“Điều ước đoàn viên” là một trong 40 ý tưởng sáng tạo trong cuộc thi "Cán bộ công đoàn giỏi" do Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức từ năm 2018. Chương trình thể hiện sự quan tâm chăm lo thiết thực của tổ chức Công đoàn đối với đoàn viên. Thông qua chương trình sẽ lan tỏa nhiều hơn hoạt động và đóng góp của tổ chức Công đoàn trong xã hội, đáp ứng một phần mong muốn đời thường của đoàn viên, hỗ trợ đoàn viên thực hiện “điều ước” trong khả năng có thể của tổ chức Công đoàn.
Thông qua việc nắm bắt tình hình tại cơ sở, các cấp công đoàn báo cáo về Liên đoàn Lao động tỉnh và cùng xây dựng phương án để chia sẻ động viên tinh thần. Đồng thời tư vấn, hỗ trợ vật chất (trong điều kiện của mình) cụ thể, thiết thực nhất. Thông qua sự hỗ trợ của công đoàn, các tập thể, cá nhân đoàn viên công đoàn khắc phục được khó khăn từng bước vươn lên trong cuộc sống... Phương châm của Chương trình là không phải đoàn viên công đoàn cần gì công đoàn cũng đáp ứng, mà công đoàn hỗ trợ, giúp đỡ để đoàn viên công đoàn tự vượt khó vươn lên.
Theo bà Ngô Thị Thu Hương - Trưởng ban Tuyên giáo Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên - Huế: "Đối tượng mà chương trình hướng tới là các . Đó là đoàn viên công đoàn mắc bệnh nan y, các gia đình có thân nhân (chồng, vợ, con) đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn hoặc có con vượt khó học giỏi và tập thể công đoàn cơ sở khó khăn về cơ sở vật chất trong sinh hoạt hàng ngày".
“Điều ước” đầu tiên được thực hiện tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở (THCS) Hương Nguyên (huyện A Lưới). Trường có 24 giáo viên, nhưng chỉ có vài thầy, cô giáo là người địa phương. Còn lại đều ở cách xa điểm dạy học từ 40 km trở lên. Những ngày mưa bão, đường trơn, lại là vùng trũng nên đường sá đi lại khó khăn, nguy hiểm.
Cô giáo Trần Thị Thu Huế ở cách trường hơn 40 km, ngày nào cô cũng phải dậy từ 4 giờ sáng để kịp đón học sinh vào lớp. Cô thường ngả lưng tại phòng họp hội đồng để chờ giờ lên lớp buổi chiều. Nhiều đồng nghiệp của cô vào mùa mưa bão phải ở nhờ nhà dân xung quanh.
Nắm bắt được điều đó và góp phần khắc phục khó khăn này, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tiến hành khảo sát, vận động các nhà tài trợ ủng hộ xây dựng nhà công vụ cho các thầy cô giáo nơi đây. Đồng thời, phối hợp với Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Thừa Thiên - Huế trao tặng các vật dụng sinh hoạt thiết yếu khác như bếp ga, bình ga, nồi cơm điện, quạt máy cho nhà công vụ.
Với một điều ước khác, cũng được thực hiện đối với một hoàn cảnh đặc biệt. Cách đây 3 năm, anh Trương Văn Viễn (đoàn viên Công đoàn Tòa án Nhân dân huyện Phú Lộc) bị bệnh gút phát tác. Anh phải chấp nhận cắt lìa chân phải, chân trái cứu chữa được nhưng lại teo cơ dần dần, hai tay cũng yếu dần đi, không tự . Anh phải làm bạn với xe lăn.
Mẹ anh đã 70 tuổi. Vợ anh làm thợ may, thu nhập thấp cộng với lương, trợ cấp chế độ bảo hiểm của anh mỗi tháng gần 2 triệu, gia đình chi tiêu tằn tiện và nuôi con học hành.
Với bệnh tình của mình, lẽ ra mỗi tháng anh Viễn phải mua 2 triệu tiền thuốc, thì anh chỉ mua 1 triệu là loại thuốc bắt buộc. Còn thực phẩm bổ trợ thì thôi. Anh chỉ mong đôi bàn tay có thể khỏe mạnh hơn để tự mình đi bán vé số.
Trong tháng 5/2020, Liên đoàn Lao động tỉnh đã kết nối với Shop vải đẹp Thảo Nguyễn tại Hà Nội hỗ trợ anh Viễn mỗi tháng 1 triệu đồng, trước mắt giúp anh có thêm tiền mua thuốc chữa bệnh.
Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên - Huế luôn có nhiều sáng tạo trong chăm lo người lao động, trong đó có đám cưới dành cho công nhân |
Từ khi triển khai chương trình đến nay, đã có 22 được thực hiện. Cụ thể, Liên đoàn Lao động tỉnh đã kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng nhà công vụ cho giáo viên tại Hương Nguyên (huyện A lưới); Thượng Quảng, Thượng Long (Huyện Nam Đông) và Xuân Lộc (huyện Phú Lộc); công trình nước sạch cho giáo viên vùng sâu, vùng xa Hương Lâm (huyện A Lưới); hỗ trợ đoàn viên neo đơn được chữa bệnh miễn phí (trường hợp cô giáo Nhân ở Trường Mầm non Nguyễn Viết Phong - huyện Hương Thủy); hỗ trợ tiền mua thuốc chữa bệnh hằng tháng cho đoàn viên Trương Văn Viễn (Tòa án Nhân dân huyện Phú Lộc); hỗ trợ tiền mua dụng cụ chạy khí dung cho vợ đoàn viên Trường Cư Chánh (huyện Phú Lộc) bị ung thư giai đoạn cuối; hỗ trợ gạo cho đoàn viên nghiệp đoàn xích lô, xe thồ du lịch và đoàn viên các trường mầm non tư thục, đoàn viên các công đoàn cơ sở dịch vụ, du lịch trong dịch Covid-19 (2 đợt); thành lập công đoàn cơ sở cho người lao động tại Công ty Huy Long (huyện Quảng Điền); hỗ trợ máy tính, quạt cho các cháu con của đoàn viên vượt khó, học giỏi ở Thủy Biều (thành phố Huế); xây dựng nhà "Mái ấm công đoàn"; khám sức khỏe sinh sản cho đoàn viên nữ; phối hợp tổ chức thi tay nghề, nâng bậc thợ cho công nhân lao động tại công đoàn cơ sở Triệu Phú (huyện Quảng Điền)… Nguồn kinh phí để thực hiện là từ công tác xã hội hóa.
Liên đoàn Lao động tỉnh cũng phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng lan tỏa ý nghĩa của chương trình. Sau mỗi chương trình "Điều ước đoàn viên" được chiếu trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình Huế (phát vào “giờ vàng”). Liên đoàn Lao động tỉnh cũng đăng ở facebook Công đoàn Huế, fanpage Công đoàn Thừa Thiên - Huế, khiến lượng người bình luận, chia sẻ, thích tăng lên rất nhiều so với những bản tin bình thường, lan tỏa hơn nữa hoạt động chăm lo thiết thực của công đoàn.
Trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, nguồn xã hội hóa ít dần, mức hỗ trợ để thực hiện “điều ước” cho đoàn viên công đoàn cũng giảm, Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên Huế đang triển khai vận động “Hũ gạo tình thương”, chương trình “ Địa chỉ xanh” để tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và đoàn viên công đoàn có điều kiện hỗ trợ thực hiện các “điều ước đoàn viên”.
Bài: Duy Minh
Ảnh: CĐ
Đồ họa: Duy Minh