|
Vào mùa đông, nhiệt độ giảm sâu ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là những người có sức đề kháng yếu. Nhiều công nhân lao động tại các khu công nghiệp cho biết, họ thường gặp các vấn đề liên quan đến hô hấp như cảm lạnh, ho, sổ mũi, viêm họng... Do đó, các biện pháp đảm bảo sức khỏe trong mùa lạnh được nhiều anh chị em quan tâm. Nhiều ngày nay, chị Hoàng Thị Thảo (SN 1999), công nhân Công ty TNHH Linh kiện điện tử SEI Việt Nam (KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội) phải làm việc ca 2. Chị cho biết, thời điểm tan ca vào 10h đêm, ngoài trời lạnh buốt, lại vắng vẻ khiến quãng đường trở về xóm trọ càng thêm trở ngại. “Nhiều khi đi làm vào đầu giờ chiều, trời còn ấm nên tôi chủ quan không mang nhiều áo ấm, đến lúc đêm về nhiệt độ xuống thấp, đi về xóm trọ mà người rét run lập cập, nước mắt nước mũi cứ chảy ra”, chị Thảo nói. Không những thế, vào , việc sinh hoạt của chị và người bạn cùng phòng cũng bị ảnh hưởng. Nếu như trước đây, đi làm ca đêm về, họ có thể tắm rửa, giặt quần áo nhưng gần đây, do thời tiết giá rét cho nên việc giặt quần áo thường phải lui lại đến trưa hôm sau. |
Buổi trưa mùa đông tại xóm trọ công nhân thuộc xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội |
Bên trong một phòng trọ công nhân |
Thực tế, nhiều công nhân lao động làm việc tại các khu công nghiệp ở miền Bắc thường sống tại với điều kiện sinh hoạt chưa thật đảm bảo. Phòng trọ nóng bức vào mùa hè và lạnh vào mùa đông. Vào mùa đông, họ thiếu các thiết bị như: máy sưởi, bình nóng lạnh... Thậm chí, có những công nhân sống một mình, không chăn bông, không đệm, chỉ một chiếc chăn mỏng vẫn gắng chống chọi qua cả mùa đông. Anh Trần Văn Phi (SN 1991), công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam chia sẻ: “Tôi sống một mình, lại thường xuyên chuyển chỗ trọ nên chẳng muốn sắm sửa nhiều. Mùa này sinh hoạt khá bất tiện, nhất là vấn đề tắm, giặt. Mỗi lần tắm lại phải lách cách đun nước, mà tắm cũng không được thoải mái vì lạnh. Đêm nằm thì phải đắp kín chăn mà vẫn còn co ro”. Nhiều công nhân cho biết, cứ đến mùa đông họ thường gặp các vấn đề sức khỏe liên quan đến hô hấp như cảm lạnh, ho, sổ mũi, viêm họng..., gây ảnh hưởng tới công việc. Dãy nhà trọ công nhân tại Đông Anh, Hà Nội |
Nhằm giúp công nhân lao động tăng cường sức đề kháng, chống chọi lại sự khắc nghiệt của mùa đông, TS.BS Đào Việt Phương (Bệnh viện Bạch Mai) đưa ra khuyến cáo: “Các bạn công nhân cần có một chế độ sinh hoạt và tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý để duy trì sức khỏe. Nếu tập luyện thể dục thể thao thì nên tập ở trong phòng hoặc hành lang kín gió. Đặc biệt, trong những ngày lạnh sâu, cần phải giữ ấm cơ thể, tránh những tác động thay đổi nhiệt độ quá nhanh. Nếu có việc phải đi ra ngoài đường thì nên ”. Về chế độ dinh dưỡng, TS.BS Phương khuyến cáo cần đảm bảo đủ năng lượng, dinh dưỡng, đa dạng hóa các nguồn thức ăn để cung cấp đủ chất, vitamin cần thiết cho cơ thể. Cần duy trì bữa ăn một cách cơ bản, thay vì sử dụng đồ ăn nhanh, công nhân nên đi chợ mua các đồ tươi sống về chế biến, sẽ vừa tiết kiệm lại vừa cho sức khỏe. Công nhân nên tự đi chợ nấu ăn để tiết kiệm và đảm bảo dinh dưỡng |
Nên uống nhiều nước ấm, ăn đồ ấm và hạn chế sử dụng chất kích thích như uống rượu, bia, hút thuốc lá... Tuyệt đối không nên tắm vào ban đêm, tắm quá lâu hoặc tắm nơi không kín gió. Về nơi ở, mặc dù có nhiều công nhân sống trong các phòng trọ với điều kiện chưa được tốt. Tuy nhiên, có thể khắc phục bằng cách che chắn, dán kín các khe cửa để giữ ấm, tránh để gió lạnh thổi vào trong phòng. Cũng theo khuyến cáo của Bộ Y tế, không nên sử dụng than củi, than tổ ong để đốt, sưởi trong phòng kín. Nếu thời tiết quá lạnh, chỉ nên sử dụng trong thời gian ngắn, mở hé cửa và chỉ sưởi khi còn thức. Bên cạnh đó, để phòng chống các bệnh trong mùa lạnh, công nhân lao động cần chú ý các triệu chứng bất thường của cơ thể như đau đầu, chóng mặt, tức ngực... kịp thời đến các cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám. |
Bài viết: Ý Yên Ảnh: Ý Yên, Ngô Nhung |