Tăng cường cáp hạ thế chống quá tải mùa nắng nóng. Ảnh: PC Hải Dương.
Chuyển đổi số trong quản lý an toàn lao động, thích ứng với tình hình dịch bệnh |
Theo ông Mai Quang Hùng - Trưởng ban An toàn (Tổng Công ty Điện lực miền Bắc), việc chuyển đổi số trong quản lý công tác an toàn lao động đưa doanh nghiệp và người lao động đến gần nhau hơn trong mô hình sản xuất an toàn, năng suất lao động cao. Chuyển đổi số còn hình thành thói quen làm việc thích ứng với các loại hình dịch bệnh ở hiện tại lẫn tương lai cho người lao động. “Tổng Công ty thực hiện chuyển đổi số từ năm 2017 với mục tiêu nâng cao năng suất lao động, đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động. Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, quá trình số hóa được đẩy nhanh hơn một bước” - ông Mai Quang Hùng chia sẻ. |
Thay đổi hình thức kiểm tra kiểm soát an toàn |
Ông Mai Quang Hùng - Trưởng ban An toàn (Tổng Công ty Điện lực miền Bắc).
Quản lý và vận hành hệ thống phân phối điện tại 27 tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Hà Giang (trừ Thủ đô Hà Nội) với 204 huyện, thị thuộc khu vực trung du, miền núi, biên giới, hải đảo là áp lực rất lớn đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Trong tổng số 26.369 cán bộ, công nhân viên, Tổng Công ty có tới hơn 18.000 người làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Người lao động thường xuyên làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, cực đoan như: nắng nóng, hạn hán, băng tuyết, bão lũ. Trung bình mỗi ngày có gần 3.000 công việc và 6.000 lượt người làm việc trên lưới điện. Trong 10 tháng của năm 2021, khối lượng công việc tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2020. Việc quản lý lưới điện gồm 9.178km đường dây 110kV và 270 Trạm biến áp (TBA), 72.000km đường dây lưới điện trung áp và 193 TBA trung gian, 161.472km đường dây lưới điện hạ áp và 57.200 TBA phân phối; cùng hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn qua địa bàn 5.044 xã đòi hỏi phải có hệ thống quản lý an toàn phù hợp và hiệu quả hơn so với cách quản lý truyền thống. “Trước đây, Tổng Công ty chủ yếu áp dụng các hình thức kiểm soát an toàn trực tiếp tại hiện trường, phát hiện vi phạm về an toàn lao động thì hướng dẫn khắc phục ngay. Nhưng việc di chuyển đến hiện trường khó khăn, mất nhiều thời gian; khối lượng công việc được kiểm soát chiếm tỷ lệ nhỏ so với khối lượng thực tế trên lưới điện… Do đó, hình thức này chỉ được ưu tiên áp dụng với một số công việc có khối lượng lớn, tính chất phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cao, tại đơn vị có địa bàn hẹp” – ông Mai Quang Hùng cho biết. |
Công nhân Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Dương dầm mình khắc phục sự cố trong bão. Ảnh: PC Hải Dương.
Ngoài ra, Tổng Công ty còn kiểm tra, kiểm soát an toàn bằng cách gọi điện thoại nhưng thông tin thu được ít, lại khó kiểm chứng, khó đánh giá và nhiều khi không kịp thời. Trước thực tế đó, Tổng Công ty đã nghiên cứu áp dụng hệ thống công nghệ quản lý an toàn lao động, quản lý rủi ro và ứng cứu khẩn cấp gồm: Hệ thống quản lý an toàn lao động qua ứng dụng công nghệ thông tin (ECP) và hệ thống quản lý an toàn lao động, quản lý rủi ro và ứng cứu khẩn cấp qua tổng đài tin nhắn. Trong đó, hệ thống quản lý an toàn lao động qua ứng dụng công nghệ thông tin (ECP) chủ yếu kiểm tra, kiểm soát an toàn lao động qua hình ảnh, video. Hệ thống tận dụng thiết bị đầu cuối, điện thoại thông minh, Ipad, máy tính bảng đã được trang bị cho gần 28.000 cán bộ, công nhân viên. Tại hiện trường làm việc, đơn vị công tác sử dụng điện thoại thông minh hoặc Ipad, máy tính bảng đã được cài đặt phần mềm ECP mobile, đăng nhập vào phần mềm, lựa chọn công việc được phân công, chụp ảnh và gửi lên phần mềm theo trình tự. Những hình ảnh này lập tức được gửi lên hệ thống cơ sở lưu trữ dữ liệu. Các Trung tâm kiểm tra, kiểm soát an toàn lao động (từ cấp đơn vị cơ sở, công ty đến cấp Tổng Công ty) đăng nhập tài khoản trên phân hệ ECP web core (Website) hoặc ECP monitor (màn hình ti vi) chọn công việc và xem hình ảnh gửi từ hiện trường làm việc. Nếu phát hiện tồn tại, sai sót, sẽ phản hồi ngay với đơn vị công tác để khắc phục, tránh xảy ra tai nạn lao động. |
Chuyển đổi số thay đổi thói quen của người lao động |
Hệ thống phân cấp chức năng các tài khoản người dùng theo vị trí công tác, nhiệm vụ được giao; loại bỏ khả năng chỉnh sửa, xóa dữ liệu, chỉ đường cho công nhân đến vị trí sự cố nhanh nhất. Qua hình ảnh truyền về, các tồn tại về kỹ thuật an toàn được phát hiện, khắc phục kịp thời, loại bỏ các khiếm khuyết trên lưới điện, hạn chế nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn... Hiện nay, Tổng Công ty tiếp tục hoàn thiện và triển khai thêm một số chức năng của hệ thống như: Nhận diện khuôn mặt nhân viên đơn vị công tác, nhận diện hình ảnh mất an toàn bằng trí tuệ nhân tạo (AI); tiến tới hoàn thiện và sử dụng chức năng dẫn đường cho đơn vị công tác đến vị trí làm việc, loại bỏ nguy cơ tiềm ẩn tai nạn do làm việc nhầm vị trí. Tổng Công ty cũng phát triển thêm phân hệ sử dụng camera để kiểm soát an toàn lao động và sử dụng trí tuệ nhân tạo (Al) để tự động phân tích, đánh giá dựa trên dữ liệu đầu vào, kết quả kiểm tra kiểm soát của các bộ phận nhằm đưa ra định hướng cho người quản lý. Quy trình nghiệp vụ ATVSLĐ cũng được số hóa từ khâu quản lý công cụ, dụng cụ an toàn, thiết bị, máy có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; quản lý vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, phòng chống thiên tai đến quản lý công tác kiểm tra an toàn lao động đột xuất tại hiện trường, đơn vị cơ sở. |
Người lao động chụp ảnh và gửi lên hệ thống quản lý an toàn lao động. |
"Dịch bệnh đã thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số trong công tác an toàn lao động, đưa doanh nghiệp và người lao động đến gần nhau hơn, nhất là khi các địa phương, đơn vị thực hiện giãn cách xã hội. Từ tâm lý ngại chuyển đổi, người lao động đã thích ứng với mô hình sản xuất mới, phù hợp với tình hình dịch bệnh ở hiện tại cũng như trong tương lai. Việc áp dụng công nghệ số trong công tác quản lý an toàn tại hiện trường cũng như ở các môi trường làm việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động đã cho thấy kết quả rõ rệt: Tổng công ty không để xảy ra mất an toàn nghiêm trọng trong giai đoạn 2020 - 2021" - ông Mai Quang Hùng cho biết. |