nhân tại các khu công nghiệp.
Người lao động hào hứng tham gia chương trình “Điểm hẹn công nhân tháng 9” |
Chị Lê Thị Nhung (SN 2000, bộ phận đảm bảo chất lượng, Công ty CPHH Vedan Việt Nam), chia sẻ: “Tôi rất vui vì được tham dự chương trình ngày hôm. Đây là chương trình rất ý nghĩa và phù hợp với thực tiễn đời sống công nhân lao động, nhất là khi vấn nạn “tín dụng đen” đang hoành hành, khiến nhiều người lâm vào cảnh khốn đốn.
Qua buổi tọa đàm, tôi mong muốn có thêm những kiến thức bổ ích, để trước hết giúp bản thân chủ động không sa vào ‘tín dụng” và xa hơn mong cơ quan chức năng có những giải pháp hiệu quả ngăn chặn loại hình tội phạm này”.
Chị Lê Thị Nhung chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Tr.L. |
Phát biểu tại chương trình, đồng chí Bùi Thị Bích Thủy – Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, cho biết: Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh phát động và kêu gọi toàn thể các cấp Công đoàn và đoàn viên, người lao động tích cực tham gia hưởng ứng Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trong đó, các cấp công đoàn cần chủ động nắm chắc tình hình công nhân lao động từ sớm, từ xa, từ cơ sở, nắm tình hình từ khi mới khởi nguồn các vấn đề phức tạp.
Đặc biệt là tổ chức phát động Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, vận động cán bộ, đoàn viên, người lao động tích cực tham gia, hưởng ứng phong trào. Tuyên truyền lồng ghép để công nhân lao động hiểu rõ hơn về mức độ nguy hiểm của tội phạm ma túy, tội phạm “tín dụng đen” và tội phạm lừa đảo chiến đoạt tài sản – những loại tội phạm nguy hiểm đang đe dọa sự an toàn của họ…
Đồng chí Bùi Thị Bích Thủy – Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Đồng Nai phát biểu tại chương trình |
Buổi tọa đàm hôm nay nhằm mục tiêu giải đáp thắc mắc cũng như phổ biến kiến thức pháp luật cho công nhân lao động về hoạt động tội phạm “tín dụng đen”; giúp họ chủ động ngăn chặn, phòng ngừa và đấu tranh với loại tội phạm này.
Sau tọa đàm là phần mini game và bốc thăm trúng thưởng dành cho đoàn viên, người lao động tham gia chương trình...
Làm thế nào để nhận diện “tín dụng đen”?
Nữ công nhân Nguyễn Thùy Vy (SN 1997, bộ đảm bảo chất lượng Công ty CPHH Vedan Việt Nam) nêu câu hỏi: “Hiện nay có rất nhiều tổ chức, hình thức cho vay. Vậy, làm như thế nào để người lao động nhận biết được đâu là tổ chức tín dụng cho vay hợp pháp?”
Chị Nguyễn Thuỳ Vi đặt câu hỏi liên quan đến tổ chức tín dụng |
Đại diện Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết: Hiện nay, hệ thống các ngân hàng, tổ chức tín dụng hợp pháp luôn có số điện thoại liên hệ cụ thể và có nhân viên tư vấn rõ ràng. Các tổ chức tín dụng đó được giới thiệu đến người lao động thông qua các các công đoàn hoặc những hình thức hợp pháp khác. Quá trình làm thủ tục vay vốn, người lao động được tư vấn thủ tục đầy đủ, được quyền nghiên cứu cũng như giữ (một bản) hợp đồng tín dụng theo quy định.
Còn đối với hoạt động “tín dụng đen”, thường thủ tục rất dễ dàng, thậm chí không cần thủ tục. Các đối tượng chủ động tìm đến công nhân lao động để giới thiệu, dụ dỗ. Đến khi ký hợp đồng vay thì người lao động lại không được giữ bản hợp đồng nào.
Đại diện Công an tỉnh Đồng Nai trả lời câu hỏi của công nhân |
Biểu hiện rõ nhất là lãi suất cho vay mập mờ và thường ở mức rất cao, thủ tục cực kỳ đơn giản. Khi người lao động mất khả năng chi trả sẽ bị khủng bố, đe dọa bằng những hành vi rất dã man.
Công an tỉnh Đồng Nai khuyến cáo người lao động nên tìm hiểu kỹ các thông tin về tổ chức tín dụng đó trước khi vay vốn để tránh những hậu quả về sau.
Xem thêm:
Trực tiếp "Điểm hẹn công nhân tháng 9": Tài chính thông minh - tránh bẫy "tín dụng đen" Tạp chí Lao động và Công đoàn và Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước phối hợp cùng LĐLĐ tỉnh Đồng Nai tổ chức |