Ông Đào Ngọc Dung - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (đứng) và đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì Lễ ký kết Chưong trình phối hợp. Ảnh: HM0 |
Công đoàn hỗ trợ NLĐ, NSDLĐ phục hồi sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội |
Trước tình trạng số NLĐ rút BHXH một lần tăng cao và thiếu hụt lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã ký Chương trình phối hợp hỗ trợ NLĐ, NSDLĐ, phát triển thị trường lao động và đảm bảo an sinh xã hội. NLĐ ồ ạt rút BHXH một lần vì khó khăn và tiếp nhận thông tin không chính xác. Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, 3 tháng đầu năm 2022, hơn 200.000 NLĐ được giải quyết hưởng BHXH một lần, tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Mỗi năm trung bình có gần 750.000 người rời khỏi hệ thống, chiếm hơn 5% tổng số người tham gia. Cứ 2 người tham gia mới vào hệ thống BHXH thì 1 người rời đi và xu thế này chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo thống kê, hầu hết những người rút BHXH một lần tập trung vào nhóm tuổi từ trên 20 tuổi đến đủ 30 tuổi (chiếm tỉ lệ 42,7%); nhóm tuổi từ trên 30 đến đủ 40 tuổi (chiếm tỉ lệ 32,8%). 97% người chọn rút một lần là lao động sau một năm nghỉ việc không đóng BHXH. Tháng 3/2022, Tổng LĐLĐ Việt Nam tiến hành khảo sát với hơn 1.500 lao động. Kết quả cho thấy, hơn 56% NLĐ cho biết tiền lương và thu nhập chỉ vừa đủ trang trải cho cuộc sống; 21% cho biết họ phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ mới đủ; hơn 13% cho biết thu nhập hiện nay không đủ sống. Nhiều NLĐ phải vay tiền chi tiêu và rất nhiều người không đủ sống phải rút BHXH một lần để giải quyết khó khăn trước mắt… “Hai năm qua, NLĐ không được tăng lương tối thiểu vùng nên cuộc sống rất khó khăn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến NLĐ lựa chọn rút BHXH một lần, nhất là ở những người mất việc làm, chưa thể quay lại thị trường lao động. Họ cần khoản tiền cố định, ngay lập tức để đáp ứng tình thế hiện tại” - đồng chí Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết. |
Người lao động chờ đợi tại BHXH quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) để rút BHXH một lần. Ảnh: NGỌC DUY (Báo Thanh niên). |
Theo đồng chí Hồ Thị Kim Ngân, ngoài nguyên nhân cuộc sống khó khăn còn có nguyên nhân khác dẫn đến NLĐ rút BHXH một lần. Đó là, tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH ở một số nơi chưa được giải quyết triệt để, khiến NLĐ thấy rằng họ không được BHXH hỗ trợ khi cần đến. |
Một số doanh nghiệp cũng trao đổi rằng, công nhân lo ngại thời gian tới, chính sách BHXH sẽ thay đổi, dẫn đến điều kiện hưởng BHXH một lần khó khăn hơn. Do vậy, họ cho rằng tốt nhất là rút BHXH một lần. Đó là thông tin không chính xác, nhưng lại rơi đúng vào thời điểm NLĐ khó khăn nhất, dẫn đến trường hợp NLĐ rút BHXH một lần để chi tiêu. Nhiều lao động trẻ rút BHXH một lần cũng cho biết, họ cần tiền và nếu chờ đến 55, 60 tuổi để hưởng lương hưu thì quá xa. Hầu như rất ít lao động khối tư nhân làm việc đến 55, 60 tuổi để nghỉ hưu. Do vậy, họ rút BHXH một lần để trang trải cuộc sống, thay vì phải vay mượn khắp nơi. |
Công đoàn hỗ trợ NLĐ, NSDLĐ phục hồi sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội Chương trình phối hợp hỗ trợ NLĐ, NSDLĐ, phát triển thị trường lao động và đảm bảo an sinh xã hội được Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam, VCCI, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ký kết nhằm mục đích: Triển khai quyết liệt, có hiệu quả, bảo đảm tiến độ các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ. Đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới. Kết nối tốt cung cầu và phát triển thị trường lao động bền vững, cung ứng kịp thời lao động có chất lượng cho thị trường. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nhất là chính sách BHXH, đảm bảo an sinh xã hội bền vững cho NLĐ. Các bên phối hợp thực hiện 6 nội dung quan trọng. Trong đó tập trung các giải pháp hỗ trợ phát triển cung - cầu lao động, tạo việc làm tốt hơn cho NLĐ, đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho NLĐ, tăng tỉ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BHXH đạt 45% (vào năm 2025) và đạt 60% (vào năm 2030). |
Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, VCCI, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nghiên cứu, triển khai mô hình "Chi lương linh hoạt" để tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp và NLĐ, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ và NSDLĐ, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ theo tinh thần Chỉ thị số 37- CT/TW ngày 03/9/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tổ chức Công đoàn cũng phối hợp chặt chẽ trong quá trình tổng kết thi hành Luật BHXH năm 2014; tham gia nghiên cứu, xây dựng, đánh giá tác động các nội dung sửa đổi, bổ sung; tổ chức các hội nghị, hội thảo, toạ đàm lấy ý kiến của NLĐ, chuyên gia, các nhà khoa học... về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Đặc biệt là những vấn đề phức tạp, nhạy cảm theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 03/12/2021 về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 11/2021; tiếp tục tổng kết đánh giá Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội khóa XIII về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần đối với NLĐ. |
Giá xăng cao kéo theo giá nhiều mặt hàng tăng khiến công nhân phải tằn tiện để trang trải cuộc sống. Ảnh: HOÀI THƯƠNG |