Chuẩn bị các phương án để người lao động được làm việc an toàn khi trở lại sản xuất |
Nhiều doanh nghiệp tại TP HCM đang chuẩn bị cho những phương án sản xuất mới. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần thời gian để khởi động và phục hồi kinh tế, các doanh nghiệp chuẩn bị nhân lực, thiết bị, máy móc, yêu cầu sản xuất an toàn. |
Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp các Khu công nghiệp TP HCM (HBA), ít nhất 20.000 lao động làm việc trong các khu công nghiệp rời thành phố về quê. Ngoài ra, có hàng chục nghìn công nhân lao động làm việc ở các Khu chế xuất Linh Trung I, II, Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức), Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân)... nhưng lại thuê trọ, sinh sống ở các khu vực giáp ranh với TP HCM như Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Đa số công nhân, lao động này không thể đi lại được do các địa phương vẫn áp dụng giãn cách xã hội để phòng dịch. Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch HBA cho rằng, những doanh nghiệp sử dụng đông lao động tại thành phố hiện nay sẽ đối mặt nguy cơ thiếu hụt cao trong thời gian tới để phục hồi kinh tế. |
Khoảng cách làm việc giữa người lao động cách nhau 2 mét |
Ngay từ giữa tháng 7/2021, TP HCM đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất bằng cách áp dụng phương án “3 tại chỗ”; sau đó là “1 cung đường 2 điểm đến". Tuy nhiên, tại nhiều doanh nghiệp thực hiện các phương án này đều thiếu hụt một lượng lớn người lao động. Các đơn hàng thì nhiều mà không có đủ công nhân lao động để sản xuất. Công ty TNHH Nidec Việt Nam (Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức) trước dịch có khoảng 6.000 công nhân lao động làm việc. Sau khi dịch bệnh bùng phát cuối tháng 5 đến nay, công ty áp dụng phương án “3 tại chỗ”; sau đó là “1 cung đường 2 điểm đến". Hiện nay, toàn công ty chỉ có 2000 công nhân lao động làm việc. Trong đó có 500 công nhân lao động thực hiện “3 tại chỗ”; 1500 công nhân lao động thực hiện "1 cung đường, 2 điểm đến". |
Người lao động vào công ty thực hiện "3 tại chỗ" buộc phải có giấy xét nghiệm Covid -19 âm tính |
Ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Nidec Việt Nam cho biết, hiện nay công ty huy động nhân sự rất khó khăn. Toàn công ty có khoảng 500 công nhân ngụ ở tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương không đi lại được vì dịch bệnh, số khác đã về quê hoặc bị "kẹt" trong các khu phong tỏa. "Toàn công ty có lên kế hoạch sản xuất sắp tới nhưng vẫn chưa đủ lao động, các đơn hàng thiếu người làm. Chúng tôi đang tuyển lao động, có khoảng hơn 400 công nhân lao động đang ở khách sạn chờ làm thủ tục, xét nghiệm Covid -19 để vào sản xuất”, ông Hồng cho hay. Công ty TNHH Nidec Việt Nam đang đẩy mạnh tuyển dụng, đưa ra nhiều phúc lợi cho công nhân như bao toàn bộ chi phí xét nghiệm Covid-19, ăn ở tại khách sạn, trong thời gian nghỉ chờ việc được nhận 70% lương, ngoài ra mỗi ngày còn được trợ cấp 140.000 đồng… Bên cạnh đó, ông Hồng cũng cho biết người lao động của công ty phải ngừng việc vì dịch bệnh, nằm trong khu phong tỏa sẽ được hưởng 70% lương. |
Về việc mở cửa trở lại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP HCM) ông Hoàng Minh Tuấn Anh, Chủ tịch UBND quận 7 cho biết, dựa trên 5 tiêu chí cơ bản của TP HCM đưa ra, quận cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh. Khu chế xuất Tân Thuận cũng giống như các khu công nghiệp, khu chế xuất khác trên địa bàn TP HCM. Để có thể hoạt động trở lại, cần có đánh giá lại mức độ kiểm soát dịch ở trong khu ra sao. TP HCM sẽ cho mở lại từ từ những khu nào đảm bảo được điều kiện hoạt động “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 điểm đến". “Hiện nay toàn Khu chế xuất Tân Thuận có hơn 52.000 công nhân/70.000 công nhân được tiêm vắc xin mũi 1. Quận 7 cũng đã tiến hành tiêm khoảng 9000 mũi vắc xin thứ 2 cho công nhân đang thực hiện “3 tại chỗ”. Tiêm vắc xin mũi 2 cũng là điều kiện quan trọng để Khu chế xuất Tân Thuận được hoạt động trở lại. Nhưng bên cạnh đó thành phố vẫn phải đánh giá những tiêu chí khác mới có thể quyết định được”, ông Tuấn Anh, cho biết. |
Hiện nay, TP HCM có hơn 1,2 triệu công nhân lao động làm việc ở các nhà máy. Riêng 17 khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao có hơn 320.000 công nhân lao động. Khi đợt dịch thứ 4 bùng phát từ cuối tháng 4/2021, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, dừng hoạt động. Tính đến ngày 1/9, toàn thành phố có hơn 10.600 doanh nghiệp vừa cách ly vừa sản xuất với số lượng là gần 14.000 lao động. Ngoài ra, một số lượng công nhân rất lớn phải tạm nghỉ việc, giảm thu nhập, đời sống khó khăn, nhiều người buộc phải về quê. Ông Trần Đoàn Trung - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP HCM cho biết, dịch bệnh đang ảnh hưởng rất lớn đến người lao động và doanh nghiệp. Cán bộ công đoàn thành phố luôn cố gắng để hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp nhất là trong thời gian dịch bệnh. “Giai đoạn khôi phục sản xuất của công ty rơi vào cuối năm nên LĐLĐ TP HCM phải làm việc cụ thể với các ban, ngành, hiệp hội doanh nghiệp để tính toán chính sách cho người lao động. Vì khi quay lại sản xuất là tín hiệu đáng mừng nhưng thực hiện chính sách về lao động, quan hệ lao động trong giai đoạn này cũng có nhiều phức tạp…”, ông Trung nói. |
Mục tiêu tiêm xong vắc xin mũi 1 cho người dân trên 18 tuổi tại TP.HCM đến ngày 15/9
Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại TP.HCM, địa phương này đang đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin cho người dân, công ... |
"Rã băng” cho TP HCM
TP HCM, trung tâm kinh tế lớn nhất nước và luôn chiếm khoảng 25% GDP của quốc gia giãn cách nghiêm ngặt thế này thêm ... |
Xét nghiệm Covid -19 diện rộng cho người dân tại TP HCM
Hiện nay, TP HCM có kế hoạch tổng lực xét nghiệm Covid-19 áp dụng từ 23/8 đến 6/9 trên toàn thành phố. |