Chúng tôi gặp chị Annick vào một chiều hè, trong căn nhà san sát các bức tranh sơn mài và kệ họa cụ ở Thảo Điền, Quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh. Duyên cơ nào khiến chị đã đến với sơn mài truyền thống Việt Nam là câu hỏi đầu tiên mà chúng tôi đặt ra cho chị.
Chậm rãi và chi tiết, giọng tiếng Pháp vùng Occitan xen lẫn vài từ tiếng Việt tự học được, chị nói: “Dấu ấn theo suốt tuổi thơ của tôi là chiếc hộp đựng trang sức bằng sơn mài mà ông ngoại tôi đã mang về từ Việt Nam trong giai đoạn đầu của thời kỳ thuộc địa. Đó là kỷ vật của một tình yêu không thành với một cô gái Việt Nam. Từ chiếc hộp này, tuổi trẻ của tôi không ngừng đi tìm kiếm tất cả những gì liên quan đến Việt Nam: nghệ thuật, phong tục, truyền thống, ẩm thực, … Tất cả thấm đẫm vào tôi đến mức nhiều lúc tôi tự hỏi, tôi đã trở thành người Việt từ bao giờ”.
Sự kết hợp giữa hội họa và điêu khắc trong tranh của Annick, Anacrouse, Montpellier, Pháp, 2017. Ảnh: QUỐC THẮNG
Trải qua nhiều thế hệ, thay đổi nhiều nơi ở, từ Tây Ban Nha, sang Pháp rồi đến Việt Nam nhưng chiếc hộp đựng trang sức đã được gia đình Annick bảo quản kỹ càng, như một “di sản”. Đây chính là điều hối thúc chị bước vào con đường sáng tác sơn mài.
Họa sĩ Nguyễn Văn Minh và các giảng viên ngành Sơn mài của Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh kết luận về chị rất ngắn gọn: “Annick có một tâm hồn sơn mài: tĩnh, lắng đọng và có phẩm chất của một họa sĩ sơn mài: kiên nhẫn”.
Quyết định sang sống ở Việt Nam cùng chồng con từ năm 2010, Annick bắt đầu thực hiện khao khát nghệ thuật của mình. Là giáo viên hội họa ở trường tiểu học, chị vốn có những phẩm chất của họa sĩ. Những khoảng cách giữa sáng tác và phong cách hội họa phương Tây với sơn mài đã được lấp đầy bởi niềm khao khát theo suốt từ tuổi thơ.
Loạt phóng sự truyền hình trên TV5 Monde về những đứa trẻ Việt Nam lang thang, cơ nhỡ, không nơi nương tựa thúc đẩy Annick gia nhập Hội Hữu nghị phát triển và trao đổi giáo dục Pháp – Việt (ADEP – Association d’amitié et de développement des échanges pédagogique France - Vietnam) vào năm 2000.
Gia đình Annick, hình chụp năm 2007 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC
Thông qua tổ chức này, mỗi tháng, vợ chồng chị trích một phần lương để giúp đỡ những trẻ em khó khăn ở Việt Nam. Nhẩm tính trên tay, Annick cho biết có khoảng 10 trẻ em đã được vợ chồng chị chu cấp chi phí học tập cho đến khi hoàn thành chương trình phổ thông: nào là Kiên (ở Nha Trang), Hùng (ở Cần Thơ), Mai (ở Quảng Nam), Bắc ( ở Thanh Hóa),...
Mong muốn nhận một đứa trẻ không nơi nương tựa làm con nuôi của Annick được thực hiện vào năm 2005. Sau khi hoàn thành các thủ tục, Hiền (Joan) chính thức trở thành con của vợ chồng chị vào đầu năm 2006.
Annick và Hiền (Joan) – con trai nuôi gốc Việt của mình trong phòng sáng tác tranh sơn mài. Ảnh: QUỐC THẮNG
Nhớ lại lúc nhận Hiền làm con nuôi, chị tâm sự: “Khi ẵm đứa bé trên tay đi ra khỏi trại trẻ mồ côi ở Thành phố Hồ Chí Minh, trong tôi đan xen nhiều tâm trạng: đau xót về một đứa trẻ đã bị vứt đi khi vừa mới chào đời; liệu có thể chăm sóc Hiền để bé trở thành một đứa trẻ bình thường không vì trước đó bác sĩ cho biết Hiền có nhiều vấn đề về sức khỏe. Nhưng tình thương đã giúp tôi và Hiền vượt qua tất cả”.
Khi lên 5 tuổi, Hiền đã bắt đầu học cách pha màu và vẽ tranh sơn mài bằng các thao tác được Annick uốn nắn.
“Điều tôi hy vọng là, khi lớn lên, bên cạnh một công việc tốt, Hiền sẽ tìm về cội nguồn của mình qua truyền thống, phong tục và nhất là nghệ thuật sơn mài” – Annick chia sẻ.
Tranh của Annick sử dụng chất liệu nhựa cây sơn mài tự nhiên. Để sáng tác với chất liệu này, cần khí hậu nóng và ẩm như ở Việt Nam – điều khiến cho việc chị phải rất vất vả thử nghiệm.
Chuyển chỗ ở đến thành phố Montpellier, miền Nam nước Pháp, nơi có khí hậu ấm hơn vào mùa hè nhưng lại không đủ độ ẩm, Annick đã tìm ra một công thức cho riêng mình: để tạo độ ẩm, chị đặt tranh trên một hộc nhựa chứa nước lớn và công việc đó chỉ thực hiện vào ban đêm để tận dụng thêm độ ẩm tự nhiên. Khi hoàn thành, tranh phải được để trong buồng ủ vài tháng để họa tiết đi vào ổn định, nếu không, mặt sơn sẽ bị đục, màu sơn thâm. Vì thế, quá trình sáng tác một bức tranh nhiều khi kéo dài đến cả năm.
Tranh của Annick trưng bày trong La maison des arts, Graveson, Pháp. Ảnh: NVCC
“Từ giữa tháng Sáu đến tháng Chín, tôi chỉ thực hiện được tầm 3 lớp mài và phơi khô, trong lúc, phải cần hơn 10 lớp để hoàn thành bức tranh. Sự kết hợp giữa nhựa công nghiệp và nhựa tự nhiên có thể là một giải pháp trong điều kiện này, tuy nhiên đó lại là điều tôi không muốn. Như bạn biết, nhựa tự nhiên là chất liệu của sự sống động và điều kiện cơ bản để có một bức tranh nghệ thuật đẹp, trong, ánh sắc sâu” - chị chia sẻ.
Chính vì thế, từ năm 2020, khi không còn định cư ở Việt Nam, vào mỗi dịp hè, Annick đều thu xếp công việc của mình để sang Việt Nam sáng tác. Không biết bao nhiêu lần Annick đã đóng gói những bức tranh sơn mài của mình gửi về Pháp tham dự triễn lãm. Tranh của chị được giới nghệ thuật Pháp đánh giá cao và thu hút người thưởng ngoạn.
Annick nhớ lại: "Tác phẩm sơn mài đầu tiên của tôi tham gia triển lãm ở Pháp là một bức tranh vẽ vịnh Hạ Long. Như bạn biết, công chúng Pháp vốn đã bị thu hút bởi vẻ đẹp nguy nga và tinh xảo của tạo hóa ở cảnh quan này, bức tranh đó, một lần nữa khẳng định một Việt Nam kỳ diệu cả trong nghệ thuật".
Sơn tự nhiên khi đang còn mới gây ra dị ứng da cho người sáng tác. Ảnh: QUỐC THẮNG
Trên kệ tranh sơn mài chưa khô, những bức họa về Hồ Gươm, động Phong Nha, chùa Thiên Mụ, ... đang được Annick hoàn thành. "Tôi đã tập làm quen được với những gian khó khi theo đuổi sơn mài. Khi sáng tác trong thời tiết quá khô hoặc khi sơn đang còn mới sẽ gây ra dị ứng da. Vậy nên, tôi thường nói đùa với các giảng viên ở trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh rằng: "Họa sĩ sơn mài vừa phải có "chất thợ", vừa phải có "chất nghệ" và vừa phải có "chất của một bác sĩ da liễu"! - Annick cười và giải thích thêm: "Tức là phải tự chữa được cho mình mỗi khi bị dị ứng, điều đó xảy ra thường xuyên, nhất là khi dùng nhựa tự nhiên".
Quá trình sáng tác tranh sơn mài của Annick đi từ truyền thống với các bức tranh về phong cảnh, đời sống đến giai đoạn ấn tượng – biểu hiện. Cả hai đều mang chất trừu tượng. Người xem nhận ra được sự chuyển biến từ những ký ức về không gian đời thường đến những bức tranh chỉ còn nhịp điệu của nét, màu và bề mặt.
Tranh của Annick tham dự triển lãm Lễ hội nghệ thuật đường phố, Albas, Pháp, 2019. Ảnh: NVCC |
Chia tay người họa sĩ “không biên giới”, câu hỏi cuối cùng tôi dành cho chị là dự định tương lai trong con đường nghệ thuật, chị chia sẻ: “Trước hết là hoàn thành chuỗi tranh về phong cảnh Việt Nam, từ Bắc vào Nam, như một sự biết ơn đất nước này đã cho tôi quá nhiều thứ mà tôi từng không dám ước. Mong muốn của tôi là được sáng tác và giảng dạy sơn mài truyền thống Việt Nam ở Pháp, để nghệ thuật sơn mài ngày càng phát triển ở châu Âu, là sơn mài tự nhiên, không phải sơn mài công nghiệp”.
Bên ngoài, đường đã lên đèn, những tia sáng xuyên qua lùm cây làm cho tôi liên tưởng đến những tia sáng của tình thương, của nghệ thuật, bất chấp khoảng cách, biên giới...
Nghệ thuật sơn mài bắt đầu manh nha ở Pháp từ cuối thế kỷ XV với các họa tiết trên trang sức, vật dụng, đồ trưng bày. Năm 1978, Hiệp hội Sáng tác sơn mài (LAC – Lacquers Associés pour la Création) được thành lập đã tập hợp các họa sĩ và phát triển nghệ thuật này. Tuy nhiên, chất liệu sáng tác trong các tác phẩm là nhựa sơn mài công nghiệp. Các tác phẩm sáng tác bằng nhựa tự nhiên của họa sĩ Annick hiện diện ở Pháp đã góp phần khẳng định giá trị nghệ thuật của sơn mài truyền thống Việt Nam. |
QUỐC THẮNG |