Là Nhà giáo ưu tú, không chỉ được học trò, đồng nghiệp quý mến mà GS. TS Nguyễn Minh Thủy còn là “cứu tinh” của nông dân và ngành Nông nghiệp mỗi khi gặp khó khăn. Suốt năm qua, người nữ giáo sư ấy luôn dành trọn cuộc đời đi tìm lời giải cho bài toán nông sản Việt được mùa mất giá…
Tối ngày 4/6 vừa qua, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Xô đã diễn ra Chương trình "Vinh quang Việt Nam" lần thứ 18 năm 2023 với chủ đề "Ý chí Việt Nam".
Có 16 tấm gương tiêu biểu được Chương trình "Vinh quang Việt Nam" tôn vinh lần này. Họ làm việc ở những ngành nghề, lĩnh vực, vị trí khác nhau nhưng đều có điểm chung, đó là ý chí vươn lên, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phụng sự đất nước, phục vụ Nhân dân. Trong số này phải kể đến Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Minh Thủy, sinh năm 1961, quê gốc ở tỉnh An Giang, hiện đang là giảng viên cao cấp môn Công nghệ thực phẩm, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Trường Đại học Cần Thơ. |
Những ngày giữa tháng 6, các tán rừng sim mênh mông bạt ngàn, kết thành một dãy màu tím thơ mộng phủ khắp núi rừng Kon Plông (tỉnh Kon Tum). Nếu như trước đây, quả sim rừng chỉ là một thứ mọc hoang dại, bị bỏ quên, thì bây giờ, nó đã trở thành những sản phẩm mang lại giá trị cao. Đặc biệt, từ khi loại quả này được chuyển giao công nghệ sản xuất rượu vang sim đã giúp tạo công ăn việc làm với nguồn thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân là đồng bào dân tộc ở xã Măng Đen, huyện Kon Plông. Ít ai biết rằng, những sự đổi thay to lớn ấy lại đến từ sự đóng góp của một nữ nhà giáo đến từ miệt sông nước Cửu Long. Clip một trong những buổi thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học do Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Minh Thủy hướng dẫn. GS Nguyễn Minh Thủy cùng các sinh viên thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học. Sinh ra và lớn lên nơi miệt sông nước Cửu Long, như bao đứa trẻ khác, tuổi thơ của cô Thủy là những tháng ngày yên ả bên đồng ruộng. Những bữa cơm đồng quê mẹ nấu với mùi khói lam chiều bình dị. Một ngày nọ, thiếu nữ Thủy chợt quan sát và nhận thấy nông sản là nguồn thực phẩm thiết yếu cho đời sống con người nhưng chúng khó bảo quản được lâu. Chỉ một thời gian, chúng sẽ đi dần đến giai đoạn hư hỏng. Đặc biệt, ở vùng đất được xem là “vựa nông sản” của cả nước như ĐBSCL; tỉ lệ tổn thất sau thu hoạch thường rất cao, khiến đời sống người nông dân càng thêm vất vả. Từ trăn trở đó, những năm học cấp 3, cô Thủy đã nung nấu ước mơ theo học ngành Công nghệ thực phẩm. Để từ đó, mang khoa học công nghệ đóng góp vào quá trình phát triển các sản phẩm nông nghiệp, thông qua các hoạt động tồn trữ bảo quản và chế biến sản phẩm mới với chất lượng cao và an toàn. “Và ước mơ đó đã thành hiện thực, từ năm 1980, tôi đã theo ngành Công nghệ thực phẩm tại Trường Đại học Cần Thơ”, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Minh Thủy kể lại. |
Với những đóng góp to lớn từ nghiên cứu khoa học, GS Nguyễn Minh Thủy được tôn vinh tại Chương trình "Vinh quang Việt Nam" diễn ra vào ngày 4/6. |
Bước vào đại học với ngành nghề yêu thích, sinh viên Nguyễn Minh Thủy được thỏa mãn niềm đam mê chế biến các nguyên vật liệu trong ngành thực phẩm. Và giấc mơ tạo một sản phẩm nào đó trên quy mô lớn hơn bữa ăn gia đình từ những nguyên liệu hàng ngày đã thôi thúc nữ sinh viên học tập thật tốt. Năm 1984 tốt nghiệp, sinh viên Nguyễn Minh Thủy được giữ lại Trường Đại học Cần Thơ làm giảng viên. Năm 1991, cô giành được học bổng đi học sau đại học tại Viện Kỹ thuật châu Á (Thái Lan), chuyên ngành Công nghệ sau thu hoạch - một ngành học rất mới, rất rộng lớn. Đây là giai đoạn đặc biệt nâng cao kiến thức chuyên ngành cho cô. |
Cô đã được học rất nhiều điều mới lạ, tiếp cận kỹ thuật tiên tiến và được làm luận án tốt nghiệp tại nhà máy chế biến thực phẩm với sự hỗ trợ rất cao của giáo sư và kỹ thuật viên nơi đây. Cô tận dụng hết tất cả thời gian để học tập và tự nâng cao kiến thức chuyên ngành. Năm 2007, cô học nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Leuven, Vương quốc Bỉ. Khoảng thời gian này, cô đã học được nhiều hơn nữa các kiến thức chuyên sâu bên cạnh các kỹ thuật chế biến và bảo quản thực phẩm tiên tiến của châu Âu. Cô nhận ra, kho tàng kiến thức là vô tận, khao khát được chinh phục kho tàng ấy để thực hiện ước mơ của mình và chỉ có việc học tập với cường độ cao nhất mới có thể giúp thực hiện ước mơ đó. Là người con của vùng đất nông nghiệp ĐBSCL, hơn ai hết, cô Thủy hiểu nơi đây được thiên nhiên ưu ái, đa dạng về nông sản thực phẩm, nhưng từ trước tới nay rất ít được nghiên cứu, thường xuyên xảy ra tình trạng được mùa lại rớt giá, hết giải cứu hành tím lại sang giải cứu thanh long… Cô chia sẻ: "Ngay từ lúc bắt đầu học thạc sĩ ngành Công nghệ sau thu hoạch tại Thái Lan, tôi đã hiểu rõ công nghệ sau thu hoạch đối với nông sản là cực kỳ quan trọng, là mạch sống của mỗi quốc gia. Mục tiêu của công nghệ sau thu hoạch là phải làm giảm đến mức thấp nhất tổn thất chất lượng và khối lượng nông sản. Với các quốc gia còn nghèo, khi lượng thực phẩm chưa đủ ăn thì tổn thất sau thu hoạch là vấn đề cần phải quan tâm hơn. Trong mắt tôi, tất cả các loại thực phẩm khi mới thu hoạch đều tươi ngon nhưng rồi chúng cũng sẽ đi dần đến giai đoạn hư hỏng... tôi đã có những suy nghĩ làm sao có thể giữ chúng được lâu hơn khi người dân mình vẫn chưa đủ ăn, không thể lãng phí nguồn thực phẩm ấy". Vì vậy, khi trở về nước, cô bắt đầu tập trung vào nhóm nguyên liệu đặc sản của địa phương. Các nghiên cứu của cô dần tập trung khai thác sâu hơn về chất lượng nguyên liệu và sử dụng các nguồn đặc sản của địa phương với hai hoạt động song song là bảo quản nguồn nguyên liệu cho sử dụng tươi và chế biến sản phẩm để mang lại giá trị cao hơn cho các nguồn đặc sản quý này. Cô đặt ra bài toán chế biến cây mía ở Hậu Giang để mía đạt chữ đường (CCS) cao nhất, thời gian lưu trữ hợp lý, không bị mất chất lượng, người dân không bị thương lái ép giá. Đến nay, GS Thủy đã thực hiện 26 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp (quốc tế, tỉnh, cơ sở) đóng góp to lớn vào sự phát triển của nền nông nghiệp ĐBSCL. Sau hai năm nghiên cứu, năm 2010 công trình của cô thành công. Người dân vùng mía Phụng Hiệp, Vị Thanh, Long Mỹ tỉnh Hậu Giang vui mừng khôn xiết. Những năm 2000, khi thực hiện đề tài nghiên cứu chế biến sản phẩm từ cây thốt nốt ở Tri Tôn, Tịnh Biên (tỉnh An Giang), nhóm nghiên cứu của cô Thủy gặp khó khăn do đa số người dân địa phương là dân tộc Khmer. Tuy vậy, nhờ sự nỗ lực cũng như hỗ trợ của cán bộ địa phương hàng tháng trời, nhóm đã vượt qua rào cản ngôn ngữ để triển khai công việc. Vượt ngoài mong đợi, đề tài của nhóm đã hướng dẫn bà con kỹ thuật lấy nước thốt nốt và sử dụng phụ gia an toàn trong chế biến đường thốt nốt, trở thành thương hiệu của địa phương. Vào thời điểm hành tím Sóc Trăng phải giải cứu, nhóm nghiên cứu của nữ giáo sư đã giúp địa phương giải quyết bài toán khó bằng nhiều sản phẩm chế biến từ hành tím ra đời. Theo đó, nghiên cứu đã tận dụng được các hợp chất sinh học quý từ hành tím, đa dạng hóa sản phẩm từ hành tím và tạo thương hiệu đặc sản cho quê hương Sóc Trăng. Trong nhiều năm qua, các nghiên cứu của GS. TS Nguyễn Minh Thủy tập trung vào các hoạt động bảo quản và chế biến đa dạng các sản phẩm từ nguồn nguyên liệu đặc thù ở địa phương như trái sim rừng (Phú Quốc và Măng Đen, Kon Tum), cây mía và các loại quả họ citrus như cam, chanh, quýt, bưởi (Hậu Giang), cây khóm (Kiên Giang và Hậu Giang), thốt nốt (An Giang), chôm chôm (Bến Tre), hành tím và nấm linh chi (Sóc Trăng), trái thanh trà và khoai lang tím (Vĩnh Long), trái gấc (các vùng miền), tỏi (Phan Rang)... Hoạt động trắc nghiệm thị trường về các sản phẩm tiêu thụ và hoạt động thương mại hóa sản phẩm sau nghiên cứu cũng được thực hiện hiệu quả. GS Thủy chia sẻ: “Tôi đã tham gia Dự án Dinh dưỡng cho phụ nữ nông thôn với một tổ chức của Thụy Điển; Dự án hỗ trợ và phát triển vì phụ nữ và trẻ em của tổ chức "Bánh mì thế giới". Với cả 2 dự án này, chúng tôi đã hỗ trợ tích cực cho phụ nữ ở các vùng sâu, vùng xa của ĐBSCL, giúp họ nhận thức được những loại thực phẩm dinh dưỡng hỗ trợ tốt cho bữa ăn gia đình, nâng cao đời sống của đại bộ phận phụ nữ nông thôn, hướng dẫn và giúp họ có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập. Với các đề tài thực hiện trong nước, hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm từ trái sim rừng ở Măng Đen (Kon Tum) đã giúp công ty kinh doanh phát triển, tạo thương hiệu đặc sản của tỉnh và tạo được việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ dân tộc ở Măng Đen, Kon Plông (Kon Tum) khi họ thực hiện công việc hái sim và bán cho các cơ sở sản xuất”. |
Dưới sự dìu dắt của GS Thủy, các sinh viên trẻ hăng say nghiên cứu khoa học. |
Sau gần nửa thế kỷ gắn bó với ngành Công nghệ thực phẩm, nữ giáo sư đã có nhiều đóng góp cho nghiên cứu khoa học. Cô thực hiện 26 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp (quốc tế, tỉnh, cơ sở) và nghiệm thu với nhiều đề tài đạt kết quả xếp loại xuất sắc; nhiều đề tài đã chuyển giao công nghệ; công bố 252 bài báo gồm: 126 bài báo khoa học trong các tạp chí quốc tế có uy tín (ISI, SCOPUS) và kỷ yếu hội nghị quốc tế, 126 bài báo khoa học trong các tạp chí quốc gia và kỷ yếu hội nghị quốc gia. Đáng chú ý, Giáo sư Nguyễn Minh Thủy đạt được thành tích với Giải thưởng “Báo cáo xuất sắc” - Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Đài Loan (Trung Quốc) trao tặng năm 2011; Nhà giáo Ưu tú năm 2014, Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2017; Giải thưởng “100 phụ nữ tự tin tiến bước” năm 2017; Bằng khen Thủ tướng Chính phủ năm 2019... Mới đây nhất là Giải thưởng KOVALEVSKAIA năm 2021. “Hiện tại, tôi vẫn làm việc tại Trường Đại học Cần Thơ dù đã nghỉ hưu. Ở mỗi bậc học (đại học, thạc sĩ và tiến sĩ), tôi luôn đồng hành với sinh viên và học viên trong nghiên cứu khoa học. Tôi hiểu công việc này sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp và hội nhập quốc tế”. GS Nguyễn Minh Thuỷ (giữa) cùng các học trò tại phòng thí nghiệm. Với những kết quả nghiên cứu đạt được, cô Nguyễn Minh Thủy lồng ghép và truyền tải trong các tiết học, giúp sinh viên/học viên có thể tiếp cận các kiến thức mới nhất (phát triển lý thuyết từ thực tiễn), áp dụng hiệu quả vào thực tế. PGS.TS Nguyễn Văn Thành - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Trường Đại học Cần Thơ (nơi GS Nguyễn Minh Thủy đang công tác) nhận định: “Cô Thủy là tấm gương sáng về nghiên cứu khoa học và người truyền lửa cho các em sinh viên, học viên, giúp các em phấn đấu trong chuyên môn, rèn luyện bản thân tốt hơn trong cuộc sống. Hiện nay, các nghiên cứu của cô Thủy tập trung vào nguồn nông sản đặc sản của các địa phương, bảo quản dạng tươi và chế biến đa dạng hóa sản phẩm, giúp địa phương sử dụng nguồn nông sản hiệu quả. Hoạt động này có thể giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương và hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của đất nước”. “Trong cuộc sống, không có gì là dễ dàng, nhất là lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Nếu các sinh viên nhận thức việc học tập và nghiên cứu khoa học là công việc yêu thích thì các em sẽ tìm thấy giá trị trong cuộc sống theo chiều hướng tích cực nhất. Các em cũng cần xác định hướng đi đúng trong việc khởi nghiệp và tạo lập cuộc sống. Khởi nghiệp phải mang lại lợi ích cho cả bản thân và cộng đồng. Luôn thắp lên ngọn lửa đam mê trong công việc và thực hiện công việc mình yêu thích nhất. Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ, cần vượt qua mọi thử thách để khẳng định mình vì mọi nỗ lực và kỳ vọng sẽ luôn được đền đáp xứng đáng”, GS. TS Nguyễn Minh Thủy chia sẻ thông điệp đến các sinh viên hiện nay. |
GS. TS Nguyễn Minh Thủy bên các thành viên nhóm nghiên cứu và những sản phẩm đạt được từ thành quả nghiên cứu khoa học. |
TRẦN LƯU Ảnh: T.L - TR.L Đồ họa: TRƯỜNG SƠN |