|
Sau gần 35 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, cùng với sự phát triển của các thành phần kinh tế, giai cấp công nhân và không ngừng lớn mạnh. Việc tiếp tục đổi mới, hoàn thiện mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Công đoàn Việt Nam hiện nay đang là một trong những nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa to lớn và là yêu cầu tất yếu khách quan. 1. CƠ SỞ LÝ LUẬN CỦA VIỆC ĐỔI MỚI MÔ HÌNH, TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN VIỆT NAMSinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Trong đó Công đoàn Việt Nam có vị trí, vai trò quan trọng trong việc động viên, tập hợp các tầng lớp nhân dân. Trong các nhiệm kỳ Đại hội, Đảng ta đều có những chủ trương, giải pháp lớn nhằm đổi mới mô hình, tổ chức và hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội nói chung và tổ chức Công đoàn nói riêng; nhằm xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam vững mạnh. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn và yêu cầu hội nhập quốc tế; làm tốt vai trò đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tập thể người lao động. Định hướng, quản lý tốt sự ra đời, hoạt động của các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài tổ chức Công đoàn hiện nay”. Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII cũng yêu cầu: “Tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động công đoàn; chú trọng công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở gắn liền với việc nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Công đoàn; đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ”. Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII. Ảnh: Nhật Hồ Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế với việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và việc phê chuẩn các công ước quốc tế tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, việc nước ta nội luật hóa trong Bộ luật Lao động cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam là vấn đề mới, chưa có tiền lệ. Quốc hội đã và tiếp tục phê chuẩn các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về quyền tổ chức và thương lượng tập thể (Công ước 98, Công ước 87). Trong đó Công ước 87 dự kiến phê chuẩn vào năm 2023, cho phép tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp được phép liên kết (ngang và dọc), được gia nhập và liên kết với các tổ chức quốc tế của người lao động. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật khác tác động sâu sắc đến sản xuất, đời sống, việc làm của người lao động và hoạt động công đoàn. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, mạng xã hội và các phương thức truyền thông hiện đại sẽ làm thay đổi cách thức trao đổi thông tin và giao tiếp truyền thống; việc tuyên truyền, vận động, tập hợp của các cấp công đoàn thuận lợi hơn nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động sâu sắc đến sản xuất, đời sống, việc làm của người lao động và hoạt động công đoàn. Ảnh: Tạp chí LĐ và XH 2. CƠ SỞ THỰC TIỄN CỦA VIỆC ĐỔI MỚI MÔ HÌNH, TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN VIỆT NAMThực tiễn những năm qua cho thấy, mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở nói chung có bước cải tiến phù hợp với tình hình sở hữu về kinh tế, loại hình công đoàn cơ sở. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn được đổi mới theo hướng tích cực. Mô hình tổ chức của Công đoàn Việt Nam cơ bản phù hợp với từng cấp, từng ngành, từng loại hình tổ chức cơ sở, tạo điều kiện cho các cấp công đoàn và cả tổ chức Công đoàn Việt Nam được ổn định, từng bước phát huy được vị trí, vai trò và chức năng của mình. Công tác đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn trong những năm qua đạt nhiều kết quả tốt. Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác phát triển đoàn viên, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn. Đẩy mạnh, cải tiến việc xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh. Xây dựng tiêu chuẩn, chức danh cán bộ công đoàn, làm cơ sở cho việc quy hoạch, tuyển chọn, đào tạo và sử dụng cán bộ; gắn công tác đào tạo với sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ. Thực hiện tốt việc phân công, phân cấp quản lý cán bộ theo quy định... Tham gia tổ chức Công đoàn, công nhân lao động được bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng. Ảnh: Đức Thắng (Báo Thanh Hóa). Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, mô hình tổ chức Công đoàn Việt Nam còn thể hiện một số hạn chế, tồn tại do những tác động khách quan và chủ quan. Hoạt động công đoàn chưa theo kịp sự phát triển của kinh tế - xã hội, còn dàn trải, dồn áp lực xuống cơ sở, chưa bám sát vào các chức năng cơ bản của tổ chức Công đoàn. Sự vận hành của toàn hệ thống công đoàn có khâu, có lúc chưa thật sự trơn tru, hiệu quả. Chất lượng tham gia xây dựng, hoàn thiện một số và tổ chức Công đoàn chưa cao. Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn chưa tương xứng với yêu cầu phát triển của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công đoàn còn chậm, chưa mang tính đột phá. 3. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI VIỆC ĐỔI MỚI MÔ HÌNH, TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN VIỆT NAMThứ nhất, đổi mới nhận thức của Đảng về vai trò của tổ chức Công đoàn cho phù hợp với nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế Đó là nhận thức về quan hệ lao động, về tính chất, vai trò, vị trí, phương thức hoạt động của tổ chức Công đoàn trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Yêu cầu đổi mới nhận thức xuất phát từ thực tế công cuộc đổi mới. Trong khi ở các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước, người lao động có vị thế làm chủ, được tham gia quản lý, làm việc vì lợi ích chung của đất nước, thì ở các doanh nghiệp tư nhân, FDI, người lao động là người làm thuê. Vì vậy, không thể áp đặt vai trò, vị trí và phương thức tổ chức, hoạt động của tổ chức Công đoàn trong các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước vào các doanh nghiệp ở khu vực kinh tế tư nhân và FDI. Cần khẩn trương nghiên cứu để sớm có mô hình tổ chức Công đoàn thích hợp, hiệu quả cho khu vực này. Thứ hai, vấn đề việc làm của người lao động Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc học tập, nâng cao trình độ để chuyển đổi nghề là một tất yếu, trong khi phần lớn người lao động chưa sẵn sàng cho xu thế này. Mạng xã hội phát triển mạnh, vừa mang lại nhiều lợi ích, vừa có thể bị lợi dụng đưa thông tin giả, xấu, độc, tuyên truyền, lôi kéo, kích động người lao động tham gia những việc làm trái pháp luật, ngừng việc tập thể, đình công, gây phức tạp tình hình quan hệ lao động và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Học tập, nâng cao trình độ của người lao động là cần thiết trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ảnh: Đăng Khoa Thứ ba, tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp ngoài Công đoàn Việt Nam Lần đầu tiên ở Việt Nam đặt ra vấn đề “đa công đoàn, cạnh tranh công đoàn”. Tổ chức này có thể được thành lập và hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích nhưng cũng có thể hoạt động đội lốt, trá hình, từ tổ chức này với sự tác động ở bên ngoài, sẽ hình thành các đảng phái đối lập, là công cụ hợp pháp để các thế lực thù địch, phản động chống phá Công đoàn, Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Vừa nhìn nhận là một thách thức, Công đoàn Việt Nam cũng đồng thời coi đó là áp lực, là cơ hội để đổi mới mạnh mẽ, thu hút và xây dựng mối quan hệ bền vững với đoàn viên, người lao động. Thứ tư, việc sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế Đây là chủ trương lớn, hết sức đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta. Tuy nhiên, với tổ chức Công đoàn Việt Nam, trong bối cảnh đoàn viên và công đoàn cơ sở không ngừng tăng, nhiệm vụ ngày càng nặng nề, phải chuẩn bị lực lượng đủ mạnh để cạnh tranh với tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, việc giảm biên chế đồng loạt sẽ làm cho hoạt động công đoàn ở nhiều địa phương, ngành gặp khó khăn. Về mô hình, trong khi Công đoàn Việt Nam chủ yếu tổ chức theo đơn vị hành chính, thì hầu hết các nước trên thế giới tổ chức công đoàn theo ngành. Dự báo tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sẽ được tổ chức theo mô hình ngành, trực tiếp cạnh tranh với Công đoàn Việt Nam. Đây là vấn đề rất cần được quan tâm trong việc thiết kế mô hình Công đoàn Việt Nam thời gian tới. Chú thích: * Lược trích Tham luận cùng tên của tác giả tại Hội thảo “Cơ sở lý luận và thực tiễn về đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn Việt Nam khi nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”, do Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động phối hợp với Trường Đại học Công đoàn tổ chức, tháng 11/2020. |
Bài viết: TS. Trần Thị Minh Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức, cán bộ, Ban Tổ chức Trung ương
|